Nỗi niềm hát bội

Nguyễn Thị Hàm Anh

Hát bội từ xưa độc quyền trên sân khấu, sau dần dần bị cải lương, kịch, phim ảnh thay thế. Hoạt động của hát bội trở nên ngày càng thu hẹp.

Về sau được xếp là di sản văn hóa nên đoàn hát bội thành phố được thành lập. Ðoàn nhận được sự tài trợ của nhà nước nên có nhiều thay đổi. Y trang, đạo cụ, phông màn đều mới mẻ. Quần áo may bằng hàng nhung, gấm, phông cảnh nước sơn sáng sủa.
  

Nghệ sĩ hát bội ngày nay không nuôi nổi bản thân mình. (Hình: Hàm Anh/Người Việt)

Ðôi khi hát bội còn được trình diễn ở Nhà Hát Lớn. Mặc dù được ưu ái nhưng trong những trường hợp như vậy, dù toàn vé mời phát ra, vẫn chẳng mấy ai đi xem. Khán phòng rộng lớn rải rác không bao nhiêu khán giả.

Trong khung cảnh thành phố, hát bội như món đồ được trân trọng chỉ vì sự cũ kỹ của nó. Giá trị cổ bị vùi lấp giữa những sắc màu và âm thanh mới mẻ, sôi động của các loại hình nghệ thuật khác.

Tuy nhiên, hát bội vẫn còn chỗ đứng ở miền quê. Chiếm lĩnh rạp hát ở trung tâm thị xã là các đoàn cải lương và chương trình ca nhạc, đại nhạc hội. Hát bội lui về xa hơn nữa, tận làng xã.

Thật ra vào các dịp lễ tết, ở các làng xã vẫn có mặt những đoàn tạp kỹ chuyên diễn xiếc, hát tân nhạc bán kèm vé chơi lô tô với những “ngôi sao ca nhạc” mang tên na ná như các ngôi sao thành phố. Làng đâu có rạp, ca nhạc chỉ trình diễn ở sân đất lộ thiên.

Hát bội cũng không chen chân được vào đấy mà duy nhất chỉ trình diễn ở đình miễu vào các ngày lễ hội. Theo phong tục, hát bội diễn ra vào ngày hoàn mãn. Miền Nam xưa, địa phương nào cũng có rất nhiều đình đền miếu mạo và trong các cuộc lễ hội ở đó, không thể thiếu hát bội. Loại hình nghệ thuật này tuy mất chỗ nơi các sân khấu giải trí nhưng nay vẫn còn tồn tại ở phần lễ nghi trong tín ngưỡng xưa.
  

Trên sân khấu là ‘công hầu, khanh tướng’ nhưng sống đời thường chật vật khó khăn. (Hình: Hàm Anh/Người Việt)

Các tỉnh lớn như Vĩnh Long, Bến Tre, Ðồng Nai đều có đoàn hát bội chính thức thường được mời đi hát chầu ở những ngôi đình lớn. Ðình miễu nhỏ hơn không đủ sở phí trả cho các đoàn này thường phải cậy tới các gánh tư nhân hoặc “bầu gom.”

Nhờ đến “bầu gom” rẻ nhất. Gọi thế vì những người này thật ra không phải là bầu của đoàn hay gánh hát nào cả, cũng không phải đầu nậu ăn lời ở giữa. Họ chỉ là những người có quen biết nhiều trong giới. Khi có nơi nhờ hát, họ thông báo đến từng diễn viên, nhạc công gom đủ người.

Thông thường người ta chỉ thuê một chiếc xe nhỏ chở bó cây và ván để dựng sân khấu, dàn âm thanh và vài nghệ sĩ ở gần nhau. Những người khác không tiện đường tự chạy xe đến địa điểm trình diễn.

Ðình miễu nhỏ không có sân dựng rạp, đôi khi cũng không có cả võ ca. Vả dựng rạp lại cần cột, kèo, dây, bạt rườm rà quá. Các buổi hát gom đơn giản tối đa sao cho gọn nhẹ nhất, chi phí thấp nhất.

Cho nên sân khấu chỉ là mấy tấm ván gác trên giá cây, đằng sau treo màn đỏ, mỗi bên thả dài xuống hai dải lụa ngăn cách sân khấu và cánh gà. Trên mặt sàn độ ba mét vuông kê một chiếc bàn phủ khăn và một hai chiếc ghế nhựa mượn từ miễu. Bàn ghế của thời hiện đại xem ra có vẻ lạc lõng giữa những tấm màn kim tuyến của sân khấu cổ.

Thật ra chẳng ai để ý tới cảnh đó. Tính ước lệ vốn là đặc trưng của hát bội nên chiếc bàn khi cần là núi non, rừng rú, khi khác chiếc ghế là ngai vàng thiết triều, hay cầu bắc qua sông.

Ban nhạc ngồi ngay trước mặt sân khấu gồm một nhân viên chỉnh âm thanh và ba nhạc công chơi trống, guitar, kèn và nhị, không kể thanh la và bộ gõ. Sau lưng ban nhạc là khán giả ngồi xệp đầy dưới đất ngước nhìn theo dõi sân khấu.

Dù hát bất kỳ ở đâu không thể thiếu bàn thờ tổ nhỏ nhưng đầy đủ đèn hương hoa trái. Trước khi lên sân khấu, mỗi diễn viên đều thắp hương khấn vái Tổ phù hộ cho buổi diễn tốt đẹp. Lòng thành tâm được Tổ đãi, diễn viên sẽ diễn xuất sắc được khán giả nồng nhiệt tán thưởng.

Một sân khấu đơn sơ, chỉ là mấy tấm ván gác trên giá cây, của hát bội ở các miền quê. (Hình: Hàm Anh/Người Việt)

Một vở tuồng cần khoảng tám diễn viên với đầy đủ đào kép cho hai vai trẻ, hai vai già, hai vai hề, một vai mụ, một vai lão, kéo dài đến bốn, năm tiếng đồng hồ hay hơn. Thông thường hát chầu là những vở kinh điển như ‘San Hậu’, ‘Lưu Kim Ðính giải giá Thọ Châu’, ‘Thần Nữ Dâng Ngũ Linh Kỳ.’

Ðây là những vở tuồng mà các nghệ sĩ đều thuộc lòng. Vì thế bầu gom chỉ cần thông báo ngày giờ và địa điểm. Khi đến nơi, các diễn viên ráp ngay vào diễn mà không cần phải tập tuồng.

Ở lãnh vực tuồng cổ, mỗi diễn viên đều hai, ba đời nối nghiệp. Hầu hết không thông qua trường lớp mà chỉ cha truyền con nối. Nếu không có lòng đam mê thì khó ai theo nổi nghiệp hát bội, nhất là tay ngang theo trường lớp càng hiếm. Hát bội không nuột nà như cải lương không ngọt như Hồ Quảng, Hát bội rất khó hát vì câu trúc trắc nhiều chữ Hán Việt.

Các nghệ sĩ bước ra sân khấu từ lúc còn nhỏ, đời sống gắn liền với ánh đèn sân khấu. Những làn ca, đoạn diễn thấm đẫm vào máu thịt. Vở tuồng được diễn nhuần nhuyễn vì diễn viên quá quen thuộc, hát đi diễn lại không biết bao nhiêu lần. Mỗi người thuộc lòng khoảng hai, ba chục vở tuồng và họ có thể diễn bất cứ vai nào trong những vở đó. Từ quân sĩ, tì nữ lên tiểu thư, tráng sĩ, vai trung, vai nịnh đều từng bước trải qua.

Bên cạnh sân khấu, các diễn viên ngồi uống nước, tán gẫu đợi tới phiên. Không sợ tắt tiếng, diễn viên đóng vai ‘Tiết Ðinh San’ kêu mệt mỏi, nhức vai quá nhờ chị Tám y trang đấm lưng giùm, ông rít từng hơi dài thuốc lá không ngại tới việc bảo vệ thanh quản cho một diễn viên hát bội chuyên gân cổ, lấy hơi hát ư, a rất nhiều. Một người khác xong vai diễn, thay quần áo, nằm lăn trên chiếu, gối đầu lên bọc quần áo ngáy pho pho.

Một vở tuồng kéo dài lắm. Bao giờ mới đầu cũng là những màn múa hát mừng quốc thái dân an, cầu phong đăng hòa cốc rồi mới vào tuồng chính. Vở tuồng kéo dài đầy đủ hỷ nộ ái ố và bao giờ kết thúc cũng có hậu. Tuồng xưa tích cổ khi nào cũng kết hậu, khán giả ra về lòng hân hoan, người hiền được hưởng phúc và kẻ ác phải bị trừng phạt.

Bà Ngọc Mai vai Lưu Kim Ðính là mẹ của diễn viên đóng vai Thần nữ. Hai mẹ con giống nhau như hai giọt nước. Cô diễn viên trẻ đẹp như hoa. Cứ hết một lớp tuồng cô lại thay y trang mới. Những bộ giáp trụ màu hồng, màu xanh, màu tím rực rỡ lấp lánh kim tuyến, kim sa. Vai tướng nhưng là nữ tướng nên hoa tai, dây chuyền trang sức đeo khắp người. Lên sân khấu, cô bắt ánh đèn đẹp rực rỡ như mặt trời lấp lóa.

* Nghiệt ngã mưu sinh

Một anh kép sau khi tẩy trang thay quần áo, không nán lại đợi bữa ăn khuya chung với đoàn do miễu đãi mà dắt chiếc xe gắn máy ra về. Anh phải vội vã cho kịp phiên chợ ngày mai.

Bởi vì tuy ca diễn là nghiệp đến anh là đời thứ tư nhưng nghề không nuôi được bản thân. Ở những đoàn lớn hát ở những đình lớn thì một buổi diễn có thể được trả vài chục triệu nhưng nơi miễu nhỏ, quỹ eo hẹp tới ba năm mới dám mời hát bội một lần, thì một suất diễn như vậy chỉ được trả ba triệu. Số tiền ấy chia cho từng ấy người thì mỗi người đâu còn bao nhiêu. Có đêm lãnh được hai trăm ngàn nhưng có đêm hát hết hơi, một người chỉ được trả khoảng sáu chục ngàn. Nếu không nặng nghiệp thì ai có thể theo đuổi nghề hát bội?

Theo hát bội không khá nhưng họ không bỏ được, ngày càng thu hẹp chỉ còn trình diễn ở đình miễu. Ngay cả đoàn Ðồng Thinh mới đây được chọn sang Mỹ trình diễn. Hãnh diện là thế nhưng khi quay về cuộc sống hàng ngày, các nghệ sĩ không khỏi lắc đầu chua chát. Ðể giữ vững nghiệp tổ, hằng ngày họ phải bươn chải đủ thứ nghề mưu sinh. Vì cống hiến hết thời gian công sức cho nghiệp nên ngoài ca diễn, các nghệ sĩ đâu có nghề chuyên môn nào khác. Cách duy nhất kiếm sống là buôn bán, buông cái này bắt cái khác nhưng toàn buôn bán nhỏ vì họ không có vốn và không có kiến thức kinh doanh.

Anh thành thật cho biết gia đình anh toàn bộ là diễn viên hát bội. Bình thường một người anh mở quán cơm bình dân, một người chị bán đồ chơi trẻ con. Bà Lưu Kim Ðính đó chuyên bán quần áo cũ các chợ. Buôn bán lần hồi nhưng hễ có ai kêu hát ở đâu là họ nghỉ hàng đi hát ngay.

Ngoài Tháng Hai ta là tháng cầu an, đình miễu vào lễ hội, còn thì các nghệ sĩ hát bội nghỉ buôn bán cả năm không ai kêu.

Mặc dù sau này hát bội có thể nghiệm bằng cách đưa nội dung xã hội vào nhưng rõ ràng với lối ca diễn đặc biệt của mình, hát bội chỉ thích hợp với tuồng xưa tích cũ. Việc đưa cải lương và hồ quảng xen vào cũng không được tán thưởng.

Một số thành phố lớn mới thành lập nổi đoàn hát bội ăn lương nhà nước. Còn lại là các gánh tư nhân. Ngày nay, thanh niên nếu thi vào trường sân khấu, thường chọn cải lương, thoại kịch có ai dám đi theo hát bội.

Ở vài thành phố lớn, hát bội nhận tài trợ của nhà nước, nghệ sĩ ăn lương như công chức. Nếu không nhận được lời mời trình diễn, có văn phòng, thỉnh thoảng biểu diễn ở nhà hát rộng rãi, dù phát vé mời nhưng khán giả cũng không đông bao nhiêu. Số lượng đoàn hát được tài trợ như vậy không nhiều. Cũng có một số đoàn hát bội trực thuộc tỉnh.

Do thị hiếu khán giả thay đổi, nhiều loại hình nghệ thuật mới mẻ ra đời nên ngày nay, hầu như hát bội không còn trình diễn ở nhà hát nữa, chẳng mấy ai đi xem, mà hầu hết chỉ có mặt ở đình miễu khi đi hát chầu thôi.

 

Nguyễn Thị Hàm Anh

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com

  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây