Những mối tình trong nhạc Đoàn Chuẩn

Nguyễn Tuấn Hoàng
23.5.2011

Ông Bà Đoàn Chuẩn

Trong cuộc hội thoại mói đậy với chị Kim Chi, người bạn đời của nhạc sĩ Tạ Đắc, chúng tôi có hân hạnh được biết thêm một số chi tiết về người nhạc sĩ tài hoa Đoàn Chuẩn.Chúng tôi xin tóm tắt cuộc hội thoại trong bài viết dưới đây.Qúy vị có thể lắng nghe cuộc hội thoại với chị Kim Chi sẽ được phát thanh lại trên đài Thời Báo Radio vào ngày thứ ba 28 tháng 6 năm 2011 lúc 8 giờ tối.

Hỏi (H): Chị biết nhạc sĩ Đoàn Chuẩn trong trường hợp nào?

Chị Kim Chi (CKC): Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và nhà tôi là nhạc sĩ Tạ Đắc, đã có những hoạt động văn nghệ chung, cùng dạy tại trường âm nhạc Hà Nội. Nhà của chúng tôi chỉ cách nhà của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn chừng 200 mét, cho nên vẫn có những chạy đi chạy lại. Chị Đoàn Chuẩn cũng như các con cũng là những thân thiết với gia đình chúng tôi.

H: Tại Hà Nội ngày xưa có câu phong dao “dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét” kể cả các món ăn vật lạ ở đất Hà thành, và tương truyền là câu phong dao này có liên quan đến nhạc sĩ Đoàn Chuẩn?

CKC: Đúng như vậy.Trong những món ngon vật lạ thời đó, người ta phải kể đến nước mắm Vạn Vân của gia đình của Đoàn Chuẩn. Không những làm chủ hang nước mắm, gia đình của thân phụ nhạc sĩ Đoàn Chuẩn là một gia đình giầu có ở Hà Nội thời đó. Tuy nhiên có một điều ít ai biết là tuy sinh ra trong nôi nước mắm, nhưng nhạc sĩ Đoàn Chuẩn lại không biết ăn nước mắm, mà lại ăn nước tương hay xì dầu.

H: Người ta thường nói, mỗi bài hát của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, đều có ẩn hiện đâu đó hình ảnh của một cuộc tình.Thưa chị, điều này chị nghĩ có đúng không?

CKC: Vâng theo tôi biết thì trong phần lớn các bài hát của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, đều ẩn hiện đâu đó một cuộc tình hay những hình ảnh của những người trong mộng. Như bài hát mà ông sang tác vào năm 1947 là bài “Tình Nghệ Sĩ”.Vào thời đó trong thời kỳ toàn dân kháng chiến chống Pháp, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cũng vác đàn tham dự kháng chiến ở Thanh Hóa.Tại đây có một quán cà phê có tên là Thanh Hương mà nhạc sĩ Đoàn Chuẩn ngày nào cũng ra uống cà phê si tình. Ông đã sang tác ra bài hát “Tình Nghệ Sĩ” với câu đầu như sau “Đây quán Thanh Hương, mây Thu vàng ấm“.Sau này thì ông mới đổi lại là “Đây khách ly hương, mây thu vàng ấm“.

Những bài hát như “Lá Đổ Muôn Chiều“, ‘Tà Áo Xanh” , “Gửi người em gái miền Nam” có liên quan của người nhạc sĩ với một ca sĩ nổi tiếng một thời. Người ca sĩ này từng đậu thủ khoa trong một cuộc thi của đài Pháp Á.

Chỉ có một bài hát duy nhất mà ông dành cho vợ con là bài “Đường về Việt Bắc” vào năm 1948, khi gia đình vợ con của ông đã phải di tản về Việt Bắc.

H: Các tác phẩm của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đều là những tác phẩm để đời, làm rung động người nghe. Hình như sau này, ông còn sáng tác them một số các bản nhạc khác?

CKC: Cho đến năm 1957, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã sang tác được 12 ca khúc.Bắt đầu từ năm 1958, chính quyền miền Bắc cấm phổ biến nhạc vàng, và nhạc của anh Đoàn Chuẩn cũng bị liệt vào loại nhạc vàng và bị cấm hát. Mãi cho đến 30 năm sau vào năm 1987, khi có phong trào Đổi Mới, nhà cầm quyền Hà Nội mới bỏi lệnh cấm đó.Thời gian sau này, anh Đoàn Chuẩn còn làm thêm 6 bài hát nữa.

H: Cuộc sống của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn trong những năm mà các tác phẩm bị cấm phổ biến?

CKC: Như mọi người cũng biết là trong thời kỳ gọi là “cải tạo tư sản”, các tài sản của các công ty tư nhân, nhà cửa, ruộng vườn của chủ nhân cũng như các cơ sở thương mại đều bị chính quyền Hà Nội “tiếp quản”. Hang nước mắm “Vạn Vân” của gia đình anh Đoàn Chuẩn cũng không là một ngoại lệ. Những chuyện tiếp thu tư sản thì những người Miền Nam sau năm 1975 cũng đều đã biết.Trong thời gian 20 năm, anh Đoàn Chuẩn đã sống bằng nghể dạy đàn trong trường âm nhạc Hà Nội.

H: Thời gian 20 năm đó, không biết nhạc sĩ Đoàn Chuẩn còn vương vấn đến những mối tình khác?

CKC: Trong thời điểm xã hội có nhiều thay đổi, khi nền kinh tế khó khăn, thì chúng tôi cũng sống gần nhà anh Đoàn Chuẩn và theo nhận xét của tôi thì anh đã không còn mối tình nào trong thời gian này.

H: Trong sáu bài hát sau này, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã viết về những gì?

CKC: Anh Đoàn Chuẩn viết về những mối tình đã qua, nhất là về mối tình với cô ca sĩ Pháp Á

H: Những kỷ niệm nào đáng nhớ giữa anh chị và nhạc sĩ Đoàn Chuẩn?

CKC: Kỷ niệm giữa chúng tôi với gia đình anh Đoàn Chuẩn thì có nhiều lắm. Nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất là vào ngày cưới của chúng tôi tháng Hai năm 1958, ca sĩ Ngọc Bảo đã trình bầy bài hát “Gửi người em gái Miền Nam” lần đầu tiên, với những dòng nhạc viết tay của chính nhạc sĩ Đoàn Chuẩn.

H: Hình như phần lớn các bài hát của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đều làm trong mùa Thu?

CKC: Chúng tôi cũng nghĩ như thế! Hình ảnh những mùa Thu Hà Nội có thể là những cảm xúc giúp anh Đoàn Chuần sáng tác những bản nhạc tuyệt diệu về Thu. Ngay cả bài hát làm cho vợ con, ông cũng nhắc đến những “tà áo tím”. Riêng một bài duy nhất ông đã làm trong mùa Xuân là bài “Gửi người em gái Miền Nam” thì ông đã làm vào mùa Xuân, vì đây là thời gian cô ca sĩ “Pháp Á” đi lấy chồng.

H: Chị đã sống qua những mùa Thu ở Hà Nội và ở Canada, chị có thấy những khác biệt giữa hai mùa Thu?

CKC: Mùa Thu Hà Nội đẹp, nhưng buồn. Rặng liễu quanh Hồ Hoàn Kiếm rủ bóng trong mùa Thu, những lá thu lìa cành đã khô héo gây cho người ta nỗi buồn. Trong khi mùa thu ở Canada quá đẹp, với rừng Thu hài hòa nhiều mầu sắc. ngay cả những chiếc lá thu lìa cành vẫn còn màu óng vàng.Chúng tôi ở Canada đã gần 30 năm mà năm nào khi mùa Thu đến, cũng tìm cách ghi lại một số hình ảnh về mùa Thu.

H: Trong tất cả các bản nhạc của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đều có ký thêm tên Từ Linh. Hình như đây là một người bạn cùng làm nhạc chung với nhạc sĩ?

CKC: Anh Từ Linh nhỏ tuổi hơn, nhưng là một người bạn rất thân của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Mối tình bạn của hai người keo sơn gắn bó.Ngay cả sau này khi anh Từ Linh đã qua đời, những bản nhạc anh Đoàn Chuẩn sang tác sau đó, vẫn đề tên chung với anh Từ Linh.

Nguyễn Tuấn Hoàng thực hiện

Nguồn: http://www.thoibao.com

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây