Quốc Bảo
4/2004
Tặng anh F.
Chẳng bao giờ tôi ủng hộ quan điểm vừa học vừa làm theo cái nghĩa học đến đâu làm đến đó, đang làm mà vướng chỗ nào thì học bổ sung. Chuyện vừa học vừa làm chỉ nên được xem như một gợi ý cho những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, và dẫu vậy nó vẫn tiềm ẩn những bất cập không dễ gì xóa bỏ. Làm sao tin được luôn luôn ta tìm được đúng chỗ đúng lúc những thứ cần bổ sung cấp thời, và việc biết chương hai làm chương một đem lại được mấy nả hiệu quả? Nhưng dẫu không ủng hộ điều vừa nói, tôi lại cho rằng mỗi người nên là một học trò cho đến suốt đời. Việc tưởng chừng mâu thuẫn trong lập luận ấy sẽ được giải thích rõ ngay dưới đây.
Nhưng trước tiên, tôi cũng xin mở ngoặc một chút, là tôi sẽ không dám lạm bàn về những thứ như học làm người, học cách cư xử, học buôn bán, học cách nuôi con, học tiêu tiền, tiên học lễ hậu học văn. Lượng thứ cho tôi nếu tôi quả quyết rằng những sự học to tát như thế không nên là đề tài phiếm luận, và nếu bộ sách “Học Làm Người” có tác dụng khả quan cho một số ít ai đó, thì cả tác giả lẫn dịch giả bộ sách ấy cũng phải thầm cảm ơn Trời đã phù hộ cho mình thành công, thành công ngoài dự kiến. Tôi nghi ngờ vô cùng khả năng giáo huấn và chỉ đạo tinh thần của bất kể ông thầy đạo đức hay bộ sách làm người nào.
Bây giờ, ta hãy bàn chuyện chính. Tôi đang muốn thu hẹp dần đề tài bàn luận, rằng ta nên chú mục vào việc học của bản thân những người sáng tác, và hẹp hơn chút nữa, của những người sáng tác âm nhạc. Vâng, tôi chỉ dám bàn riêng về nghề của tôi, chẳng phải vì tôi đã quá thừa kinh nghiệm cho nghề nghiệp vốn dĩ lao lung này, cũng chẳng vì nghề tôi cần học hơn những nghề khác, mà chỉ đơn giản vì, tôi luôn tha thiết muốn mình và những đồng nghiệp của mình trau giồi việc học.
Nền âm nhạc đại chúng mông muội của chúng ta sẽ mãi mãi mông muội. Cái sự mông muội, nguyên thủy, tắc trách, học đòi, trẻ con của nó lớn dần lên theo năm tháng, tôi nói điều này không hẳn vì sân sáng tác đang bị bỏ lửng – vẫn đầy người viết nhạc đấy thôi, và con số thống kê nhạc sĩ hàng năm vẫn cứ phồng lên như bánh đa nướng – mà vì nếu cứ tiếp tục sáng tác trong tâm trạng ngoái đầu ngoảnh cổ nhìn quá khứ (có thể huy hoàng) thì khoảng cách giữa chúng ta với thế giới cứ thế mà xa dần theo mỗi đợt ngoái đầu. Cứ thế mà xa dần theo những đợt nghiêng mình sùng bái quá khứ (có thể hiển vinh), vô phương cứu vãn.
Làm nhạc sĩ, nhất là nhạc sĩ ca khúc, là điều có vẻ dễ. Nó dễ hơn văn chương, vì ít ra không có người mù chữ làm nhà văn. Nó dễ hơn hội họa, vì ít tốn tiền hơn. Nó dễ, thậm chí, hơn thợ máy hay tài xế, vì những nghề như thế đòi hỏi thể lực hoàn hảo, mắt tinh tai thính, không buồn ngủ bất ngờ và chịu được ăn uống vạ vật. Nhạc sĩ ca khúc chẳng cần bất cứ yêu cầu nghề nghiệp nào dù đơn giản, dù chỉ là tiêu chuẩn lao động phổ thông; anh ta chỉ cần nghêu ngao hát, “tôi ca không hay tôi đàn nghe cũng dở”, rồi nhờ người có học ký xướng âm ghi lại. Nghêu ngao càng nhặt, tác phẩm anh ta càng dày lên nhanh, và sau một thời gian không quá dài nghêu ngao như thế, anh ta có thể tự hào mình đã là nhạc sĩ. Nhạc sĩ thành danh nữa cũng nên.
Việc viện dẫn một tư cách chính thức để lý giải sự lạc hậu của nhạc đại chúng Việt (tôi lại cứ ngứa miệng muốn bàn thêm cả về nhạc hàn lâm, nhưng chắc đành gác lại) hình như cũng bất khả hệt như yêu cầu một tư cách chính thức cho các nhân vật tự phong là nhạc sĩ. Nhưng với lòng yêu mến và biết ơn vô hạn những thành quả ban đầu của lớp nhạc sĩ tiền bối, tôi vẫn cảm thấy bất an nếu mình cứ ngậm tăm biết mỗi chuyện mình, không hề đá động đến bất kỳ ai, không hề mắc tội phạm thượng khi quân, không thấy không nghe không nhìn (không học) để có những alibis tuyệt hảo trước “tòa án công luận”. Tin chắc rằng dù có cố gắng bằng Trời, tôi cũng chẳng thể nào một mình vực dậy được cả rừng cổ thụ nếu đã ngã, vá được những ngọn núi nếu đã lở, tôi vẫn muốn phát biểu với tư cách người làm nghề, về chính những vinh nhục của nghề mình. Về những sai lầm không chỉ là sai lầm cơ bản.
Ví dụ, khi chúng ta phải cất công học (nghe/nhìn/nghiên cứu) nhạc Hàn, nhạc Thái, đấy là một sai lầm không hề cơ bản. Chúng ta thường viện dẫn những lý lẽ kiểu như, “nhạc thị trường ấy mà”, “bọn trẻ thích nghe thì mình phải phục vụ”, “nhạc nào cũng có cái hay của nó chứ”, vân vân và vân vân, để biện hộ và tự biện hộ cho việc tự mình giết mất thì giờ của mình. Không cần nghe, không cần thấy, không cần nghiên cứu, ta cũng dễ dàng suy xét được rằng nhạc trẻ của những vùng miền ấy không có gì đáng học tập, vì về căn cơ, họ có ít vốn hơn chúng ta. Hiển nhiên bạn có thể lý luận rằng, học thầy không tày học bạn, học người giỏi là tốt nhưng học kẻ dốt cũng lắm cái lợi; song mọi lý lẽ ấy không có cơ sở để tồn tại, đơn giản vì, ta chưa học thầy cũng chưa học người giỏi, thì để tâm làm gì đến bạn dốt!
Việc học Tây phương thoạt nghe có vẻ như đúng đắn. Tôi nói có vẻ vì không muốn tranh cãi với các nhà thuần Việt bẩm sinh. Đúng là vì, Tây phương vốn có một nền tảng quá dầy không những về nghệ thuật mà còn là khoa học, là kỹ thuật thị trường. Học từ một nền tảng dầy dặn như thế như lạc vào đảo vàng, hốt bao nhiêu cũng không sợ cạn. Nhưng cái chính là chúng ta đang sai về thái độ học. Để cho nhanh, gọi là học tắt, học mánh, người ta có thể vơ lấy vài cái ngọn non non một chút về ăn ngay, không hề bỏ công tốn sức như kiểu phải đem hạt giống về trồng. Trong loạt bài phê bình/điểm nhạc mấy năm trước, tôi có nhắc đến Anh Quân, Huy Tuấn trong việc ấy, việc ăn sượng sùng những chất bổ Tây, để rồi ý kiến của tôi rõ ràng đã gây bất hòa cá nhân giữa tôi và các bạn trẻ kia. Chuyện dập dằng tình cảm cá nhân vào với quan điểm nghệ thuật là điều xảy ra thường xuyên ở xứ mình, tôi chẳng lạ, và có dịp sẽ quay lại sau. Trở lại thái độ học, tôi cho rằng ăn mảnh vài đọt non non như thế là một việc mất thì giờ, vì nó không cơ bản, và rất sượng.
Học bao giờ cũng phải mang tính chủ động, và sòng phẳng. Mình cần biết điều đó, mình học. Mình tiêu hóa các bài học, thậm chí nuốt được thầy. Học xong, mình làm cái của mình. Sản phẩm của mình sau khi học vẫn ngang vai phải lứa với thầy, chẳng hề thua kém, nên mình không phải mặc cảm. Sợ nhất là tâm lý vừa nhấp nhổm học vừa lu loa chửi. Học Tây nhưng chửi Tây ra rả, trời ơi cái này lai căng, làng nước ơi bọn Tây nó suy đồi quá. Đã học được bao nhiêu câu rap để mà kết luận rằng hip-hop là thứ ngôn ngữ vỉa hè mất nết, băng hoại; đã viết được bao nhiêu bản nhạc pop để trù ếm nhạc pop Âu Mỹ là thứ chết non? Thì ai chẳng biết bao giờ đi học một cách không công khai (không hề đóng tiền sang Tây học), học trộm, cũng có cái đau của nó, có cái bất hạnh của nó. Nhưng đã mang tiếng học, thì ít ra nên tỏ ra là học trò biết điều, ngoan.
Chúng ta ít khi chịu biết điều và ngoan, phần cũng do lười biếng. Cái dễ học thì ôm ngay, vênh mặt tự hào, cái khó thì gạt sang bên, “ta vẫn có cái hay của ta chứ”, “hoàn cảnh ta khác”. Chúng ta cũng không hề đặt ra một lề lối, một sách lược nào khả dĩ để vin vào đó, biện giải cho việc học. Cứ vui thì học, buồn thì nghỉ. Cứ hứng lên thì bảo, cái này là của Tây đấy, hay chưa; còn mất hứng thì chửi ầm lên, dẹp hết, ta tắm ao ta cũng mát chán. Lề thói tùy tiện trong việc học dẫu được dán nhãn rất đẹp nào “thích nghi với hoàn cảnh”, nào “phát huy sáng tạo”, nào “giữ gìn bản sắc”, thì cũng chẳng đẩy được chính cái sự học tiến bộ được bước nào. Hay nói cách khác, cứ tiến một bước thì lùi ít nhất ba.
Vì không học đến đầu đến đũa, vì sợ bất hạnh và sợ đau, chúng ta mới có lúc ỳ ra và nhiều lúc khác thì đòi ăn sẵn. Mà học thì biết đến bao giờ mới xong! Làm nhạc không chỉ học nhạc là đủ, còn cả lô xếch xông những văn học, khoa học thực nghiệm, những triết học và ngôn ngữ học, những tín hiệu học và tâm lý học. Thế nên, chúng ta dễ bỏ cuộc, “tưởng thế nào chứ khó nhọc thế này thì ông thèm vào”, “mợ đi lấy chồng thì chợ vẫn vui”, thôi cứ đắp chiếu nằm nghe nhạc Hàn nhạc Thái cho khỏe thân.
Học nửa vời thì lúc làm cũng chỉ đẻ được những sản phẩm nửa vời. Những thành tựu tân nhạc Việt vào thời khởi thủy hiển nhiên khiến chúng ta tự hào, thậm chí xúc động, song công bằng mà xét, đấy không phải là một nền tảng căn cơ để xây bất cứ kiến trúc hiện đại nào. Nó quá ọp ẹp, ít nội lực, nghèo trữ lượng. Chúng ta hôm nay lại tiếp tục nửa vời như vậy trong cả việc học lẫn việc viết như nối dài một chuỗi băng hoại dây chuyền, và hậu quả là, chúng ta phải “học” hầu hết những thứ thế giới đã bỏ đi. Căn cơ ở đây không chỉ là chuyện tranh thủ vơ hết kiến thức cơ bản, mà còn phải – và dĩ nhiên phải – đón trước những điều phải học, hòa nhịp cùng guồng quay của thời đại. Chúng ta đang sống ở thế kỷ hăm mốt, thì những trường phái, những khuynh hướng, những dòng những nhánh của thế kỷ hăm mốt hình dung tướng mạo ra sao, chúng ta có thể mô tả được không, chưa nói là có cộng tác với thế giới để cùng sáng tạo được không.
Bên ngành khoa học kỹ thuật, có cảm giác sự học hành diễn ra một cách lành mạnh hơn, hay ít ra, cũng bình thường như nó phải thế. Để thành một anh chuyên viên lập trình máy tính, anh cũng phải học cho đủ nào hệ điều hành, nào ngôn ngữ C hai cộng với bốn trừ gia va gia viếc, nào lô gích học nào hệ đếm nhị phân, không chừa cả việc tập đánh máy mười ngón chứ đừng mổ cò. Để ra làm bác sĩ, anh cũng phải nào lâm sàng học nào giải phẫu học, nào vi sinh nào xét nghiệm, chưa tính đến việc phải thường xuyên cập nhật tài liệu về những thử nghiệm, những phát kiến mới, những cuộc giải phẫu thành công và thất bại tận Phi châu xa tít. Chưa tính đến việc phải thông thạo ít ra là một ngoại ngữ. Làm âm nhạc luôn được đặc quyền nằm khểnh rung đùi chăng? Làm âm nhạc giống hệt chăng, với cách sống của người nguyên thủy, đói thì săn thú về ăn, khát thì ra suối uống, hứng thì ngân nga, buồn thì đi nhậu?
Trước khi trả lời câu hỏi ấy, chúng ta cần xác định lại với nhau rằng âm nhạc có thực sự quan trọng không đã. Tôi thẳng thắn mà rằng, chẳng quan trọng gì hết. Bởi nếu âm nhạc ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng con người như cúm gà và SARS, người ta đã dùng một giọng nghiêm cẩn hơn khi nói về nó. Bởi nếu âm nhạc có tác dụng làm cho mọi người thuộc luật giao thông hơn và thôi nhổ bậy ngoài phố, nó đã được đưa lên trang nhất các báo và tạp chí, được dạy cẩn thận trong trường phổ thông. Nếu nó quý như bạn, như người thân, người ta hẳn đã âu yếm nó. Trong khi ta có thể khóc sưng mắt khi vợ chết hay con ốm, ta vẫn sống lừng lững khi thiếu âm nhạc. Ta vẫn khỏe, vẫn tốt, vẫn làm được bổn phận của một công dân lương thiện và hơn thế, vẫn được mang danh yêu âm nhạc ngay khi ra tay bóp cổ âm nhạc. Đừng tưởng âm nhạc có giá trị gì to lớn khi thấy nhà nhà Thanh Thảo Đàm Vĩnh Hưng và người người bàn chuyện đạo nhạc, khi thấy báo chí phổ thông lo ngay ngáy cho tương lai âm nhạc nước nhà. Không. Khi nhạc đã trở nên đại trà và dễ bàn đến mức ê hề như thế, nó đã mất hết quyền lực. Nó bị lột truồng thô bỉ. Bởi chỉ cần hùa vào phá giá những khái niệm, ta có thể kết án tử cho một nghệ sĩ nhân danh sự thật nhân danh tinh thần phê và tự phê nhân danh kẻ gác vườn nghệ thuật một cách dễ dàng. Trong vụ ồn ào về đạo nhạc vừa rồi, thậm chí sau khi kết án tử cho một ai, kẻ kết án còn buông một câu ân huệ rằng nếu thiên hạ ăn cắp của mình thì càng tự hào chứ sao. Tôi cho đấy là một câu đùa vô luân, và niềm tự hào nếu có thật chăng nữa cũng là một tâm lý bệnh hoạn. Nó giống như việc ùa nhau đi tìm xem khi anh chàng Thụy Điển Yngwie Malmsteen khoét vài phím đàn guitar là có thó của các “thầy đờn” vọng cổ Việt Nam không vậy.
Và công bằng mà nói, âm nhạc cũng chẳng có mấy giá trị đối với bản thân người viết ra nó. Thật thế, nếu mất nó, nếu bị cướp nó khỏi tầm tay, anh nhạc sĩ vẫn sống khỏe, không cúm gà và không phạm pháp. Âm nhạc – cho dù đang là phương tiện kiếm cơm và công cụ/sản phẩm lao động của anh ta – cũng không thể hóa một người đang tồn tại thành không-tồn-tại được, và ngược lại. Người ta có thể thành danh nhờ nó, lập nghiệp bằng nó, nhưng người ta vẫn hạnh phúc, thậm chí hạnh phúc hơn, khi không phải dây vào nó. Người ta làm nhạc chỉ vì đã trót làm kẻ-được(bị)-chọn, đã mang lấy nghiệp vào thân. Vì thế, cho phép tôi trấn an những ai đang la hoảng trong cơn mộng du nhạc Việt suy đồi, rằng xin đừng lo cỏ dại ngập vườn. Hãy trồng đủ hoa đi đã.
Trong những lời chỉ trích nhạc Việt, tôi để ý thấy việc cho rằng nhạc của chúng ta đang thiếu bản sắc chiếm tỷ lệ cao nhất, và nó được tung ra một cách cũng hồn nhiên nhất, chẳng cần trách nhiệm. Nó có vẻ là một cáo buộc tối hậu cho án tử. Cứ đè ngửa nhạc Việt ra là phán được ngay thiếu bản sắc, lai căng, học đòi. Cứ nghe câu được câu chăng là lồng lên được ngay, rằng tôi cần cái của dân mình chế ra, chứ cần quái gì thứ đi vay thế giới. Cứ ngủ gật một chút cũng nằm mơ được ngay là mình người Việt mà chả được dùng hàng Việt cho nó le, buồn thế!
Tôi luôn tự hỏi, liệu lời phán bóng đá Việt thiếu bản sắc dân tộc có được biểu đồng tình của bất kỳ ai? Thế quần đùi may ô, quả bóng da, lưới khung thành, kỹ thuật tranh và bắt bóng, kỹ thuật đánh đầu, luật phạt góc và phạt đền, chiến thuật chiến lược chẳng lẽ là của riêng Việt Nam? Hay người Việt có truyền thống thể thao chân truyền? Ta cũng có thể chưng cất, sàng lọc từ tà áo dài ra nào hồn phương Đông với hơi dân tộc, nào tiết hạnh nghìn đời với e ấp nghìn năm, nào truyền thống song hành với hiện đại, trong khi vải áo đang ôm là hàng Nhật, khuy bấm Pháp, cổ cồn Thái Lan và chỉ may Trung Quốc. Thế mà chả cần chắt cần chưng, cũng rành rành cái tính lai căng của nhạc Việt, là tại sao? Tôi có một niềm tin thống thiết rằng, chả thể nào mất gốc được khi người viết nhạc đang mang họ Lê họ Nguyễn họ Đinh chứ không phải họ Foster hay Afanasieff, cũng chả thể Tây trăm phần trăm nổi nếu người nhạc sĩ đang sống và thở khí trời Việt, đọc báo Việt và xem tivi Việt, ăn cơm mắm cà và cưỡi xe máy. Đòi hỏi đại loại “tôi thèm thứ gì thực sự Việt cơ” nếu không chính đáng thôi thì cũng có thể tha thứ được như kiểu tha cho đứa trẻ hờn dỗi đòi ăn của độc. Chỉ sợ đòi hỏi ấy dần dà sẽ biến thành một thứ tâm bệnh, một thứ hoang tưởng, cứ dở thực đơn Âu mà tìm mắm cà.
Nhiều khi tôi thấy dường như chúng ta thừa bản sắc mới phải. Nếu không tự tin vào bản sắc, làm sao nhiều nhà viết nhạc Việt nhổ toẹt vào hệ thống 12 nhịp của nhạc blues để mà vênh mặt tôi cũng có blues Việt Nam (lẻ nhịp), làm sao đại đa số người viết ca khúc duy ngã độc tôn đến mức chẳng thèm soạn chuyển hành hợp âm cho bài mình viết, làm sao chúng ta có được những “tác phẩm” không biết đệm bằng tiết điệu nào cho phải, reggae không được mà rumba càng chối? Nếu không tự tin vào bản sắc mênh mông ăn mãi không hết, làm sao nhiều người trở thành chuyên gia nhạc trẻ khi không thèm biết Ravi Shankar là đàn ông hay phụ nữ, cũng không cần phân biệt soul với R&B làm gì cho mất thì giờ?
Thế thực tình chúng ta đang thiếu gì? Thiếu chuyên nghiệp, thiếu tổ chức, thiếu kinh phí, thiếu sinh khí, thiếu tình yêu cao thượng, thiếu tư tưởng lạc quan, thiếu vân vân. Những cái thiếu ấy khá to, khá khó lấp đầy và ít nhất cũng khá khó bàn trong khuôn khổ một bài hẹp. Trong bài này, chỉ xin nói về một cái thiếu: thiếu học.
Chính sự học, chứ không phải điều gì khác, đã gây nên lưỡng phân sâu sắc giữa cách nghe nhạc của một người làm nhạc với một người “ngoại đạo”. Nhà thơ Phan Đan cho rằng, không có gì khác hết, ai nghe thì cũng bình đẳng về quyền thưởng thức, kinh nghiệm sáng tác không có nghĩa gì ở đây. Anh cũng nói thêm rằng nếu có sự can thiệp của lý trí vào tiến trình thưởng thức, thì điều đó sẽ bị mờ đi ngay nếu gặp tác phẩm đủ vĩ đại, một tác phẩm mà năng lượng của nó đủ ùa ập vào người nghe và đánh tan những cố gắng phân tích lý trí. Tôi cho là anh đã quá lạc quan khi trông chờ vào những tác phẩm thực sự lớn như vậy, nhất là với một người nghe để học. Thật vậy, bao giờ quá trình nghe của một nhạc sĩ cũng là một quá trình đằng đẵng những phân tích, liên tưởng, ghi nhận, tìm tòi, đo đếm, so sánh, hệ thống lại, chịu ảnh hưởng, rút tỉa kinh nghiệm, phê bình, tỏ thái độ, tin yêu, hoài nghi và rũ bỏ, chứ hoàn toàn không là một khoảng thời gian thư giãn đắm mình vào cõi âm thanh ngà ngọc, tận hưởng thanh điệu êm tai và hình dung ra nào suối nào sông nào thôn nữ tắm trăng nào định mệnh gõ cửa. Nói cách khác, học bằng cách nghe (cách chủ yếu cho những người làm nghề ở Việt Nam) là một công việc thương khó nhọc nhằn hơn ta vẫn tưởng; và với người làm nhạc, sự vang lên của âm nhạc phần nhiều là nguyên nhân của những cơn stress.
Nhưng chẳng còn con đường nào ngoài nó để tiếp cận với những xu hướng thời đại, chẳng còn con đường nào êm hơn dù chỉ một chút để hòa nhập với “hơi thở chung”, với thậm chí hơi thở của những kẻ đang hờn dỗi kêu đòi bản sắc. Và như thế, cái đau, cái bất hạnh của kẻ học vẫn cứ là bất hạnh và đau. Chỉ có điều, không thể không có nó.
Quốc Bảo
Sài Gòn, tháng 4/2004
Nguồn: http://tienve.org