Nhạc Nguyễn Đức Quang, Tuổi Trẻ, Mặt Đất và Hiện Tại

Nguyễn Xuân Hoàng
07.03.2011                                                                                  

Đêm Du Ca Nguyễn Đức Quang tại quán Paloma Café, San Jose, chiều thứ Sáu 25 tháng Hai, 2011

Cho dù các ca khúc của Nguyễn Đức Quang được viết cách đây hơn 30 năm ở trong nước, âm nhạc của anh mỗi khi vang lên bao giờ cũng thổi đến trong lòng người nghe hơi nóng của một trái tim bốc lửa.

Tuổi trẻ, đó là hơi thở trong toàn bộ những sáng tác của anh. Và quê hương là hình ảnh đẹp đẽ trong tiếng nói của anh. Các ca khúc của Nguyễn Đức Quang có thể nói tràn ngập những lời tình tự dân tộc.

Có người nói, âm nhạc của Nguyễn Đức Quang không thiếu những tình khúc. Điều này không sai, nếu tình khúc được hiểu như những khúc ca viết cho một mối tình khổ đau, chia ly, tan vỡ. Những Vì Tôi Là Linh Mục, Thiên Thu (phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên)… chỉ là một chút màu xanh trong bức tranh hoành tráng của tuổi trẻ trong âm nhạc của anh.
  
Nguyễn Đức Quang viết và hát và anh biết rõ anh đang viết gì, hát gì!
  
Vào giữa thập niên sáu mươi, bẩy mươi, trong khi Sài Gòn và các tỉnh trong nam vang lên một số những ca khúc não nuột, sướt mướt, những khúc bi ca nấc lên từ một trầm tư siêu hình, bốc hơi từ một thứ triết học trên mây,… Nguyễn Đức Quang – dù mới vừa bước vào tuổi hai mươi – đã chọn mặt đất, thực tại xã hội, dân tộc và quê hương làm hướng đi của anh.

Nhạc Nguyễn Đức Quang đã đánh thức một tuổi trẻ bị chìm đắm trong cơn mê dài của những dòng nhạc ru ngủ. Những ca khúc của anh mang tên Xin Chọn Nơi Này Làm Quê Hương, Xương Sống Ta Đã Oằn Xuống, Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ, Không Phải Là Lúc…, Hy Vọng Đã Vươn Lên…, Đã làm nên một Nguyễn Đức Quang khoẻ mạnh và vạm vỡ.

Không phải là lúc ngồi đặt vấn đề nữa rồi, phải dùng bàn tay mà làm cho tươi mới… Nguyễn Đức Quang đã nói như thế với những người cùng trang lứa với anh, và cái thông điệp ấy không phải chỉ riêng cho một tuổi trẻ Việt Nam. Thông điệp ấy anh đã gửi đến cho toàn thể con người Việt Nam trong một xã hội đang tan rã, trong một đất nước đang bị chia cắt từ đất đai đến tấm lòng…

Nếu xem những khúc bi ca làm đẫm ướt trái tim là bóng tối thì những ca khúc của Nguyễn Đức Quang là ánh sáng.

Nếu xem những tình khúc nức nở, nghẹn ngào là quá khứ thì nhạc của Nguyễn Đức Quang bao giờ cũng là của hiện tại.

2-

Tôi muốn nói nhạc của Nguyễn Đức Quang sẽ thuộc về hiện tại và mặt đất bao lâu mà xã hội chúng ta vẫn còn những con buôn (ở khắp nơi), còn những em bé ngồi khóc bên vĩa hè, còn những đứa trẻ lang thang ngoài đường phố, không nhà cửa, không người thân; bao lâu vẫn còn quanh quẩn đâu đây những ruồi nhặng và kên kên… thì nhạc Nguyễn Đức Quang vẫn còn tác động trên cuộc sống chúng ta.

Hãy nghe Nguyễn Đức Quang hát:

Anh ơi, mau đi coi món hàng chúng bán
Trên Bến Chương Dương,
Bên đường Tự Do, giữa nơi rừng già,
Buôn trong Chùa, Phật không tha,
thần không qua, buôn cả Thánh Chúa.
(Bọn Lái Buôn Ở Khắp Nơi)

Một lời phỉ báng đốt cháy một đời như là cây đuốc
một lời đàm tiếu cũng khiến họ hàng xa gần nhơ nhuốc
vậy mà một nước có mỗi ngày hàng trăm tờ tin tức
toàn lời nhục nhã mắng nhiếc phẩm bình chê bai không dứt
đó anh!
Xem đây quê hương tôi một thùng rác lớn

Nơi đây đang vây quanh một đàn ruồi xanh
Đàn ruồi xanh
ruồi xanh….
(Ruồi và Kên Kên)

Nhưng nhạc Nguyễn Đức Quang không chỉ đưa ra những mặt tiêu cực của cuộc sống. Nhạc của anh còn chứa đựng một tình yêu tràn trề về quê hương và hy vọng cho những ngày tới. Đó là những khúc hoan ca Xin Chọn Nơi Này Làm Quê Hương, Bầu Trời Quê Hương Ta, Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ… cho thấy một Nguyễn Đức Quang tích cực trước cuộc sống:

Này người yêu, người yêu tôi ơi,
Bên kia sông là ánh mặt trời
Này người yêu người yêu anh hỡi,
Bên kia đời cỏ hoa đan lối…
(Bên Kia Sông – Thơ My Sơn)

Hy vọng đã vươn lên trong màn đêm bao ưu phiền
Hy vọng đã vươn lên trong lo sợ mùa chinh chiến
Hy vọng đã vươn lên trong nhục nhằn, tràn nước mắt
Hy vọng đã vươn lên như làn tên
Đang rực lên trong màn đêm….
(Hy vọng Đã Vươn Lên)

Và một trong những ca khúc đã làm Nguyễn Đức Quang trở nên người của quần chúng, của đám đông, có lẽ là Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ. Ở ca khúc này, âm nhạc của Quang như một cơn lũ cuốn phăng đi mọi rác rưới, phá tan đi xích xiềng, đốt cháy đi ô nhục….

Ta như nước dâng, dâng tràn có bao giờ tàn
đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
lê sau bàn chân gông xiềng của thời xa xăm
đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loang xoang…
(Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ)

Tôi hiểu âm nhạc của Nguyễn Đức Quang phải gắn liền với xã hội, con người, quê hương, đất nước của chúng ta. Âm nhạc của anh phải được đập theo nhịp đập của những trái tim sôi nổi của một tuổi trẻ không bằng lòng với hiện tại. Âm nhạc của anh phải được vang lên trên vĩa hè thành phố từ Bắc chí Nam, vang lên trên các sân trường đại học, trên cánh đồng, trong khu rừng bập bùng ánh lửa, ở những nơi mà đồng bào ta cần những bàn tay, những cánh tay… Có thể nói nhạc của Nguyễn Đức Quang không thích hợp trong không khí của một phòng trà, nơi mà những ly cà phê đắng, những mịt mù khói thuốc và hơi rượu cay đốt cháy một đời tuổi trẻ….

Như tên một ca khúc của anh, nhạc của Nguyễn Đức Quang là những tiếng rống của những đàn bò:

“Sao chúng tôi phải làm mãi thân bò sát, trườn mình đi trong vũng tối mất tương lai?
Sao chúng tôi phải làm mãi loài lạc đà, mang niềm đau của một người nô lệ già?…”
(Tiếng Rống Đàn Bò)

Nguyễn Đức Quang không phải là người nói nhiều. Anh tin người và yêu đời. Trong những năm ở Quận Cam, chúng tôi từng có những buổi sáng thứ Sáu ngồi bên nhau trong tiệm ăn có tên Spires ở góc đường McFadden-Brookhurst – và lúc đó tôi thấy một Nguyễn Đức Quang hoạt bát khi anh nói về quê hương, xã hội và âm nhạc. Tôi nói, nhạc của anh chưa mất tính hiện tại, nhạc của anh vẫn còn nguyên vẹn tính chất thời sự của nó khi được vang lên trên đường phố Việt Nam hiện tại.

Tôi cho rằng sở dĩ nhạc của Quang đi vào trái tim người trẻ dễ dàng và mạnh mẽ như vậy bởi vì nhạc của anh đi thẳng từ một trái tim lọc qua một khối óc tinh nhạy. Nguyễn Đức Quang suy nghĩ trên lời nhạc trước khi ghi lại những suy nghĩ ấy bằng âm thanh. Và cũng có thể ngược lại. Tôi nhớ có lần nhạc sĩ Phạm Duy nói với tôi: Nếu Lê Uyên Phương viết bằng da thịt thì Nguyễn Đức Quang viết bằng lý tưởng. Tôi không hiểu nhận định ấy của Phạm Duy đã gây cho Lê Uyên Phương và Nguyễn Đức Quang những suy nghĩ gì? Tôi chỉ có thể lập lại một điều: Nhạc của Nguyễn Đức Quang trước hết thuộc về Mặt Đất và Hiện Tại.

Là học trò của nhạc sĩ Lê Thương, nhưng âm nhạc của Nguyễn Đức Quang là một kết hợp kỳ lạ của ba dòng sông: âm hưởng của Nga qua những khúc dân ca, như Hò Kéo Gỗ Trên Sông Volga [lời Phạm Duy], những bài nhạc Do Thái [He-Sha-Luz] sáng tác cho những kibbutz, và sau cùng cốt lõi của nó chính là dân ca Việt Nam.

Những buổi sáng thứ Sáu, từ quán ăn Spires trong thị xã Garden Grove, California, chúng tôi đã hình thành một tình bạn không bằng lời nói. Cũng như những dấu lặng trong âm nhạc, sự im lặng trong tình bạn chính là một thứ ngôn ngữ chứa nhiều ý nghĩa nhất.

Tôi thích nhạc Nguyễn Đức Quang, nhưng có thể tôi còn thích anh nhiều hơn ở nhân cách của anh.

3-

Bắt chước một nhà nghiên cứu phê bình văn học, chúng ta có thể nói: Nhân vật trung tâm của âm nhạc là người nhạc sĩ, nhưng sự phát triển của âm nhạc tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác. Đó là tài năng và nhân cách. Tài năng là cái trời cho, chỉ có thể bồi đắp chứ không thể đào tạo. Nhưng nhân cách thì ai cũng cần phải có. Đôi khi nhân cách còn quan trọng hơn cả tài năng. Và người ta chỉ thật sự có nhân cách khi biết sống vì những lẽ phải lớn, biết giữ được lòng trong sáng, và biết trung thực trước mỗi thử thách của cuộc sống. Không có nhân cách thì sẽ hoặc ngông nghênh vô lối, hoặc khúm núm xu thời….

Nguyễn Đức Quang, hơn là một nhạc sĩ tài năng, anh là một con người nhân cách.

Điều đó làm âm nhạc anh lớn hơn cái chiều cao nó vốn có.

Điều đó làm cho người ta càng quý Nguyễn Đức Quang hơn và yêu âm nhạc của anh nhiều hơn.

 

Nguyễn Xuân Hoàng

 

Phần lớn những ý tưởng trong bài viết này đã là tựa cho tập nhạc Nguyễn Đức Quang Dưới Ánh Mặt Trời, xuất bản vào tháng Tám 1995.

Nguồn: http://www.voanews.com/vietnamese/news/literary/nhac-nguyen-duc-quang-03-07-2011-117535578.html

1 BÌNH LUẬN

  1. nhớ về “cho đồng bào tôi”
    vô tình lại đọc được bài viết này,đã từ rất lâu không được nghe thấy gì về một dòng nhạc mà tôi đã hâm mộ từ thời trai trẻ,tôi vẫn nghĩ giá như NĐQ sau 75 vẫn còn ở VN thì chắc sẽ có những sáng tác nóng hổi như thời trước của anh, kính cẩn tưởng niệm anh ,những bài hát của a luôn ở trong tôi”ngày nào mất nhau sớt chia chẳng được đâu”..

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây