Giở lại trang sử âm nhạc và sinh hoạt thanh niên – Phong Trào Du Ca (kỳ 2)

Nguyễn Linh Giang/Viễn Đông
8.4.2011


Trần Đại Lộc, Phượng Oanh và Nguyễn Đức Quang – Sư Phạm Sài Gòn, 1970 – ảnh tài liệu từ tập nhạc Nguyễn Đức Quang: Dưới Ánh Mặt Trời, Đồng Vọng xuất bản năm 1997, Hoa Kỳ.

LTS: Trong bối cảnh lịch sử sau nền Đệ Nhất Cộng Hòa, phong trào Du Ca đã ra đời, thổi một luồng sinh khí vào những sinh hoạt thanh niên, lúc đó cũng đang nở rộ. Nhiều trại công tác giúp đồng bào tị nạn chiến tranh được tổ chức, nhiều đoàn thể ra đời hoạt động mạnh mẽ như CPS (Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Thanh Niên), Nguồn Sống, Phong Trào Học Đường Phục Vụ Xã Hội, Thanh Sinh Công, Thanh Niên Thiện Chí… Phong Trào Du Ca, thủ lĩnh là Nguyễn Đức Quang, đã cung cấp cho những người trẻ sinh hoạt trong những đoàn thể này những bài ca đáp ứng được nguyện vọng cũng như nói lên những tâm tư của họ. Đâu đâu trong những buổi cắm trại, những công trường xây nhà cho đồng bào tị nạn… cũng nghe vang lên những khúc hát do các nhạc sĩ của Du Ca sáng tác.

Tuần trước, trên trang báo này, nhật báo Viễn Đông đã cho đăng lại bài phỏng vấn nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang do Nguyễn Linh Giang thực hiện cách nay 8 năm. Trong phần đầu, nhạc sĩ đã nói về 10 bài Trầm Ca, mở đầu cho bước đường Du Ca. Sau đây là phần cuối của bài phỏng vấn. Tiếp theo đó là phần hồi ký của Nguyễn Linh Giang, ghi lại những kỷ niệm với phong trào Du Ca.

Viễn Đông: Anh tự học nhạc lấy và viết nhạc mà không có thầy nào chỉ dẫn cả?

Nguyễn Đức Quang: Đúng rồi. tôi không có may mắn được học nhạc.

Viễn Đông: Đàn guitar cũng tự học luôn?

Nguyễn Đức Quang: Đúng, đàn cũng tự học lấy. Nguyên do như thế này. Ông cụ tôi là người rất thích văn chương thơ phú, mà lại cũng rất thích thể thao. Ông luôn luôn ước mong con mình sẽ thành lực sĩ hay cầu thủ… Năm ’56, lúc tôi 12,13 tuổi thì theo cha ra Côn Đảo ở vì lúc đó ông ra đó làm việc. Ông nghĩ là cho tôi đi đá banh chứ đâu có chỗ để học, ngoài đó tới lớp nhất là đâu có lớp học nữa. Nhưng khi tôi đi đá banh thì gặp những người tù đá dữ quá, thế là ông sợ, cho tôi nghỉ và cho qua chơi nhạc. Ông cho một cái kèn harmonica. Sau đó ông tìm cho tôi được một ông thầy nhạc là một ông tù thường phạm, đã dậy cho tôi đánh đàn mandoline. Do đó sau này tôi chơi mandoline rất khá. Sau, ông cụ tìm ra được nhạc sĩ Hoàng Nguyên lúc đó là một tội phạm chính trị. Tôi sắp sửa được học guitar và học chữ thêm thì chắc là không có duyên với ông Hoàng Nguyên, ông cụ tôi gửi tôi về Sài Gòn học theo một chiếc tầu tiếp tế của hải quân lúc đó mới vừa cập bến.

Sau này, câu chuyện chơi nhạc thì cũng ly kỳ vì đến năm ’58 về Đà Lạt, tôi gia nhập hướng đạo. Lúc đó có những phong trào văn nghệ rất mạnh. Thời ’58 là thời bình, người ta tranh đua nhau học hay, đàn giỏi… Hướng đạo cũng vậy, tranh đua với các hội bạn như Phật tử… Vào hướng đạo, tôi lại có tiếng là hát hay, biết đánh đàn mandoline, đóng kịch giỏi, lần nào cũng đem cúp về. Hướng đạo cũng hay gây quỹ bằng cách tổ chức đại nhạc hội, phụ diễn cho chiếu bóng. Vì thế tôi có nhu cầu sáng tác. Năm ’61, tôi nghĩ đi nghĩ lại thấy hơi chán những bài thường hát, thế là tôi sáng tác ngay một bài riêng cho hướng đạo, đó là bài đầu tay của tôi, có cái tên là Gươm Thiêng Hào Kiệt. Tên này là sửa lại chứ bài ấy lúc đầu lấy đề tài gương Thánh George ca tụng tinh thần hiệp sĩ của vị thánh bổn mạng của hướng đạo.

Viễn Đông: Anh cứ tự mình nghĩ ra bài nhạc thôi?

Nguyễn Đức Quang: Đúng. Mà bài nhạc viết rất đúng. Lúc đó tôi say mê tinh thần hào hiệp giúp đời cứu đời của Thánh George nên chọn đề tài ấy. Nhưng khổ là bài này chỉ được hát mỗi năm có một lần vào lúc làm lễ. Lúc này tôi cũng chưa biết đàn guitar. Đến cuối năm ’60, ông cụ tôi thưởng cho một cái đàn guitar. Lúc đó cụ đã về làm ở Ty Tiểu Học Đà Lạt. Vào trường Trần Hưng Đạo, tôi được chọn làm Trưởng Ban Văn Nghệ, nhưng lại chưa biết đàn. Thế là tôi đi mua hết các tập sách dậy đánh đàn ngồi tập hết vì trưởng ban văn nghệ rất quan trọng, cần đàn hay hát giỏi… để tranh đua với các trường khác như Việt Anh có ông Hoàng Nguyên về dậy, trường nào cũng có thứ dữ trong khi trường mình lại chẳng có ai sinh hoạt văn nghệ giỏi. Vì vậy tôi học rất nhanh, biết đàn guitar và bắt đầu viết những bài nhạc phổ thơ Nhất Tuấn, viết một lô nhạc tình 5,6 chục bài.

Viễn Đông: Nhiều dữ vậy mà bị mất hết sao?

Nguyễn Đức Quang: Không biết vì sao, chắc do di chuyển nhiều lần, mà chỉ có một tập chép tay duy nhất, mất tiêu. Bây giờ ngồi nhớ ra viết lại chỉ còn lõm bõm năm ba bài. Rồi có nhu cầu phải hát hợp xướng, nên cũng giở sách ra học và viết hòa âm, viết đủ thứ cho trường. Mình tìm được một ông bực sư về hợp ca, ông này rất giỏi, tốt nghiệp Quốc Gia Âm Nhạc. Một ông thầy rất lam lũ, nghèo khổ, sống bằng nghề phu nướng bánh mì nhưng rất giỏi nhạc. Ông ấy đã chỉ dẫn rất nhiều về nhạc, hòa âm và hát hợp ca, đóng góp vào kỹ năng của mình.

Tất cả những hoạt động trong thời gian này nó làm cho mình trở thành về sau thích hát cộng đồng, hát chung, sinh hoạt, hát hợp ca… hơn là đơn ca do phải trông nom ban hát hướng đạo, hợp ca của trường và nhẩy vào tất cả những tổ chức văn nghệ. Mà mê không thể tưởng tượng được. Lúc đó tôi mới 17,18 tuổi nhưng cầm trong tay mấy chục bài nhạc, đi hát hết ở các trường, rất thành công.

Viễn Đông: Vậy mà không ai “lancer” anh lên thành ca sĩ?

Nguyễn Đức Quang: Lúc đó cũng có người đề nghị tôi bán vài bài hát cho ông Duy Khánh nhưng không hiểu sao lúc đó mình khí khái thế nào ấy, mình không chịu. Nhiều người thì thích “lancer” nổi danh nhưng mình thì cứ thích đi lang thang mà hát thôi, gặp các nhóm, các trường và hội đoàn để hát. Ai nấy đều mê mẩn với những bài như Chủ Nhật Này Trẫm Nhớ Ái Khanh Không hay Chỉ Tại Anh…

Viễn Đông: Nhưng sao khi về Sài Gòn thì anh lại không đưa những bài này ra?

Nguyễn Đức Quang: Lý do đơn giản là lúc về Sài Gòn thì thời cuộc đã thay đổi. Cái tâm thần của mình cũng hoàn toàn thay đổi, đang từ giai đoạn một anh thanh niên mơ mộng lãng mạn bỗng vụt đổi thành một con người của thời đại, của những vấn đề xã hội chính trị. Mình đang đi học về Chính Trị, rơi vào một giai đoạn có nhiều vấn đề, lại gặp một ông tổ sư chuyên đưa ra những bài hát có “vấn đề” quá hay là ông Phạm Duy. Mình lại cũng có một chút vốn về những cái ấy là những bài Nỗi Buồn Nhược Tiểu, Giấc Ngủ Của Mẹ… Nên gặp anh Phạm Duy thì cũng như rồng gặp mây, cứ thế mà dấn thân vào con đường đã chọn. Lúc đó, đố cô thấy ai nhắc đến chuyện ông Nguyễn Đức Quang hát một bài tình ca nào, hát tình ca làm cái gì?

Viễn Đông: Nhưng về sau thì cũng có tình ca chứ. Bên Kia Sông, Vì Tôi Là Linh Mục, Như Mây Trên Cao…

Nguyễn Đức Quang: Thì những bài ấy là cũng do tác giả mấy bài thơ yêu cầu. Như ông Nguyễn Ngọc Thạch, ông ấy đưa bài thơ “Lời Trong Sương” ra và bảo: “Ông có ngon ông làm bài này coi”. Thế là làm, vì trước đó tôi đã phổ bài “Xin Nhận Nơi Này Làm Quê Hương” của ông ấy, ông ấy rất thích nhưng cứ bảo chắc tên này chỉ biết nhạc sinh hoạt chứ làm sao viết nhạc tình được. Thế là có bài “Bên Kia Sông”. Nhưng không bao giờ mà tự nhiên mình lại viết nhạc tình vào lúc đó. Ngay về sau này, đến thời Nguyễn Tất Nhiên, cậu ấy cũng nhờ mình phổ bài đầu tiên là bài “Thiên Thu”, và sau nữa là bài “Vì Tôi Là Linh Mục”. Dù vậy, tôi cũng không hát tình ca, mà những bài tình ca này đã được các ca sĩ thời đó như Khánh Ly, Lệ Thu thâu thanh. Thành ra, cho tới năm ’75 tôi không có được một dòng nhạc tình lớn mà chỉ là một nhánh nhỏ, trật chìa. Tất cả mọi người đều nhìn tôi như một nhạc sĩ du ca, chẳng ai nhắc nhở đến dòng nhạc tình như một góc nhạc cần đi tới, cần thiết như những lãnh vực khác, cần khai thác để thu hút thêm các anh em khác. Cái đó cũng là một nhược điểm của anh em Du Ca. Mình quá chú trọng đến những vấn đề kia.

Viễn Đông: Nhưng phải nói là trong dòng nhạc tình, đa số toàn là những bài hát thê thiết, đau thương. Còn nhớ lúc đó dù còn rất trẻ, tôi cũng “chê” nhạc tình lãng mạn như kiểu Đoàn Chuẩn Từ Linh…, không phải như những bài như Bên Kia Sông, êm đềm và thanh thoát hơn.

Nguyễn Đức Quang: Đúng. Nói tới nhạc du ca, người ra chỉ thấy dòng nhạc đầy cảm khái, hùng mạnh, không có không khí ẻo lả buồn thảm. Vì thế mình đã vuột mất những tay như Vũ Hữu Định, Trần Quang Lộc… Khi họ bước vào dòng nhạc tình thì họ đều vỗ cánh bay đi.

* * *

Từ phần này trở đi là hồi ký của Nguyễn Linh Giang

* Bước kế tiếp: Phong Trào Du Ca

Khoảng năm 1965, 1966, tôi là một con bé 15, 16 tuổi thật nhút nhát nhưng cũng thật lý tưởng, ôm ấp trong đầu nhiều mơ ước, mà mơ ước lớn nhất là làm được một chuyện gì tốt đẹp cho quê hương đất nước, một quê hương mà dù còn nhỏ như vậy, tôi cũng cảm thấy là đang ở vào một tình trạng vô vọng, không lối thoát. Hằng ngày, tôi biết là có nhiều người bị gọi đi lính, và nhiều người ra đi không về. Tôi gia nhập Phong Trào Học Đường Phục Vụ Xã Hội, một đoàn thể gồm toàn những học sinh như tôi, dẫn đầu bởi một số giáo chức mà chúng tôi gọi là huynh trưởng. Đoàn thể thường tổ chức những trại công tác với mục đích xây nhà cho đồng bào chiến nạn, sửa sang phòng ốc cho các trại cô nhi, giúp đỡ những trại tạm cư… Con bé mới lớn là tôi hăng hái đi trại, cầm chổi sơn tường, phát quà cho đồng bào tị nạn… Sau những giờ làm việc là những buổi lửa trại, nơi chúng tôi tha hồ gào hét những bài hát hướng đạo cũng như những bài du ca của Nguyễn Đức Quang: Về Với Mẹ Cha, Người Yêu Tôi Bệnh, Lìa Nhau, Đường Việt Nam, Anh Em Tôi… Con bé rất thích hát là tôi say sưa hát. Và sau đó được “mời” vào hát trong chương trình phát thanh “Chúng Ta Cùng Hát” của Nguyễn Đức Quang.

Khoảng năm ’64, ’65 gì đó, tôi đã biết đến ban Trầm Ca. Trong một buổi văn nghệ Tết tổ chức ngay nền Khám Lớn cũ (69Bis Đường Gia Long)- một miếng đất trống với vài căn nhà tiền chế, đất dụng võ của một số thanh niên sinh viên, nơi có quán Văn nổi tiếng với buổi trình diễn của Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đi chân đất – tôi đã được nghe ban Trầm Ca hát những ca khúc của họ. Những Nguyễn Đức Quang, Phương Oanh, Đinh Gia Lập, Nguyễn Kim Châu, Trần Trọng Thảo, Hoàng Thái Lĩnh đã làm tôi cảm động với Tiếng Rống Đàn Bò, Nỗi Buồn Nhược Tiểu, Lìa Nhau… Thế mà bây giờ tôi được gặp Nguyễn Đức Quang và được hát với nhóm của anh!

Chúng Ta Cùng Hát (CTCH) là một chương trình chuyên hát những ca khúc “cộng đồng”, tức những bài ca viết cho nhiều người cùng hát. Có lẽ Nguyễn Đức Quang đã viết ca khúc Ngồi Quanh Đây Chúng Ta Cùng Hát riêng cho chương trình này. Tôi không có dịp hỏi lại NĐQ nhưng có lẽ CTCH cũng như một vài sinh hoạt trẻ khác lúc đó được nâng đỡ nhiều bởi những vị bộ trưởng của chính phủ mới sau năm 1963, còn trẻ và có cảm tình với phong trào sinh hoạt thanh niên. Mỗi tuần chúng tôi đến Đài Phát Thanh tập hát, cùng hát và thu thanh những bài du ca, hầu hết là của Nguyễn Đức Quang, thỉnh thoảng có một vài bài dân ca hoặc một vài bài của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy. Cả những bài của Hoàng Quý mà hướng đạo hay hát. Ngoài Nguyễn Đức Quang và Trịnh Công Sơn lúc đó đã nổi tiếng, cùng thời còn có cả một lớp các nhạc sĩ trẻ đang lên sáng tác rất hăng, không tuần nào mà không có bài mới: Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Miên Đức Thắng, Lê Uyên Phương… Nhạc sĩ Phạm Duy cũng viết nhạc rất nhiều trong thời kỳ này. Nhưng phải nói chỉ có Nguyễn Đức Quang là hoàn toàn “trung thành” với loại nhạc nhận thức về quê hương, hay “du ca” cũng vậy. Nếu bạn nào cùng tuổi trên 6 bó như tôi còn nhớ một vài bài du ca thì có lẽ cũng đã có lần nghe chương trình Chúng Ta Cùng Hát trên Đài Phát Thanh Sài Gòn.

CTCH không thọ lâu nhưng không sao, lúc đó, như NĐQ đã kể bên trên, anh Đinh Gia Lập đã làm giấy tờ chính thức thành lập Phong Trào Du Ca với một ban quản trị đàng hoàng. Hình như anh Hoàng Ngọc Tuệ lúc đó là chủ tịch ban quản trị mặc dù anh ít hát và cũng ít sinh hoạt văn nghệ. Thực ra thì anh cũng rất mê hát và là “sponsor” của nhóm Trầm Ca nhiều năm trời, thành ra việc anh làm chủ tịch cũng không có gì là lạ. Căn nhà của anh trên đường Sương Nguyệt Ánh nghiễm nhiên trở thành trụ sở đầu tiên của Du Ca. Tôi còn nhớ đã đến đây học lớp dậy guitar cũng như dự buổi hát thân mật đầu tiên của cặp Lê Uyên Phương khi họ mới từ Đà Lạt xuống Sài Gòn.

(Còn tiếp tuần tới)

Nguyễn Linh Giang

Nguồn: http://www.viendongdaily.com

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây