Đoàn Chuẩn – đã mười năm xa

Nguyễn Thuỵ Kha
22.1.2011

Hoặc cùng lắm, cũng chỉ là ý nghĩ có lẽ ông đang du ngoạn tại Canada cùng các con trai Đoàn Chính, Đoàn Châu. Ông sẽ về Hà Nội sớm thôi, về và lại một bình minh nào đó, đến gõ cửa căn gác 60 Hàng Bông nhà tôi, rủ ra cà phê Nhân hàn huyên. Vậy mà đã mười năm xa.

Vẫn còn nguyên cái kỷ niệm ban đầu của mùa xuân cách đây 25 năm trước. Xuân ấy, sau khi đến chúc Tết Văn Cao, ông nói: “Sau đây mình đến chơi với Đoàn Chuẩn nhé. Ông bạn già này cũng là một cây rượu đấy”. Khi Văn Cao và tôi đến căn nhà số 9 Cao Bá Quát thì đã thấy Đoàn Chuẩn và ca sĩ tài tử Ngọc Bảo. Lúc ấy, tôi mới biết Đoàn Chuẩn quê ở đảo Cát Hải – Hải Phòng. Lại thêm một người đồng hương, một người anh, một người bạn vong niên chân thành. Chàng công tử con nhà nước mắm Vạn Vân đã từ đất Cảng lên Kinh Kỳ cùng cây guitar Hawaii réo rắt vào đầu thanh xuân. Và từ đó, Hà Nội có Đoàn Chuẩn. Câu chuyện cứ thế rôm rả trong mùa xuân cuối cùng của thời bao cấp. Giản dị và lãng mạn. Ngọc Bảo cao hứng hát “Thiên thai“: “Chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian / Có một mùa đào ròng ngày tháng chưa tàn phai một lần“. Đoàn Chuẩn lắng nghe cùng Văn Cao rồi cười hiền lành: “Chịu thôi. Ông Văn này tài quá”. Nói rồi, Đoàn Chuẩn ngồi vào ghế trước cây guitar Hawaii thân thuộc. Thế là những luyến vuốt, những nhấn nhá luồn theo giọng hát Ngọc Bảo tài tử và đào hoa.

Chưa dừng, Ngọc Bảo chuyển sang “Gửi người em gái miền Nam“: “Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng/ Rừng đào phong kín cánh mong manh hé hoa lòng / Hà Nội chờ đón Tết hoa chen người đi liễu rủ mà chi / Đêm tân xuân hồ Gươm như say mê / Chuông reo ngân Ngọc Sơn sao uy nghi...”. Đến lượt Văn Cao thủng thẳng vuốt râu, nhắp chén rượu: “Chuẩn cũng thật đa tình”. Đoàn Chuẩn mắt nhìn xa xăm: “Vậy mà đã ba mươi năm trôi qua. Ngày ấy, sau khi Ngọc Bảo hát bài này trên Đài Phát thanh, bị “đánh”, thế là mình dừng hẳn viết”. Văn Cao đáp lại: “Lúc ấy, mình in bài thơ “Anh có nghe chăng” trên Giai phẩm Mùa xuân, cũng bị kiểm điểm te tua, nhưng mình vẫn viết xong trường ca “Những người trên cửa biển“. Một thoáng im lặng. Một thoáng ngậm ngùi. Chợt Ngọc Bảo nói to: “Thôi buồn làm chi, coi như ba mươi năm ngưng sống. Nào cạn chén”.

Từ sau lần sơ ngộ đó, tôi thường xuyên đến với Đoàn Chuẩn. Dần dà, những câu chuyện để viết ra những tình khúc Đoàn Chuẩn đã được ông kể cùng tôi. Có lẽ ít có nhạc sĩ nào rung lên được những cung bậc mùa thu Hà Nội bằng Đoàn Chuẩn. Từ những tình khúc đầu tiên trên đường kháng chiến như “Tình nghệ sĩ”, “Đường về Việt Bắc“, “Ánh trăng mùa thu“, Đoàn Chuẩn đã có một loạt những tình khúc mùa thu Hà Nội khi khởi sắc trong sáng tạo vào thập kỷ 50 thế kỷ trước. Mùa thu Hà Nội, cứ thế từng sắc độ, từng huyền ảo đã ngân nga trong âm nhạc Đoàn Chuẩn. Mùa thu Hà Nội luân chuyển trong âm nhạc từ chớm thu heo may đến thu tàn se lạnh. So với “Buồn tàn thu” và “Thu cô liêu” Văn Cao mang ám ảnh Đường thi, mùa thu Hà Nội trong Đoàn Chuẩn có vẻ mới mẻ hơn, trẻ trung hơn.

