Nguyễn Lệ Uyên
21.5.2008
Đã từ lâu, các nhà nghiên cứu văn học dân gian đều nhất quán cho rằng bài chòi là một sản phẩm văn hóa rất độc đáo của vùng đất nam Trung bộ. Tuy vậy bài chòi xuất hiện từ lúc nào? Cái nôi của nó ở đâu? Vẫn còn đang là vấn đề tồn nghi, gây nhiều tranh cãi. Cho đến nay, chưa có nhà nghiên cứu nào khẳng định về niên đại của nó. Hầu hết những ý kiến xoay quanh vấn đề này đều có tính chất giả định và ước đoán.
Cũng có những tài liệu căn cứ vào sự phát triển chung của lịch sử dân tộc ở một giai đoạn nhất định để gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của bài chòi theo chiều đồng đại và lịch đại. Trong khi đó, một vài tài liệu khác thì lại xác định về dấu mốc thời gian xuất hiện của bài chòi là điều tất yếu. Vì mỗi vùng, mỗi miền đều “ hình thành những vùng văn hóa nghệ thuật với màu sắc khác nhau, thì nam Trung bộ là một trong những vùng như vậy” (Thụy Loan, TS Âm nhạc, Một Vài Suy Nghĩ Chung Quanh Vấn Đề Phát Triển Ca Kịch Bài Chòi, Tạp chí Nha Trang số 9, tháng 10 năm 1991).
Nhưng dẫu sao thì bài chòi cũng đã là một trong những loại hình văn hóa nghệ thuật, mà chính xác là loại hình văn hóa dân gian, mang đậm chất sân khấu nhỏ đầy tính ngẫu hứng, được đại bộ phận khán thính giả chấp nhận, dung nạp. Chí ít, thì bài chòi cũng đã từng có một chỗ đứng nhất định – tuy khiêm tốn nếu như đem so sánh với các loại hình nghệ thuật khác. Vì hiện nay, ở những vùng nông thôn sâu, từ Quảng Nam đến Bình Thuận, thỉnh thoảng chúng ta vẫn còn được nghe một vài làn điệu hô bài chòi qua những người hát xẩm rong; có khi còn lập hẳn cả cả bầu gánh để lưu diễn trong khu vực hẹp ở nông thôn (khoảng năm 1987 trở về trước).
Như vậy rõ ràng bài chòi đã có những tác động khá mạnh mẽ đến sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người bình dân vùng nông thôn trước khi bị cải lương, kịch nghệ, ca nhạc, phim ảnh tấn công.
Về nguồn gốc của bài chòi, thì trước hết nhà thơ Quách Tấn cho rằng: “Bài chòi đã có từ lâu. Nhưng bày ra điệu hô thì mới độ 50, 60 năm nay” (Quách Tấn, Non Nước Bình Định, NXB Nam Cường, SG 1967).
“Có từ lâu” là lúc nào? Thế kỷ XVII, XVIII hay trước đó nữa? Còn như bày ra điệu hô chỉ cách chúng ta hiện nay khoảng một thế kỷ, thì e rằng khó mà xác thực, có vẻ như còn rất mơ hồ. Nhưng chúng ta cũng có thể thông cảm với những phỏng đoán trên, vì rằng tác giả viết địa phương chí chứ không phải là một cuốn biên khảo dành để nghiên cứu riêng về bài chòi.
Riêng nhà sử học Tạ Chí Đại Trường thì lại nghĩ khác, Ông cho rằng: “hát hô có đời sống riêng của nó trước khi nhập vào trò chơi thành hình thức, rồi khi tách ra lại đem hình thức mới ấy cải biên theo những điều kiện mới ấy (…). Hô bài chòi hiểu theo viễn tượng này rõ ràng là xưa hơn đánh bài chòi” (Tạ Chí Đại Trường, Tương Quan Giữa Bài Chòi, Hát Bộ Và Cải Lương, Tân Văn số 4, SG 8-1968).
Ông P. Gourou trong quyển Esqisse d’une étude l’habitation annamite (de l’annamite septentrional et central du Thanh Hoa à Binh Dinh (Paris Edition d’art et d’histoire, 1936) thì lý giải rằng: trong chừng mực nào đó đánh bài chòi nó cũng chỉ gây cho ông một ấn tượng về ảnh hưởng Indonésien trong sinh hoạt văn hóa của địa phương chứ không thể khẳng định được. Với những mái nhà to lớn, xuôi dốc thẳng xuống đất thì đánh bài chòi và hô bài chòi đã có tự lúc nào rồi.
Cùng một cách lập luận như thế, nhà nghiên cứu phê bình Vũ Ngọc Phan cũng chỉ đưa ra một vài nhận định khá sơ sài, khó lòng thỏa mãn những ai đã từng gắn bó và quan tâm tới bài chòi: Thời xưa, bài chòi là một thứ bài mà nhân dân miền nam Trung bộ dùng để vui chơi trong dịp tết. Cũng gần như đánh tổ tôm điếm ngoài Bắc hồi trước cách mạng tháng Tám, đồng bào ở Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng ngồi trên chòi để dánh bài. Người hiệu mỗi khi rút một con bài ở ống, liền hát lên một câu thai, để mọi người trên chòi tự đoán lấy” (Vũ Ngọc Phan, Tục Ngữ Ca Dao Dân Ca Việt Nam, NXB Khoa Học Xã Hội, HN 1978).
Nguyên cả một tập sách dày gần 900 trang, nhưng ông chỉ dành gần 2 trang nhỏ để nhắc tí chút đến bài chòi thì dĩ nhiên chúng ta không thể nào có thể dựa vào đó mà lần ra manh mối, tìm hiểu được gì nhiều hơn. Ông chỉ mới đặt vấn đề, chỉ mới nêu ra những “thông tin” rằng ở vùng đất nam Trung bộ cũng có một điệu hô hát, một trò vui chơi giải trí trong ba ngày tết, được gọi tên là bài chòi mà thôi.
Còn ông Huỳnh Lý, khi nói về bài chòi ngày tết, cũng chỉ dừng lại ở các điểm mà các nhà nghiên cứu trước đó đã từng đề cập đến, và ông kết luận rằng: “Bài chòi chỉ là những thú vui ghé vào cuộc bài” (Huỳnh Lý, Bài Chòi Ngày Tết, báo Văn Hóa Nghệ Thuật số 2 HN 1973).
Hô bài chòi và đánh bài chòi không chỉ đơn giản như vậy. Nó có đời sống riêng của nó, cũng mang tính nhân văn và triết lý phương Đông, chứ không thể chỉù là những thú vui ghé vào cuộc bài. Về điều này, chúng tôi sẽ xin trình bày kỹ hơn ở các chương sau.
Hai ông Đinh Gia Khánh và Chu Xuân Diên thì lại dùng thuật ngữ bài hát trò chơi để chỉ bài chòi: “Trong những sinh hoạt vừa chơi vừa hát của người lớn, lối chơi bài chòi và dân ca hô bài chòi được nhân dân nhiều địa phương ở miền nam Trung bộ rất ưa chuộng. Chơi bài chòi là một lối chơi bài cũng gần giống như chơi tổ tôm điếm ở miền Bắc, thường được tổ chức vào dịp tết Nguyên đán. Người chơi ngồi trên chòi để đánh bài. Mỗi rạp chơi gồm có chín chòi, trong đó chòi giữa là nơi người hiệu rút con bài ở ống, hát lên một câu để những người chơi bài ở tâm chòi kia đoán tên con bài. Những câu hát gọi là câu thai ấy tuy để dùng cho một trò chơi nhất định, nhưng lại chứa đựng một nội dung xã hội khá phong phú. Đầu đề của nhiều câu hát dùng để gọi tên con bài nêu lên được chủ đề xã hội của những câu hát đó… Do đó từ chỗ là những bài hát dùng trong một trò chơi nhất định, hô bài chòi đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn nghệ độc lập. Những người hiệu về sau không dựng chòi nữa mà đi đến những chỗ đông người như các ngả đường, nơi họp chợ… hát những câu hát có nội dung xã hội. Dần dần họ lập thành những tập đoàn nhỏ đi hát ở nhiều nơi cả nông thôn và thành thị, và đến thời gian gần đây, hô bài chòi đã phát triển thành một loại kịch dân ca” (Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Văn Học Dân Gian T2, NXB Đại Học&Trung Học Chuyên Nghiệp, HN 1977)
Còn theo lời dẫn của ông Hoàng Lê: “Theo lời cụ Phan Đình Lang (sinh năm 1910) thì chính cụ đã từng nghe ông nội, ông thân cụ và cũng nghe nhiều người khác kể là hội bài chòi là do ông Đào Duy Từ (1571-1634) sáng lập, ông Đào Duy Từ từ Bắc vào đến Bình Định thì lại lo việc di dân lập ấp. Trong thời kỳ đầu, việc khai khẩn đất hoang được coi là việc chủ yếu. Trên từng khu đất mới vỡ và bắt đầu sản xuất, người ta phải cất những cái chòi cao làm bằng tranh, tre để canh giữ thú rừng, bảo vệ hoa màu. Những cái chòi được bố trí theo hình vuông, hình chữ nhật hoặc hình bán nguyệt theo địa hình và tùy theo sự thuận tiện hổ trợ cho nhau trong việc canh gác. Trên mỗi chòi đều có mõ, thanh la, trống hoặc các thứ để gây tiếng động mỗi khi có thú rừng kéo đến phá hại hoa màu hay uy hiếp người canh giữ thì lập tức các thứ dùng để làm thanh viện đó đồng khua ầm lên để xua đuổi thú dữ.
Từ việc tổ chức các chòi canh để bảo vệ sản xuất, ông Đào Duy Từ mới nghĩ ra một trò chơi trong dịp tết: Hội bài chòi” (Hoàng Lê, Lịch sử ca kịch & âm nhạc bài chòi, Sở VHTT Bình Định 2001).
Lời dẫn của ông Hoàng Lê, theo chỗ chúng tôi nghĩ là không căn cứ và xác đáng khi cho ông Đào Duy Từ là người nghĩ ra trò chơi bài chòi? Vì rằng trong thời kỳ của ông là bận rộn xây lũy đắp thành để ngăn chặn quân chúa Trịnh ở phương Bắc. Vả lại nếu như Đào Duy Từ nghĩ và lập ra thì hẳn nhiên đã được ghi vào sách vở như đã từng ghi công Đào Tấn sáng tạo ra bộ môn hát bộ?
Riêng G.L. Bouvier, nhà âm nhạc học người Pháp gốc Ba Lan, theo lời dẫn của nhạc sĩ La Nhiên (Quê Hương Điệu Hát Bài Chòi, bản in ronéo, SG năm 1974), thì ông này đã đến Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX để nghiên cứu về các thể loại âm nhạc của nước ta. Bouvier đã dành hẳn một chương dài có tên là Chanson Populaire de l’Anam trong quyển La Rousse Musicale (Paris 1928) để nói về nguồn gốc bài chòi. Ông cho rằng: Bài chòi được hình thành và phát triển sau những năm nam tiến, tức sau những năm 1470″. Trong chương này, theo lời dẫn của nhạc sĩ La Nhiên thì, Bouvier đã đề cập rất kỹ về bài chòi. Thậm chí ông còn so sánh những câu tục ngữ, ca dao Việt Nam với những câu nói dân gian ở Algérie. Ví dụ: Avec un sac plein de piastres, même parlant à tort et à travers on est toujours très écouté (Vai mang bị bạc kè kè/ Nói bậy nói bạ nẫu nghe rầm rầm).
Bouvier lý giải tiếp:”Khi xuôi về phương Nam, người Việt ra sức khẩn hoang từ vùng Amaravati đến Panduranga (tức từ vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi đến Bình Thuận), đặc biệt thành công trong việc xây dựng kinh tế văn hóa và đời sống ở vùng châu thổ Vjiya (Bình Định, Phú Yên) rất phì nhiêu. Được như vậy là nhờ vào sự tập hợp rộng khắp và hợp lý cùng một lúc các dân tộc trên vùng lãnh thổ thành một khối. Trong số đó, có nhiều người từ nhiều địa phương vốn dĩ mang truyền thống văn hóa từ lâu đời trên khắp mọi miền, từ phương Bắc tới. Chính vì có sự tập trung đa dạng và phong phú về mặt văn hóa như vậy nên người dân Việt Nam có điều kiện kết hợp, hòa thuận nhanh chóng với nền văn hóa của đồng bào địa phương vốn đã sinh sống từ lâu tại đây. Sau đó họ cải cách một số làn điệu dân ca, dân vũ để phù hợp với nếp sống của cộng đồng (mới) lúc bấy giờ… và bài chòi đã ra đời trong hoàn cảnh như thế”. Bouvier còn lập luận thêm: “Trong phần tổng hợp và cải cách đó, dù trải qua nhiều thế kỷ cải tiến không ngừng về mọi mặt, đến nay còn một số làn điệu dân ca giữ lại được bản sắc ban đầu, như các điệu lý, điệu hò: lý con sáo, ngựa ô, quét nhà… hò chèo thuyền, cấy lúa, giã gạo… đồng thời sáng tạo ra một bộ môn mới: đó là bài chòi“.
Nếu căn cứ vào tài liệu của G.L. Bouvier do ông La Nhiên trích dẫn, thì bài chòi được hình thành theo một tính cách rất độc đáo. Bỡi vì cùng với các tụ điểm cư dân sống đông đúc nơi thị tứ, vùng trung tâm thương mại, thì còn có một bộ phận cư dân khác sinh sống lẻ tẻ ở vùng cận sơn địa hay vùng bán sơn địa sau thời kỳ nam tiến trở về sau. Tại những nơi này, những cư dân mới đến lập cư, khi cất nhà và làm rẫy đều phải dựa phần lớn vào kinh nghiệm của đồng bào địa phương. Nhà ở, nhà kho, chòi giữ rẫy… đều phải làm theo kiểu nhà sàn nhằm tiện việc tháo dỡ mỗi khi phải di chuyển vùng canh tác, hoặc để canh chừng và chống lại thú dữ phá hại hoa màu, tránh lũ lụt xảy ra hàng năm…
Về vấn đề này, khi khảo sát các tập quán sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng cư dân vùng trung du, miền núi, ông Tạ Chí Đại Trường đã tô tả như sau: “Được gọi là chòi, dưới đồng bằng là những chỗ tạm trú giữa đồng, quây bằng chiếu, bằng những tấm tranh, trên chụp một ngù rơm cho nước mưa chảy xuôi khỏi lọt vào trong… các chòi trên vùng núi, sát bìa rừng thì thường nằm trên ngọn của bốn cây tre nguyên chụm lại, cũng thường có mái che mưa nắng, bốn bên quây bằng những tấm tranh hay tấm cót che gió. Người ta lên chòi theo những mắt tre cố ý để lại dọc theo cây cột. Thôn dân ngủ đêm trên đó để canh chừng heo rừng ra phá hoại hoa màu. Trên một chòi cao cô lập như vậy, an ninh chống thú dữ được bảo đảm hơn cho người chủ” (Tạ Chí Đại Trường, Bài Chòi Ở Bình Định, Tập san Sử Địa số 5, SG năm 1967).
Nhà và chòi cho các cư dân ở những vùng này được ông Pierre Gourou mô tả như là hình thức mô phỏng của tổ tôm điếm ngoài Bắc trong quyển La Connaissance du Vietnam (Paris 1936). Đó là những căn nhà không rộng lắm, được xây dựng với những vật liệu nhẹ như tre gỗ. Nhà có bốn chân cao, từ chân cột lên đến sàn để sinh hoạt là một khoảng cách, thường trên một mét. Ba bên được quây bằng các loại lá có thể tìm được ở chung quanh. Mái cũng lợp lá. Từ mặt đất lên sàn có một bậc thang. Những kiểu nhà như thế này, ngoài việc phòng tránh thú dữ, mưa lụt còn có một tiện ích khác là giảm bớt chướng khí ở miền rừng núi rậm rạp.
Với những điều kiện sinh sống như thế, tất nhiên các cư dân còn biết cách bày và nghĩ ra các trò chơi để giải trí: Họ nghĩ ra cách hò hát trên chòi, đối đáp lẫn nhau giữa chòi này và chòi khác(xin lưu ý là, trong hoàn cảnh sinh hoạt như thời bấy giờ, khoảng cách giữa các chòi không xa lắm, nhằm giữ an toàn và bảo vệ lẫn nhau mỗi khi cần thiết). Họ vui chơi và “bài bạc” là hình thức tiêu khiển không thể không xảy ra trong những lúc nhàn rỗi. Do đó mà nảy sinh ra việc hô hát trên chòi, đánh bài trên chòi và giữa các chòi với nhau.
Rồi qua thời gian đãi lọc, sàn sảy chắc chắn bài chòi lần hồi biến dạng so với nguyên gốc ban đầu để tự hoàn chỉnh, để thích nghi với sự phát triển chung của văn hóa xã hội (theo chiều đồng đại), góp phần làm giàu thêm cho kho tàng văn hóa Vệt Nam.
Như vậy, rõ ràng hô bài chòi và đánh bài chòi đã xuất hiện từ rất lâu chứ không thể năm bảy chục năm nay hay một thế kỷ như một số nhận định của các học giả nghiên cứu văn hóa dân gian đã từng đưa ra. Chí ít thì lịch sử thành hình của bài chòi cũng phải cùng thời hoặc trước khi có hát bộ, và trước cả cải lương và hô lô tô ở vùng đất Nam bộ.
Trên một vùng văn hoá rộng lớn như vậy, kéo dài từ Quảng Nam đến Bình Thuận, bước đi của bài chòi qua nhiều ngả khác nhau, một phần là những di dân từ vùng này đến vùng khác do điều kiện kinh tế, phần khác trên bước đường mưu sinh, người bình dân mang theo dòng văn hoá đặc trưng của làng quê theo bên mình và phổ biến ra “xứ người”. Vì ngay trên đất Phan Rang hiện nay, một số làng ven biển như Ninh Hải, Ninh Chữ… có rất nhiều gia đình ngư dân vốn là dân Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam đến lập nghiệp từ lâu đời nên hô bài chòi “thạo” và hay hơn là những người sống trong trung tâm. Chính điều này khiến ông Tạ Chí Đại Trường mới đưa ra nhận định: bài chòi không chỉ dừng chân ở Ninh Thuân, Bình Thuận mà còn đi xa tới tận miệt Hậu Giang: “Sự thực, trước chiến tranh khi cải lương tràn ra thì các ban bài chòi Bình Định cũng xâm nhập vào đến Bình Thuận. Một người bạn tôi cho biết có lối đánh bài chòi ở miền Đông. Còn trong hình thức giao tiếp xưa cũ thì Bình Định, Phú Yên cũng là trung tâm đổ người vào Nam: còn tên một người tiên phong ở miền Đông là Bà Rịa, còn tên dân “ghe bầu” để chỉ người Bình Định lưu truyền ở các tỉnh miền Tây, ven sông Tiền sông Hậu” (TCĐT, Tân Văn số 4 SG 1967).
Có nhiều ý kiến cho rằng, cái nôi của bài chòi phát xuất từ Bình Định. Cũng có ý kiến cho vạch xuất phát của bài chòi bắt nguồn từ Quảng Nam. Ý kiến khác cho là từ Phú Yên. Thật ra, như đã trình bày ở trên, kể từ thời mở đất về phương Nam thì ảnh hưởng vùng đất văn hóa của tộc Việt kéo dài từ Quảng Nam đến Phú Yên, sau đó đến Ninh Thuận, Bình Thuận bây giờ. Cho nên việc khẳng định địa phương nào là cái nôi của bài chòi, là điểm khởi phát đầu tiên, thì cho tới nay vẫn chưa ai tìm ra những cứ liệu chính xác. Vả lại, ví như những làn điệu dân ca như quan họ, lý qua đèo hay điệu hò đồng tháp tương đối dễ khẳng định bỡi chính những chi tiết ca từ của những điệu lý điệu hò này đã được thể hiện khá rõ ràng và cụ thể về địa danh, về sắc thái văn hóa của vùng đất đó. Còn riêng hô bài chòi và đánh bài chòi thì dẫu ở Bình Định hay Quảng Nam, Phú Yên hay Bình Thuận thì nét cơ bản về cấu trúc vật chất, tinh thần vẫn giống nhau, không có sự sai biệt lớn lắm giữa các địa phương với nhau, cả cách hô và cách đánh. Điều này sẽ được trình bày rõ hơn trong các chương sau.
Nguyễn Lệ Uyên
Trong BÀI CHÒI PHÚ YÊN, CHƯƠNG II
Bản của tác giả
Nguồn: http://www.vanchuongviet.org