Thy Nga, phóng viên đài RFA
21.5.2006
Nhạc điệu Tango quý vị đang nghe Duy Trác trình bày, là bài “Đẹp giấc mơ hoa” Hoàng Trọng soạn nhạc, với lời ca của Thanh Nam …
Trong làng âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Hoàng Trọng được mệnh danh là “Vua Tango” do viết nhiều về nhịp điệu này và có nhiều bài Tango nổi tiếng. Hoàng Trọng đã lìa trần năm 1998 nhưng tới nay, ngôi vị ấy vẫn thuộc về ông.
“Mộng ban đầu” … Ngọc Hạ đang hát gửi đến quý thính giả, là nhạc bản Hoàng Trọng viết với lời của Hồ đình Phương.
Hoàng Trọng chào đời vào năm 1922 tại Hải Dương, lên 11 tuổi đã bắt đầu học hỏi về nhạc. Ngoài nỗi đam mê và năng khiếu về âm nhạc, Hoàng Trọng còn có tài tổ chức ban ca nhạc. Lên 15, đã thành lập ban nhạc gồm các anh em trong gia đình, cùng với các bạn như Đan Thọ, Đặng Thế Phong, Bùi Công Kỳ, Tạ Phước, … Và sáng tác đầu tay khi vừa 16 tuổi với nhạc bản “Đêm trăng“.
Đến năm 1945, ban nhạc ấy lấy tên là “Thiên thai” theo với tên phòng trà mà ông mở tại Nam Định.
Cuối năm 1946, chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ, phải tản cư khỏi Nam Định, qua Phủ Nho Quan rồi Phát Diệm, Hoàng Trọng ghi lại thời chinh chiến đó qua nhạc bản “Phút chia ly“, bài Tango nổi tiếng nhất của ông.
Mời quý vị nghe đoạn thâu tiếng của chính nhạc sĩ Hoàng Trọng giới thiệu bài “Phút chia ly“. (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
“Phút chia ly” do Thu Tâm trình bày …Là ca sĩ và nhạc sĩ Violon tham gia “Tiếng tơ đồng”, Thu Tâm sau này trở nên người bạn lòng của Hoàng Trọng. Các nhạc bản của ông bắt đầu được phổ biến qua làn sóng phát thanh.
Hồi còn ở Nam Định, vào năm 1940 nhạc sĩ Hoàng Trọng đã mở lớp dạy đàn. Với kinh nghiệm ấy, khi lên Hà Nội, ông biên soạn quyển “Tự học Hạ Uy cầm“. Ngoài ngón đàn này, các nhạc cụ mà ông xử dụng là Saxophone, Violon, sáo, và ông liên tục soạn hòa âm.
Hoàng Trọng đoạt giải thưởng Âm nhạc Bắc Việt 1952 với nhạc bản “Buồn nhớ quê hương“. Năm sau đó thì bài “Nhạc sầu tương tư” đưa tên tuổi Hoàng Trọng âm vang khắp nơi.
“Nhạc sầu tương tư” Lam Trường hát …
Qua năm 1954, ông soạn nhạc bản “Dừng bước giang hồ” với lời của Quang Khải. Đây là bài mà ta có thể gọi là tiêu biểu cho nhạc điệu Pasodoble của Việt Nam.
“Khóc biệt kinh kỳ” di cư vào Nam năm 54, Hoàng Trọng viết “Trăng sầu viễn xứ” và “Chiều xưa tưởng nhớ” ghi lại nỗi niềm xa quê.
Mời quý vị thưởng thức bài “Ngàn thu áo tím” qua tiếng hát “vượt thời gian” của Thái Thanh. Nhạc bản này (lời ca của Vĩnh Phúc) được coi là bài hay nhất của Hoàng Trọng về điệu Valse:
“Ngàn thu áo tím” … Hoàng Trọng để lại cho đời, khoảng 200 nhạc bản gồm nhiều thể điệu mà nổi nhất là Tango. Về lời, ông chỉ viết lối chừng bốn mươi bài, còn là lời do các bạn nghệ sĩ như Hồ đình Phương, Vĩnh Phúc, Quang Khải, Nguyễn Túc, Hoàng Dương, … đặt. Nhạc tình của Hoàng Trọng hay nói đến trăng sao, lẫn trong nỗi xót xa bởi tan vỡ tình yêu, và như nhạc sĩ Anh Việt cảm nghĩ thì “Hoàng Trọng miên man đi trong cơn mê dài, ve vuốt, nâng niu thú đau thương đó.”
Nhạc quê hương thì nổi tiếng là bài “Bên bờ đại dương”, và bài “Người đi chưa về” mà nhiều người còn nhớ qua giọng hát Lệ Thanh. Hoàng Trọng cũng sáng tác một số ca khúc cho thanh thiếu niên.
Có chi tiết đặc biệt mà Thy Nga muốn chia sẻ cùng quý thính giả, là nhạc sĩ Hoàng Trọng yêu nhạc tới nỗi đặt tên các con theo nốt nhạc: Hoàng Nhạc “Do”, Hoàng Cung “Fa”, Hoàng Bạch “La”, Hoàng Lê Thiên “Ut” và Hoàng Lê Kim “Mi”. Đến đây, Bạch La gửi đến quý thính giả ca khúc “Gió mùa Xuân tới“:
“Gió mùa Xuân tới” …
Ở miền Nam, Hoàng Trọng bắt tay vào việc thành lập các ban nhạc trình diễn trên đài phát thanh Saigòn, đài Quân Đội, đài “Tiếng nói tự do”, và đài Truyền hình Việt Nam. Đó là các “Ban Hoàng Trọng”, “Tây hồ”, “Đất nước mến yêu” và nhất là từ năm 1967, ban đại hòa tấu và hợp xướng “Tiếng tơ đồng” trình bày những nhạc phẩm giá trị trên đài truyền hình, đã tạo danh tiếng cho người nhạc sĩ này.
Sau biến động Mậu Thân, ngành điện ảnh Việt Nam bỗng dưng hoạt động mạnh mẽ. Hoàng Trọng được mời viết nhạc cho tổng cộng là 16 cuốn phim mà đậm nét là bài “Người tình không chân dung” quý vị chắc nhiều người chưa thể quên. Với nhạc cho phim truyện “Triệu phú bất đắc dĩ” thì Hoàng Trọng chiếm giải thưởng Văn học Nghệ thuật 1972-73.
Những ban nhạc do Hoàng Trọng điều khiển, trình diễn cho tới khi xảy ra biến động năm 75. Trong thời gian bị kẹt lại, ông chỉ viết thánh ca, và vài ca khúc cho gia đình. Bài “Chiều rơi đó em” để tặng Thu Tâm, người bạn nghệ sĩ mà sau đó, trở nên bạn đời của ông:
“Chiều rơi đó em” do chính Thu Tâm trình bày …
Năm 92, Hoàng Trọng cùng Thu Tâm và hai con nhỏ sang Hoa Kỳ định cư. Ông cộng tác một thời gian với đài “Mẹ Việt Nam” trong chương trình nhạc tiền chiến, và chỉ sáng tác 3 nhạc bản trên đất Mỹ.
Ca khúc “Chiều rơi đó em” kết thúc chương trình tưởng nhớ nhạc sĩ Hoàng Trọng …
Thy Nga xin chào tạm biệt quý thính giả.
Thy Nga
Nguồn: http://www.rfa.org
Hoàng Trọng
Mộng Ban Đầu phải do Khánh Ly hát trong tape Những Tình Khúc Tango (Tiếng Tơ Đồng 3) mới thấy hết nét dịu dàng đằm thắm của người thôn nữ và nhất là hòa âm của Hoàng Trong thì ăn đứt cho dù là bài này đã đươc Kl trình bày gần nửa thế kỷ!