Nghĩ Về Anh, Nguyễn Đức Quang

Nguyễn Hữu Nghĩa
2.4.2011

Tôi nhỏ hơn Nguyễn Đức Quang 7 tuổi, gọi anh bằng “anh”, xưng “em”, từ khi tôi mới được 15. Tôi học ở Tây Ninh, cuối tuần về Sài Gòn sinh hoạt du ca. Nguyễn Đức Quang từ Đà Lạt về, và ở luôn Sài Gòn, thỉnh thoảng mới về Đà Lạt thi cử ở trường Chính trị Kinh doanh và thăm gia đình. Hai anh em ngụ ở cái gác xép trong nhà để xe của anh Hoàng Ngọc Tuệ, số 114 đường Sương Nguyệt Anh.

Con đường này ngộ lắm. Đường nhỏ và ngắn, song song với đường Bùi Thị Xuân (có nhà anh Đỗ Ngọc Yến) và Hồng Thập Tự, nối hai đường Lê Văn Duyệt và Bùi Chu (có trụ sở Hướng Đạo Việt Nam. Cái ngộ nhất của đường này là phía bên Bùi Chu, bảng tên đường ghi là “Sương Nguyệt Ánh”, trong khi phía bên Lê Văn Duyệt, bảng ghi “Sương Nguyệt Anh”. Đâu mất tiêu cái dấu sắc, và kiểu chữ, cỡ chữ cũng khác, rõ ra là bảng được thực hiện vào hai lúc khác nhau, do hai người khác nhau.

Tôi thắc mắc hỏi anh Quang: “Anh hay Ánh?” Có lẽ đang bực điều gì đó, hoặc nghĩ rằng tôi còn con nít mà đã lẩm cà lẩm cẩm, nên anh lầm bầm đáp bừa: “Chả biết là con mụ nào!” Lát sau, anh trả lời nghiêm chỉnh: “Sương Nguyệt Ánh”.

Cho đến ngày nay, rất nhiều người vẫn nghĩ như anh Quang. Ngay trong cuốn “Sài gòn vang bóng” (2011) mà tôi đang lên trang giúp ông Hoàng Hải Thuỷ, cũng ghi là “Sương Nguyệt Ánh”, mặc dù tác giả biết “con mụ nào đó” là con gái cụ Đồ Chiểu, và viết rằng (đại ý): con gái ở đây mà ông bố (tức đường Nguyễn Đình Chiểu) ở tuốt bên Tân Định, làm sao mà đi thăm!

Nhân đây, cũng xin nói lại cho đúng: Sương Nguyệt Anh, không có dấu sắc, tên thật là Nguyễn Xuân Khuê, con gái thứ năm của Nguyễn Đình Chiểu, bút hiệu là “Nguyệt Anh”, sau khi chồng mất, bà ghi thêm chữ “Sương” (goá phụ) vào trước bút hiệu. Sương Nguyệt Anh là bà chủ báo đầu tiên của Việt Nam , tờ “Nữ giới chung”.

Đường Sương Nguyệt Anh rợp bóng mát của hai hàng cây rất cao rất to. Hỏi “cây gì?”, có người bảo là cây sao, có người nói là cây dầu; sau tôi mới biết, “sao” hay “dầu” cũng vẫn là một cây, “sao” là chi, “dầu” là họ, tên khoa học của nó là Hopea odorata. Mùa lá rụng, tôi thường thơ thẩn nhìn lá khô đuổi nhau bay lăng quăng trên mặt đường, nhìn quả khô “nhảy dù” xuống với hai nhánh quay tít như chong chóng. Nhưng, thích mắt nhất không phải là lá bay hay quả rụng, mà có lẽ là những tà áo trắng trường Nguyễn Bá Tòng bên đường Bùi Thị Xuân, tan lớp Chủ nhật, chiều chiều lũ lượt về ngang…

Trở lại với anh Quang và gác xép nhà để xe ở đường Sương Nguyệt Anh.

Anh có một chiếc Veloz Solex làm chân. Khi anh về Đà Lạt hay đi đâu xa, tôi lấy xe anh đi chơi khắp Sài gòn, Chợ lớn… cho tới khi hết xăng thì kéo cần máy lên, biến thành xe đạp, è ạch đạp về. Ít khi tôi có đủ tiền để đổ xăng. Sau đó anh Quang lại phải è ạch đạp xe ra đường Lê Văn Duyệt mua xăng, khi anh cần tới nó. Anh không rầy rà gì cả, chỉ ghim một tờ tiền vào mảnh giấy, để lên chiếc bàn nhỏ: “Chỉ được dùng để đổ xăng!” Từ đó không ai phải tháo mồ hôi ra đạp xe nữa.

Anh Quang chỉ có một cậu em – Tùng, ở Đà Lạt. Anh có rất nhiều bạn và rất nhiều đàn em, nhưng có lẽ thân với tôi hơn cả, vì ở chung “nhà”. Tôi dùng xe anh, thỉnh thoảng mặc áo của anh, xài tiền anh cho và … đọc trộm nhật ký của anh (nói ra thì mắc cỡ với mọi người, nhưng không nói ra, tôi mắc cỡ với chính tôi!) Nhật ký anh để ngay trên bàn, và ít khi gấp lại; khi cần bàn viết, tôi lại “phải” giở ra đọc. Đọc đi đọc lại, đọc tới đọc lui, thuộc lòng còn hơn thuộc Kiều. Tất nhiên là tôi không bao giờ tiết lộ những điều anh Quang viết; tôi chỉ có thể nói rằng văn chương của anh trong sáng, lạc quan, yêu đời, kể cả những lúc anh buồn, giống như thơ tình Nhất Tuấn mà anh rất thích.

Cũng năm 15 tuổi, tôi bắt đầu viết ca khúc, và anh Quang là người sửa cho tôi những bài đầu tiên: Một ngày công tác, Lời một ánh lửa… Anh sửa tài ở chỗ là giúp cho bài hát hay hơn mà không làm mất bản sắc của nó. Có lần tôi thử đưa cùng một bài cho hai người sửa, bài Cờ dân chủ, phổ thơ Quách Thoại. Kết quả, bài anh Quang sửa hay hơn bài do Phạm Duy cải biên. Tôi giữ cả hai bài, khi thì trình diễn bài này, khi thì sinh hoạt bằng bài kia; nhiều người cũng bảo tôi, bài do anh Quang sửa “hay hơn.” Đến lúc vượt biên, tôi mất cả hai bài. Anh Quang cũng vượt biên, bài của anh cũng mất, cứ gì bài của tôi. Có lúc đến chơi nhà Phạm Duy khi ông chưa về Việt Nam, hỏi, ông bảo “Còn giữ chứ, để anh tìm xem”; nhưng sau đó không thấy ông nói gì nữa.

Ít ai biết Nguyễn Đức Quang làm thơ. Tôi biết. Tôi phổ bài “Em đã đến” của anh thành ca khúc. Nhiều người hỏi anh Quang: “Em nào vậy?” Anh cười cười, nói lảng. Hỏi tôi, tôi lặp lại câu nói mà anh từng lầm bầm về cái tên đường: “Chả biết con mụ nào!”

Bóng hồng cai trị đời anh là chị Minh Thông, bạn cùng lớp và cùng nhóm với anh ở Chính trị Kinh doanh Đà Lạt. Anh Quang sinh hoạt thanh niên thì hăng hái nhưng học thì lười… gần bằng tôi. Bài làm tập thể, có chị Minh Thông lo. Đi thi thì, như anh kể, có “thằng” Nguyễn Đức Quang khác “học khiếp lắm” ngồi bên cạnh gà bài. Đúng là thân cư thê và cung nô bộc, bằng hữu toàn sao sáng tụ hội! Rồi anh và chị Minh Thông cùng tốt nghiệp. Tôi chúc mừng anh, dò dẫm: “Đậu là quí rồi, cầm đèn đỏ thì đã sao!” Anh chống chế: “Đâu có tệ thế! Ít nhất cũng trên dăm ba người chứ!”

Chị Minh Thông được sở làm gửi đi Phi Luật Tân tu nghiệp một năm. Năm đó, chúng tôi sống rất kỷ luật theo đúng chương trình chị đã soạn sẵn cho 365 ngày: ngày nào, giờ nào làm việc gì, ăn cơm ở đâu, cuối tuần xem xi nê rạp nào, v.v. và và v.v. Hai anh em rất thuộc bài. Tới giờ, nhìn nhau hô lên một lượt: “Cơm tấm Trần Cao Vân!” hay “Xi nê Vĩnh Lợi!” Thế là phóng lên xe, cứ thế mà đi, khỏi phải nghĩ ngợi, sắp xếp làm chi cho lôi thôi mệt óc!..

Anh Quang nhập ngũ trước, làm quản ca trong đại đội SVSQ, và trưởng ban Văn nghệ của tiểu đoàn, ra trường về Cục Chiến tranh chính trị. Tôi nhập ngũ sau, cũng làm quản ca trong đại đội SVSQ, và trưởng ban văn nghệ tiểu đoàn, về tác chiến ở Kiến Hoà, chờ giấy tờ gọi về làm ty Dân vận như Vũ Thành An, Đỗ Việt Anh. Chưa về đâu cả thì tới ngày miền Nam sụp đổ, tôi từ chiến trường về Sài Gòn, trốn cho tới ngày xuống thuyền, mang bà ngoại và vợ con vượt biên…

Cái nhà xe của anh Tuệ, ngoài anh Quang và tôi, đôi khi có thêm các anh Trần Trọng Thức (sĩ quan Hải quân, ký giả Việt tấn xã, sau này có lúc là chồng của kịch sĩ Kim Cương), Trương Lộc (ký giả, sau 1975 tôi mới biết là cán bộ nội thành) ngụ ở tầng dưới. Khách khứa thì lu bù, toàn là chính khách và ký giả, ở nhà trên là khách của anh Tuệ, sau nhà xe, là khách của anh Thức. Anh Quang ít giao du với khách của anh Thức, nhưng qua lại thân mật với khách của anh Tuệ. Anh Thức gọi anh Quang là Nguyễn Đứt Cu. Có gì đâu, chữ Q, người miền Nam đọc là “cu” để khỏi phải chúm môi chúm miệng chi cho vất vả, còn /đức/ hay /đứt/, Trung và Nam kỳ phát âm như nhau!