Thời đổi mới, mở cửa ập đến. Từ mùa xuân 1988, hết đêm nhạc Văn Cao đến đêm nhạc Huy Du, hết những đêm ca khúc trữ tình đến đêm nhạc “Đoàn Chuẩn 65 mùa lá đổ”. Đoàn Chuẩn như hồi xuân. Dường như ngày nào, trong không khí ấy, chúng tôi thường gặp nhau. Trong tâm trạng hồi xuân ấy, Đoàn Chuẩn phổ bài “Khuôn mặt em” thơ của Văn Cao: “Em được đầu tiên và còn lại cuối cùng”. Lúc đó, có ngày say khướt cùng Văn Cao, có ngày đang đi lại gặp Trần Dần chống gậy bên đường. Lại kéo vào quán. Lại cạn chén. Những ca sĩ trẻ lần đầu tiếp xúc với âm nhạc Đoàn Chuẩn như Quỳnh Hoa, Minh Thuý đã ngay lập tức ngây ngất trong hương một ong của giai điệu. Họ lại làm cho tình khúc của ông hồi xuân như ông. Quỳnh Hoa thì da diết trong “Chuyển bến“. Còn Minh Thuý thì tha thiết trong “Lá thư“. Sau “Đoàn Chuẩn 65 mùa lá đổ”, Khắc Huề mở ra những đêm “Ca khúc trữ tình” tại 51 Trần Hưng Đạo – Hà Nội. Dường như đêm nào âm nhạc Đoàn Chuẩn cũng vang lên đâu đó ở Hà Nội. Nhà hát Tuổi trẻ cũng có bao chương trình nhạc tiền chiến, nhạc lãng mạn. Chương trình nào cũng có tình khúc Đoàn Chuẩn. Cũng có những tri âm từ Đoàn Chuẩn với Toán “Xồm”, Lộc “Vàng”. Những người đã quá yêu nhạc lãng mạn và tình khúc Đoàn Chuẩn mà đã phải “trả giá” trong một thời…

Những năm cuối đời, Đoàn Chuẩn khó nói sau một cơn huyết áp hiểm nghèo. Mỗi lần đến thăm ông đều thấy trong đáy sâu mắt ông một nỗi niềm khó tả. Mùa xuân năm 2000, lần đầu tiên Phạm Duy trở về nước sau 25 năm xa xứ. Hai người bạn già lặng lẽ ngồi bên nhau. Họ hình như rất ít nói. Lúc ấy, tôi bắt đầu nói “Cà phê Z ca nhạc” ở 17 Tông Đản mời ca sĩ tài tử Lộc “Vàng” đến hát tình khúc Đoàn Chuẩn. Cũng như Đoàn Chuẩn sau nhiều năm im lặng, Lộc “Vàng” đã trút hết tâm tư, trắc ẩn vào giọng hát của mình. Đoàn Chuẩn không đến được nhưng các con trai ông Đoàn Đính, Đoàn Liêm thường xuyên đến rồi về kể cho ông nghe từng đêm diễn. Đoàn Chuẩn cứ thế, như trôi trên giai điệu của mình vào cõi xa xăm ngày 15/11/2001. Ngày ấy, chính là ngày sinh nhật của Văn Cao (15/11/1923). Đời tôi sau khi được vinh dự viết điếu văn cho Văn Cao năm 1995, lại tiếp tục được vinh dự viết điếu văn cho Đoàn Chuẩn. Ngày đưa ông về với đất, tôi lại cùng anh em nghệ sĩ Hà Nội về Hải Phòng làm chương trình “55 Hải Phòng kháng chiến”. Trong đêm diễn cảm động ấy, ca sĩ Lâm Phương đã tưởng nhớ Đoàn Chuẩn bằng một tình khúc của ông.

Bây giờ đã mười năm xa. Nhưng tình khúc Đoàn Chuẩn vẫn vang lên ngày ngày trên khắp đất nước và cả những nơi người Việt xa xứ. Và còn vang mãi mãi.

Cho đến xuân này, tôi vẫn chưa hề có cảm giác là đã thực xa Đoàn Chuẩn. Cái ý nghĩ rằng ông vẫn đang ngồi hút điếu thuốc lá “Thăng Long”, thỉnh thoảng lại nhấp một ngụm cà phê đen nóng buổi sớm tại căn nhà số 9 Cao Bá Quát, Hà Nội để chờ tôi đến đàm đạo một câu chuyện mới về âm nhạc, để chờ bà Xuyên mang về một đĩa bánh cuốn Thanh Trì cùng mấy khổ chả quế thơm phức, rồi cứ thế cùng tôi vừa gắp bánh cuốn, nhấm nháp cùng một chén rượu quê trong vắt làng Vân, hình như vẫn chưa hề phai mờ.

Nguyễn Thuỵ Kha

Theo Lao Động
  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây