Ca từ của nhạc Trịnh rắc rối hơn bất cứ văn bản nào đã có. Viết “chân phương” như các nhà thơ cổ điển mà đã có ai dám bảo là hiểu hết ý tưởng. Ngay 2 câu “Đêm thu gió lọt song đào, Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời” của Truyện Kiều, các nhà bình luận cũng đã tốn bao nhiêu giấy mực để tranh luận.
Ca từ ấy rắc rối ở chỗ có lẽ hình tượng cụ thể hay trừu tượng mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cảm nhận được rất phong phú, tinh tế, khó diễn tả bằng ngôn từ bình thường. Do vậy chỉ với cách nói, cách viết đôi lúc có vẻ “ngược đời” mới giúp cho nhạc sĩ truyền đạt và thể hiện ý tưởng của mình, cho dù các ý tưởng ấy cũng khá mơ hồ. Cách thể hiện ngôn từ đó không phù hợp với logic ngôn ngữ hằng ngày nhưng chắc không phải là mớ bòng bong rối rắm hoặc thứ ngôn ngữ giả tạo cố tình tạo ra, bằng chứng nhiều người nghe nhạc Trịnh dù không hiểu vẫn thấy thích, vẫn thuộc và hát đúng ca từ (nói thêm rằng, nhạc Trịnh được thích, được hát từ rất lâu chứ không phải nổi lên như phong trào sau khi ông mất).
Chính xác hơn, ông tạo ra ngôn ngữ của ca từ bằng “cảm tính” chứ không phải “lý tính”, vì vậy nếu dùng “lý tính” để phân tích thì có thể khó lý giải nhưng nghe thì vẫn “cảm” được đó thôi. Cũng đoán rằng, chưa chắc Trịnh đã mô tả rõ ràng được những gì ông đã cảm, đã viết ra. Đối với một bức tranh thuộc trường phái trừu tượng hay lập thể, những con người hay cảnh vật thường có vẻ kỳ dị; những hình khối méo mó khác thường nhưng nhờ thế mở chở nổi những tư tưởng tác giả muốn thể hiện. Ví dụ khẳc, chẳng hạn chuyện uống rượu, mình có thể cảm được cái hương, cái vị, cái ngon của chai Chivas 21 năm tuổi nhưng khó diễn tả cho người khác chỉ quen uống vodka, cũng cảm được như mình!
Ca từ của ông có nhiều lúc như “nói ngược” hoặc nói sai. Người ta hay trích câu nói ngược của ông “Một trăm năm đô hộ giặc tây” (?) Tây đô hộ ta chứ! để phê bình. Thế nhưng, câu cửa miệng “Tôi đi khám bác sĩ” dù ngược ngạo nhưng vẫn được mọi người dùng thường xuyên đó chứ! “Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao“, “Cụm rừng nào lá xác xơ cây“,… của ông cũng là kiểu như vậy.
—–
Bài “Còn tuổi nào cho em” mình biết thì từ rất sớm, chỉ nghe một vài lần gì đó do KL hát trước 75. Sau này cố công đi tìm nhưng không gặp; các tape mang về nước, các đĩa KL được sao chép cũng không thấy bài này. Phần lớn là gặp Trịnh Vĩnh Trinh, Thu Hà,… hát khiến mình có cảm giác như ăn món ngon nhưng nấu chưa tới. Cho đến khoảng 7, 8 năm trở lại đây, nhờ internet mình mới tìm được các file mp3 do KL hát, lúc đó mới thấy thật sự hài lòng. Đây cũng là bài mình thường “ngâm ngợi” từ thuở đôi mươi cho đến lúc tóc đã 2 màu, không hiểu sao khi nghe mình cảm thấy có chút gì đó man mác, phấn chấn, chút gì đó cảm hoài,… Nay thử nêu vài cảm nhận riêng mình xem sao (cũng nói thêm là trên mạng dường như chưa thấy ai viết cảm nhận cho bài này)
Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay
Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời
Tay măng trôi trên vùng tóc dài
Bao nhiêu cơn mơ vừa tuổi này
Tuổi nào ngơ ngác tìm tiếng gió heo may
Trạng thái này từ một bạn trẻ đang mơ mộng hay một người bước vào tuổi xế bóng đều có thể gặp.
Một thoáng ngơ ngác khi gió heo may về, mỗi người có những cảm xúc với cung bậc khác nhau. Con người là một tạo vật của thiên nhiên ắt phải có các phản ứng khi thiên nhiên thay đổi: lá vàng úa, mây bay, gió heo may,… Có những giây phút nào đó, con người nhạy cảm, đã ngồi mơ mòng dõi mắt trông theo,…
Tuổi nào vừa thoáng buồn áo gầy vai
Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời
Xin cho tay em còn muốt dài
Xin cho cô đơn vào tuổi này
Tuổi nào lang thang thành phố tóc mây cài
Như một cô/cậu học trò, một nàng/chàng sinh viên, một người nghệ sĩ trẻ lang thang một mình qua phố phường. Là tuổi mới lớn, chiều cao phát triển nhanh hơn chiều ngang nên một thoáng nhìn sẽ thấy đôi vai gầy, đôi tay lỏng khỏng (muốt dài). Vai gầy thể hiện nỗi buồn mong manh. Cho dẫu tương lai chưa định hình, cho niềm cô đơn đang tạm thời ngự trị trong tâm khảm nhưng đó là cái trạng thái tự nhiên của giai đoạn sắp bước vào tuổi trưởng thành.
Em xin tuổi nào còn tuổi nào cho nhau
Trời xanh trong mắt em sâu
Mây xuống vây quanh giọt sầu
Em xin tuổi nào
Còn tuổi trời hư vô
Bàn tay che dấu lệ nhòa
Đây là một cảm giác mênh mông! Nghi ngại và tin tưởng; bồng bột và u sầu. Nhiều lúc không biết mình thích chóng trưởng thành như một người lớn thực thụ hay trở về niềm hoan lạc tuổi thơ (!)
Ôi buồn!
Tuổi nào ngồi khóc tình đã nghìn thu
Tuổi nào mơ kết mây trong sương mù
Xin chân em qua từng phiến ngà
Xin mây xe thêm mầu áo lụa
Tuổi nào thôi hết từng tháng năm mong chờ…
Đến đây đúng là tuổi về chiều, ngả bóng. Tất cả còn lại chỉ là những hoài niệm, tiếc nuối, an ủi,…
Dù tuổi cao nhưng có ai cấm nỗi việc người ta còn mơ mòng. Lúc này thường không mong gặp những điều mới lạ, những phiêu lưu trong cuộc đời mà chỉ còn mong gặp “cố nhân”. Năm tháng đi qua, tuổi đời chồng chất nhưng người xưa vẫn là “bước chân mềm trong màu áo lụa”, những ảo ảnh, hình tượng quý giá hiện ra trong làn sương ký ức. Vì thế, người ta vẫn mong chờ để nói lên một điều gì đó, để bày tỏ một nỗi niềm với ai đó mà trong quá khứ đã lỡ hẹn hoặc lỡ cơ hội nên luôn hối tiếc….
Nguyễn Hoàng
RE: Vài cảm nhận về ca từ nhạc Trịnh và riêng bài “Còn tuổi nào cho em”
Có đôi khi hiểu tường tận nhưng không thể cảm mà ngược lại nhiều lúc cảm mà lại không hiểu rõ…Và mình nghĩ đó là nghệ thuật, một nghệ thuật trừu tượng làm tâm hồn bay bỗng những ước mơ và cảm xúc!
Cảm ơn về một bài viết nhiều cảm xúc nhất là khi anh gửi gấm ở bài “Còn tuổi nào cho em”, một bài hát mà lời nhạc với quá nhiều câu hỏi băn khoăn và khắc khoải về một đời người. Quá nhiều cảm xúc về sự sống trời cho tính bằng “tuổi”. KT
Vài dòng để lại
Em cũng rất thích bài hát này, từ giai điệu đến ca từ của nó. Bài phân tích của a rất hay. Thật vui khi được cùng “nhâm nhi” những thanh âm của Trịnh.
ý nghĩa bài hát còn tuổi nào cho em
cảm ơn tác giả có bài viết về bài hát này, tôi cũng muốn tìm hiểu về câu từ trong bài hát mà không hiểu rõ lắm.
thí dụ đoạn:
Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời
Xin cho tay em còn muốt dài
mình nghĩ “dấu chân chim” là thể hiện tuổi già dấu chân chim hằn trên khóe mắt, còn chữ “muốt dài” là ước muốn ngón tay vẫn còn mượt và dài như tay búp măng
thất sự mà nói mình vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của bài hát nhưng vẫn thich và vẫn thường hát
Tuổi trẻ
Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời
Xin cho tay em còn muốt dài.
Theo cảm nhận của tôi, dấu chân chim mà Trịnh muốn nói tới không phải tuổi già. Nó là là biểu tượng cho tuổi thanh xuân, sức trẻ nhiệt huyết, tung tăng bay nhảy, vô tư, hồn nhiên và chẳng ưu phiền. Thanh xuân, với những ngón tay muốt dài, là độ tuổi đẹp nhất, quyến rũ nhất cuộc đời của bất cứ ai. Và, bất cứ ai cũng đều muốn sống mãi với tuổi trẻ. ” XIn cho tay em còn muốt dài” ước muốn níu giữ thời gian của Trịnh, khi nhìn về tuổi trẻ ấy tôi cảm thấy sao hồn nhiên, nhưng sao cũng ngậm ngùi, vì đó là điều không thể. Hai câu này làm tôi cũng suy nghĩ về tuổi trẻ của tôi nhiều lắm.
ca từ nhạc Trịnh
“dấu chân chim” là thể hiện tuổi già dấu chân chim hằn trên khóe mắt,
Đúng đấy bạn
“Dấu chân chim” của nhạc Trịnh
Ghi dấu chân chim qua trời! Tuổi này nói về tuổi thanh xuân của người con gái, muốn cảm nhận nó tất cả về cuộc sống, dấu chân của “con chim vội vã đậu rồi bay” Tiếp tục trên bầu trời bao la.
RE: Vài cảm nhận về ca từ nhạc Trịnh và riêng bài “Còn tuổi nào cho em”
Theo cảm nhận của tôi, tác giả viết bài này có nghiêng quá nhiều về nghĩa đen. Mỗi con người, mỗi giai đoạn khác nhau trong cuộc đời thì lại nghe và cảm nhận được mỗi điều khác nhau. Với môt bài hát nghe cả đoạn, hoặc cả bài mới hiểu hết được ý nghĩa, không nhất thiết phải phân tích từang câu, từng chỉ để tách riêng rành mạch, có thể khi tách ra và phân tich thì lại thấy nghĩa đen mà không thấy nghĩa bóng. Thân gửi tác giả
RE: Vài cảm nhận về ca từ nhạc Trịnh và riêng bài “Còn tuổi nào cho em”
Cả bài hát là nỗi buồn của tác giả vì tuổi đã nhiều, đã không còn nhiều năm tháng nữa để dành cho “em”. Nhìn “lá vàng úa” mà nghĩ tới tuổi mình cũng đã phai màu. Giống như câu hát “giật mình ôi chiếc lá thu phai” cũng vậy. “Bao nhiêu cơn mơ vừa tuổi này”, là tuổi đã nhiều lắm rồi, mơ bao giấc mơ rồi. “Thoáng buồn áo gầy vai” vì nhiều tuổi nên người gầy đi, vẫn áo đấy nhưng bỗng thấy vai áo rộng – vì mình đã già. Những “dấu chân chim” đã hằn lên khóe mắt, tóc đã hai màu đen trắng – “tóc mây cài”. “Em” còn xuân, mắt trong veo như bầu trời xanh; tôi thì đã xế chiều, “em” muốn xin tuổi nào nữa đây, tôi còn dành cho em được bao nhiêu năm nữa đây. Chỉ “còn tuổi trời hư vô” Buồn làm sao, sầu làm sao! Chỉ biết lấy “bàn tay che dấu lệ nhoà”…
Còn tuổi nào cho em
Bài viết cảm nhận của bạn rất hay!
Riêng một góc…. Nhìn
[b]có thể sa vào đoán tuổi của một cô gái nào đó mà TCS viết bài :” còn tuổi nào cho em”. không phải cụ thể một cô mà xuyên suốt bài hát là một…. số cô đã đi qua đời nhạc sĩ . ngày trước TCS và Phạm công Thiện có dạy triết, ông theo trường phái hiện sinh, văn phong là bắt người khác tự tìm hiểu đối tượng mà ông nghiên cứu theo góc nhìn riêng của mỗi người. [/b]
Còn tuổi nào cho em
Haiz. Thật sự cháu thấy chú cảm nhận một kiểu mà có lẽ cháu không đồng ý được khi nói về bài này. Cháu xin lỗi trước nhé. Cháu chỉ nói theo cháu cảm nhận thôi. Cháu năm nay 31 tuổi. Có lẽ còn rất trẻ so với mọi người. Cháu nói ra suy nghĩ thôi. Bài này bao gồm toàn bộ cung bậc cảm xúc cũng như hiện thực cuộc đời một người con gái từ xuân xanh đến giã từ cuộc đời. Đan xen hình tượng tuổi xuân. Trung niên và tuổi già. Từ sự mơ mộng ngây thơ ” ngồi hát mây bay ngang trời” của cô gái trẻ. Đến sự trầm lắng ngẫm đời ” ghi dấu chân chim ngang trời”. Và sự giật mình hoảng hốt một ngày nhìn lại khi mình đã già ” tình đã nghìn thu”. Sự tiếc nuối. Sự hoài niệm…của đời người con gái. Xen vào đó nhân vật chính hoàn toàn không phải người phụ nữa đó mà là một người thứ 2. Người nhìn theo cô gái từ thanh xuân đến khi già. Thấu hiểu và cảm thông xen lẫn một chút tâm tình mong muốn riêng tư cho cô gái đó. Tình cảm và cái nhìn của người thứ 2 này thật sự là một triết lý cuộc đời. Ta thử đặt mình vào vị trí người thứ 2 và cảm nhận. Rồi ta lấy thân phận người ngoài cuộc. Người thứ 3 để nhìn tổng quát. Thật sự là có một sự cảm thông sự đồng cảm chung cho tất cả lứa tuổi. Giai cấp địa vị. Theo cháu thì cái triết lý ở đây thật sự cao lắm. Có lẽ mỗi một giai đoạn đời người nhìn vào sẽ có một cảm giác khác nhau. Nhưng chung quy lại là phù hợp tất cả. Cháu còn nhiều thứ muốn nói lắm nhưng dài quá rồi. Cháu góp ý ý kiến riêng nhé
Cảm nhận riêng
Thực ra nhan đề bài hát cũng khá rõ. Tuổi nào cho em… Có hai nhân vật trừu tượng trong bài hát này là nhân vật chính có lẽ đã luống tuổi và nhân vật em. Bài hát đan xen sự tương phản giữa tuổi trẻ của em và tuổi vào chiều của nhân vật chính… và suy tư liệu có thể dành cho “em” những năm tháng của tuổi nào? Bài hát nhiều cảm xúc hơn logic, như những dòng suy tư tuôn chảy.