Cũng ở cái nhà xe, Trịnh Công Sơn và Tôn-thất Lập thỉnh thoảng tới chơi, rủ rê tôi làm nhạc cách mạng, nhưng thấy không hợp, tôi không làm. Khác với cách tôi xưng hô “anh, em” với Nguyễn Đức Quang, không hiểu sao tôi không xưng “em” với Trịnh Công Sơn và Tôn Thất Lập, dù tuổi tác của hai người này lớn hơn anh Quang 5, 6 tuổi. Họ gọi tôi bằng tên, xưng tên hay xưng “mình”, và bảo tôi cũng xưng hô như vậy. Có lần Tôn-thất Lập khoe với tôi một bài hát anh mới viết xong, đã chép lại tử tế; nhưng không phải khoe bài hát, mà khoe thứ mực đen anh dùng, màu mực đen nhánh, khi khô thì nổi lên, và đặc biệt, không bao giờ lấm lem. Để chứng minh, anh dấp nước bọt lên đầu ngón tay, bôi lên mực cho xem. Quả thực không lem, không nhoè! Tôi khen mực tốt, nhưng đùa: “Ai lại đi phun nước bọt lên tác phẩm của mình như thế!” Anh Quang quay mặt chỗ khác, phì cười…

Nhà trên của anh Tuệ chỉ có hai phòng, một phòng cho anh và một phòng cho hai người: em gái và cháu gái của anh. Khi hai cô xuất giá, phòng trống; và anh Quang đã nhập ngũ, anh Tuệ lấy lại nhà xe để cất xe, gọi tôi lên ở trong khuê phòng trước đây của hai cô. Khi tới phiên anh Tuệ cưới vợ, tôi dọn về căn gác của anh chị Ngô Mạnh Thu, cùng ngụ với nhạc sĩ Giang Châu, một bạn thân của anh Thu, cho tới ngày tôi nhập ngũ.

Từ khi Nguyễn Đức Quang vào lính, ít khi tôi gặp lại anh. Từ khi tôi vào quân trường, rồi ra chiến trường, chẳng bao giờ tôi gặp lại anh. Cho tới sau 1975, anh đi tù cộng sản, rồi ra tù, anh em mới bàng hoàng gặp lại nhau. Anh Quang và anh Tuệ mua xe đò, chở khách kiếm sống. Tất cả chúng tôi đều tìm đường vượt biên, nhưng mỗi người một lối. Anh Quang mang tặng tôi cây tây-ban-cầm 12 giây mà anh thích và anh biết thuở nhỏ tôi cũng thích. Tôi hiểu là anh sắp đi, và chúc anh may mắn. Rồi tới phiên tôi, mua giấy tờ người Hoa, mang cả nhà xuống Cà Mau nằm chờ, qua nhiều sự lôi thôi, cuối cùng rồi cũng ra khơi, sang tới đảo Bidong. Tôi gặp lại gia đình anh Quang, chị Thông cùng các cháu Tường và Nhiên, ở đó. Anh được nhận sang Mỹ. Gia đình tôi đi Canada. Lại một lần nữa chia tay.

Khi biết tin anh Quang bị lao phổi cấp tính, tôi và Nguyên Hương đến thăm, nhân dịp đi California. Rồi anh khỏi. Sau đó, trong một lần cùng Hưng Ca sinh hoạt 30 tháng 4 ở Sacramento, ngụ ở nhà bạn du ca Hoàng Gia Hùng, tôi gặp lại anh Quang. Đó là lần cuối cùng tôi gặp lại anh.

Tôi thấy anh khoẻ mạnh, nhiệt tình dù hơi mệt mỏi về tinh thần, nhưng không có dấu hiệu gì sẽ lìa nhau ở tuổi 68, dù trước đó, những người bạn du ca của anh, và là bạn bè hay đàn anh của tôi, như Giang Châu, Lê Đình Điểu, Trần Đại Lộc, Trần Đình Quân, Lý Văn Chương, Trầm Tử Thiêng, Ngô Mạnh Thu,.. đã ra đi khá sớm, chưa ai tới tuổi 70, thậm chí, phần lớn chưa tới 60!

Viết về anh, chỉ bấy nhiêu, nhưng lòng tôi ở với anh. Đường đời muôn vạn nẻo, nhưng chỉ có một nẻo để chúng tôi, chúng ta, mọi người, gặp lại nhau. Hẹn gặp lại anh, anh Quang!

Nguyễn Hữu Nghĩa

Nguồn: http://www.diendantheky.net/2011/04/nghi-ve-anh-nguyen-uc-quang.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây