Lê Văn Khoa & “Nocturne cho vĩ cầm và dương cầm”

Ðàm Xuân Linh
0.05.2011


Vĩ cầm: Svyatoslava Semchuck – Dương cầm: Irina Starodub

Tác phẩm “Dạ Khúc cho vĩ cầm và dương cầm” của nhạc sĩ Lê Văn Khoa đem lại cho tôi một ngạc nhiên lớn. Thể nhạc đặc biệt này bắt đầu với những bài Dạ Khúc của nhạc sĩ Ái Nhĩ Lan John Field và đạt đến tuyệt đỉnh với những bài Nocturne bất hủ của nhạc sĩ Ba Lan Frederick Chopin, viết cho dương cầm. John Field cho xuất bản loạt bài Nocturnes của ông vào năm 1814, sau đó nhiều nhạc sĩ khác cũng viết những sáng tác theo thể điệu “Dạ Khúc” – Gabriel Faure và Francis Poulenc viết cho dương cầm, Debussy viết cho dàn nhạc – nhưng theo ý kiến chung trong thế giới âm nhạc cổ điển, những bài Nocturnes viết cho dương cầm của nhạc sĩ thiên tài Chopin được dành cho một chỗ đứng cao nhất.

Khi đêm về, lòng ta lắng lại, khi mọi tiếng động của sinh hoạt hàng ngày tắt tiếng thì cũng là lúc chúng ta để đời sống của tâm hồn trỗi dậy với những vui buồn, những kỷ niệm và mọi thứ tình cảm ấp ủ trong lòng. Trong sự im lặng của màn đêm, Dạ Khúc của Lê Văn Khoa mở đầu với tiếng dương cầm êm ái, và khi tiếng vĩ cầm bắt đầu từ trầm lên cao vút cũng là lúc kỷ niệm từ quá khứ ập về, ngọt ngào và tha thiết! Nhưng kỷ niệm không phải chỉ toàn có đau buồn nuối tiếc, kỷ niệm cũng có những ngày vui, đó là lúc tiếng đàn chuyển qua âm giai trưởng, nghe như reo vui của những ngày xưa cũ. Niềm vui nào rồi cũng qua mau, tiếng đàn vĩ cầm lại quay về với dòng nhạc đầu tiên và kết thúc trong sự nuối tiếc khôn cùng, kỷ niệm rồi cũng chỉ là những nỗi vui buồn trôi đi cùng năm tháng.

Chúng ta ai cũng quen thuộc với nguyên tắc “trở về” của nhiều nhạc phẩm mới cũng như cũ: bản nhạc bắt đầu bằng một giai điệu, chuyển qua một hoặc nhiều giai điệu khác với những biến hóa tùy theo tác giả, nhưng cuối cùng lại trở về với nét nhạc đầu tiên. Lê Văn Khoa, trong bài Dạ Khúc cho vĩ cầm và dương cầm, đã dùng cái nguyên tắc “trở về” ấy một cách tài tình; nhưng biến khúc của ông không bao giờ đi quá xa cái tình cảm diễn đạt trong giai điệu chính, khiến toàn thể bài Dạ Khúc là một cấu trúc thật đẹp, là một tiếng lòng vô cùng tha thiết.

Dạ Khúc là một thể điệu âm nhạc mà tác giả được quyền viết một cách tự do, nhưng bài Nocturnes có giống nhau chăng chỉ ở chỗ chúng thường mang một sự trầm lắng, suy tư nào đó; nếu vui thì cái vui cũng ít khi ồn ào thái quá, và nhất là tính cách lãng mạn của những bài Nocturnes thì bao giờ cũng không thể thiếu.

Một trong những bài Dạ Khúc nổi tiếng của Chopin (Nocturne No. 20 in C sharp minor) viết cho dương cầm, đã được danh cầm Nathan Milstein viết lại cho vĩ cầm và dương cầm. Chính Milstein đã trình tấu và thu âm bài Dạ Khúc này nhiều lần. Những bạn yêu tiếng vĩ cầm có thể nghe lại bài Dạ Khúc đó qua tiếng vĩ cầm có một không hai của Milstein, trong những CD mang tựa đề “The Art of Nathan Milstein” của hãng dĩa Anh-quốc EMI. Milstein đã dùng “sourdine” khi đàn Dạ Khúc cung C sharp minor, tôi tự hỏi bài Nocturne của Lê Văn Khoa có thể được trình bày hay hơn bằng vĩ cầm với “sourdine” không, nhưng tôi biết chắc nhiều người yêu nhac sẽ thích nghe Nocturne của Lê Văn Khoa với tất cả những tình cảm ngọt ngào cay đắng qua âm thanh tự nhiên của cây vĩ cầm hơn.

Nếu thích, bạn có thể nghe nữ nhạc sĩ vĩ cầm Midori trình tấu bài Nocturne cung C sharp minor của Chopin (Milstein soạn lại). Midori đã chọn bài Dạ Khúc này trong buổi trình tấu ra mắt của cô ở Carnegie Hall, lúc cô mới 19 tuổi nhưng đã nổi tiếng là một kỳ tài về vĩ cầm với kỹ thuật hiếm có. Midori không dùng “sourdine” nhưng vẫn cố gắng giữ cho bài Nocturne được nhẹ nhàng bằng cách dùng “vibrato” vừa phải. Rõ ràng cung cách trình bày của cô khác hẳn Milstein, tiếng đàn của cô có những lúc như khóc như than làm người nghe khó cầm được xúc động! Thành thực mà nói, tôi thích cả hai lối trình tấu nhưng đứng về phương diện “style” có lẽ Milstein đến gần ý của tác giả hơn.

Nocturne của Lê Văn Khoa, qua tiếng vĩ cầm của nữ nhạc sĩ người Ukraine Svyatoslava Semchuck, thật là một diễn tả tuyệt vời! Tôi cảm thấy rõ ràng là Semchuck hoàn toàn cảm thông với tác phẩm của nhạc sĩ Việt Nam Lê Văn Khoa, điều này không có gì lạ vì ông đã viết một tác phẩm hoàn toàn theo nét nhạc Tây phương, và ông đã thành công trọn vẹn.

Tôi không biết có bao nhiêu nhạc sĩ Việt Nam đã đặt bút viết những bài Nocturne. Gần đây nhạc sĩ Thanh Trang viết “Dạ Khúc” đã mang cho tôi nhiều xúc động với lời ca và nét nhạc thật trau chuốt đẹp đẽ! Khi nghe Nocturne của Lê Văn Khoa, viết cho hai nhạc khí vĩ cầm và dương cầm, tôi tự hỏi một bản nhạc hay như vậy đã được trình bày bao nhiêu lần?, ở đâu?, và đã được nằm trong chương trình trình tấu của bao nhiêu nghệ sĩ vĩ cầm? Bởi vì, theo ý tôi, đó phải là chỗ đứng xứng đáng của tác phẩm này, một thành công vượt bực của người nghệ sĩ Lê Văn Khoa.

Đàm Xuân Linh

* Đàm Xuân Linh là nhạc sĩ vĩ cầm, tốt nghiệp Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn năm 1962.
 
Ngu
ồn: damau.org
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây