Nguyên Thảo: ‘Phải có cái tôi trong âm nhạc’

Nhiêu Huy
20.2.2008

Luôn quan niệm “im lặng là vàng”, Nguyên Thảo chọn cho mình hướng đi khá bình thản so với những gì ồn ào, sôi nổi của thị trường ca hát. Theo cô, chỉ cần xác định và theo đuổi tận cùng mục tiêu với âm nhạc đã là thành công của người ca sĩ.

– Sau thành công của album đầu tay “Suối và Cỏ” cùng cơ hội tham gia các chương trình ca nhạc lớn, có uy tín, nhiều người cho rằng Nguyên Thảo lẽ ra phải bật lên chứ không “bình bình” như hiện nay. Ý kiến chị thế nào?

– Có thể mọi người đã quá kỳ vọng vào tôi. Còn tôi không đặt ra một vị trí hay đẳng cấp nào đó trong nghề cho bản thân, cũng không ước mơ mình trở thành diva.

– Đó là vì chị không tin vào năng lực của mình hay lý do nào khác?


– Nói như thế không có nghĩa là tôi không tự tin. Tôi vẫn quyết tâm theo đuổi phong cách âm nhạc R&B từ những bước đi đầu tiên.

Cơ hội đến nhiều thật đấy, nhưng không phải lúc nào cũng tốt. Phải biết chắt lọc và cần có thời gian để khẳng định hướng đi của mình. Điều này giải thích tại sao cho tới bây giờ, chúng ta vẫn chỉ có 4 ca sĩ xứng danh diva là: Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Trần Thu Hà mà thôi.

– Chọn được dòng nhạc cho mình ngay từ album đầu tay nhưng hơn 2 năm rồi, chị vẫn không trình làng thêm được sản phẩm nào mới. Chị nghĩ sao nếu bị cho là thụ động?

– Cách tiếp thị âm nhạc bây giờ khác trước rất nhiều. Trước đây ca khúc hay xuất hiện liên tục, còn chương trình lớn diễn ra thường xuyên. Ca sĩ muốn thực hiện chương trình riêng để quảng bá tên tuổi không khó. Nhưng bây giờ, người hát nhiều vô số mà hiếm hoi lắm mới tìm được sáng tác hay cho mình, các chương trình ca nhạc trực tiếp rầm rộ mà chất lượng lại không cao, không giúp ca sĩ bật lên được.

Cũng có thắc mắc vì sao quá lâu tôi không phát hành thêm CD nào. Tôi vẫn đang tiến hành album vol 2 của mình đấy chứ. Nhưng cần có thời gian để chọn được ca khúc có chất lượng.

– Theo chị, yếu tố nào quyết định chất lượng một ca khúc?

– Ngoài giai điệu đẹp, tôi rất để tâm đến phần lời của ca khúc. Lời hát phải hay, có chiều sâu thì mới dễ truyền cảm xúc cho khán giả.

– Chị từng cho biết sẽ không có nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hay Phạm Duy trong album riêng của mình. Vì sao vậy?

– Không ai có thể phủ nhận giá trị các bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hay Phạm Duy cả. Nhưng riêng tôi, khi thể hiện một ca khúc hay thì điều quan trọng là phải tồn tại cảm xúc của người thể hiện trong đó.

Tôi từng phát biểu mình không cảm được ca khúc Chỉ chừng đó thôi của chú Phạm Duy. Không phải là nó không chất lượng mà thú thực, tôi không cảm được ý nghĩa sâu sắc của nó và thấy mình không “vừa” với dạng cảm xúc của lời hát. Khi đó, tôi chỉ đóng vai người kể lại. Nếu thế, tôi sẽ không đưa vào album riêng, dù các ca khúc đó có thể khiến người ta thích album của mình hơn. Sản phẩm tâm huyết thì phải thể hiện đúng tình cảm, cảm xúc của chính bản thân người hát.

– Khán giả tỏ vẻ thích thú với phần biểu diễn của chị trong các chương trình nhạc Trịnh hay Phạm Duy vừa qua. Sao chị không “thừa thắng xông lên”, phát hành một album theo thể loại nhạc này để lôi kéo thêm một số đông người hâm mộ về mình?

– Tại sao phải làm việc theo số đông? Với tôi, số đông hay ít cũng không quan trọng bằng việc mình làm được những gì mình cho là cần thiết.

Nhiều người cũng khuyên tôi nên đẩy mạnh ca khúc Giấc mơ mang tên mình, từng đạt giải trong chương trình Bài hát Việt, vì rất được yêu thích. Nhưng tôi không làm thế vì thấy nó chưa thật sự hay để tạo dấu ấn cho giọng hát của mình. Hơn nữa, ca khúc đó không hợp với dòng nhạc mà tôi chọn.

Tôi không vì chiều theo một số khán giả mà quên đi cái chất của mình để rồi nhanh chóng bị đào thải. Có thể hơi quá, nhưng tôi nghĩ ca sĩ cần tạo cho mình cái tôi nhất định, đồng thời có trách nhiệm định hướng người nghe qua các sản phẩm âm nhạc.
Nguyên Thảo trong chương trình “Duyên dáng Việt Nam 17”. Ảnh: Ngọc Hải.

– Mục tiêu cao nhất với âm nhạc của chị là gì?

– Tôi giỏi làm hơn nói, chỉ biết cố gắng đeo đuổi đến cùng những gì mình thích. Bởi tôi quan niệm, âm nhạc phải kết hợp được tính giải trí, sự chia sẻ và cả vấn đề học thuật.

– Điều này mâu thuẫn gì với việc chị thường hát những ca khúc không đúng với dòng nhạc đã chọn trong các chương trình lớn?

– Điều đó chứng tỏ ngoài phong cách âm nhạc yêu thích, Nguyên Thảo vẫn có quan tâm đến những dòng nhạc khác, vẫn có thể hát những ca khúc đẹp với tư cách người kể chuyện, chuyển cảm xúc người viết cho người nghe, như tôi đã nói.

Một lý do khác, các chương trình lớn luôn có biên tập âm nhạc giúp ca sĩ chọn ca khúc cho phù hợp với tiêu chí của đêm nhạc. Chẳng hạn như trong chương trình “Duyên dáng Việt Nam 20” sắp tới, tôi sẽ hát Hương xưa, một ca khúc tiền chiến rất “đẹp” của Việt Nam.

– Nhưng chị từng hát ca khúc này trong “Duyên dáng Việt Nam 18” tại Singapore, sao chị không chọn bài khác?

– Tôi nghĩ đem Hương xưa để tiếp thị cho nhạc Việt với bạn bè quốc tế là hợp lý bởi đến bây giờ, giai điệu của bài hát vẫn hay và không bị lạc hậu. Khán giả Singapore từng dành rất nhiều tình cảm cho nó. Có người còn bảo với tôi nghe giai điệu mà cứ ngỡ của một ca khúc nước ngoài.

Những lần “Duyên dáng Việt Nam” lưu diễn ở nước ngoài chủ yếu là các gala giới thiệu hình ảnh đất nước thông qua âm nhạc, nên ban tổ chức thường tổng hợp nhiều ca khúc hay để giới thiệu.

– Tuy nhiên, việc chuyển ngữ ca khúc Việt sẽ khiến người nghe khó lòng cảm thụ hết tinh thần của lời hát cho dù giai điệu có đẹp đến mấy. Chị nghĩ sao?

– Tất nhiên lời ca khúc Việt thường rất hoa mỹ nên sẽ khó cho người nước ngoài cảm được trọn vẹn. Tuy nhiên, lời Anh của Hương xưa được dịch đến không thể sát nghĩa hơn nữa. Hy vọng người ngoại quốc khi nghe sẽ cảm nhận được phần nào tinh thần của ca khúc.

Nhiêu Huy thực hiện

Nguồn: VNExpress.vn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây