Đoàn Chuẩn – Gắng sống đến giọt thu cuối cùng

Vân Long
4.11.2007


Trong đêm Chương trình âm nhạc 4/11 vừa qua, giáo sư Dương Viết Á nhận xét: “Đoàn Chuẩn là nhạc sĩ cuối cùng của dòng nhạc lãng mạn Việt Nam”…

Được làm khách mời của chương trình Con đường âm nhạc (VTV3, Chủ nhật 4/11/07) giới thiệu về cuộc đời, ca khúc của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, với tư cách là người bạn vong niên đồng thời là người có hai bài thơ được nhạc sĩ phổ nhạc, nhưng tôi biết sân khấu là nơi thính giả muốn nghe hát không phải nghe những lời tâm sự…


Là người bạn vong niên của nhạc sĩ, vì tuổi tôi kém ông đúng một thập kỷ. Khoảng đầu đời, mười năm là khoảng cách lớn lắm! Năm tôi 20 tuổi, được ghé chơi violon trong một nhóm ca nhạc nghiệp dư, nhóm ca nhạc muốn đến gặp ông chủ rạp chiếu bóng Đại Đồng (nhạc sĩ Đoàn Chuẩn) để ông cho trình diễn 30 phút trước giờ chiếu phim, thì chỉ trưởng nhóm cùng một hai cô ca sĩ trẻ đẹp được tiếp xúc.

Ông rất cao vời với tôi lúc ấy! Ông là một nhạc sĩ biểu diễn độc tấu lục huyền cầm Hạ Uy Di ở những salon sang trọng, ông là một nhạc sĩ có những ca khúc đầy quyến rũ với tầng lớp thanh niên đô thị thời đó. Mỗi lần nghe ca sĩ Tâm Vấn hát Gửi gió cho mây ngàn bay, tôi như nghe cả tiếng lướt, tiếng nhấn, tiếng rung tài hoa trên cây lục huyền cầm của ông.

Thế mà mấy năm 1987, 1988… tôi lại hàng ngày được ngồi uống cà phê với ông ở quán cà phê khách sạn Đường Sắt (góc đường Lý Thường Kiệt – Phan Bội Châu, khách sạn Sài Gòn bây giờ). Ông thích nói chuyện về Hà Nội ngày xưa… nhất là thời vàng son của ông, khi những tình khúc của ông mới xuất hiện, mà tôi là người biết lắng nghe và hiểu cả những lời ông không nói ra.

Thứ nữa, tôi và ông đều có những cảm xúc đặc biệt về mùa thu trong sáng tác, ông thì ở nhạc, tôi ở thơ. Qua nhiều cuộc trò chuyện, ông hay nhắc đến quan niệm hơi cực đoan của mình về nghệ thuật, đại ý: “Nghệ thuật không có tình yêu sẽ không còn là nghệ thuật. Người nghệ sĩ không có tình yêu, cũng mất luôn khả năng làm nghệ thuật! “.

Đoàn Chuẩn là người rất kỹ tính trong sáng tạo. Tôi đã thử liệt kê thứ tự tác phẩm qua giai đoạn chủ yếu trong sự nghiệp sáng tác của ông, căn cứ trên bản danh mục chính chữ Đoàn Chuẩn ghi lại không theo thứ tự biên niên.

Tôi đành xếp lại hộ ông: từ năm 1948 đến 1956, ông chỉ có 14 bài:

  1. Tình nghệ sĩ (1948),
  2. Lá thư (1948),
  3. Đường về Việt Bắc hay Tà áo tím (1949),
  4. Thu quyến rũ (1950),
  5. Chuyển bến (1951),
  6. Gửi gió cho mây ngàn bay (1952),
  7. Cánh hoa duyên kiếp (1953),
  8.  Lá đổ muôn chiều (1954),
  9. Tà áo xanh hay Dang dở (cuối 1954 đầu 1955),
  10. Vĩnh biệt (1955),
  11. Chiếc lá cuối cùng (1955),
  12. Một gói nho khô, một cánh păng-sê (1955),
  13. Để có những chiều tắt nắng (1955),
  14. Gửi người em gái miền Nam (Xuân 1956).

Sau đó là 31 năm Đoàn Chuẩn im lặng, sự im lặng có hai nghĩa: Những tác phẩm của ông không được cất lên trên các phương tiện truyền thông trong nước, bị coi là nhạc vàng cùng với mọi bài hát mềm dịu, ủy mị không thích hợp với thời chiến, sự im lặng đồng thời là việc ông ngừng không viết thêm bài nào, mà khi tôi gặng hỏi năm ông 63 tuổi, ông rầu rầu “Không có hứng thì viết ra làm gì! “.

Bản danh mục tác phẩm cho tôi ngạc nhiên về thông tin mới: Đến năm 1987, ông khơi lại nhạc hứng sáng tạo bằng cách phổ nhạc bài thơ Khuôn mặt em của Văn Cao (mà trước đây tạp chí Âm nhạc và Thời đại chú thích là bài thơ Thời gian của Văn Cao), năm 1988 là Đường thơm hoa sữa gọi (Thu cảm) là thơ của tôi.

Điều làm tôi ngạc nhiên là bài thơ Triệu bông hồng, một bài thơ khác của tôi cũng nằm trong danh mục đã sáng tác của ông trong năm 1988. Thế mà ông không hề nói gì với tôi, dẫu chúng tôi gặp nhau hàng ngày. Bài thứ tư trong đợt “tái xuất giang hồ” ba năm 1987, 1988, 1989 là Màu nắng có bao giờ phai đâu, không đề ca từ của ai, (trong khi Triệu bông hồng đề rõ phổ thơ Vân Long), gia đình cũng không giữ được bản thảo và không hiểu sao có một nét gạch ngang qua bài Triệu bông hồng?

Căn cứ vào sự kỹ tính của ông, có thể hiểu bài này ông cho là không đạt, nên đã xóa bỏ và chẳng cần nói với tôi làm gì. Nhưng việc chọn bài có nội dung này đã cho tôi đọc được phần nào suy nghĩ của ông. Nhiều người còn nhớ giai thoại: Đoàn Chuẩn vào Sài gòn, có tình cảm đặc biệt với ca sĩ M.L., trước khi trở về Hà Nội ông đặt hàng một cô bán hoa tươi: Mỗi ngày đem đến địa chỉ ấy với tên người nhận một bó hồng đỏ thắm, nhưng không được nói ai gửi tặng.

Nữ ca sĩ chỉ chịu được áp lực tình cảm ấy đến lần thứ…, rồi cô nhất định không chịu nhận hoa nếu không biết ai đã gửi. Đó là một cử chỉ ga-lăng nho nhỏ thường có ở phương Tây, nhưng ở Việt Nam có lúc phải độn sắn ngô thay gạo thì nghệ sĩ muốn ga – lăng đến mấy, dễ ai làm được!

Hàng ngày bên tách cà phê với nhau, nên khi viết xong bài Triệu bông hồng, tôi đọc cho ông nghe (lúc ấy tôi không nhớ gì đến giai thoại trên): “Triệu bông hồng”em hát cứ như không/ Con số triệu giòn tan đầu lưỡi/ Một thời để yêu, một thời sôi nổi/ Mặt trời mọc cho riêng em. Đừng trách tôi là gã xẻn xo!/ Yêu đến xót lòng từng ly mật đọng/… Và xót xa để nhớ một thời/ Tôi cần một bông tặng người buổi ấy/ Hoa không có và em không chờ nổi/ Tôi trở về hoang vắng cả mùa hoa……

Bây giờ thì tôi đã hiểu sự im lặng lạ lùng của ông lúc nghe xong, ông chỉ nói nhỏ “Cậu chép cho mình!”. Rồi tôi quên đi sự thất bại của bài thơ vì không được một lời nhận xét! Ai ngờ… chính bản nhạc của ông cũng “thất bại” khi dựa trên bài thơ đó, nên chỉ để lại cái tên bài trong danh mục sáng tạo với một nét gạch nhẹ, nhưng vẫn giữ nguyên số thứ tự bài thứ 17, sau Đường thơm hoa sữa gọi (Thu cảm) số 16, trước số 18 Màu nắng có bao giờ phai đâu.

Tất nhiên không phải tôi thiếu một bông hồng cụ thể nào, bông hồng chỉ là biểu tượng cho sự thiếu thốn vật chất tối thiểu của một hàn sĩ trong tình yêu, nhưng việc này hẳn động đến kỷ niệm của riêng ông, động đến lòng trắc ẩn, không phải nghệ sĩ nào cũng có thể hào phóng không cần tính toán như ông!

Đoàn Chuẩn (bên trái) và Từ Linh – Noel năm 1962

Niềm vui có tới 2 trong số 4 bài trong đợt “tái xuất giang hồ” ba năm 1987, 88, 89 của ông, (ông Từ Linh qua đời đầu năm 1987, hẳn Đoàn Chuẩn cần lấp sự thiếu hụt này ở các nhà thơ!) kèm theo một dấu hỏi: Vì sao cả 4 bài này đều chưa được ca sĩ nào hát? Phải chăng đó là mấy giọt nhựa cuối cùng của một cây đại thụ, không đủ sức bật ra cành nhánh mới?

Tôi còn nhớ rất rõ trạng thái “hồi sinh” của Đoàn Chuẩn. Đó là một buổi sáng mùa thu sau Đổi mới ít lâu, chiếc cát – xét của khách sạn Đường Sắt bất ngờ cất lên bài Thu quyến rũ. Không ai bảo ai, gần hết những khách ngồi quanh đấy đều hướng mắt về Đoàn Chuẩn, tôi vươn tay qua bàn siết chặt tay ông. Còn ông, ông ngồi đờ ra, đắm chìm vào một quá khứ xa xôi nào…

Khi bài hát chấm dứt, tôi mới thấy đôi mắt ông có ánh nước, mấy người thân với ông trong quán đến bắt tay ông, chúc mừng, phá tan bầu không khí vừa chết lặng theo ông. Thật ngược lại với tuần trước đó ở Nhà hát Lớn Hà Nội, khi kết thúc đêm nhạc những tình khúc của Văn Cao lần đầu tái xuất sau Đổi Mới, những Thiên Thai, Suối mơ… một thuở, khán giả cả mấy tầng ghế đứng cả dậy và bạt ngàn hoa của những người không quen ông ào đến tặng ông. Khiến sau đó ông đã viết một câu thơ bất hủ “Người ta đôi khi bị giết/ Bằng những bó hoa“.

Nhờ mấy phút “chết lặng” của ông như đã kể, tôi có được bài thơ Góc quán tặng ông nhân sinh nhật lần thứ 65 (Văn Nghệ TP HCM 11/1989), có những câu: Thế giới riêng của ông/ Là âm thanh/ Bản tình ca ướt môi người con gái/… Ông mệt mỏi ngồi im góc quán……Gốc cỗi cằn gặp lại búp non xưa…...

Còn nhớ lần tôi đọc cho ông nghe bài thơ Thu cảm mới viết vừa ráo mực. Đến câu: Em như con gió thổi qua ngang/ Trẻ đến làm đau cả lá vàng…, ông reo lên “Trời, thơ mày… mất dạy thật!”. Ông vốn không phải người hoạt khẩu, không thích nói lý luận, thốt ra câu đó không phải lần đầu, nên tôi biết ông khen, nhưng lần này tôi phải hỏi cho ra nhẽ ” Anh thử nói rõ xem khái niệm “mất dạy” anh dùng có nghĩa là gì? Ông ấp úng cắt nghĩa: “…là mất dạy, là không ai dạy được thứ thơ đó, phải tự mình nghĩ ra!…” Hà Thạch An, con trai ông Từ Linh cũng từng kể “Khi nghe xong băng nhạc Trịnh Công Sơn, ông Đoàn Chuẩn nói với Từ Linh ” Ca từ của chú nhiều câu hay, ý lạ, nhưng Trịnh Công Sơn còn… “quái thai” hơn!” Vậy là ông đã cung cấp cho lý luận phê bình những thuật ngữ mà chỉ có ông dùng.

Ngay sáng hôm sau tôi đã được cầm bản thảo bài thơ phổ nhạc mà ông đổi tên là Đường thơm hoa sữa gọi không quên cẩn thận mở ngoặc (Thu cảm).

Trong đêm Chương trình âm nhạc 4/11 vừa qua, giáo sư Dương Viết Á nhận xét: “Đoàn Chuẩn là nhạc sĩ cuối cùng của dòng nhạc lãng mạn Việt Nam”, đến lượt tôi bổ sung: “dòng nhạc ấy được nuôi dưỡng suốt cuộc kháng chiến chống Pháp cho đến năm 1956 (Gửi người con gái miền Nam) trong không khí các đô thị Sài Gòn, Hà Nội…” Âu cũng là một sự phân công cần thiết để ngày nay ta có một gương mặt Đoàn Chuẩn lãng mạn trong khi các đồng nghiệp của ông viết những Sông Lô, Điện Biên hoành tráng của lịch sử!

Vân Long

Theo Tiền Phong
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây