Giở lại trang sử âm nhạc và sinh hoạt thanh niên – Phong Trào Du Ca (kỳ 1)

Nguyễn Linh Giang/Viễn Đông
1.4.2011


Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang trong một buổi trình diễn ở Little Saigon, tháng 1-2011 – ảnh: Thái Đắc Nhã/Viễn Đông

LTS: Bài phỏng vấn nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang sau đây được thực hiện cách đây khoảng 8 năm nhưng chưa bao giờ được hoàn tất. Tuy nhiên, nhạc sĩ cũng đã có cơ hội nói rõ về giai đoạn thành lập phong trào du ca và những sinh hoạt đã tạo nên con người và đời sống Nguyễn Đức Quang. Nhật báo Viễn Đông xin được đăng lại bài viết này như một nén hương tưởng niệm người anh cả du ca.

Năm 1963, sau sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm, miền Nam nước Việt hầu như bước hẳn vào một kỷ nguyên mới, nhất là đối với giới trẻ. Từ truyền thống “chỉ biết học”, người trẻ bỗng nhiên cảm thấy như được bứt khỏi một thứ xiềng xích nào đó. Họ như được mở mắt ra, nhìn chung quanh và lần đầu tiên nhận ra khuôn mặt của chính dân tộc. Trong tim họ bừng lên một luồng máu nóng, họ muốn vùng dậy nói lên tiếng nói của mình và muốn làm một cái gì đó cho dân tộc đất nước, lúc đó càng ngày càng lún sâu vào một trận chiến không lối thoát.

Trong bối cảnh đó, phong trào Du Ca đã ra đời, thổi một luồng sinh khí vào những sinh hoạt thanh niên, lúc đó cũng đang nở rộ. Nhiều trại công tác giúp đồng bào tị nạn chiến tranh được tổ chức, nhiều đoàn thể ra đời hoạt động mạnh mẽ như CPS (Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Thanh Niên), Nguồn Sống, Phong Trào Học Đường Phục Vụ Xã Hội, Thanh Sinh Công, Thanh Niên Thiện Chí… Phong Trào Du Ca, thủ lĩnh là Nguyễn Đức Quang, đã cung cấp cho những người trẻ sinh hoạt trong những đoàn thể này những bài ca đáp ứng được nguyện vọng cũng như nói lên những tâm tư của họ. Đâu đâu trong những buổi cắm trại, những công trường xây nhà cho đồng bào tị nạn… cũng nghe vang lên những khúc hát do các nhạc sĩ của Du Ca sáng tác.

Nguyễn Đức Quang cùng với Phạm Duy đã khơi lên phong trào hát cộng đồng, hát du ca khắp chốn. Những bài hát viết thời đó vẫn còn được giới trẻ ngày nay hát vang một cách say sưa trong những buổi sinh hoạt: Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ, Về Với Mẹ Cha, Chiều Qua Tuy Hòa… Và chiều nay, anh cùng người viết giở lại những trang sử sinh hoạt thanh niên.

* Bước đầu: 10 bài Trầm Ca

Viễn Đông: Nếu chúng tôi không lầm, phong trào Du Ca bắt nguồn từ ban Trầm Ca. Vậy sao ta không bắt đầu từ chỗ ấy và cứ theo dòng thời gian…

Nguyễn Đức Quang: Vâng, ta cứ bắt đầu từ sự hình thành của ban Trầm Ca. Trầm Ca thoát thân từ một nhóm anh em vẫn thường sinh hoạt chung với nhau ở Đà Lạt vào khoảng năm 1964. Sau khi xong trung học, nhóm này rủ nhau xuống Sài Gòn. Một số học ở Khoa Học, một số ở Văn Khoa như anh Hoàng Thái Lĩnh, ở Công Chánh như anh Phùng Tắc Ón, anh Đinh Gia Lập thì học về điện, Nguyễn Quốc Văn học gì thì không nhớ…

Viễn Đông: Đây là một nhóm bạn họp với nhau để hát hay để làm gì?

Nguyễn Đức Quang: Không, chỉ là một nhóm bạn đã từng sinh hoạt với nhau ở Đà Lạt, tình cờ gặp lại nhau ở Sài Gòn. Rồi họ rủ nhau đi dự một trại công tác ở làng Phụng Hoàng, Thạnh Lộc Thôn, ngay cạnh Sài Gòn. Trại này gọi là Thanh Niên Tự Do thì phải, do Chương Trình Hè tổ chức năm 1965. Nhóm này nhập vào đoàn sinh viên Đà Lạt vì cũng toàn quen biết nhau cả. Trại này dựng nhà cho các đồng bào chiến nạn, khá lớn và rất đông sinh viên. Trong hơn tuần lễ trại, có một buổi sinh hoạt có anh Phạm Duy đến. Nhạc sĩ Phạm Duy lúc đó còn trẻ, đang hào hứng lắm và rất sung sức với tập Tâm Ca đang làm. Buổi sinh hoạt gây thật nhiều xúc động. Những bài hát của Phạm Duy nói tới một số các vấn đề về đất nước, về con người, về tình yêu, hòa bình, chiến tranh, đủ thứ cả, toàn những đề tài mà trước giờ không bao giờ thấy trong âm nhạc. Trước đó chỉ có những lời phảng phất, hùng ca… chứ chưa ai nói ra là có những vấn đề như thế.

Tuổi trẻ, nhất là tuổi trẻ sau năm 63, là thuở mình đang mơ mộng bao nhiêu thứ chuyện. Đất nước mới thay đổi, đang tự nhiên sống trong bóng tối của đời sống học đường, không có tổ chức hay sinh hoạt gì hết, nay được nở bừng ra. Ngoại trừ những hoạt động như Hướng Đạo, Phật tử, còn ngoài ra không ai nhắc cho mình biết là có những vấn đề của xã hội, mở đường cho mình biết những cái đau thương của chính trị, hòa bình, chiến tranh, tại sao đất nước phân chia…. Mình không có sự suy nghĩ nào hết. Tuổi trẻ sau năm 1963 có nhiều thao thức hơn nhiều lắm nên mới có phong trào tuổi trẻ tom góp nhau nào là xuống đường, nào là cứu trợ…, nên những cái trại như trại này có rất đông đảo thanh niên sinh viên tham dự. Tất cả kéo về, hân hoan, vui tươi, đầy hi vọng. Giờ tự nhiên có một cái ông, ông ấy đặt ra những vấn đề đúng với những điều mà họ đang suy nghĩ, thật chẳng khác nào thùng xăng được dí cho một mồi lửa. Trong cái buổi sinh hoạt đang diễn ra như vậy, sau khi hát nửa chừng, có mấy phút nghỉ giải lao, anh Phạm Duy mới bảo:
– Nãy giờ tôi hát cũng nhiều rồi. Thôi bây giờ tới phiên mấy cậu. Có cái gì thì cứ lên đây hát trong khi tôi nghỉ ngơi chút xíu.
Có một số người chắc đã từng nghe một số bài hát của tôi trong thời gian đi trại ở Đà Lạt, đề nghị chúng tôi lên. Thế là cả nhóm Đà Lạt cứ kéo nhau lên đứng hát mấy bài đó, rất tự nhiên như trẻ con. Nhưng anh Phạm Duy thì thích lắm.

Viễn Đông: Lúc đó thì mấy anh hát bài gì?

Nguyễn Đức Quang: Thì hát Về Với Mẹ Cha…

Viễn Đông: Lúc đó anh đã viết những bài ấy?

Nguyễn Đức Quang: Lúc bấy giờ tôi có một số bài hát sinh hoạt ngắn ngủi thôi, chưa có ý định viết gì nhiều. Tụi tôi cứ hát ào ào. Thì anh Phạm Duy nghe, anh ấy lấy làm ngạc nhiên. Anh ấy kêu:
– Hát nữa đi, hát nữa đi…
Thế là cả bọn cứ ầm vang lên hát 2,3,4 bài, cho là ông ấy muốn nghỉ thêm chút nữa. Xong rồi thì Phạm Duy trở lại hát hết chương trình. Nhưng đến lúc cuối, khi mọi người đứng lên ra về thì anh ấy kêu:
– Ê, mấy cái cậu kia lại tôi bảo.
Tụi này sướng quá vì được ông ấy gọi lại . Hỏi han dăm ba câu xong, ông bảo:
– Thế này nhé, nếu các cậu có thích thì đến nhà tôi. Tôi tổ chức mỗi tuần một lần, tối Thứ Năm. Anh em mình ngồi lại với nhau, tôi sẽ nói chuyện về âm nhạc, về văn hóa. Anh em chúng ta trao đổi với nhau.

Mình nghĩ lại thì hình thức đó cũng giống như đàm trường. Trong những buổi đó, anh Phạm Duy viết thêm được bài tâm ca nào thì anh ấy cho mình nghe, cho nghe cả những lời mà anh ấy đang soạn. Tuần sau lại, anh ấy sửa sang, điểm xuyết xong thì cho mình nghe lại với những lời hoàn hảo hơn. Thời kỳ này kéo dài khá lâu, khoảng vài tháng. Anh ấy giúp cho mình tự nhiên nhẩy vào một cái lãnh vực khác… Trước đó, cả đám chỉ là một nhóm tơ lơ mơ ca hát vui chơi. Những ý nghĩ của mình tuy là đã có khác biệt với nhiều anh em viết lách khác, nhất là giới sáng tác nhạc nhưng chưa bao giờ mình nghĩ mình sẽ thành hình ra một cái gì hay thành một tập nhạc gì. Gặp nhau lần thứ hai thì ông ấy bảo:
– Tuần rồi các cậu hát những bài kia, thế thì Quang còn có viết cái gì nữa không?
Mình lúc đó cũng còn nhút nhát rụt rè lắm:
– Em cũng còn một số bài, để hát thử cho anh nghe.
Thế là tôi bắt đầu hát Nỗi Buồn Nhược Tiểu, Tiếng Rống Đàn Bò, Lìa Nhau, Giấc Ngủ Của Mẹ. Ối giời! Ông ấy ngồi nghe, ổng sững sờ. Phản ứng của ổng lúc bấy giờ thật là… thật là… dễ thương. Ổng sững sờ thấy không có một dòng nhạc nào mà khác và hay hơn được cái này. Ông buột miệng đề nghị ngay:
-Thôi thế thì như thế này. Anh em mình vẫn tìm cách trao đổi, nói chuyện với nhau như thế này để tìm cách xây dựng, vun bón đầu óc của mình trên con đường sáng tác, làm văn nghệ. Nhưng anh cũng muốn từ nay mấy cậu đi theo anh. Anh đi đâu mấy cậu đi đó, mình sẽ làm một ban hát.

Mình cũng tưởng ông ấy chỉ làm chuyện đùa mà thôi nhưng không ngờ ông đã nghĩ ra trong đầu một lô những chương trình. Đúng ra lúc đó, những bài Tâm Ca của Phạm Duy đã trở thành một “hot topic”. Lúc bấy giờ ở đâu cũng tìm cách mời anh ấy tới để sinh hoạt, nào là Bà Huyện Thanh Quan, cư xá Trần Quí Cáp, cư xá Minh Mạng. Bắt đầu họ đã nghĩ rằng có một hình thái văn nghệ khác hẳn với những cái trước đó như phải có sân khấu, có đại chúng. Bây giờ nó không còn cần như vậy nữa. Anh Duy có thêm được nhóm này thì từ đây đi đâu anh không phải mang theo cái máy thu thanh “reel to reel” to kềnh càng. Trước đó anh không có người diễn phụ nên đi đâu cũng phải mang theo cái máy Akai. Anh ấy là một người rất tiến bộ. Thời đó mà anh đã xài máy này là kỹ thuật mới nhất.

Viễn Đông: Nhưng tại sao lại phải mang theo máy thâu băng?

Nguyễn Đức Quang: Anh ấy phải đem theo để phát thanh những bài hát của anh do các ca sĩ khác hát. Thế rồi anh ngồi dẫn giải. Phần trình diễn của anh rất ít. Nhưng từ hồi có đám này vào thì anh ấy rất hứng chí. Anh ấy có thể đứng hát vài bài tâm ca rồi đám này hát những bài tâm ca cần đến đám đông, có cả một nửa số bài này là hát cộng đồng.

Viễn Đông: Vâng, đúng rồi. Hát Với Tôi…

Nguyễn Đức Quang: Hát Với Tôi, Ngồi Gần Nhau, Kẻ Thù Ta… những bài này cần đám đông, cần nhiều giọng hát. Được cái, đám này nó hát thật say mê dù hát chẳng hay gì cả, mà anh cũng chẳng có thì giờ để tập cho chúng tôi. Thực sự mà nói tụi này xúm lại tập với nhau nhưng chẳng ai có được một kỹ thuật gì cả, chẳng ai tốt nghiệp trường nhạc hay lớn nhạc nào cả.


Nhạc sĩ Phạm Duy và nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang tại nhà hàng Song Long, thành phố Westminster, trung tâm Little Saigon, tháng 4-2003

Viễn Đông: Du ca mà, đâu cần.

Nguyễn Đức Quang: Vâng, thời đó chúng tôi còn chưa biết hát như thế nào là đều, cứ thế mà hát thôi nhưng mà anh Duy anh ấy thích. Mà rồi lần lần đến các nơi, mình thấy cái nhu cầu là không thể hát bê bối quá, mà phải hát có bè biếc đàng hoàng. Rồi phải ngồi lại, viết ra, tập với nhau. Anh em tập hợp lại với nhau chắc cũng là vận số khá ly kỳ. Khi từ Đà Lạt xuống, tôi gặp lại Đinh Gia Lập là người về sau ký tên trên văn bản thành lập phong trào Du Ca. Lập không phải là một ca sĩ hay giọng hát hay mà cũng chẳng biết đàn nhưng anh lại là một thành viên kỳ cựu và cốt cán của du ca. Hai chúng tôi chia nhau một căn gác ở đường Lý Thái Tổ. Sau khi gặp ông Phạm Duy và có được nhóm anh em, chúng tôi rủ nhau mướn một căn nhà ở chung. Lúc mọi người trả phòng và khăn gói kéo nhau đến căn nhà đã mướn thì… tìm không ra chủ nhà, lại đúng ngày 30 Tết. Cả bọn đứng ngoài đường không biết đi đâu thì may quá có người giới thiệu đến gặp anh Hoàng Ngọc Tuệ. Thế là anh cho cả bọn tá túc nơi ngôi nhà của anh ở đường Sương Nguyệt Ánh. Cả nhóm: Nguyễn Đức Quang, Hoàng Thái Lĩnh, Nguyễn Kim Châu, Đinh Gia Lập, Trần Trọng Thảo… kéo về nhà anh Tuệ ở cái phòng lab đằng sau, thế là sung sướng lắm rồi. Thế là cứ ở lì đấy. Hai năm sau thì dọn ra cái garage ở. Thế mà ở đến 1972 mới rời khỏi chỗ ấy. Sáu, bảy năm trời.

Khi đi với anh Duy, cả hai bên đều phát triển được cái vốn nhạc của mình. Anh Duy cho rằng viết nhạc thì phải viết từng loạt như ở đây mình gọi là từng album, như vậy thì mỗi góc của đề tài mình mới có chỗ phô diễn hết, cũng như 10 bài Tâm Ca của anh ấy thì mỗi bài nói về một đề tài. Cuối ’65 thì anh ấy đủ được 10 bài Tâm Ca trong khi tôi mới được 6,7 bài. Thấy vậy mình cũng phải cố gắng gia tăng sản xuất cho đủ 10 bài. Khi 2 anh em đi diễn, thường thường thì diễn đủ 10 bài Tâm Ca, và 5,6 bài Trầm Ca.

Viễn Đông: Hình như cũng có hát dân ca nữa mà phải không anh? Hay là dân ca về sau mới hát?

Nguyễn Đức Quang: Đúng rồi, có cả dân ca nữa. Anh Phạm Duy anh ấy rất là sáng ở chỗ đó. Đi đâu anh ấy cũng chuẩn bị một phần dân ca Vì anh ấy nhận được là hát mọi thứ mà không có dân ca thì thật thiếu thốn, hời hợt. Vả lại anh ấy cũng có cái vốn hơn 40 bài dân ca.

Viễn Đông: Đúng. Lúc đó ông ấy đã cho ra tập Folk Songs có rất nhiều bài dân ca cũng như nhạc của chính ông.

Nguyễn Đức Quang: Đó là cái vốn làm thành sức nặng cho Phạm Duy khiến cho mọi nơi đều dành cho anh ấy một vị trí quan trọng. May mắn là lúc bấy giờ có Phương Oanh. Cô ấy đã đi chung với Phạm Duy từ 1964, nhưng chỉ thỉnh thoảng trong một số buổi thuyết trình về âm nhạc mà thôi. Nhưng chúng tôi thì thấy sự cần thiết của dân ca nên mời Phương Oanh. Cô ấy đã góp nhiều sức sống cho ban Trầm Ca. Đang từ 6 ông đực rựa, nay có thêm giọng nữ và tiếng đàn tranh.

Lúc sau này, Trầm Ca rất là khá vì có tập tành với nhau cẩn thận. Những ngày đầu đi với anh Duy thì mình cứ giương mắt ra để học hỏi kinh nghiệm nơi một ông đã đi lang thang du ca quá lâu thành ổng rất sành sõi, từ cách bước ra sân khấu, cách trình bày bài hát, ăn nói…, cách sửa soạn một bài hát như thế nào, chuẩn bị ra làm sao. Ông là một người làm việc rất qui củ, kỷ luật. Đi với ông ấy nhiều chuyến đi xa như những vòng đi từ Huế vào đến miền Nam mười mấy địa điểm như Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Ban Mê Thuột, Kon Tum… Lần nào thấy ông ấy sửa soạn cũng rất khâm phục vì thấy cách ông sắp xếp chương trình, nào là đem băng, đem nhạc cho người ta nghe rồi phải in bài ra cho người ta hát. Ông này là người bầy ra trò đi đến đâu thì in những bài hát phát cho người ta…

Viễn Đông: Những bài hát cộng đồng cho người ta hát chung?

Nguyễn Đức Quang: Ừ, đúng, hát cộng đồng. Mình cứ nhìn cái cách của ông làm rồi cứ thế mà học và khai thác. Mình đã khai thác khía cạnh hát cộng đồng về sau đã trở thành một sở trường của du ca.

Viễn Đông: Nhưng đi như vậy thì đến diễn ở đâu? Những trường học hay là chỗ nào khác? Nhớ có lần Du Ca đã đến trường Trưng Vương là nơi tôi học.

Nguyễn Đức Quang: Đúng là đi đến các trường học và cũng có lần đi những chỗ xa, ở những sân khấu nhỏ của cơ quan USIS. Nhiều lần đi chung với anh Steve Addiss là một nghệ sĩ Mỹ, anh Juliano, trong chương trình phổ biến văn hóa của USIS. Nhiều trường ở một số tỉnh hay các viện đại học cũng có mời. Lúc này là lúc sinh hoạt rộn rã nhất. Những chuyến lưu diễn đầu tiên đã gây được những tiếng vang thật mạnh mẽ, những dấu ấn đáng kể, tạo cho tuổi trẻ bắt nhịp được vào trong những rung động, suy nghĩ của đất nước. Đến đâu chúng tôi cũng để lại được những bài hát mà tuổi trẻ say sưa yêu thích. Sau này, năm 1966 là lúc khởi đầu sự thành lập phong trào Du Ca, một giai đoạn thật hào hứng.

Viễn Đông: Nhưng lúc này anh đã có đủ 10 bài Trầm Ca chưa?

Nguyễn Đức Quang: Có đủ chứ. Năm 1966 có thể nói là ban Trầm Ca đã độc lập, có thể cáng đáng buổi diễn một mình. Những chuyến đi sau phần lớn là do ban này thực hiện và các trường, các nơi đã mời đến. Có nhiều nơi là những cơ quan công quyền như Bộ Chiêu Hồi. Trong bộ này có ông Nùng, Giám Đốc về Văn Hóa, là người rất mê du ca, hiểu từng bài từng lời nên rất trân trọng. Ông ấy tổ chức những buổi hát thường xuyên, đi qua những trung tâm hồi chánh. Và ông cũng trả tiền cho những buổi hát đó mà lúc đó mình đang cần vì có anh nào làm ra tiền đâu trừ anh Hoàng Thái Lĩnh nhà khá giả nuôi cho ăn học, và anh Đinh Gia Lập là người chân chỉ nhà gửi tiền đầy đủ. Khi đi hát ở những buổi của ông Nùng tổ chức, nhiều bữa cũng gây cấn vì có một số người bên kia tương đối là thành phần trí thức. Ông ấy cho họ nghe mình hát và cũng cho họ tự do phát biểu. Có nhiều người rất bướng bỉnh và lý luận mà mình phải đấu với họ. Nhưng cũng nhờ vậy mà sau nầy, khi qua Paris và Âu Châu năm 1969 gặp đa số là thành phần thiên tả, tôi có vốn liếng để nói chuyện với họ dù họ nói chuyện phi lý và nghịch lý.

Viễn Đông: Bây giờ quay trở lại 10 bài Trầm Ca. Anh có thể cho biết đó là những bài nào? Những gì đã cho anh ý tưởng để viết nên những ca khúc này? Bài đầu tiên là bài gì?

Nguyễn Đức Quang: Bài đầu tiên là bài Nỗi Buồn Nhược Tiểu. Bài này cũng là cả một giai thoại. Nó cũng đã trở thành một biểu tượng của ban Trầm Ca, đi đâu bài này cũng “khống chế” cả buổi diễn, ngay cả trong những buổi đi chung với ông Duy. Ông Duy thì có 10 bài Tâm Ca nhưng không bài nào đánh động và làm kích xúc người ta khủng khiếp như bài Nỗi Buồn Nhược Tiểu. Nguyên do làm bài này là như thế này: Năm 1964, tôi đang ở Đà Lạt, vừa học xong trung học, mùa hè rảnh rỗi hay đọc sách báo. Một buổi nọ, tôi mua được một tờ báo của Tổng Hội Sinh Viên tên là Lửa Việt. Trong tờ này có một bài thơ ký tên Nguyễn Văn Hoàn, chẳng biết là ai và ở đâu, bài thơ có tên là Ca Buồn Nhược Tiểu. Đọc bài thơ ấy, mình rất lấy làm xúc động.

Tôi trót sinh ra làm dân nhược tiểu.
Nỗi tủi buồn căm bừng trên tay.
Nỗi nhục nhằn trĩu nặng đôi vai…

Mới đọc qua là đã thấy quá xúc động. Vì sao? Vì tất cả những thao thức về đất nước, về chính trị đã khơi nguồn từ năm 1963 còn để lại trong đám trẻ nhiều năm sau đó. Vì xúc động như vậy nên tôi lấy bài này phổ nhạc ngay. Trước thời gian này, tôi có làm một loạt những ca khúc trẻ con, tình yêu lẩm cẩm, chưa bao giờ bước chân vào những loại ca khúc đặc biệt như thế này. Mình cũng chưa tin là nó có thể trở thành một ca khúc mà người ta cảm được. Nhưng lúc bấy giờ thì cần gì, thích là làm chẳng có lôi thôi gì hết. Tôi ngồi viết một mạch ra hết bài, nói xin lỗi, viết mà cũng không biết mình viết đúng hay sai. Khi viết mình hát lên thấy được là thích. Nhưng than ôi, một bài hát như thế đâu dễ gì mà tung ra được. Nó không có được một cơ hội. Viết từ mùa hè mà mãi đến 6 tháng sau, vào tháng 12 trong một buổi họp mặt Giáng Sinh ở bờ hồ, nó mới được hát lên. Tất cả các sinh viên thời ấy ở trường Đà Lạt được chia thành từng nhóm để học và sinh hoạt chung với nhau. Nhóm của tôi toàn dân Đà Lạt đông lắm hơn 30 người. Trong buổi họp mặt này, lần đầu tiên tôi hát bài Nỗi Buồn Nhược Tiểu. Mình vừa hát vừa sợ mà người nghe chắc cũng thấy ngoài sự chờ đợi của người ta là một bài gì vui vui hay Giáng Sinh, thành ra phản ứng rất là yếu ớt. Không ai thốt ra một lời nào cả. Nhưng lần đó cho thấy bài này cũng có thể hát được trong đám đông nên nó lại nung nấu được cho tôi cố gắng tìm thêm một số đề tài nữa.

Ít lâu sau, tôi đọc được bài Tiếng Nói Á Phi, một bài thơ ký tên Thanh Thuyền, cũng chẳng biết là ai, có mầu sắc rất chính trị. Những con người Á Phi nghèo khổ, nô lệ… đúng là hình ảnh quê hương đất nước của mình chứ còn gì nữa. Thế là lại ngồi viết bài đó, về sau này trở thành bài Tiếng Rống Đàn Bò. Sau này, trong một dịp, tôi được gặp anh Bùi Duy Thuyết. Anh ấy có một số các bài thơ. Anh cũng đi trong những trại công tác thời đó và phổ biến những bài thơ của anh, trong đó có một bài về mẹ mà tôi đã phổ thành bài Giấc Ngủ Của Mẹ.

Rồi nghĩ về đất nước chia cắt của mình lúc đó, tôi viết bài Lìa Nhau. Từ gợi hứng quan trọng của Nỗi Buồn Nhược Tiểu, tôi đã lần lần hoàn thành 10 bài Trầm Ca, gồm có: Nỗi Buồn Nhược Tiểu, Lìa Nhau, Tiếng Rống Đàn Bò, Giấc Ngủ Của Mẹ, Tiếng Hát Tự Do, Anh Em Tôi, Đường Việt Nam, Người Anh Vĩnh Bình, Chiều Qua Tuy Hòa…

Viễn Đông: Vậy lần nào anh hát bài Nỗi Buồn Nhược Tiểu mà có được một cái phản ứng kích xúc khủng khiếp như anh đã nói?

Nguyễn Đức Quang: Đó là lần đi với anh Duy. Tại cư xá Bà Huyện Thanh Quan, tôi không thể nào quên được. Mọi người chờ đợi ông Phạm Duy, đâu biết là ông còn có mấy cái đuôi theo sau. Khi thấy 5,6 tên xách đàn ra sân khấu chào, chẳng ai biết là ai. Ông Phạm Duy ra giới thiệu, đây mấy anh sinh viên trốn học theo tôi đi hát, và ông giới thiệu Nguyễn Đức Quang với Nỗi Buồn Nhược Tiểu. Lần đầu tiên mà mình thấy được phản ứng rõ ràng của thính giả sau bài hát. Trời ơi, phải nói là họ lặng người đi. Nhờ trước đó đã có 4 bài của ông Phạm Duy mồi rồi, từ “Sáng nay vừa thức dậy…”, Kẻ Thù Ta, Giọt Mưa Trên Lá… người ta đã thấm và sẵn sàng chờ đợi một cái gì ghê gớm hơn, thì đã có Nỗi Buồn Nhược Tiểu

Tôi trót sinh ra làm dân nhược tiểu…

Tôi thấy mọi người lặng nghe và khi chấm dứt bài hát thì họ ùa vỡ lên. Lần đầu tiên họ nghe một bài hát như thế, một cung cách trình diễn khác thường như thế. Ngay cả ông Phạm Duy khi hát Tâm Ca cũng không say sưa như mình, ông cũng thừa nhận như vậy vì dầu sao thì lúc đó ông cũng lớn tuổi hơn mình.

Trầm Ca lúc đó còn dè dặt, chỉ đưa ra 3,4 bài nhưng cũng đã tạo được tiếng vang. Sau buổi đó là các nơi khác như Trần Quí Cáp… đã mời tiếp theo.

Viễn Đông: Mỗi buổi như vậy thì có bao nhiêu người tham dự?

Nguyễn Đức Quang: Khoảng vài trăm, không đông lắm nhưng rất thích thú. Ngồi trên bãi cỏ, sân khấu thì cũng liền đó trên bãi cỏ hát, hát chung, hát theo. Bài Nỗi Buồn Nhược Tiểu càng ngày càng được hâm mộ, đến đâu người ta cũng yêu cầu bài đó và cũng gặt hái được thành công. Bài này còn đặc biệt ở chỗ là không thể nào tìm thấy tác giả bài thơ nguyên thủy.

Viễn Đông: Không có ai đứng ra nhận hết?

Nguyễn Đức Quang: Không. Mãi đến năm 1973, 74 tôi có nhận được một cái thư viết từ trường Đồng Đế. Thư viết như sau: Tôi được biết anh có phổ thơ của một người thành bài hát tên Nỗi Buồn Nhược Tiểu. Tôi chỉ muốn hỏi là anh có biết người đó là ai hay không. Có phải bài thơ đó là như thế này không, và chép ra một số câu. Tôi mong được liên lạc với anh…, dưới ký tên là Nguyễn Văn Hoàn. Tôi có viết thư trả lời là tôi rất chờ đợi có người nhận bài thơ của mình vì bài thơ quá hay, tôi rất trân trọng muốn được biết tác giả của nó, xin anh cho tôi được liên lạc, nhưng sau đó không còn biết tin tức gì nữa.

Viễn Đông: Phần điệp khúc phía sau là do anh thêm vào hay nguyên thủy là như vậy?

Nguyễn Đức Quang: Tôi có thêm vào một số câu. Nhưng phải nói là bài thơ cũng rất dài, rất tuyệt vời và tôi đã giữ đúng hầu hết lời thơ.

Viễn Đông: Còn những bài sau: Người Anh Vĩnh Bình, Chiều Qua Tuy Hòa…

Nguyễn Đức Quang: Lúc đó mình đã bắt đầu đi nhiều rồi, ôm những bài hát kia mà đi, vào khoảng ’65, ’66 và sáng tác thêm những bài sau để thành đủ 10 bài Trầm Ca. Những bài này làm từ cảm xúc có do những chuyến đi ấy, qua Vĩnh Bình, qua Tuy Hòa…

(còn tiếp)


Nguyễn Linh Giang

Nguồn: http://www.viendongdaily.com
  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây