Thy Nga
2010-08-30
Một giọng ca nữ của buổi đầu tân nhạc Việt Nam vừa lìa trần. Tuy biết rằng bà Minh Trang tuổi đã cao, sức khỏe suy yếu từ lâu nhưng giới yêu nhạc không khỏi xao lòng khi nghe tin dữ.
Ca sĩ Minh Trang (giữa) cùng con trai Bửu Minh (T) và con gái Đoan Trang (tức ca sĩ Quỳnh Giao)
Riêng với Thy Nga thì qua các dịp hỏi chuyện nữ danh ca Minh Trang về những ca nhạc sĩ tiền phong, Thy Nga rất kính mến bà, nên lòng chùng xuống bâng khuâng khi nghe tin bà đã ra đi vĩnh viễn.
Sự khởi đầu ngẫu nhiên
Một cuộc sống khởi đầu vào tháng Tám (bà tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Trâm chào đời ngày 18 tháng Tám 1921 tại Bến Ngự, Huế) lìa đời vào ngày 17 tháng Tám 2010, tức là trọn 89 năm nơi cõi trần.
Số mệnh dường như sắp xếp cho đôi tâm hồn đồng điệu: tháng Tám cũng là tháng mà người chồng sau này của bà, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước qua đời vào năm 1995.
Ngọc Trâm lớn lên trong khung cảnh một danh gia vọng tộc một thời ở Huế (là cháu ngoại của Bà Chúa Nhứt (chị ruột của Vua Thành Thái), là cháu nội của Diên Lộc Quận Công, và con gái của Thượng Thư Bộ Hình, Nguyễn Hy).
Ngọc Trâm theo học trường Jeanne d’Arc, và học piano.
Có lẽ do từ nhỏ đã tiếp cận và hấp thụ văn hóa Tây phương nên Ngọc Trâm cởi mở trong cách suy nghĩ; tự nhiên, thẳng thắn và mạnh dạn trong lối sống.
Khoảng 1941, tại Lycée Khải Định, cô thiếu nữ Ngọc Trâm gặp học giả Ưng Quả dạy Việt văn và Pháp văn. Khi ấy, thày Ưng Quả góa vợ, có hai con nhưng hai người tâm đầu ý hợp nên tiến đến hôn nhân. Chúng ta nên nhớ rằng hồi đó cách nay cả bảy mươi năm. Cuộc hôn phối này cho ra đời một trai là Bửu Minh, và một gái là Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang (trở thành ca sĩ Quỳnh Giao sau này).
Trong câu chuyện với Thy Nga cách nay vài năm, bà kể lại chuyện ca hát bắt đầu như sau:
“Hồi nhỏ, tôi học trường bà soeur, phải đi hát nhà thờ từ 12, 13 tuổi thành ra nổi tiếng từ trong giới học sinh ở Huế.
Thế rồi khi vào Saigon, tôi làm cho đài Pháp Á (dịch tin từ tiếng Việt sang tiếng Pháp rồi xướng ngôn tiếng Pháp).
Một hôm, ca sĩ Ngọc Thanh ốm, cô ấy không đến, không có ai hát hết, mà ban nhạc không nhẽ cứ hòa tấu, ông chủ sự phòng Văn Nghệ mới hỏi “tôi nghe bà nghêu ngao hát, thế bà có hát được không?”
Tôi cười, ông ấy mới bảo “Bà hát thử đi”. Tôi nói chỉ biết hát có một bài tiếng Việt là bài “Đêm đông”. Hát xong thì bao nhiêu người téléphone vào hỏi “Cô nào mới mà hát hay quá vậy” ông Hoàng Cao Tăng mới bảo “thế thôi, bà hát luôn đi” thế là bắt đầu cái ca hát của tôi như vậy.”
Và nghệ danh Minh Trang là do tên hai người con ghép lại.
Khởi sự ngẫu nhiên như thế, nhưng Minh Trang trở nên một trong các giọng nữ mở đường khai lối cho những thế hệ ca sĩ sau này. Tân nhạc Việt Nam hồi đó mới hình thành, được gọi là ‘nhạc Cải cách’ và Minh Trang đã góp phần đưa nó phát triển thành một sinh hoạt quan yếu trong cuộc sống.
Minh Trang kể tiếp:
“Vẫn làm và hát. Hồi đó hát là direct chị ạ, nếu hát sai là ai cũng nghe hết cả.
Năm 1949, tôi đi “Ordre de mission” chính phủ mời ra Hà Nội hát cho hội chợ Tết, là lần đầu tiên tôi gặp ông Tước đấy.
Tôi cũng đã hát bài “Tiếng xưa” là một trong các bài đầu tiên của anh Tước nhưng hồi đó, tôi không biết là của ai.”
Trai tài gái sắc
Về bài “Ngọc Lan” mà nhiều người cho là nhạc sĩ Dương Thiệu Tước viết để riêng tặng Minh Trang, Thy Nga hỏi chuyện này thì bà cười và nói:
“Tại vì tên tôi là Ngọc Trâm, mà Trâm không thuận để lời vô, mới hóa thành Ngọc Lan. Tả cái hoa nhưng anh tả mình đấy chớ. “Tiếng tơ chùng …” là anh ấy đàn tranh cho tôi hát đó. “Giọng ướp men thơ” tưởng tượng giọng tôi mà hay đến như ướp men thơ (cười) văn chương như vậy thôi!
Khi đó, anh ấy chưa lấy tôi, anh ấy ở Hà Nội, nghe tôi hát qua đài phát thanh Pháp Á. Hồi đó ở Hà Nội, cái loa phóng thanh để ngoài đường, mỗi buổi chiều, ai cũng đứng nghe, mà ở nhà vặn radio nghe, cho nên tôi hát ở Saigon mà ở Hà Nội, ai cũng nghe hết. Mà tôi nói thật chị nghe, ngoài ông Dương Thiệu Tước ra, bao nhiêu nhạc sĩ khác đều gởi bài cho tôi. Bài nào tôi cũng hát được hết, vì tôi chơi piano mà, thành chỉ nhìn bản nhạc là tôi hát được liền, không cần phải tập nữa. Bài ông Tước viết cho mình thì mình hát.”
Minh Trang ríu rít kể lại kỷ niệm xưa. Với bà, những ngày ấy dường như mới hôm qua … Đôi nghệ sĩ này (làm đám cưới năm 1951) quả thật sống trong thế giới âm thanh.
“Anh ấy viết bản nhạc, bảo tôi hát thử. Có những cái note mà hơi cấn cấn thì tôi bảo anh ấy sửa đi. Một vài bài thôi. Còn về lời ca thì có bài “Bóng chiều xưa” tôi thử viết lời. Anh ấy bảo “thế này cũng được quá rồi” và đề tên tôi vào“.
Về bài “Đêm tàn Bến Ngự“, khúc ca Huế đã gắn liền với tên tuổi Dương Thiệu Tước, Thy Nga hỏi chuyện Minh Trang về tình cảnh nhạc sĩ viết nên tuyệt tác ấy.
“Theo như tôi biết thì anh ấy viết bài đó lâu lắm rồi, từ hồi còn trẻ, anh ấy viết bài đó sau hai tháng vào Huế chơi, ở trên các chiếc thuyền đò nghe ca Huế, anh ấy cũng đàn nguyệt, thành ra đàn ca với mấy cô ca nữ.
Làm bài đó xong nhưng không ai hát vì ở Hà Nội, Minh Đỗ, Thương Huyền… mấy cô ấy không ai hát loại ca Huế.
Anh ấy cất đi, mãi mấy năm sau, mới lôi ra, nói tôi hát thử đi, và anh ấy đàn tranh cho tôi hát bài đó.”
Đến đây, Thy Nga mời quý vị cùng nghe “Đêm tàn Bến Ngự” do Minh Trang trình bày trên đài Pháp Á vào các năm 1950, âm thanh thâu đã cả sáu chục năm rồi …
“Hát đúng kiểu Huế quá. Hát thử trên đài thì hay, thành ra đi hát attraction nghĩa là ở rạp ciné, trước khi chiếu phim thì có trình diễn ca nhạc. Hôm đó, tôi với anh ấy lên hát ở rạp Thanh Bình, anh ấy đàn tranh cho tôi hát bài “Đêm tàn Bến Ngự”. Từ đó, bao nhiêu người biết bài này, cho là hay nhất đấy chớ.”
Minh Trang cũng tham gia các ban nhạc của Hoàng Trọng, Vũ Thành ca hát đến năm 1961 thì phải ngừng vì chứng hen suyễn. Tuy nhiên, giọng hát và hình ảnh của bà dường như lưu truyền lại cho người con gái lớn là ca sĩ Quỳnh Giao rất giống mẹ.
Sau biến cố tháng Tư 1975, như mọi người ở miền Nam, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước cũng lâm vào những ngày đen tối với số lương ít ỏi cho giáo sư dạy nhạc, con trai trong quân đội thì bị Cộng sản bắt làm tù binh đến năm 78 mới ra.
Bà Minh Trang quyết định phải ra khỏi đất nước nên cuối năm 79, cùng các con còn lại vượt biển đến Thái Lan, rồi tới định cư tại Virginia, Hoa Kỳ.
Năm 86, bà theo các con, sang Quận Cam, Nam California, vui cảnh hưu trí.
Vào buổi chớm Thu năm nay, khi lá bắt đầu úa vàng, đàn con cháu, dâu rể cùng với giới văn nghệ sĩ và những người hâm mộ đã ngậm ngùi tiễn đưa bà về cõi vĩnh hằng.
Thy Trang
Nguồn: http://www.rfa.org