Tưởng đang xem phim Người Chinh Phu Về khi nghe hòa phối của Lê Văn Khoa cho Hòn Vọng Phu III

Trần Chúc
9.5.2011

Trần ChúcHòn Vong Phu III, Lê Thương, Lê Văn Khoa hòa phối
Ban Hợp Ca Ngàn Khơi, Nhạc trưởng Trần Chúc (bản ghi âm riêng của Trần Chúc)

http://amnhacfm.opendrive.com/files/29485998_D6Wai/TC_HonVongPhuIII.mp3i

Nhạc Việt được phong phú thêm nhờ kỹ thuật hòa âm và phối khí. Trong vị thế của một ca nhạc trưởng, tôi có nghiên cứu nhiều tác phẩm hòa âm và phối khí của nhiều tác giả khác nhau, trong đó có nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Lê Văn Khoa. Tôi đã trình diễn nhạc của ông viết cho các tác phẩm Hòn Vọng Phu I, II và III của Lê Thương, Viễn Du, Việt Nam Việt Nam của Phạm Duy và rất nhiều bài của các tác giả tân nhạc thời danh khác. Trên khía cạnh nhạc tôn giáo, tôi cũng đã từng thu thanh và trình diễn những hòa âm phối khí của ông cho các bài hát Công Giáo như: Ngài Ðã Sống Lại, Hương Thơm, Kìa Bà Nào, Nữ Vương Hòa Bình, Cao Vời Khôn Ví …


Ông Lê Văn Khoa có lối viết hòa âm phối khí đầy nhạc tính và nhạy cảm âm nhạc (musicality and musical sensitivity) cho những ca khúc đơn điệu có ảnh hưởng Tây hay Việt, có đặc tính đời hay đạo. Nhạc của ông bừng sống huy hoàng những phong cảnh vĩ đại của đất nước, hào hùng lòng tranh đấu bất khuất của những anh hùng đất Việt, thiết tha những tình cảm thầm kín sâu xa, tô điểm những ý nghĩa hàm chứa trong tác phẩm mà tôi nghĩ chính tác giả các ca khúc ấy qua đơn điệu đã không nhận thấy, hoặc dù có nhận thấy cũng đã không thể hiện qua nghệ thuật hòa phối. Dùng sự tưởng tượng và ngòi bút của mình, nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã phân cảnh, dàn dựng và “đạo diễn” những tiến trình hòa âm, phối giọng, phối khí, nhịp độ, cường độ, áp độ, tách độ, để kết hợp và sáng tạo những âm thanh, âm sắc, âm hưởng trong việc diễn tả và phong phú hóa những tâm tình của ca khúc. Khi ca tấu, những âm thanh, âm sắc, âm hưởng đó linh động bao trùm thân thể, đánh thức những cảm giác, xâm chiếm và mê hoặc tâm não đến nổi khán thính giả tưởng mình đang xem những hình ảnh sống của một câu chuyện phim đang chiếu ra trước mắt.

Tôi còn nhớ các nhân viên Truyền Hình Việt Nam băng tần số 9 ở Sài Gòn ngày trước, từ đạo diễn đến chuyên viên kỹ thuật thu hình chương trình “Tiếng Nhạc Trầm Tư” của Lê Văn Khoa, đều nói với anh rằng tại sao anh không làm chương trình nhạc như những người khác, có phải dễ làm mà khỏi lỗ lã, làm chi chương trình đại hợp ca hòa tấu để khổ thân và cứ phải bù tiền sau mỗi chương trình. Những người thân thì lắc đầu ngao ngán, nói Lê Văn Khoa cứ tìm nẻo “đoạn trường” mà đi. Ông chỉ mỉm cười. Có lần tôi hỏi ông nghĩ gì về những lời góp ý của những người kia. Ông ôn tồn đáp:

Họ không hiểu ý tôi. Nếu làm như những người khác thì có rất nhiều người đã và sẽ làm. Tôi muốn làm khác. Một cách dễ làm khác là cứ đem những bài nhạc danh tiếng thế giới như “Hallelujah Chorus” của Handel, “Night Music” của Mozart, “Serenade” của Schubert hoặc “Tristesse” của Chopin v. v. . . ra để điều khiển. Nhạc sĩ đã quen bài bản; khán giả vừa thích, vừa thán phục, và việc làm của mình sẽ khỏe hơn nhiều. Nhưng loại nhạc đó cả thế giới cổ xúy, tôn vinh từ nhiều trăm năm rồi và người ta sẽ còn tiếp tục làm. Riêng nhạc Việt mình thì ai nâng cấp nó đây? Ta không có hình thức nào khác ngoài ca khúc phổ thông cho nên muốn trình diễn theo lối khác hơn mọi người, mình phải tự viết ra thôi, vì nhạc Việt chưa được viết cho hợp ca hòa tấu nên tôi phải khai phá, mở lối mà đi. Việc không dễ, nhưng hy vọng việc làm này là một đóng góp vào kho tàng âm nhạc Việt Nam.

Nói về việc làm này của Lê Văn Khoa, nhạc trưởng Vũ Thành đã từng xác nhận:

Anh nghĩ và làm đúng! Nếu không ai làm thì nhạc Việt (một nền nhạc phong phú và trữ tình nhất) sẽ không bao giờ được quốc tế biết tới và đồng thời trình độ thẩm âm cûa tập thể di tản sẽ mãi quanh quẩn ở mức độ phòng trà, khiêu vũ rẽ tiền.

Từ những thập niên 1960, nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã hòa phối cho rất nhiều ca khúc. Nhờ công lao đó ngày nay có nhiều người thích hát, thích thưởng thức hợp ca và hòa tấu. Một số ban hợp ca chỉ muốn hát với dàn nhạc giao hưởng. Trên lãnh vực phối hợp kỹ thuật và nghệ thuật hai bộ môn hợp ca và hòa tấu, Lê Văn Khoa có công khai phá không khác gì những nhà thám hiểm ngày xưa. Tuy không phải phải hy sinh tính mạng, ông đã phải trải qua một cuộc sống khó khăn, vất vả và túng thiếu. Ông kiên trì theo đuổi ý hướng của mình để ngày nay kho tàng âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là nhạc hòa tấu viết cho đơn ca cũng như hợp ca, được trở nên phong phú và phát triển mạnh mẽ. Bằng chứng là một số tác phẩm ấy đã được trình diễn, thu thanh và thu hình trong các CD và DVD Ngàn Khơi Chorus, Magnifica Chorale và các CD của riêng ông.

Con Người Âm Nhạc

Lê Văn Khoa là một người đa nghề, đa tài, đa môn. Ông sống tích cực cuộc đời của một nhà giáo dục, một nhiếp ảnh gia và một nhạc sĩ. Những hoạt động âm nhạc của ông bao gồm các bộ môn sáng tác như viết ca khúc, hợp ca, viết tiểu tấu khúc và đại tấu khúc, ông điều khiển dàn nhạc, trình diễn nhạc và dự phần không nhỏ vào việc giáo dục. Chỉ viết riêng về con người âm nhạc của ông thôi cũng sẽ đòi hỏi một thời gian rất dài.

Nghiên cứu âm nhạc Lê Văn Khoa ví như nghiên cứu kiến trúc của những tòa nhà chọc trời trong một thành phố lớn. Tôi tìm thấy sự sáng tạo của ông được tỏ hiện qua kỹ thuật hòa âm, cải soạn ca khúc đơn điệu cho hợp ca và dàn nhạc giao hưởng, qua nhạc đại hòa tấu. Kỹ thuật và nghệ thuật âm nhạc của ông bao gồm các thời đại cổ điển, lãng mạn, ấn tượng và cận đại Tây phương. Các tác phẩm của ông đã được trình diễn đơn ca, hợp ca, độc tấu, hòa tấu ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nghiên cứu tác phẩm của nhiều người, tôi thấy phần đông viết hòa âm rất đúng luật, phối âm rất chỉnh tề, nhưng tôi ít thấy sự sáng tạo. Sáng tạo (creativity) trong việc chọn lựa hợp âm. Sáng tạo trong việc chế thêm hợp âm. Sáng tạo khi sắp xếp các hợp âm trong thứ tự và tiến trình hòa âm (harmonic progression). Sáng tạo trong việc phối giọng Soprano, Alto, Tenor và Bass. Sự sáng tạo và nỗ lực sáng tạo này rất cần thiết trong một thực trạng chiến tranh và kinh tế trong sáu chục năm qua. Sự sáng tạo và nỗ lực sáng tạo trong thực trạng âm nhạc mới mẻ của một nhạc sĩ người Viêt phối hợp và đúc kết kỹ thuật và nghệ thuật âm nhạc Việt và Tây phương. Và nhất là nỗi đam mê và lẽ sống của Lê Văn Khoa là làm cho nền âm nhạc Việt nổi bật và sáng ngời chứ không bị đắm chìm và thất lạc trong kho tàng âm nhạc mênh mông của thế giới đã tích lũy trong mấy ngàn năm qua.

Như nhà thám hiểm ông khai phá và thiết lập những cơ bản mới. Tôi chắc rằng ông đã có những dằn vật nội tâm rất lớn trong tiến trình kết hợp Việt tính với Tây phương tính khi sáng tác. Tôi nghĩ rằng ông đã phải đắn đo khi chọn lựa hợp âm hay chuỗi hợp âm: Hợp âm Tây phương này nghe rất lôi cuốn nhưng có thể làm chìm mất nét đẹp ngũ cung của dòng nhạc Việt. Tôi nghĩ rằng ít nhất là trong lúc đầu, ông đã cân nhắc trong việc chọn lựa nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng để diễn tả tâm hồn Việt. Nhưng cuối cùng một nghệ sĩ chân chính sẽ nghe theo trái tim, trực giác của chính mình: Ông đã để sự rung động tâm hồn giúp ông trong việc quyết định dùng đúng âm thanh để gởi gắm tâm tình của ông đến người thưởng thức. Việc làm này đòi hỏi một chủ tâm, sự khéo léo trong việc khai phá và tạo âm thanh mới hơn là ẩn núp trong sự an toàn của định luật hòa âm thông dụng. Ðó là việc mà Frederic Chopin đã làm để tạo nên trường phái nhạc Lãng Mạn (Romantic), như Claude Debussy đã làm để tạo ra trường phái Ấn Tượng (Impressionist) cho âm nhạc thế giới.

Trong khoảng hơn hai chục năm trở lại, kỹ thuật, nghệ thuật và tâm hồn Lê Văn Khoa đã quyện vào nhau, đúc kết và trở thành một. Người ta có thể phân tách riêng rẽ những yếu tố trên, nhưng tôi nghĩ rằng viết ra một dòng nhạc đối với Lê Văn Khoa dễ dàng, tự nhiên theo trực giác (intuitive) như đưa bàn tay giở một trang giấy.

Kỹ thuật hay tâm hồn?

Một người có thể rất giỏi về định luật hòa âm, nhưng tác phẩm của họ phiến diện, hời hợt vì không phát xuất từ con tim, từ tâm hồn hay từ nhân tính. Với Lê Văn Khoa ta không thế nào tách riêng tình người sâu đậm của ông ra khỏi sự cải biên tinh vi, đầy phức tạp về nhân tính, về kiến thức kỹ thuật, kinh nghiệm, về tầm nhìn xa và cách ứng dụng thích hợp cho từng tác phẩm. Tất cả đều trở thành một hợp thể trong nhạc phẩm của ông. Ông có cái nhân tính của một con người đã trải qua cuộc chiến tranh dai dẳng và kinh nghiệm sống. Ông như là một NGƯỜI THÁM HIỂM, một NHÀ TIỀN PHONG sống thực, hóa giải và hòa hợp những nét tinh hoa của Việt Nam và Tây phương trong âm nhạc, trong kỹ thuật, mỹ thuật cũng như trong văn hóa.

Trần Chúc và Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi
Trần Chúc và Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi

Chúng ta phải nói đến khả năng phi thường của ông là đọc, hiểu, cải thiện, thăng hoa vượt trội ý tưởng nguyên thủy của tác giả, để viết ra ý nhạc với sự xúc động chân thật, ứng dụng cho thể loại nhạc thích hợp.

Ðể dễ hiểu hơn, ta biết người viết ca khúc thì viết ra giai điệu và lời ca. Người ấy có được cái nhìn, có khả năng về kỹ thuật, khả năng sáng tạo và khả năng thực hiện ý tưởng cũng như sự cảm nhận của mình trong âm nhạc chăng? Tôi muốn nói đến khả năng chuyển giai điệu đơn sơ thành bài hợp ca bốn bè Soprano, Alto, Tenor, Bass, họ có hiểu biết đủ về đặc tính trong các âm vực của từng nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng và có đủ trình độ viết cho dàn nhạc giao hưởng chăng? Thông thường người ta viết hợp ca và viết cho dàn nhạc giao hưởng như là hai phần riêng biệt, nhưng ông Khoa có cái nhìn vượt quá lối viết nhạc đó để kết hợp cả hai làm một. Ta thấy có rất nhiều người viết ca khúc, một số ít người hơn viết cho ban nhạc nhỏ đệm giọng đơn ca, càng ít ngươi viết cho hợp ca và càng rất ít người viết cho hợp ca chung với dàn nhạc giao hưởng. Trong vòng người Việt tôi chưa được diện kiến một nhạc sĩ viết cho hợp ca chung với dàn nhạc giao hưởng ở tầm mức Lê Văn Khoa.

Ông có đủ kiến thức về hệ thống hòa âm Tây phương (Cổ điển, Lãng mạn, Tân thời . . .) cộng với tinh thần khai phá để kết hợp những hệ thống này vào nhạc ngũ cung Việt Nam. Ông biết cách kết hợp nhạc cụ lại để vẽ lên hình ảnh, tạo nét diễn tả đầy ấn tượng cho thính giả. Ông thấy trước những diễn tiến để dùng nhạc trong âm vực trầm, bổng của nhạc cụ hỗ trợ, của cấu trúc từng lớp âm thanh, ứng dụng cho kỹ thuật trình tấu của nhạc cụ riêng rẽ, diễn tiến cường độ của toàn bản nhạc và ghi tất cả chi tiết ấy trong tác phẩm của ông. Một khả năng nữa là đưa nhạc cụ cổ truyền Việt Nam hòa hợp với dàn nhạc tân tiến Tây phương vốn đã kết tinh, vượt khỏi thời đại định lý từ nhiều thế kỷ qua. Ông đã tiêm mầm sống vào một nhạc khúc bế tắc, chán ngấy, bị bỏ quên, xem như đã chết rồi.

Người Việt ta rất mê âm nhạc, được thể hiện từ dân ca, nhạc cổ truyền cho đến tân nhạc. Nhạc sĩ Việt sáng tác không biết bao nhiêu ca khúc, phát hành không biết bao nhiêu băng và đĩa nhạc. Thông thường người ta dùng trống và những nhạc cụ đơn thuần âm sắc như tây ban cầm hay dương cầm để làm nhạc đệm cho giọng ca. Tuy nhiên vì chiến tranh trước 1975 và mấy mươi năm khó khăn kinh tế sau đó, chúng ta đã trải qua sáu thập niên hạn hán âm nhạc trên phương diện phối kết hợp xướng và hòa tấu. Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn này, Lê Văn Khoa đã mạnh dạn sáng tác và thực hiện những buổi trình diễn hợp ca với dàn nhạc giao hưởng từ trước 1975, một việc làm vô cùng khó khăn trên phương diện kỹ thuật, tổ chức và cả tài chánh. Chương trình “Tiếng Nhạc Trầm Tư” của ông trên đài Truyền Hình Việt Nam theo tiêu chuẩn Ðại Hợp ca và Hòa tấu, rất khác với chương trình nhạc lớn của Vũ Thành và Hoàng Trọng.

Âm nhạc của môt nhạc sĩ, nhiều khi vì ÐỊNH MỆNH, đã nối liền với cường lực kinh tế của một quốc gia. Hoa kỳ và Trung Hoa giao hảo rất mạnh mẽ trên phương diện kinh tế và văn hóa. Sự giao hảo đó đã đưa đến việc thương mại hóa âm nhạc như trường hợp nhạc sĩ Tan Dun. Hiện nay có đấu hiệu cho thấy Mỹ và Việt tìm cách ve vãn nhau, tạo liên hệ ngoại giao, kinh tế và văn hóa. Nhưng yếu tố chính trị có thể không cho phép ông Khoa được hưởng bất cứ một quyền lợi lớn nhỏ nào qua tài năng của ông.

Hòn Vọng Phu III: Người Chinh Phu Về

Nghe hòa âm của Lê Văn Khoa người ta công nhận là sống động, nhưng ít ai hiểu được những ưu tư, dằn vật nào ông phải trải qua để tạo nên âm thanh tuôn chảy suông sẻ rất tự nhiên. Việc đó có đến một cách dễ dàng không? Tôi không nghĩ vậy. Trong giới hạn của một bài viết nhỏ này, tôi chỉ có thể tóm gọn để dẫn chứng và chia sẻ với độc giả một tác phẩm quen thuộc mà nhà soạn nhạc Lê Văn Khoa đã biến cải và thực hiện từ nhiều năm trước, bài Hòn Vọng Phu III, tức Người Chinh Phu Về của nhạc sĩ Lê Thương sau đây.

Âm thanh rộn ràng đập vào tai tôi liền hóa thành hình ảnh. Trong hình ảnh ấy tôi thấy vó ngựa phi nhanh tung xoáy lên cát bụi mịt mù. Hình ảnh sống động đến nỗi tôi tự hỏi rằng mình đang xem phim võ hiệp được âm nhạc điểm tô hay là đang nghe bài nhạc diễn tấu biến thành hình ảnh của phim! Tiếng nhạc từ phần cải soạn của Lê Văn Khoa cho Hòn Vọng Phu III chế ngự mọi giác quan của tôi, tràn ngập tâm não và làm tư tưởng của tôi chìm đắm vào hình ảnh của một hoạt cảnh thật linh động.

Ca khúc Hòn Vọng Phu của Lê Thương là nhạc phẩm được mọi người Việt trân quý vì nó nói lên tinh thần bất khuất, ý chí chiến đấu triền miên chống ngoại xâm của dân tộc ta. Nhờ lối hòa âm phối khí của Lê Văn Khoa, nét bi hùng trong bài nhạc đó được nổi lên gấp bội. Bi ở đây không phải do đàn nhỏ. Hùng ở đây không phải nhờ đàn to mà ra. Nó nằm trong sự sắp xếp âm thanh, biểu hiện trong từng loại nhạc cụ sử dụng và âm vực của nhạc cụ đó. Tôi xin được chia sẻ với độc giả vài ý nghĩ riêng về phần hòa âm và phối khí của nhạc sĩ Lê Văn Khoa cho tác phấm này, hy vọng khi nghe nhạc phẩm Hòn Vọng Phu III được trình diễn qua phần hòa âm và phối khí của ông, quý vị sẽ thưởng thức trọn vẹn hơn.

Trong vị thế của một nhạc trưởng điều khiển dàn nhạc giao hưởng và ban hợp xướng Ngàn Khơi trình diễn tác phẩm này, tôi đã tận lực nghiên cứu bản tổng phổ của nhạc sĩ Lê Văn Khoa. Càng nghiên cứu tôi càng nhận thấy sự tưởng tượng phong phú và khả năng phi thường của ông trong việc biến chuyển hình ảnh thành âm thanh. Hay nói đúng hơn, là những dấu chấm đen âm nhạc rải trên tờ giấy trắng, nằm im, bất động, chờ ngày tái sinh trở thành những hình ảnh âm nhạc nhảy múa trước khán thính giả.

Ðiều đáng nói là nhạc sĩ Lê Văn Khoa khi viết hòa âm không chỉ dùng âm thanh đi theo hỗ trợ cho giọng ca hay giai điệu như người ta thường làm, nhưng nó tiếp chuyển ý của lời ca thành âm thanh. Ông viết nhạc như người ta kể chuyện. Nét nhạc dẫn nhập ca khúc không phải chỉ là một câu nhạc chuẩn bị cho ca sĩ lấy cao độ để cất tiếng ca. Hôm nay tôi xin mời quý độc giả cùng tôi xâm nhập vào trí óc của soạn nhạc gia, len lỏi vào hồn của ông để tìm xem những hình ảnh nào ông giấu trong ấy khi viết nhạc.

Hòn Vọng Phu III: Người Chinh Phu Về
Hòn Vọng Phu III: Người Chinh Phu Về

Nhạc dẫn nhập cho bài Hòn Vọng Phu III bắt đầu bằng sự thôi thúc của các nốt nhạc liên ba, nâng lên từ quãng hai (Xin xem nhạc trang trước). Tiết nhịp nhanh, cường độ từ nhỏ đến thật lớn, dàn violin I và violin 2 tấu đồng thanh, đàn viola, cello và double bass đồng phát 1 và 2 bát độ thấp hơn, thoát đi từ nốt D đến C# cao, gợi ý cát bụi cuồn cuộn tung lên mù mịt theo vó câu hối hả chạy mau, nói lên tâm trạng người chinh phu nóng lòng phóng ngựa cho mau về tới nhà. Nhạc nâng lần lên cao điểm bằng sự hợp kết của tất cả các nhạc cụ thuộc bộ kèn gỗ, kèn đồng và bộ gõ, trống lớn, trống nhỏ, phèng la với những nốt nhấn, ngắn gọn, dứt khoát. Sáo và trumpet báo trước bốn nốt nhạc đầu của bài ca. Những nhạc cụ còn lại giữ những nốt chính của hợp âm, trong khi dàn trống timpani, phèng la và đàn dây rung lên để tạo sự căng thẳng, nôn nóng trong lòng người chinh phu. Tất cả dồn dập lên đến tột điểm của cường độ, đồng loạt nổ tung (sforzando) ngắn gọn ở nốt nhạc đầu trường canh thứ tư. Câu nhạc như thế tái hiện để diễn tả người chinh phu cỡi ngựa vút đi, thoạt biến thoạt hiện sau những rặng cây, sườn đồi trên đường về.

Ðến trường canh thứ chín thì tiết nhịp biến đổi. Nhạc nhấn ở nốt móc đôi chuyển nhanh qua móc đơn trong cường độ thật to (fortissimo) của tất cả nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng, nói lên sự kinh ngạc của người chinh phu trước cảnh lạ mà ngày xưa chàng không thấy, đó là Hòn Vọng Phu. Chàng gò cương ngựa lại để chiêm ngưỡng và tìm hiểu tượng đá đó là gì? Tại sao ngày chàng ra đi không có mà bây giờ lại xuất hiện nơi này?

Hòn Vọng Phu III

Những hồi trống trận còn vang vọng một lúc rồi lắng xuống trên hai nốt nhạc không ổn định ở quãng bốn của dàn trống timpani.

Thinh không vắng lặng, tiếng kèn French Horn văng vẳng trổi lên rợn người như tiếng oan hồn của hằng nghìn, hằng vạn cô phụ kêu réo, gọi đòi chồng về. Rồi tiếng mõ nhịp lên nhè nhẹ như tiếng tụng niệm. Tiếng mõ này làm tôi nhớ lại hồi nhỏ, khi còn ở Huế, quê nhà tôi, mỗi đêm tới giờ đi ngủ tôi đều nghe bà hàng xóm gõ mõ, nhịp chuông tụng kinh. Mẹ tôi giải thích chồng bà ấy đi chinh chiến lâu rồi, bà tụng niệm xin cho chồng được trở về bình an.

Chỉ trong 16 trường canh (khung nhạc) dẫn nhập ngắn ngủi, soạn nhạc gia Lê Văn Khoa đã tài tình viết lên câu nhạc khơi dậy những xúc động mãnh liệt với rất nhiều điểm nhấn, gói trọn một câu chuyện nằm lòng của mọi người.

Hòn Vọng Phu III

Tiếng kèn oboe và clarinet thổn thức vọng lên lòng buồn thảm trông chồng của thiếu phụ trong khi đàn dây tiếp tục rung âm điệu than thở, dâng lên, dâng lên cao dần để hiệp vào giọng đơn ca:

“. . . Ai bế con mãi đứng chờ
Như nước non xưa đến giờ.”

Chinh nhân nhớ lại tiếng trống trận thôi thúc chiến sĩ xung kích với nốt nhạc móc đơn có dấu chấm kèm theo (dotted eight note) và nốt móc đôi (sixteenth note) tiếp theo, được timpani và cymbal nhập cuộc tạo bước quân hành, hòa trộn với tiếng gào thét nhịp nhàng “hô, hi, hô” của đoàn quân do toàn ban hợp ca đảm trách.

Hòn Vọng Phu III

Piccolo (sáo ngắn) thay thế cho sáo dài nơi cuối trường canh 26, thêm chất kim loại như tiếng gươm giáo va chạm nhau. Những nốt nhạc liên ba thúc quân bên trên, toàn dàn nhạc đàn những nốt nhấn và tách bên trên tiếng nhịp bước chân vững chắc của các trống timpani và snare. Từ trường canh 34 các nhạc cụ bộ dây chuyển sang lối chơi móc dây đàn bằng ngón

tay. Trống snare giữ nhịp quân hành. Sáo dài và sáo ngắn vuốt lên trong nhịp cuối trường canh để tạo cát bụi bốc cao, lan tỏa theo vó ngựa và bước chân của đoàn quân đi. Qua trường canh 45 thì sáo ngắn và sáo dài run tiếng để chuyển qua phần nhạc mới theo câu hát “Dấn bước tang bồng“. Trong phần này nhà cải soạn nhạc không làm như những nguời đi trước là hát theo sự ghi chú của tác giả: Họ hát chậm lại từ chữ “ngựa phi” rồi dừng lại nghỉ một chút mới hát tiếp; đến chữ “Dấn bước tang bồng” họ bắt đầu từ chậm rồi lần lần nhanh hơn để vào nhịp. Nhạc sĩ Lê Văn Khoa cho ngựa phi qua dấn bước không do dự, không ngập ngừng mà thẳng tiến

Hòn Vọng Phu III

xông lên. Tiếp đến giọng cao nữ (soprano) hát theo nhịp đều của nốt nhạc móc đơn trong câu “Bên nợ tình thâm, bên nợ giang san” như muốn níu kéo, muốn giữ người trai tráng ở lại, trong khi bè thấp của giọng nữ (alto), giọng cao nam (tenor) và giọng trầm nam (bass) lập lại những chữ ấy nhưng bằng nhịp nốt liên ba luôn thôi thúc chàng phải lên đường diệt thù, được tăng cường bởi dàn dây cũng chơi liên ba, nhấn và tách, tạo những dằng co, xung đột mãnh liệt trong nội tâm. “Bên nợ tình thâm, bên nợ giang sơn”, người chồng nên ở nhà hay lên đường chinh chiến? Lên đường chinh chiến để có thể vĩnh viễn ra đi, để người vợ thân yêu ngàn năm ẵm con chờ người chồng yêu quí trở về? Tiết nhịp chuyển đổi từ trường canh 64 đến 83, từ nhịp nhanh (allegro) xuống nhịp vừa (moderato) rồi chậm lại (andante). Nhạc từ cung D Minor (Rê thứ) chuyển sang Bb Major (Si giáng trưởng) từ câu hát “Tiếng núi non lưu luyến tấc lòng bao ngàn năm . . .” tạo cảm giác giao động mạnh trước cảnh núi non hùng vĩ hiện ra trước mắt người, khơi dậy tình yêu quê hương bát ngát, gợi lên hình ảnh bao nhiêu người đã hy sinh thân xác trong danh dự từ nhiều nghìn năm để tạo nên lịch sử oai hùng bất khuất của đất nước này.

Dấu Ấn Lê Văn Khoa

Nhạc sĩ Lê Văn Khoa rất cẩn thận trong phần kết cũng như phần đầu của bài nhạc. Bài ca nguyên bản kết thúc trong nhịp thứ hai của trường canh 92. Ông viết tiếp ba nốt đen đi trước dẫn theo một loạt nốt móc đôi từ thấp lên cao và tăng thêm cường độ mãnh liệt để đưa vào câu kết:”Ngàn đời còn truyền, truyện Hòn Vọng Phu!“.

Với câu kết thêm vào như trên, huyền thoại Hòn Vọng Phu sống mãi, sống mạnh hơn bao giờ hết trong lòng người Việt. Đó là dấu ấn của Lê Văn Khoa: là câu kết trọn vẹn cho ca khúc này mà ngày nay mỗi khi hát Hòn Vọng Phu III, người trình diễn luôn sử dụng.

Âm sắc, cường độ và âm hưởng của giọng hát thay đổi rất nhiều tùy cao độ và âm vực của nốt nhạc và do đó tăng thêm hay giảm bớt ý nghĩa của bài hát. Trong bài hát “Việt Nam, Việt Nam” của Phạm Duy, chữ “đời” trong câu cuối “Việt Nam muôn đời” kết thúc ở nốt Eb giữa, là nốt mà chất giọng Soprano không thể có đủ đặc tính sáng chói (brillance). Ðể nói lên tương lai rạng ngời, hào hùng cho ca khúc, nhạc sĩ Lê Văn Khoa tăng tiết tấu mãnh liệt, cho dàn trumpet dẫn nhạc để ban hợp ca cất giọng hát “Việt Nam Muôn Ðời” ở nốt nhạc Eb cao hơn một bát độ. Nhờ đó giọng Soprano có thể hát mạnh và sáng, vận dụng xúc cảm mãnh liệt, khêu dậy niềm kiêu hãnh, tình yêu nước và hoài bão của người dân Việt. Niềm cảm xúc, phát xuất từ những giọng hát, tiếng kèn, tiếng đàn, tiếng trống, trở thành một giòng điện cực mạnh làm chấn động bầu không khí sân khấu và hội trường, khích động khán giả. Họ đứng bật lên: kiêu hãnh, hào hùng, yêu nòi, yêu nước. Họ vỗ tay nổ lớn. Họ hò hét dội vang. Người trình diễn sững sờ. (Xem nhạc trang kế.)

Đó là dấu ấn của Lê Văn Khoa.

Hòn Vọng Phu III

Tiếp bút

Nhạc sĩ Lê Văn Khoa cũng áp dụng kỹ thuật đó cho bài ca tôn giáo “Ngài Ðã Sống Lại”. Thay vì “La Do Re Mi” cho “Halleluia” của bè Soprano, Lê Văn Khoa đã đổi thành “Do re sol sol” với công dụng thứ nhất là nốt sol sẽ nghe sáng lạng hơn và công dụng thứ hai là nghe có âm hưởng ngũ cung. Ngoài ra, ông đã dùng chiêng, trống, mõ trong một nhịp điệu rộn rã vui tươi đình đám song song với phần hòa phối theo âm hưởng nhạc dân tộc đã vẽ lên hình ảnh dân làng hân hoan đón mừng Chúa sống lại.

Hòn Vọng Phu III

Một hòa âm đáng ghi nhớ khác là bản nhạc “Kìa Bà Nào” của Hoàng Diệp, với hòa phối hợp ca hòa tấu của Lê Văn Khoa. Ông đã khoác lên một hình ảnh:

“Kìa Bà nào tiến lên như rạng đông,
Đẹp như mặt trăng, rực rỡ như mặt trời,
Oai hùng như đạo binh sắp hàng vào trận.
Bà là ai?”

Hòn Vọng Phu III

Ðối lại, khi nghe những hòa âm của các tác giả khác, tôi tưởng tượng Bà là một người phụ nữ yếu đuối, ủy mị. Một thính giả khi nghe bài “Kìa Bà Nào?” qua phần hòa phối cho hợp ca và dàn nhạc giao hưởng của Lê Văn Khoa trong CD “Tôn Vinh Mẹ” do Magnifica Chorale trình diễn, đã nói với tôi là ông bị chấn động đến phải nghe đi nghe lại năm lần liên tiếp.

Hòn Vọng Phu III Trần Chúc

Tôi đã tìm hiểu khá nhiều sáng tác hòa phối hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng của Lê Văn Khoa, trong cương vị ca nhạc trưởng chuẩn bị ca đoàn và dàn nhạc cho các buổi trình diễn. Hòn Vọng Phu III, Việt Nam Việt Nam chỉ là một vài bài trong kho tàng âm nhạc lớn lao của ông. Hy vọng qua bài viết này, tôi đã đóng góp một phần nào vào sự hiểu biết con người âm nhạc Lê Văn Khoa và theo đó quý vị sẽ thưởng thức âm nhạc của ông một cách thích thú hơn.

Trần Chúc

Nhạc trưởng Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi (1989-2004)
Nhạc trưởng Magnifica Chorale (Từ 2005 đến nay)

 
Nguồn: http://damau.org

Chú thích của AmNhac.fm: Đây là Hòn Vọng Phu III do Lê Văn Khoa điều khiển dàn nhạc giao hưởng Royal Melbourne Philharmonic và Ban Hợp Xướng Việt Nam ở Melbourne Town Hall, 22.10.2005.
  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây