Yến Anh
23.11.2001
Riêng tư: Vàng phai mấy lá, là nhạc phẩm ông viết tặng Thanh Hằng, cô ca sĩ nổi tiếng tại rạp Đại Đồng thuở những năm 50. Khi ông tặng Vàng phai mấy lá cho ca sĩ, nàng đã xé. Nhạc phẩm này, sau đó, ông còn đặt một tên khác là Bài ca bị xé, rồi cuối cùng, ông lại đổi thành Vĩnh biệt. Vĩnh biệt với tiếng hát Ánh Tuyết (ATB) là ca khúc đã đưa ông lịm dần vào cõi vĩnh hằng ngây 15-11-2001 vừa qua.
Chỉ 16 ca khúc, Đoàn Chuẩn đã đi vào đời sống âm nhạc VN như là một nhạc sĩ viết về tình yêu say đắm nhất
Sinh tại Hải Phòng, đảo Cát Hải, Đoàn Chuẩn – con trai ông chủ hãng nước mắm Vạn Vân – từ nhỏ đã nổi tiếng lãng mạn, đa tình. Con nhà giàu, kể cả những ngày đầy vất vả và khó khăn, Đoàn Chuẩn vẫn tạo cho mình một cuộc sống phong lưu đầy màu sắc. Cho đến tận cuối đời, ông dường như không còn gì để tiếc.
Ước mơ một “đêm Đoàn Chuẩn”
Mơ ước thăm con cái và bạn bè lần cuối đã được ông thực hiện trong chuyến đi Canada năm 1990. Ba tháng ở Canada là ba tháng ông tri ân bạn xưa, những người từng gắn bó với ông cùng những ca khúc một thời vang bóng, đặc biệt là Khánh Ly. Cũng ba tháng ấy, ông miệt mài chép lại những nhạc phẩm của mình trên những khuông nhạc tự kẻ, bằng nét chữ nghiêng, bay bướm đã vận vào cả đời ông. Chỉ đến những năm sau này, khi ca khúc của ông được Cẩm Vân, Bảo Yến, Lê Dung và gần đây là Ánh Tuyết hát lại khá nhiều trên sân khấu, Đoàn Chuẩn mới bày tỏ mong muốn cháy bỏng của mình là tổ chức một đêm nhạc Đoàn Chuẩn tại TPHCM, nhưng ước mơ đó ông chưa thực hiện được.
Suốt từ năm 1957, lui về với gia đình, Đoàn Chuẩn có thói quen uống cà phê ở Cửa Nam. Cái quán nhỏ này giúp ông có thêm những người bạn hoàn toàn không phải văn nghệ sĩ. Âm nhạc là niềm đam mê cả đời của ông, nhưng âm nhạc cũng để lại cho ông những khoảng buồn trong lòng đôi khi không nói ra được. Có Từ Linh, ông sống một cuộc sống khác. Những chiều cả hai ngồi với nhau không cần nói câu gì. Hàng chục năm đủ để đôi bạn Bá Nha – Tử Kỳ này hiểu nhau đến độ chỉ nhìn cũng biết những gì người kia muốn nói. Từ ngày Từ Linh mất, cuộc sống của Đoàn Chuẩn thu hẹp trong căn phòng tầng hai. Ông tìm niềm vui trong tiếng đàn, hoặc là những cuộc trò chuyện không đụng chạm ai.
Từng bóng giai nhân
Kháng chiến, ông vào khu Bốn công tác, bà lên đường tản cư trên Việt Bắc. Đường về Việt Bắc (1948) là nhạc phẩm thứ hai của ông, cũng là nhạc phẩm duy nhất ông tặng vợ. Bà biết điều ấy, và bà chấp nhận yêu một nghệ sĩ đa tình. Gần sáu chục năm chung sống với sáu mặt con, chưa ai thấy bà ghen với ông, hay ít ra là tỏ thái độ như thế. Lúc nào bà cũng nhẹ nhàng, kể cả khi những câu chuyện tình của ông vỡ lở. Bà biết, nhưng im lặng. Bởi bà hiểu tính ông, không yêu không chịu được. Khi chép lại một số tác phẩm của mình ông ghi lại những kỷ niệm chỉ riêng mình ông biết, thấp thoáng bóng giai nhân: “Viết tại hàng cà phê T.H nơi C.T và Đ.C đều chết mệt vì cô hàng…” (Tình nghệ sĩ), hay “Để nhớ một kỷ niệm với V.P và M.L. Em ơi, lá có rơi ngoài muôn ngả. Thì chung quy cũng về đất thân yêu. Anh phong sương mưa nắng đã hoen nhiều. Đời nhạc sĩ có vui gì đâu em hỡi. Anh ra đi em cũng đừng chờ đợi. Mai anh về, kia nữa hoặc chẳng bao giờ” (Chuyển bến). Hoặc “Viết tại 63 Lý Thường Kiệt và 46 Hàng Cót, Hà Nội (rạp Đại Đồng) cuối năm 1954, bước sang năm 1955. Không sao kìm nổi sự xúc động và nhớ vô cùng” (Lá đổ muôn chiều).
Khi mất Từ Linh
Từ Linh mất, Đoàn Chuẩn như mất đi một phần cuộc sống, một chỗ dựa, mất đi cái cảm giác thân thương vốn có của mình. Toàn bộ 16 ca khúc của mình, ông đều đề tên chung Đoàn Chuẩn – Từ Linh trong phần tác giả. Từ Linh là người đã sống, đã khen và đã sửa từng lời trong các ca khúc của ông. Văn mình, vợ người, một mình Đoàn Chuẩn không thể viết nên những ca từ tuyệt vời như thế. Bởi cái gì của ông, với ông cũng nhất, cũng không ai theo kịp. Đoàn Chuẩn rất nóng tính, ông hầu như không nghe ai, trừ Từ Linh. Cả đời ông cũng rất ít khen ngợi tác phẩm của người khác, ngoài ca khúc Em đến thăm anh một chiều mưa của Tô Vũ. Từ Linh là tri kỷ, ông chỉ biết lắng nghe người tri kỷ. Ở những tác phẩm “viết thêm” sau này, khi không còn Từ Linh, không còn hồn tri kỷ như: Một cánh pensée, Phấn son, Màu nắng có bao giờ phai đâu đã không còn sắc màu Đoàn Chuẩn, bởi không còn dấu ấn Từ Linh. Khi đạo diễn Đinh Anh Dũng làm Gửi gió cho mây ngàn bay, hễ mở băng ra là ông khóc, thương bạn, thương mình.
Sợ cuộc sống hư danh
Những năm cuối đời, Đoàn Chuẩn sống rất lặng lẽ. Chính xác hơn, ông sợ mọi sự ồn ào xung quanh mình. Nói về mình, ông ngại. Trở về Hà Nội sau chuyến biểu diễn tại TPHCM năm 1983, ông giấu kín tất cả về cuốn lưu bút bạn bè viết cho mình. Đi đâu Đoàn Chuẩn cũng mang theo chiếc cặp, như một bảo vật cần giấu kín. Tận những năm ông ốm, con trai ông mới biết về cuốn lưu bút này. Đoàn Chuẩn bảo nếu người ta biết những gì người ta viết cho cha đăng lên báo thì còn mặt mũi nào mà nhìn bạn bè nữa. Tuổi này không cần hư danh, mà cha cũng không thích hư danh…
Giờ ông đã ra đi. Chắc chắn rằng tên tuổi của ông còn lưu danh bởi những tình khúc bất hủ làm lay động mọi con tim…
Yến Anh
Theo NLĐ