Nhạc truyền thống chẳng thể gọi là “nhà quê”

Thanh Phong/Viễn Đông
2.4.2011


Nữ danh ca Bạch Yến trả lời phỏng vấn của Viễn Đông tại Thư Viện nhật báo –ảnh: Thanh Phong/Viễn Đông

WESTMINSTER – Nữ danh ca Bạch Yến đã nổi tiếng từ thập niên 1960-1970 khi bà hát nhạc Tây phương rất điêu luyện. Tuy nhiên, trong vài thập niên trở lại đây, danh ca Bạch Yến muốn trở về nguồn cội âm nhạc dân tộc của mình. Vợ chồng ca nhạc sĩ Bạch Yến-Trần Quang Hải đã về Việt Nam tìm hiểu thêm về âm nhạc truyền thống. Ông Trần Quang Hải, phu quân của danh ca Bạch Yến là một nhạc sĩ, nhà nghiên cứu dân tộc nhạc học nổi tiếng ở Pháp quốc, thường xuyên được mời đi nhiều nơi trên thế giới trình diễn và thuyết trình. Phụ thân của ông là nhạc sĩ Trần Văn Khê.

Trong một chuyến đi hồi đầu năm 2011, hai ông bà đã đến Bắc Ninh để tìm về dân ca Quan Họ. Nhân dịp từ Paris qua Hoa Kỳ để trình diễn tại miền Bắc California, nữ danh ca Bạch Yến đã đến thăm tòa soạn nhật báo Viễn Đông vào ngày 25-3-2011 và dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn về những ưu tư của bà đối với ngành nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

Viễn Đông: Trước hết xin chị cho biết kinh nghiệm của chị khi tiếp cận với dân ca như thế nào, và đặc biệt điều gì đã cuốn hút chị đến với dân ca Quan Họ Bắc Ninh?

Danh ca Bạch Yến: Thứ nhứt, từ trước đến giờ Bạch Yến vẫn yêu thích nhạc dân ca Việt Nam mà chưa có cơ hội để tìm hiểu hơn thì đây cũng là một cái duyên gặp anh Trần Quang Hải, rồi khi là người bạn đời của anh, anh đã cho mình nghe nhiều bản nhạc dân ca, nhạc cổ truyền nhiều lắm; thì trong 15 năm đầu mình tránh ra, mình không nghe radio bên xứ Pháp, không nghe nhạc Tây phương một chút nào hết, mình chỉ tập trung cái tai để nghe nhạc cổ truyền dân tộc Việt Nam mà thôi, và mình thấy rằng cái đó là cái may mắn cho mình, bởi vì xưa nay mình hát tân nhạc, thường hát nhạc ngoại quốc, không hề biết nhạc cổ truyền là gì, nhưng trong lòng lúc nào cũng ước mơ được hát một bài dân ca, thì đây là cơ hội. Sau khi làm vợ anh Trần Quang Hải, anh chỉ cho những làn điệu này, làn điệu kia của nhạc dân ca, nhạc Việt Nam mình. Đó là những bước đầu mình làm quen, mình nghe những bản nhạc đã được thu thanh. Còn những bài hát ru con, ru em ầu ơ ví dầu thì rất may cho mình là bên Pháp có nhiều các cụ lớn tuổi, các bà ngoại, bà nội, những người ông, người bà, người cha, người mẹ của bạn mình nên mình lại làm quen, mình hỏi thăm thì các bà cụ chỉ cho, thành ra mình may mắn mình học được những bài hát ru con, ru em ầu ơi ví dầu… đúng theo truyền thống Việt Nam.

Viễn Đông: Điều gì đã đưa chị về Việt Nam để đích thân đi tìm hiểu về dân ca? Chị có thể cho biết chị thu thập được những gì?

Bạch Yến: Hồi 2002 mình trở về nước lần đầu tiên do đài BBC ở bên Anh đưa anh Trần Quang Hải và mình về; anh Hải thì lo phụ trách vấn đề đưa mấy người đó đi thâu thanh những người hát Ca Trù ở Hà Nội, mình thì đi để mà nghe tân nhạc Việt Nam xem có sự biến chuyển, thay đổi tới đâu. Khi về bên đó chúng tôi được nghe những người hát Ca Trù thật là hay. Đoàn CaTrù này tên là đoàn Thái Hà, trong đó gồm có cô Thúy Hòa hát và có cụ của cô là ông Mùi cầm chầu, người anh đứng đàn Đáy. Đó là những nhạc cụ cần phải có cho Ca Trù thì người ca nương phải biết “Gõ Phách”. Cô Thúy Hòa chúng tôi được biết là người học trò cuối cùng của bà Quách Thị Hồ, mà bà Quách Thị Hồ là người kỳ cựu nhứt và hát Ca Trù hay nhứt Việt Nam, và riêng miền Bắc. Hôm đó chúng tôi lại có được cái may mắn khác là được nghe một em bé, cháu ruột của cô Thúy Hòa, được cô Thúy Hòa đào tạo ra. Lúc đó cháu mới khoảng 8 tuổi thôi nhưng hát rất là hay. Cháu hát nhịp nhàng rất là chắc mà có khi đang hát cái Phách nó trợt trợt đi, tại vừa hát vừa gõ phách, vậy mà lấy cái cây khều lại đánh tiếp rất đúng nhịp, thiệt là hay. Mà giọng hát rất đúng truyền thống, tại vì cái loại giọng hát Ca Trù phải là cái giọng đặc biệt, thì em bé đó mình thấy là tương lai, và cô bé vẫn còn đang hát.

Cách đây vài năm, đoàn Thái Hà được một số người làm thương mại mời qua Paris, họ có diễn một buổi, hình như đó là buổi tiếp tân của sứ quán VNCS, nhưng cái còn lại là họ diễn cho những người làm thương mại rước họ đi, thì mình thấy rất là uổng, vì họ diễn gần như trong một cái hội chợ, thành ra không có được ai chú ý hết, và đem sang bên đó nguyên một thùng CD, DVD không bán được một cái, trong đó có em bé mà mình đề cập đến vừa rồi.

Mình thấy nhạc Ca Trù hay lắm nhưng khó khăn để phổ biến là vì phải học hát từ nhỏ, hát phải học thật là kỹ mới được. Hiện giờ ở Hà Nội có hai, ba kiểu mới, không phải là đoàn, không phải là ban, mà họ gọi là “câu lạc bộ”! Tôi nghe cái đó thấy cũng lạ, vì chưa bao giờ nghe dùng chữ “câu lạc bộ” cho đoàn hát. Câu lac bộ ngày xưa là mình nghĩ tới những nơi như là thể thao chẳng hạn. Bây giờ dùng cho ban hát thành thử ra hơi lạ.

Có hai đoàn, thì một đoàn được đi ra hải ngoại hát thường hơn, nhưng riêng tôi thấy đoàn đi ra nước ngoài nhiều hơn là do có một cô biết nói tiếng Anh, rồi cô ấy cũng có dạy nhiều em ở Hà Nội. Nhưng tôi thấy đoàn Thái Hà hay hơn nhiều. Họ hát đúng truyền thống, đúng kiểu Ca Trù lắm nhưng rất tiếc mấy người đó không ai nói được tiếng Anh nên không được ai mời ra nước ngoài hết. Tại vì nhiều trường đại học ở hải ngoại họ tò mò muốn biết về loại nhạc này, vì Ca Trù là nét đặc trưng rất đặc sắc của Việt Nam. Kỹ thuật, nghệ thuật Ca Trù rất cao, thành ra khi mời đi mà có người giải thích cho nghe thì họ rất thích, nhưng thực ra cô mà được đi ra nước ngoài đó có lợi thế, vừa biết tiếng Anh, vừa đẹp thành ra người ta thích nhiều hơn, chứ thực sự cô đó hát không hay, không đúng Ca Trù bằng cô Thúy Hòa.

Anh Trần Quang Hải và tôi đi sang Hà Nội, rồi đi qua tỉnh Bắc Ninh rồi vô làng Quan Họ Bắc Ninh đúng một ngày sau lễ hội Lim. Cái đó là điều may mắn, vì nếu đi vào đúng ngày lễ hội thì phải chen chúc nhau dữ lắm, tại vì “tháng Giêng là tháng ăn chơi”; lễ hội Lim là lễ hội cao điểm nhứt.

Khi đến, chúng tôi được nghe hai đoàn Quan Họ, mà họ nói với chúng tôi: “Chúng em là ‘bọn Quan Họ’ chứ không gọi là đoàn hay cái gì khác. Hiện bây giờ thì gọi bằng Câu Lạc Bộ A, B, C gì đó, toàn Câu Lạc Bộ không à. Nhưng được cái là mình hỏi thì họ cũng biết giải thích rõ ràng để cho mình biết dùng đúng câu (khi hát, họ không nói là “bài hát” mà gọi là “câu”). Hễ “liền chị” ra câu thì “liền anh” có câu hát đối lại. Nghe chữ “câu” thì tưởng là như câu nói, ngắn ngủn, nhưng một câu hát có khi dài 8 phút, có khi 15, 17 phút chưa dứt. Thành ra khi các liền anh nghe câu nào càng dài thì càng lo, vì phải tìm thơ để đáp, để đối lại.

Khi họ ngồi lại hát canh, tức là hát trong đình, một bên liền anh, một bên liền chị ngồi đối diện nhau, ở giữa có đốt những cây đèn dầu. Có người kể: “Có khi chúng em đi hát với nhau cả năm, sáu năm mà không hề biết mặt nhau” tại vì đèn leo lét không nhìn rõ mặt, và chỉ say sưa hát, trao đổi nhau, cứ bên này ra câu, bên kia đối; cứ vậy mà hát cả đêm, có khi hát tới hai ba đêm mà vẫn vui vẻ hát. Cái hay hơn nữa là những người hát Quan Họ có phong tục là khi đã kết nghĩa anh em rồi là không được quyền cưới nhau, cho dù yêu nhau tới đâu đi nữa vẫn chỉ coi nhau như anh em. Nếu lỡ yêu quá thì một trong hai người đó phải ra khỏi “bọn Quan Họ” và đi khỏi làng! Các con sau này cũng không được hát Quan Họ luôn, vì đó là cái xấu hổ cho Quan Họ.

Khi được nghe hát rồi, chúng tôi muốn ở lại cả đêm. Nghe hát một hai đêm cũng được, cần ăn, uống hay ngủ, nghỉ gì thì họ lo cho hết, mà hoàn toàn không phải làm như thế để kiếm tiền. Không có! Rất dễ thương, thiết đãi rất chu đáo. Hễ Quan Họ mà đãi ăn là ba mâm chứ không phải một. Thức ăn Quan Họ có món bánh đúc chấm với muối mè (muối vừng) xong rồi chấm vào tương, ngon lắm. Rồi họ têm trầu rất là khéo, tức là têm trầu Cánh Phượng. Thường sau khi chuẩn bị rồi thì bài mở màn lúc nào cũng hát bài “Cơi Trầu”, tại vì người Việt mình có câu “Miếng trầu làm đầu câu chuyện”, rồi sau đó là nhiều loại câu, cứ hát cho đến khi mình nghe câu “Người ơi người ở đừng về…” là biết sắp chấm dứt buổi hát đó. Có khi còn hát thêm bài “tiễn bạn”, có khi nói là một câu hát tiễn bạn nhưng hát qua, đối lại có khi cả giờ chưa chia tay, cả buổi chiều vẫn chưa đi, rất dễ thương, tại vì hai bên đối đáp toàn bằng những câu thơ.

Viễn Đông: Chị nhận xét như thế nào về Quan Họ sau khi nhà cầm quyền áp dụng một số chính sách văn hóa từ 1954 cho tới nay?

Bạch Yến: Thật ra Quan Họ có từ lâu lắm rồi, sau bị mất đi một thời gian vì chiến tranh, rồi cách nay khoảng sáu, bảy chục năm thì dân ca Quan Họ mới phục hồi trở lại, là do con cháu của những người cũ gặp nhau, rồi gặp con cháu những làng khác và bắt đầu hát Quan Họ lại với nhau, hoặc trong làng hay với làng mình kết nghĩa, và họ vẫn giữ theo phong tục cũ. Nhưng cũng có một vài cô được người ta mời riêng ra hải ngoại hát. Theo truyền thống, Quan Họ chỉ hát không có đệm đàn, mà tự nhiên khi cất tiếng hát thì người bên cạnh cũng hát đúng âm vực như vậy, rất hay.

Nhưng một số cô ra ngoài hát Quan Họ đoàn lại đệm đàn rồi lại còn hòa âm, hát bè, thành ra nó không còn là Quan Họ nữa. Tôi thấy tôi rất buồn. Sợ quá, đau lòng quá! Nhất là vừa hát Quan Họ mà lại còn phụ diễn vũ đạo, ăn mặc theo lối Tây phương, mặc mỗi cái yếm không, không có áo dài khoác ngoài, váy thì váy xòe, tay cầm dù ra ngoe nguẩy, khi múa giơ chân lên trời, để lộ cả bắp vế… Không thể chấp nhận được!

Tôi coi mấy cái băng mà thấy nản quá. Đây chỉ là hát chơi giải trí chứ không thể nói là hát Quan Họ được, bởi vì người ca nương vỡ lòng cũng phải thuộc ít nhất 50 bài, còn những người hát sành điệu phải thuộc 150 bài, có khi 200, 300 bài chứ không phải hát một, hai bài rồi khoe tôi hát Quan Họ là không được.


Nữ danh ca Bạch Yến – ảnh: Thái Đắc Nhã/Reflection Studio

Viễn Đông: Chị có thể nói rõ hơn, tại sao âm nhạc truyền thống Việt Nam không thể dùng lối hòa âm Tây phương?

Bạch Yến: Tại vì nhạc của mình là nhạc ngũ cung, có những luyến láy của mình. Ai mà nghe “ngũ cung” mới đầu tưởng là chỉ có 5 nốt thôi, nhưng 5 nốt đó đâu phải chỉ vì 5 nốt rồi nó nghẹt cứng, đứng im đó. Mình có những luyến láy và có những microtone (âm vi), những cái microtone rất nhuyễn, không thể viết ra nốt nhạc được, nhưng rất là hay, rất là đẹp, không dùng nốt nhạc Tây phương mà diễn tả được. Nhạc Tây phương nốt nào ra nốt đó, khối âm thanh nào ra khối âm thanh đó. Hòa âm Tây phương theo cột dọc, không áp dụng vào nhạc dân tộc Việt Nam có nhiều luyến láy.

Nhạc Việt Nam mình, những luyến láy đó chỉ hát cho người kia nghe để người kia thấm nhuần. Nếu muốn dạy cho học trò là phải “truyền khẩu”, bởi vì khi dạy truyền khẩu, như tôi học Đàn Tranh thì trước khi người thầy dạy cho mình, phải dạy cách đọc “Hò xự xang…”, đọc những cái nốt trong bài đó trước. Thí dụ như “hò xư hò, xang xừ xang, xê cồng xê, líu công líu…”. Phải học thuộc làu những cái đó trước, mà nhờ học như vậy nên khi mình đánh đàn mình không đánh lạc dây, lạc giọng. Khi mình nghe ai cũng vậy, mình thấy không đúng, đi trật câu là biết liền. Tại vì khi học truyền khẩu, âm nhạc đã thấm vào người mình nhiều lắm. Nhạc Việt Nam không bao giờ vừa đánh vừa coi bài. Nếu vừa đánh vừa coi bài, đó không phải nhạc truyền thống Việt Nam.

Còn như hát Quan Họ phải lanh trí để nhớ mà đối đáp, nhất là khi các liền chị ra những câu cổ xưa thì các liền anh cũng phải có trình độ, có trí nhớ tốt mới có thể đáp ngay được.

Nhiều người hát nhạc truyền thống có lẽ cũng hơi mặc cảm, sợ rằng người ta cho rằng mình hát nhạc nhà quê, nhưng thật ra đó là cái đẹp, càng nguyên thủy bao nhiêu nó càng hay bấy nhiêu. Đối với tai người Việt mình, có thể nghe hoài mình nhàm chán, mình cho rằng mấy cái nhạc đó cổ hủ, lỗi thời. Không phải! Đối với người Tây phương, nếu mình muốn làm văn hóa, mình phải hát cái gì chính cống, chứ còn lai ra một cái là chết liền!

Viễn Đông: Như chị vừa trình bày, hiện nay có nhiều người đã làm sai lệch dân ca Quan Họ, hay nói cách khác họ làm cho dân ca Quan Họ biến thể. Là một người say mê Quan Họ, nghiên cứu và hát Quan Họ, chị có bi quan cho tương lai của Quan Họ hay không?

Bạch Yến: Những người ở làng mà chúng tôi có gặp thì những người đó họ rất hãnh diện giữ truyền thống. Chỉ có một vài cô ra nước ngoài, đi hát trên sân khấu hoặc hát trên đài truyền hình. Họ đã ra đi thì khó trở về lắm. Tại vì họ bắt đầu thương mại hóa, nói trắng ra họ kiếm được nhiều tiền hơn, thành ra những người đó khi ra hát Quan Họ còn bày thêm những điệu bộ này nọ, nên khó mà quay trở về với sự khắt khe của Quan Họ.

Tôi thấy rằng những người Quan Họ làng họ vẫn hãnh diện dù rằng bị lấn lướt nhiều. Tôi hy vọng vẫn chưa bị hư hao nhiều.

Còn những người gọi là Quan Họ Đoàn (đi hát theo đoàn) hay Quan Họ Đài (hát Quan Họ trên đài truyền hình) thì những người này họ đã thương mại hóa rồi, họ kiếm được nhiều tiền, nên họ khó mà quay trở về làng hát theo đúng truyền thống của cha ông để lại, nhưng số này ít lắm, nên tôi không bi quan.

Viễn Đông: Dân ca Quan Họ đã nổi tiếng từ lâu, nhưng thưa chị, tại sao nó không được phổ biến rộng rãi như vọng cổ, cải lương hay tân nhạc?

Bạch Yến: Ở ngoài Bắc, Quan Họ được phổ biến rộng rãi chứ, nhiều làng vẫn hát Quan Họ, và hiện nay tôi thấy dân ca Quan Họ đang có triển vọng hồi phục. Tôi thấy những người hát Quan Họ giỏi vẫn dạy cho các em nhỏ, có khi họ nuôi cơm luôn và không lấy đồng tiền nào. Điều đó chứng tỏ Quan Họ không thể mai một được.

Viễn Đông: Qua chuyến về quê hương, chứng kiến tận mắt dân ca Quan Họ, chị thấy bộ môn này có được những người có trách nhiệm về văn hóa, nghệ thuật lưu tâm hay không?

Bạch Yến: Hiện giờ tôi chưa thấy Quan Họ được đem vô các trường, mình hay nói trường Quốc Gia Âm Nhạc, còn bên kia họ gọi là Viện Âm Nhạc, tôi chưa thấy một người nào có được một “chân đứng” làm giáo sư âm nhạc Quan Họ đúng mức, đúng kiểu. Chúng tôi chỉ hy vọng và có khuyến khích Bộ Văn Hóa nên tôn vinh những người nào như bên Đại Hàn hay Nhật họ hay tôn vinh những người Thầy giỏi vào hàng “Di Sản Quốc Gia”, thì những người đó phải được đãi ngộ xứng đáng. Thí dụ, chính phủ phải trả lương xứng đáng để họ ngưng đi hát mà ngồi lại truyền đạt âm nhạc truyền thống Việt Nam cho các thầy về âm nhạc trong các trường, dưới hình thức những “Masterclass”. Có như thế thì họ mới đem tinh túy của dân ca âm nhạc mà truyền lại cho thế hệ mai sau.

Tôi thấy tại Việt Nam, có rất nhiều ông cụ, bà cụ rất giỏi, không thua gì các người tại Nhật hay Đại Hàn được vinh danh. Điểm khác biệt rất lớn, là tại Việt Nam, họ đói quá, không được giúp về mặt kinh tế để ngồi lại mà dạy thì làm sao có sự tiếp nối?

Chúng tôi có cho ý kiến, nói rằng đâu có bao nhiêu; nếu cho họ mỗi người 100 đô la tức hai triệu, rồi thì những người đó tinh thần thoải mái, không phải lo chạy cơm mỗi ngày, không có đi đàn tầm bậy trên thuyền hay ở những cái quán ăn, sức khỏe còn tốt, thì mới truyền dạy lại những kiến thức tinh túy được. Đó là những lời chúng tôi nói với Bộ Văn Hóa, nên giúp về mặt đó, và họ chỉ gật đầu chứ không có hứa gì hết.

Theo tôi, tại Việt Nam, âm nhạc cổ truyền của mình chưa được coi trọng, chưa xứng đáng với giá trị của nó. Đây là ý kiến riêng của tôi, chúng tôi thấy có lẽ vì những người ở bên trên, họ có quyền và chính họ không coi trọng nên để cho những người có tài sống lây lất, có mất, có còn gì cũng không cần biết, có thể thôi, tôi chỉ đoán vậy thôi. Chứ nếu từ trên xuống dưới không có sự đồng ý là những người hát Quan Họ sẽ giúp cho người này, người kia thì nhạc đó sẽ bị mai một, vì các cụ già nay đã bảy, tám mươi tuổi sẽ lần lượt ra đi.

Tôi đã từng hát nhạc Tây phương, nay trở về nguồn hát nhạc truyền thống dân tộc nên tôi có sự so sánh rất lớn mà rõ rệt hơn người bình thường đi nghe nhạc, là vì nếu mình chỉ là người lớn lên trong cái nhạc đó thì mình không nhìn thấy gì khác hết, mình chỉ nhìn thấy nhạc đó thôi. Đàng này, cả tôi lẫn anh Trần Quang Hải đều là đi từ nhạc Tây phương trở về. Anh Hải trước học đàn Violon tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn cũng cả 10 năm, anh thấu đáo nhạc Tây phương hơn. Còn tôi, sau khi lập gia đình với anh Trần Quang Hải mới bắt đầu được nghe nhạc dân ca và hiểu âm giai, thang âm và bài nào là điệu Bắc, bài nào là điệu Nam. Nhờ như vậy tôi lại biết và hiểu âm nhạc Việt Nam hơn.

Mỗi khi trình bày trước công chúng, nếu là người ngoại quốc, trước khi hát một bài, trước khi đàn một bài thì chúng tôi chỉ giải nghĩa bài hát đó thôi chứ không bao giờ chúng tôi viết hay dịch cái bài đó ra tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức cả. (Nói đến đây ca sĩ Bạch Yến hát thử bài “Qua Cầu Gió Bay” bằng tiếng Việt, sau đó cô hát bằng tiếng Pháp. Rồi vừa cười, cô vừa nói tiếp). Dịch ra như vậy nó thành bài “giễu”, và có vẻ vọng ngoại quá. Một điểm khác nữa là không hát tiếng Pháp, sợ người ta cho là mình không biết tiếng.

Cái hay là mình giải thích cho người ngoại quốc hiểu ý nghĩa bài hát của dân tộc mình để họ chú ý theo dõi, chứ mình dịch ra tiếng của họ hát là họ cười ngất, vì mình làm trò hề! Vì họ tới để họ nghe nhạc cứ không cần phải nghe lời. Người Việt mình nhiều người đi nghe hát là đi nghe lời nhiều hơn đi nghe nhạc, còn riêng chúng tôi hay người Tây phương, nghe nhạc trước rồi mới nghe hát.

Trước khi ai đó gửi cho tôi bài hát, mình nói là bài tân nhạc đi, một sáng tác mới thì đầu tiên tôi để ý nghe nhạc chứ không phải nghe lời. Tôi nghe đi nghe lại cho tới khi thấy cái nhạc đó hay thiệt, tôi mới bắt đầu nghe lời ca. Rồi lời ca hay, tế nhị, đẹp, tôi chọn bài đó mà hát, chứ không phải lời ca là quan trọng. Nhạc quan trọng hơn.

Viễn Đông: Sau khi đã nhìn tận mắt, nghe tận tai âm nhạc Việt Nam, cách riêng về dân ca truyền thống, anh chị đang sống ở hải ngoại, anh chị có ý định làm gì để bảo tồn và phát huy nền dân ca truyền thống ấy?

Bạch Yến: Chúng tôi về, chúng tôi có nêu ý kiến với Bộ Văn Hóa để chọn một đoàn nghệ sĩ, mà họ có ý định đưa đoàn nghệ sĩ đó ra hải ngoại dưới sự bảo trợ của UNESCO hay của những hãng buôn ngoại quốc lớn, chúng tôi có gặp những người đặc trách văn hóa của Việt Nam thì những người đó rất vui mừng gặp chúng tôi và cũng rất chịu nghe, và có ý nhờ chúng tôi nghe và chọn những cái gì mà sẽ ra ngoài hát, diễn được thành công đúng theo tiêu chuẩn cho người Tây phương, thành ra tôi thấy họ cũng muốn nghe và làm lắm, nên chúng tôi cho họ biết, họ cần có người để dìu dắt, và phải hiểu tại sao mình chọn cái nhạc này.

Khi trình diễn Quan Họ chẳng hạn, họ phải đem những người ở làng lên, phải đem một mớ trầu lên để ngồi ngay sân khấu têm trầu Cánh Phượng cho khán giả nhìn tận mắt, phải có những ngọn đèn dầu leo lét để cho các liền anh, liền chị ngồi xung quanh mà hát đối đáp. Như thế người Tây phương họ mới hiểu, và những cái đó người Tây phương rất mê, vì họ biết mình không làm sai lạc đi cái nét thuần túy truyền thống. Mặc dù sân khấu không phải là cái đình làng, nhưng mình cũng tạo được cái không khí của nhạc Quan Họ. Chúng tôi không có đủ sức để làm việc này ở hải ngoại, chúng tôi chỉ giúp bảo tồn nét truyền thống đó, đừng bị hư đi, đừng bị làm sai lệch đi để khi sang Nhật, sang Pháp, Hoa Kỳ, sang Đức, v.v., trình diễn, mình vẫn nêu cao được nét đẹp cổ truyền trong âm nhạc của dân tộc mình.

Viễn Đông: Xin cám ơn danh ca Bạch Yến.

Bạch Yến: Cám ơn nhật báo Viễn Đông.

Thanh Phong

Nguồn: http://www.viendongdaily.com
  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây