19.7.2005
Thông tin về việc NS Phạm Duy được phép hoạt động nghệ thuật và phổ biến một số tác phẩm ở VN đã tạo sự quan tâm của nhiều người, nhiều giới – nhất là những người hoạt động trong lĩnh vực ca nhạc.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chị Phan Thị Lệ – Tổng giám đốc Cty Văn hóa Phương Nam, nơi đã ký độc quyền khai thác các tác phẩm của NS Phạm Duy tại VN.
Thưa chị, xin chị cho biết Phương Nam đã thương thảo với NS Phạm Duy khi nào và hình thức ký kết, khai thác tác phẩm như thế nào ?
– Thật ra, khi biết NS Phạm Duy quyết định về nước sinh sống, chúng tôi đã đến tiếp xúc và đặt vấn đề ký hợp đồng khai thác các tác phẩm của ông tại VN. Đến ngày 1-6-2005, chúng tôi và NS cũng như gia đình ông đã thống nhất ký hợp đồng thỏa thuận.
Chị có thể nói rõ hơn những nguyên tắc trong bản thỏa thuận ?
– Theo tinh thần của hợp đồng, NS Phạm Duy đồng ý cho Công ty Văn hóa Phương Nam độc quyền khai thác, công bố và phổ biến những tác phẩm của ông tại VN sau khi được các cơ quan chức năng cho phép lưu hành.
Những tác phẩm này bao gồm các công trình nghiên cứu, nhạc phẩm (có lời và không lời), cùng những sáng tác thuộc các thể loại khác. Thời hạn hợp đồng là 10 năm tính từ khi tác phẩm được phổ biến trước công chúng.
Như vậy những nơi khác như phòng trà ca nhạc, đơn vị tổ chức biểu diễn và các ca sĩ muốn hát các ca khúc của NS Phạm Duy đều phải thông qua Công ty Văn hóa Phương Nam ?
– Theo hợp đồng, quyền khai thác được định nghĩa là “đưa các tác phẩm vào đời sống xã hội dưới mọi hình thức”, chứ không chỉ giới hạn dưới hình thức xuất bản phẩm, vì vậy các đơn vị, cá nhân nếu muốn khai thác các tác phẩm của NS Phạm Duy đều phải thông qua công ty chúng tôi.
NS Phạm Duy có hơn 900 tác phẩm, vậy Phương Nam đã ký độc quyền được bao nhiêu tác phẩm và Phương Nam có chủ động xin phép Bộ VH-TT cho phổ biến các tác phẩm này không ?
– Như tôi đã nói, chúng tôi ký “trọn gói”, có nghĩa là độc quyền khai thác tất cả các tác phẩm của NS Phạm Duy khi được Nhà nước VN cho phép. Còn hiện tại, chúng tôi đã chủ động xin phép Bộ VH-TT cho phổ biến 9 bài: Bà mẹ Gio Linh, Tình ca, Quê nghèo, Nương chiều, Ngày trở về, Áo anh sứt chỉ đường tà (thơ Hữu Loan), Ngậm ngùi (thơ Huy Cận), Mộ khúc (thơ Xuân Diệu), Thuyền viễn xứ (thơ Huyền Chi).
Chúng tôi đã có kế hoạch xin phép từ từ những tác phẩm phù hợp với người nghe trong nước và nếu được phép, chúng tôi sẽ khai thác bằng cách làm chương trình ca nhạc trên sân khấu hoặc làm CD, DVD,…
Xin cám ơn chị.
(Theo Thanh Niên)
Thật ra, không phải đợi đến hôm nay, ngay từ năm 2003 Công ty Phương Nam đã có nhiều lần tiếp xúc với chúng tôi, hình thành một sự giao hảo. Từ đó, chúng tôi tin tưởng họ”
NS Phạm Duy
15/07/2005
Theo nguồn tin đáng tin cậy, nhạc sĩ Phạm Duy và các con đã chính thức về nước sinh sống, được tham gia biểu diễn nghệ thuật và được cho phép phổ biến một số tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy có nội dung tích cực.
Trước thông tin này, từ Huế, nhạc sĩ Phạm Duy trao đổi với chúng tôi qua điện thoại: “Tôi cũng vừa nhận được tin chiều ngày 14/7 trên đường ra phi trường Tân Sơn Nhất để đi Huế, vì Duy Quang – con trai tôi được UBND TP Huế mời tham gia biểu diễn khai mạc Lễ hội ngành nghề truyền thống của Huế. Ngày 25/7, hai bố con sẽ ra Hà Nội, đến Ủy ban Người Việt ở nước ngoài để nhận quyết định. Tôi rất mừng, làm sao nói cho hết niềm vui sướng này. Cám ơn chính phủ và mọi người đã dành nhiều ưu ái cho gia đình tôi”.
Nhạc sĩ Phạm Duy đã làm đơn xin phép được phổ biến một số ca khúc thời kháng chiến như Bà mẹ Gio Linh, Quê nghèo, Ngày trở về…
(Theo Thanh Niên)