Cảm nhận âm nhạc – Về các bản nhạc valse

Nguyễn Hoàng
24.1.2011

Dường như điệu valse không dùng để viết nên những bản nhạc “sến“. Đối với nền tân nhạc Việt Nam, những bản valse quen thuộc đầu tiên là của Văn Cao như “Thu cô liêu“, “Cung đàn xưa“, “Làng tôi”,…

Một bài valse được viết trong thời kháng chiến khá hay là “Nụ cười sơn cước” của Tô Hải.

Những bản valse có nhịp điệu ¾ vui tươi, rộn ràng. Cũng với nhịp ¾ nhưng đối với bài buồn, chậm, nhẹ nhàng thì được chơi theo điệu Boston.

Nếu tác phẩm đầu tay của Cung Tiến là “Thu vàng” được viết theo điệu valse vào năm ông mới 13 tuổi thì “Hoài cảm” là tác phẩm sau đó (lúc 15 tuổi) là một bài viết theo điệu Boston.

Giai đoạn sáng tác lúc trẻ, Phạm Duy ít viết ca khúc theo thể loại ¾, hình như bài “Cây đàn bỏ quên” là bài đầu tiên của Phạm Duy viết theo điệu valse. Từ thập niên 50 trở đi, nhạc Việt có nhiều bài valse/boston nổi tiếng như “Ngàn thu áo tím” của Hoàng Trọng, “Ngày xưa Hoàng thị” của Phạm Duy, “Ly rượu mừng” của Phạm Đình Chương và gần đây nhất là bài “Mùa xuân đầu tiên” (và hình như sáng tác sau cùng của Văn Cao). Vào dịp Noel, nghe “Ly rượu mừng” và “Mùa xuân đầu tiên” thì có cảm giác tết âm lịch đến rồi, tựa như nghe Happy New Year vào tết tây vậy.

Trịnh Công Sơn cũng để đời một số bản valse/boston như  “Hãy yêu nhau đi”, “Khói trời mênh mông”, “Ru em từng ngón xuân nồng”, “Em còn nhớ hay em đã quên”,…

Ngô Thụy Miên chỉ kể 1 bài “Riêng một góc trời” cũng tô điểm cho giai điệu valse/boston mượt mà, sâu lắng.

Những bản valse/boston ngoại quốc nổi tiếng, lời Việt khá quen thuộc với mọi người có thể kể là “Sông Danube xanh“, “Sóng Danube“, “Domino“, “Come back to Sorriento” (Trở về mái nhà xưa), “A time for us“, “Người tình Lara“, “Khúc hát thanh xuân“,…

Một bài nhạc Pháp có tên “La Complainte Des Infidèles” được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa đề “Lá thu buồn“, do Khánh Ly hát, nghe hay và buồn.

Nguyễn Hoàng

Nguồn: http://12b2hamnghi.wordpress.com

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây