10.7.2010
Thị hiếu âm nhạc của công chúng sẽ đi về đâu khi thường xuyên bị tra tấn bởi những thứ âm nhạc… không bình thường như hiện nay?
Khái niệm nhạc sang và nhạc thị trường chưa bao giờ khó phân định đẳng cấp như thời kỳ này khi mà cả nhạc thị trường (mà hạ cấp là nhạc nhảm) và nhạc nghệ thuật (cụ thể ở đây là nhạc quái của nhóm Đại – Lâm – Linh) đang gặp phải lựa chọn: loại nhạc nào cần bị tẩy chay?
Nhạc nhảm làm hỏng ngôn từ Việt
Khoảng chục năm trở lại đây, nhạc Việt Nam trở nên sôi động và có phần… nhảm nhí bởi sự xuất hiện của dòng nhạc thị trường mà đỉnh điểm của sự nhảm nhí là dòng nhạc chợ, nhạc nhảm. Những ca khúc nghe tên đã “nuốt” không nổi như “Không bao giờ bó tay”, “Trái tim đặt nhầm chỗ”, “Người ấy và con ba phải chọn”, “Kiếp vợ bé”… đua nhau ra mắt với tốc độ chóng mặt khiến một bộ phận công chúng không chịu nổi và phải quay lưng lại với nhạc Việt.
Không hiểu khả năng ngôn từ và âm nhạc của nhạc sĩ, ca sĩ để đâu đặt tên các ca khúc một
cách phi nghệ thuật như: “Chỉ vì quá tin bạn”, “Miễn cưỡng không có hạnh phúc”…
Hàng trăm bài báo, hàng triệu bình luận của cư dân mạng thể hiện thái độ khó chịu về vấn nạn này. Thế nhưng, những bình luận, phản ánh của cộng đồng mạng xem chừng không có nhiều tác động đến các ca sĩ. Vậy nên, những thảm họa V-Pop lại liên tiếp ra đời mà đỉnh cao là “Da nâu” – Phi Thanh Vân, “Đừng yêu em” – Lê Kiều Như, “Teen vọng cổ” – Vĩnh Thuyên Kim và hầu hết bài hát của ca sĩ Vũ Hà khiến cộng đồng mạng gần như “phát điên” bởi tính phi nghệ thuật.
Những bài hát nhạc nhảm này như một sự “phỉ báng” ngôn ngữ Việt Nam khi hàng tá những ngôn ngữ Tây không ra Tây, ta không ra ta được đưa vào bài hát với những câu từ sáo rỗng, giai điệu lặp đi lặp lại. Ca sĩ chỉ vài lần “ứ ư” đã hết bài… Nghe những ca khúc đó, không thể cảm nhận được vẻ đẹp của ngôn từ Việt mà khiến người ta luẩn quẩn với cái vòng yêu – đương, chia tay nhảm nhí.
Thế nhưng nhờ sự tò mò của cộng đồng mạng nên những ca khúc này được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Công chúng nghe xong thì chửi, nhưng lại nghe, chửi rồi lại nghe…Vòng luẩn quấn khiến những bài hát “dở hơi” bỗng dưng thành hit vì ai cũng thuộc. Độ phổ biến của bài hát nhảm còn lớn gấp nhiều lần những bài hát “chính chuyên”, tử tế. Và những ca sĩ nhạc chợ, nhạc nhảm bắt đầu hét toáng lên rằng: “Tôi có hit”.
Nhạc “quái” ám người nghe
Một vài ngày trở lại đây, cư dân mạng mải mê bình luận và “thẩm định” thể loại nhạc mới của bộ ba: Đại – Lâm – Linh. Một số người trong nghề gọi đó là nghệ thuật còn phần nhiều công chúng cho rằng đó là một hình thức tra tấn và … dọa ma người nghe.
Nhóm Đại – Lâm – Linh thể hiện cá tính bằng sự kỳ dị
Không thể phủ nhận những nỗ lực kiếm tìm sự mới mẻ, công sức tập luyện, tài năng của nhóm Đại – Lâm – Linh nhưng những gì họ thể hiện trong chương trình Bài hát Việt khá phản cảm. Chia sẻ về dòng nhạc của mình, ca sĩ Linh Dung cho biết: “Chúng tôi muốn đưa tất cả những âm thanh của đời sống vào âm nhạc như tiếng trẻ con nũng nịu, tiếng tụng kinh, tiếng thét, tiếng thì thào của tình yêu, tình dục, rồi những âm thanh như đưa người ta vào cõi tâm linh…”. Thế nhưng thực tế, rất ít khán giả có thể “nuốt trôi” những thể nghiệm: cười, rú, hú, hét – những thanh âm gai lạnh hay những phát âm xí xào vô nghĩa khiến tâm lý bị căng thẳng.
Một khán giả có mặt ở nhà hát Hòa Bình – nơi diễn ra chương trình Bài hát Việt kể: “Nhiều người bịt tai, quay ra nói chuyện để không phải nghe hát. Những người dẫn con đi xem thì lục tục ra về vì sợ mấy đứa bé không chịu nổi. Có người còn bảo, sẽ không bao giờ xem chương trình Bài hát Việt nữa, thậm chí không ít người bắt đầu thấy nản với dòng nhạc dân gian đương đại của Việt Nam”. Trên một diễn đàn về âm nhạc, một thành viên cũng ý kiến: “Từ khi nghe nhóm quái này biểu diễn, mình không dám ra đường buổi tối. Đi đâu cũng thấy có ma, phát sợ”.
Và chính nhạc sĩ Phó Đức Phương trên một bài báo gần đây cũng nhận xét: “Chương trình Bài hát Việt tôi có xem qua truyền hình và bản thân tôi cũng thấy mệt mỏi, có cảm giác phải chịu đựng”. Đây cũng là tâm trạng, cảm nhận chung của phần đông khán giả. Ai cũng nhận thức rất rõ một điều, thứ âm nhạc ấy ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần của không ít người “thưởng thức”.
Nhìn họ biểu diễn trên sân khấu, không ít người… rợn tóc gáy
Tuy nhiên, có vẻ như nhóm Đại – Lâm – Linh không quan tâm tới “hậu quả” mà họ để lại cho người nghe bởi nhạc sĩ Ngọc Đại thì nói rằng “nhạc tôi ai nghe không sốc mới là lạ” (nghĩa là anh hoàn toàn đoán trước được phản ứng của khán giả) còn ca sĩ Linh Dung thì cho rằng: “Tôi cũng không quan tâm lắm. Nhưng hình như những người “yếu bóng vía” thì họ lảng đi. Chỉ còn một số người hay thì họ lại muốn đến gần. Mà như thế thì mình đỡ “mệt” (?).
Nhạc nào nên bỏ?
Âm nhạc cũng như bất cứ môn nghệ thuật nào khác, cần rất nhiều yếu tố và mục đích cuối cùng là để nuôi dưỡng tâm hồn và định hướng thẩm mỹ cho người thưởng thức. Nhạc quái hay nhạc nhảm đều chưa đạt được mục đích cao siêu ấy.
Nói không ngoa rằng, nhạc nhảm đang phá hoại gu âm nhạc của người thưởng thức, khiến một bộ phận công chúng không còn ý thức “thẩm định” nghệ thuật. Khán giả nghe một cách dễ dãi, hát theo một cách thụ động và không phân biệt thế nào là nghệ thuật và thế nào là phi nghệ thuật.
Trong khi đó, nhạc “quái” đóng mác nghệ thuật nên dụ dỗ khá nhiều người có tính “học đòi làm sang”. Đối với một bộ phận công chúng, họ không thể hiểu Đại – Lâm – Linh hát gì (ngay cả phần lời bài hát cũng không thể nghe rõ) nhưng vẫn mặc định rằng đó là thứ nghệ thuật cao cấp, phải những người ở trình độ cao mới thấu hiểu được. Nếu vậy, thứ âm nhạc này nên “đóng cũi” để những người có thể nghe cùng chia sẻ với nhau, đừng khiến dư luận phản ứng dữ dội như phần thể hiện trong chương trình Bài Hát Việt vừa qua.
Nghệ thuật không phải hòn đá, tròn, vuông, méo mó ai cũng có thể nhìn thấy. Cảm nhận, đánh giá về mỗi thể loại nhạc phụ thuộc vào gu thưởng thức, thẩm mỹ của mỗi người, và sự lựa chọn sẽ quyết định thể loại nhạc đó có tồn tại hay không. Nhưng trước hết, cá nhân nghệ sĩ rất cần có ý thức văn hóa thể hiện khi đứng trước một tác phẩm. Những thể nghiệm nên có sự giới thiệu, điều tiết hợp lí trên các phương tiện truyền thông để khán giả khi theo dõi, thưởng thức có thể dễ dàng tiếp nhận mà không bị ảnh hưởng về tâm lý theo chiều hướng tiêu cực như báo chí vừa qua đã đưa tin.
Nguồn: 2Sao
RE: Nhạc Việt – Hết sến, nhảm đến nhát ma
Mấy chục năm nay biết nhạc vàng, nhạc đỏ, nhạc sến, nhạc sang vân vân … nay đọc bài này biết thêm mấy từ [i]nhạc nhảm, nhạc quái, nhạc thị trường[/i] mặc dù nói thiệt là Bế Tắc tui không biết nghe mấy loại nhạc này thì bế tắc tới cỡ nào!
Ông/Bà nhà báo viết bài này hơi khó tánh chớ Bế Tắc tui thấy tên nhiều bài n[i]hạc nhảm nhạc quái[/i] này đâu có nhảm đâu có quái tí nào, ví dụ như trong CD Vô Tìnn Anh Hiểu Được Em, tên mấy bài hát bài nào nghe cũng được. Có vài tên thuộc loại [i]chiến[/i] như [i]Không bao giờ bó tay, Hãy tin vào tình yêu, Xa mặt cách lòng …[/i]
NBT
RE: Nhạc Việt – Hết sến, nhảm đến nhát ma
Đọc bài viết, nhìn hình Đại Lâm Linh …băng bó tự nhiên mình nhớ đến Michael Jackson
Mình không là [i]die hard fan[/i] của Michael tuy nhiên mình rất yêu chuộng dòng nhạc của ông trong những tác phẩm như Ben, I’ll be there, Will you be there v..v
Nên mình tò mò muốn biết xem có sự ảnh hưởng nào ờ đây không? Và nếu có thì ảnh hưởng ra sao, có sai một ly đi…vạn dặm hay không?
Mình vào internet nghe chỉ được một bài của Đai Lâm Linh thì …nghẹt thở, sự đi quá mức bình thường như tra tấn mình! Ráng nghe thêm một bài nữa cho công bình trước khi nhận xét nhưng mình chịu thua. Bế Tắc nghe chưa?
Nhân xét về nhạc “nhảm” của Bế Tắc làm mình phì cười, lâu lắm rồi mình không nghe chữ [i]chiến[/i], Bế Tắc dùng rất …chiến ở đây
🙂
NNK
RE: Nhạc Việt – Hết sến, nhảm đến nhát ma
Thử tưởng tượng ngày xưa phải nghe lén, nghe chui nhạc vàng . Bây giờ tuổi trẻ có được chút “tự do” được nhà nước mình ban phát thành ra tôi nghĩ cũng tốt . Hãy để thời gian và khán thính giả làm giám khảo công bằng nhất . Nếu không hay, nó sẽ không bao giờ tồn tại. Nếu nó tồn tại thì là trách nhiệm của người nghe và điều này sẽ nói lên khả năng thẩm thấu âm nhạc của chúng ta . Chút suy nghĩ chia xẻ cùng các bạn . KT
RE: Nhạc Việt – Hết sến, nhảm đến nhát ma
Khi mình nghe nhạc, it khi mình để chuyện gì khác – ngoài dòng nhac mình đang nghe – chi phối mình. Có khi mình lại thích một bài hát mà không biết tác giả là ai, ở đâu, và không phải là không có những bài hát của những nhạc sĩ nổi tiếng mà mình không thấy thích.
Tuổi trẻ, tự do có phải đôi khi như một cơn bão cát cuốn hút đến đâu khó mà luờng trước được ? Ngoài những phản đối cực lực, những nhận xét đồng cảm, mình cũng đọc được những ghi nhận đúng đắn, những góp ý bền bỉ, không ngừng, cho dòng nhạc này, thấy mừng khi vẫn có sự xây dụng chăm chút, dù nhỏ nhoi,dù không biết có được gì hay không. Nhưng cho là vì chút “tự do” được ban phát có “ơ hờ” quá cho âm nhac nói chung?
Có phải chúng ta vẫn là khán thính giả có chút trách nhiệm cho dòng nhạc Việt nói chung. Hay mình nghĩ sai.
NNK