Ngành Mai
27.5.2011
Ðệ nhứt danh ca Út Trà Ôn đang hát cho đoàn Thủ Ðô của ông bầu Ba Bản với điều kiện hết sức ưu đãi, với giao kèo mấy triệu và lương đêm cao gấp hơn chục lần kép hát thường.
Vậy mà cũng không vừa lòng, ông ta nhảy ra lập đoàn Thống Nhứt.
Sau hơn 3 năm hoạt động, ông bầu Út Trà Ôn đã chịu đời không thấu đành phải tuyên bố rã gánh vào tháng 8 năm 1965. Thế là sau một thời gian đứng trong hàng ngũ cải lương, đoàn Thống Nhứt từ đó đã phải vắng bóng. Trong hoàn cảnh khó khăn lúc ấy, hầu hết các đoàn hát đều thấp thỏm lo sợ cho vận mạng của đoàn. Nếu có đoàn nào rã, đó là chuyện phải đến đã đến. Ðoàn Thống Nhứt cũng nằm trong tình trạng ngất ngư đó, càng về sau càng xuống dốc, Cậu Mười Út cố gắng chống cự với mọi khó khăn trở ngại, nhưng một con én và con én ấy lại cao niên, thành thử làm thế nào đem lại Mùa Xuân được chớ!
Vậy mà trong giai đoạn chót, đoàn Thống Nhứt cũng cố vượt lên một phen là đoàn có tăng cường thêm ba ngôi sao tân nhạc là Phương Dung, Việt Ấn, Tùng Lâm. Có thêm ba cây xanh dờn bên tân nhạc tăng cường không đem lại cho đoàn Thống Nhất một tia hy vọng nào. Trái lại ông bầu Út Trà Ôn còn phải ngất ngư thêm, vì mỗi đêm bán vé chưa tới 20 ngàn mà phải trả tiền cho 3 người tân nhạc này mỗi đêm 6,500 đồng (Phương Dung 3,000; Tùng Lâm 2,000; Việt Ấn 1,500 đồng).
Kết quả sau tuần lễ có thêm ba nghệ sĩ Phương Dung, Việt Ấn, Tùng Lâm: Ðoàn Thống Nhứt rã. Xác gánh được đưa về trại ở đình Tân Kiển.
Có một nguồn dư luận xầm xì, cải lương người ta hát ngày nầy qua năm khác chẳng hề hấn gì. Vậy mà mới nhảy vô ăn có một tuần lễ, ba nghệ sĩ tân nhạc nói trên không tiếp hơi được mà còn chôn luôn đoàn Thống Nhứt.
Dư luận đó nếu không đùa để mà cười chơi, thì cũng là khắt khe vì thật tình đoàn Thống Nhứt như một con bịnh lâu năm đến ngày kiệt quệ rồi. Có hay không có ba nghệ sĩ Phương Dung, Việt Ấn, Tùng Lâm nhảy vào ăn có thì đoàn nầy cũng… ngủ. Như vậy là một tai nạn cho ba nghệ sĩ tân nhạc nói trên, bởi không đi “coi thầy” trước khi về hợp tác với cải lương.
Người ta không hiểu sao lúc bấy giờ đệ nhứt danh ca vọng cổ lại không còn tin ở làn hơi ca hái ra bạc của mình, mà lại phải cầu viện bên phía tân nhạc. Quả là Út Trà Ôn đã đi lầm một nước cờ!
Lúc ấy người trong giới đã cười mỉa mai nói rằng Tổ nghiệp cải lương đã cho Út Trà Ôn làm bầu gánh cho biết đá biết vàng, để đền cái tội đã từng làm khó dễ, gây khổ sở cho các bầu gánh trước đó mà ông ta từng cộng tác. Thật vậy, cái khổ của Út Trà Ôn lúc ấy đâu có khác gì cái khổ của nhiều bầu gánh bị sạt nghiệp, mang nợ mang nần cũng vì mê cải lương nhảy ra kinh doanh nghệ thuật. Âu cũng là cái nghiệp cầm ca, nghiệp dĩ cải lương thôi!
Ngành Mai
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com