Đức Bình
21.5.2011
Tùng Dương, nam ca sĩ trẻ tuổi trình diễn được nhiều thể loại nhạc, có chất giọng thiên phú, trong tháng qua đã đến trình diễn tại Paris. Đây là lần thứ ba anh sang lưu diễn tại Pháp. Là một nghệ sĩ luôn tìm tòi những điều mới mẻ, anh hy vọng sẽ tiếp tục có dịp thâm nhập vào đời sống âm nhạc của người Việt ở Paris.
“… Còn bây giờ thì cho phép Tùng Dương được “lên đồng” một tí…”
Vâng, đó là lời giới thiệu vừa chân tình, vừa hài hước dí dỏm, nhưng cũng đã ghi đậm dấu ấn, mà Tùng Dương đã bộc bạch trực tiếp với khán giả của Paris sau khi dường như đã khoe gần hết những tài năng biến tấu âm nhạc đáng nể của mình qua một chất giọng thiên phú.
“Lên đồng“, có lẽ đây là “chiêu” thực sự độc đáo mà chàng ca sĩ này muốn dành bất ngờ cho khán giá người Việt tại Paris, để qua đó tha hồ mà nhắm mắt phiêu du thả hồn theo tiếng nhạc.
Quả thật như vậy, anh chàng ca sĩ này đã hoàn toàn có lý, khán giả Paris ngoan ngoãn ngồi nghe, thưởng thức trọn vẹn và chia sẻ thực thụ những cảm nhận âm nhạc mà Tùng Dương mong muốn gửi gắm.
Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi nghe được một lời bộc bạch hiền ngoan đến thế từ một nam ca sĩ. Rất tự tin, nhưng cũng một chút mặc cảm vì phải xin phép để được “lên đồng”.
Cho dù vẫn biết những bản gọi là “lên đồng” mà Tùng Dương thể hiện, thực chất không phải là những làn điệu “lên đồng” gốc, theo lời cổ. Nhưng ít nhiều nó cũng góp phần phản ánh giá trị nhân văn, mang tính ẩn dụ và tượng trưng cao, trong tiềm thức của người nghệ sĩ khi đối diện với công chúng, đặc biệt là công chúng xa quê.
Cũng phải thôi, bởi có thời kỳ, người ta đã từng cấm đoán và xếp Lên đồng ngồi chung cùng một hàng ghế với những trò mê tín dị đoan nhảm nhí, để rồi sau này lại phải sửa sai, tiến hành nghiên cứu nó, đưa nó vào hạng mục văn hóa phi vật thể cần sớm phải được bảo tồn.
Và hơn bao giờ hết, cách bảo tồn văn minh nhất, xác thực nhất, và hiệu quả nhất, có thể phần nào hy vọng nhờ cậy vào ý thức của một tầng lớp ca sĩ trẻ như Tùng Dương.
RFI : Trước đó Tùng Dương cũng đã từng xuất hiện trong một số cuộc thi âm nhạc trong nước (như Giọng hát hay Hà Nội chẳng hạn…). Tuy nhiên phải kể đến cái mốc Sao Mai Điểm hẹn năm 2004 thì công chúng mới phần nào biết đến Tùng Dương. Như vậy là đã 7 năm trôi qua, liệu quãng thời gian đó đã đủ để Tùng Dương hình thành một phong cách nhạc riêng chưa, hay vẫn tiếp tục tìm tòi những miền đất mới ?
Tùng Dương : Quá trình hình thành thì đã có trong Dương từ rất lâu rồi, nhưng quá trình phát triển thì còn cả một quãng thời gian dài trước mắt. Một khi phong cách đã được định hình, thì người ta sẽ tiếp tục tiếp nối và mở rộng hơn con đường âm nhạc của mình.
Tùng Dương vẫn đang trên con đường chinh phục những dòng âm nhạc thể nghiệm mang tính đương đại (Contempory), từ đó Dương sẽ tạo cho mình phương hướng phát triển rộng hơn, so với thể loại âm nhạc trước kia mình theo đuổi như Jazz, Ascoustic, World Music, New Age, và mới nhất là Album Li Ti với thể loại Electronic và Independent.
Trong tương lai Dương vẫn tiếp nối những gì đã hình thành một Tùng Dương, chứ không thay đổi theo những cái mà nó không thuộc về mình.
RFI : Tùng Dương vừa nhắc đến các thể loại âm nhạc phổ biến trên thế giới, và từ lâu cũng đã nhen nhóm trong làng nhạc Việt Nam chẳng hạn như Blue, Jazz, New Age hay World Music. Tuy nhiên gần đây có một thể loại mà ở Việt Nam gọi là nhạc Dân gian đương đại. Vậy theo Tùng Dương thì Dân gian đương đại ở đây được hiểu như thế nào, nó nằm ở đâu so với trào lưu âm nhạc thế giới nói chung, và khán giả của nó là ai ?
Tùng Dương : Thực ra đó là tên gọi mà người ta tạm thời đặt cho một dòng nhạc ra đời sau này. Có rất nhiều nhạc sĩ thử nghiệm trên chất liệu dân ca của Việt Nam, đặc biệt là chịu ảnh hưởng của dân ca đồng bằng Bắc Bộ (như Ca trù, Quan họ, Hát văn…).
Vì là nó chỉ lấy nền tảng từ dân gian, viết theo lối hòa âm của phương Tây, kết hợp với một số nhạc cụ của Việt Nam, để tạo thành những sắc thái vừa lạ vừa quen, kết hợp giữa Đông và Tây, nên chúng ta tạm gọi là Dân gian đương đại.
Tính đương đại ở đây ở chỗ là nó ra đời sau đó, vẫn giữ gìn truyền thống âm nhạc dân gian Việt Nam. Còn nếu bóc tách cái từ âm nhạc dân gian ra, chỉ còn đương đại không thôi, thì nó sẽ mang ý nghĩa khác.
RFI : Vậy đâu là dòng nhạc Tùng Dương đang theo đuổi ? Dân gian đương đại hay chỉ là Đương đại không thôi ?
Tùng Dương : Thực ra ngay trong Album “Chạy Trốn” thì Dương cũng đã hướng tới tính dân gian rất nhiều (dân gian Bắc Bộ). Tuy nhiên sau này âm nhạc của Dương không chỉ dừng ở đó. Tất nhiên vẫn kế thừa truyền thống, nhưng được mở rộng hơn, đi sâu hơn và khai thác tính độc lập trong những sản phẩm của mình. Thể hiện rõ nhất là Album nhạc Li Ti.
Dương đã lấy cảm hứng từ những thần tượng của mình như là Björk, Massive Attack…hay một số nhóm nhạc độc lập của Pháp. Họ là những người trẻ, nhưng có những suy tưởng rất lớn, mang lại nhiều sáng tạo cho người nghệ sĩ đương đại độc lập.
RFI : Tùng Dương là một trong số những nam ca sĩ có rất nhiều sự nỗ lực và sáng tạo, các Album nhạc Tùng Dương chuẩn bị nhìn chung rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên không phải bộ phận khán giả nào cũng có thể tiếp cận và sẵn sàng chấp nhận lắng nghe nhạc của Tùng Dương một cách dễ dàng. Là người trong cuộc, Tùng Dương cảm nhận và đo lường điều đó ra sao ?
Tùng Dương : Mình hiểu rõ con đường mình đang đi và cũng rất muốn công chúng hiểu, nghe nhạc và đồng cảm với mình nhiều hơn. Tuy nhiên dòng âm nhạc đương đại bao giờ cũng chịu nhiều luồng dư luận trái chiều nhau. Những người thích thì rất cổ vũ cho những hướng đi mới, nhưng cũng có những lớp khán giả chỉ thích nghe nhạc dựa trên những giá trị quen thuộc phổ cập và cổ điển, cho nên một khi đã chấp nhận đi trên con đường thử nghiệm nhiều chông gai, thì cũng phải chấp nhận nhiều luồng khán giả.
Tuy nhiên, bên cạnh dòng nhạc thử nghiệm thì Dương vẫn có dịp hát những dòng nhạc gần gũi với công chúng. Những bài hát xưa quen thuộc, nhưng khi Dương khai thác thể hiện, thì nó vẫn có mầu sắc mới, mặc dù là các tác phẩm nhạc xưa, nhạc tiền chiến nhưng cũng vẫn mang tính đương đại.
Ví dụ như anh đã từng thấy Tùng Dương hát tại Paris lần vừa rồi, những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy, Đoàn Chuẩn Từ Linh hay là Ngô Thụy Miên. Song song với việc Dương vẫn theo đuổi dòng âm nhạc sáng tạo mới mẻ, thì Dương vẫn phát huy những giá trị cũ của các nhạc sĩ thuộc thời kỳ đầu tân nhạc.
RFI : Tùng Dương vừa nhắc đến buổi biểu diễn tại Paris vào tháng 04/2011 vừa rồi. Những gì Tùng Dương cống hiến cho khán giả của Paris thực sự đã để lại ấn tượng rất đẹp, đã chia sẻ cảm xúc với khán giả người Việt nơi đây bằng ngôn ngữ âm nhạc thực thụ. Những người bầu show tổ chức ca nhạc tại Paris đã “nhắm” đến Tùng Dương và mời Tùng Dương qua hát, vậy cảm nhận của Tùng Dương về điều này như thế nào ?
Tùng Dương : Vừa rồi là lần diễn thứ ba của Dương tại Pháp. Lần đầu tiên trong một không gian rất nhỏ ở Hội quán (Foyer du Vietnam) thuộc quận 4 Paris, cùng với nhóm Năm Dòng Kẻ mang tính chất giao lưu văn hóa. Lần hai Dương diễn tại tòa nhà UNESCO và không gian tại Casino de Paris. Đó cũng là dịp để Dương được giới thiệu giọng hát của mình với công chúng Paris, vì trước đó cũng chưa có dịp nào chính thức cả.
Và dịp gần đây nhất là cách đây một tháng như anh nói, thì cũng có thể tạm gọi là tiếng hát của Tùng Dương phần nào được thâm nhập vào đời sống ca nhạc và khán giả tại Pháp. Hy vọng sẽ còn được mời qua Pháp lưu diễn vì Dương rất yêu nước Pháp, yêu vẻ đẹp lãng mạn cổ kính. Sau chương trình đó thì mọi người cũng nói với Dương là : lâu lắm rồi ở Paris mới có buổi ca nhạc chất lượng thế này. Với các nghệ sĩ từ Việt Nam qua, Dương nghĩ rằng đó là tín hiệu rất vui, khi về Việt Nam vẫn còn lâng lâng.
Lần thứ ba này qua Pháp thì Dương cũng đã dành cho mình được thời gian đi thăm thú nhiều hơn, bên cạnh việc chuẩn bị tập với ban nhạc để cống hiến cho công chúng của Paris một buổi nghe nhạc như vậy.
Dương đã đi thăm các bảo tàng nổi tiếng như Louvre, Bảo tàng Mỹ thuật Đương đại Beaubourg (Centre George Pompidou). Mỗi chuyến đi đều đem lại cho Dương nhiều sự hiểu biết, thêm nhiều kinh nghiệm, so sánh văn hóa của các nước khác nhau. Trước đó thì Dương cũng có buổi biểu diễn với nữ ca sĩ Trần Thu Hà tại Mỹ cách đó khoảng 10 ngày, sau đó về Việt Nam dự giải thưởng Cống hiến của báo Thể thao Văn hóa, và cuối cùng thì lại lên đường đi tiếp để biểu diễn tại Pháp.
Đức Bình
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/