(Sưu tầm trên net)
9.10.2010
Trong 10 tình khúc nổi tiếng của Đoàn Chuẩn, thì có 9 tình khúc mùa thu. Duy nhất chỉ có Gửi người em gái là tình khúc mùa xuân. Gửi người em gái được biết vào mùa xuân Bính Thân (1956) và có lẽ đó là tình khúc cuối cùng mà Đoàn Chuẩn dành tặng cho một mối tình mê đắm nhất. Tình khúc viết xong đã được tài tử Ngọc Bảo thu thanh rồi phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh thống nhất. Sau khi xuất hiện, do đã được một số nhà phê bình ” chăm sóc” khá chu đáo, nên tình khúc này chìm vào im lặng mấy chục năm ở miền Bắc. Tại sao lại viết rằng: Rồi ngày thống nhất đến rất nhanh không ai ngờ? Thế là lạc quan tếu. Tư tưởng ấy thật không ổn cho cuộc đấu tranh của chúng ta đang rất khó khăn, cam go… Có lẽ mọi người đều nghĩ rằng qua tình khúc này, Đoàn Chuẩn muốn gửi tới người tình đã biệt xa miền Bắc vào Nam, bởi vậy, nó mới có cái tên ban đầu nguyên vẹn là Gửi người em gái miền Nam. Khi Khánh Ly hát tình khúc này ở Sài Gòn thì mới đặt lại là Gửi người em gái với những ca từ không phải của Đoàn Chuẩn.
Thực ra, Gửi người em gái là tình khúc Đoàn Chuẩn mượn cái cớ thật của thời cuộc để gửi gắm tình ý khôn nguôi tới người mến thương mà mình đành dằn lòng chia biệt. Đấy là điều bí ẩn trong tình khúc mùa xuần duy nhất nàỵ Vậy nàng là ai?
Sau một vài cuộc tình từ đó nảy sinh những Thu quyến rũ, Gửi gió cho mây ngàn bay, Cánh hoa duyên kiếp..., Đoàn Chuẩn nghĩ đã nguôi ngoai trong lòng, đã kín miệng những vết thương yêu. Nhưng nghiệp đời chưa cho chàng bằng an. Vết thương lại nhói buốt lúc trở trời. Hình ảnh người thiếu nữ đăng quang ” vương miện thủ khoa” của cuộc thi hát do đài Pháp-á tổ chức lại làm lung lay chỗ chàng định ngồi thiền ở tuổi gần tam tuần. Có một cái gì thật mơn mởn, thật tơ non như bàn tay thần diệu vuốt qua con tim định già cỗi của chàng, khiến nó đập nhịp bồi hồi trở lại.
Hoá ra, nàng là con gái đầu lòng của một công chức hoả xa. Kháng chiến, cha nàng là tự vệ chiến đấu nột thành. Khi rút ra chợ Đại, cha nàng mang theo nàng khi ấy mới 12 tuổi. Ở chợ Đại ít lâu, nàng phải về lại Hà Nội với mẹ để cùng mẹ chăm sóc 5 em nhỏ. Cô bé mới tuổi dậy thì đã tảo tần làm thuê, đánh máy chữ, đan áo len để có tiền góp với mẹ nuôi các em.
Nàng đẹp kiêu sa và có giọng hát mê hồn. Nàng tình cờ được một nhạc công của Đài Pháp-á phát hiện và đưa ngay lên ngôi thủ khoa khiến Đoàn Chuẩn lập tức ngất ngư.
Từ buổi nàng đăng quang, chàng đã tìm gặp được nàng và nàng đã hát rất hay những Lá thư, Đường về Việt Bắc, Chuyển bến… Chàng còn giúp nàng học nhạc, giúp nàng những show hát ở rạp chiếu bóng Hà Nội trước lúc chiếu phim với thù lao đặc biệt. Có show, chàng để riêng mình nàng hát. Giọng hát của nàng đầy hứa hẹn. Biết bao thanh niên Hà Nội mê đắm nàng, sẵn sàng mua hai vé để theo nàng từ rạp này sang rạp khác chỉ để nghe nàng hát. Nàng còn quá hồn nhiên nên mặc dù rất yêu chàng nhưng vẫn có lúc làm cho chàng buồn.
Nghe tin cha mất ở vùng tự do, nàng đã khóc sưng mắt. Rồi người chú ruột là bộ đội đã cử liên lạc vào thành đón nàng ra vùng tự do vào cuối mùa xuân 1954. Đoàn Chuẩn bất ngờ chống chếnh. Chàng cảm thấy mất mát thực sư.. Chàng cô đơn đến xót xa. Chàng tin là đã mất nàng.
Nhưng nàng không bỏ chàng. Nàng trở về khi thủ đô giải phóng. Họ gặp lại nhau gấp gáp, hối hả, như tìm lại một cái gì đó mà cả hai cùng đánh mất. Để rồi lại chấp chới đón những bi kịch đời sống sắp sửa ập xuống đè nát sự lãng mạn. Chỉ nghe phong phanh nàng có người dạm hỏi là chàng đã phát điên lên. Chàng hoàn toàn bất lực. Chàng chẳng có gì ngoài con tim yêu nàng đến muốn vỡ vụn.
Những ngày tháng ấy, Đoàn Chuẩn dường như không phải sáng tác gì cả. Những giai điệu cứ trải theo diễn biến từng ngày của chàng với nàng: Tà áo xanh, Lá đổ muôn chiều, Vàng phai mấy lá, Chiếc lá cuối cùng… trong tập Bài hát bị xé. Tình khúc Đoàn Chuẩn lúc này như không để hát lên mà là để khóc nức cho sự thương tổn. Tình sử đã khép lại, nhưng những dấu yêu thì đâu đã tàn phai. Và sự ra đi của ” tà áo xanh” ấy đã buộc Đoàn Chuẩn phải da diết viết lên những cung bậc chót cùng trong mùa xuân cô đơn:
Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng
Rừng đào phong kín cánh mong manh hé hoa lòng
Hà Nội chờ đón Tết hoa chen người đi liễu rủ mà chi
Đem tân xuân Hồ Gươm như say mê
Ngàn phía đến lễ đền chạnh lòng tôi nhớ đến người em…
Nàng thật lộng lẫy trong giai điệu Đoàn Chuẩn:
Tôi có người em gái tuổi chớm dâng hương mắt nồng rộn ý yêu thương
Đôi mắt em nói nhiều, tha thiết như dáng Kiều ôi tình yêu…
Bài hát viết theo khúc thức ba đoạn A – B – A mà Cung Tiến và sau này là Trịnh Công Sơn thường sử dụng viết tình khúc. Trước Gửi người em gái, Văn Cao đã viết Suối mơ với khúc thức ấỵ Cái lạ là Đoàn Chuẩn viết nhạc mang hơi hướng phương Tây song ở đoạn B của Gửi người em gái lại có câu thơ lục bát rất dân tộc:
Người đi trong dạ sao đành
Đường quen lối cũ ân tình nghĩa xưa
Nàng còn được đặt ở một góc nhìn tình tứ hơn:
Em tôi đi mầu son lên đôi môi
Khăn san bay lả lơi trên vai ai
Trời thắm gió trăng hiền
Hà Nội thêm dáng những nàng tiên
Phải nói rằng Gửi người em gái miền Nam đã ẩn chứa trong ấy đầy đủ bóng dáng của người tình bí ẩn được vẽ lên trong nỗi nhớ thương đến ngẩn ngơ.
Nguyễn Hoàng sưu tầm
Nguồn: http://vn.360plus.yahoo.com/hoang5601