TVTS
12/2009
Có thể sẽ có nhiều người ngạc nhiên khi đọc tựa bài viết liên quan đến một danh ca nổi tiếng đào hoa và từng có nhiều cuộc phiêu lưu về mặt tình cảm. Đó là Vũ Khanh, một trong vài tên tuổi nổi bật nhất tại hải ngoại sau năm 75. Trong lần tiếp xúc gần đây với người viết, Vũ Khanh đã thổ lộ về những điều chưa ai biết qua những lời tâm sự chắc chắn sẽ gây một sự không ngờ cho những ai từng biết về anh, một nam ca sĩ trong lớp tuổi 50 với một bộ ria mép rất lẳng và có phần rất… gợi cảm!
Chắc chắn chưa một ai được nghe Vũ Khanh tâm sự một cách thành thật qua câu nói được ghi lại nguyên văn như sau: “Tôi rất là buông thả. Và tôi đã sống một đời sống nếu mà nói vè sự trác táng thì là sự trác táng tột cùng của đời sống. Nhưng tôn giáo đã cứu tôi!”.
Sự việc được Vũ Khanh gọi là buông thả và trác táng thật ra cũng chẳng gây được mấy ngạc nhiên khi từ rất nhiều năm nay cuộc sống tình cảm của anh thường là đề tài bàn tán của mọi người. Sau này anh nhận ra một điều quan trọng là tôn giáo có khả năng giới hạn những điều quá lố của con người khi thốt ra câu nói “tôi nhìn và tôi hiểu được những tội lỗi trong cuộc đời của tôi để tôi làm lại cái gì đó để bù đắp lại. Đó là lý do để tôi thực hiện tất cả những vấn đề của đời sống còn lại, tôi muốn đi vào đời sống tôn giáo nhiều hơn.“
Cũng trong lần nói chuyện rất lâu với người viết, Vũ Khanh đã không dấu diếm khi cho biết cuộc sống gia đình của anh không được mấy tốt đẹp. Và trước đó, có lẽ Vũ Khanh là một người rất kín đáo khi đề cập đến chuyện gia đình của mình. Ngay cả trong giới nghệ sĩ cũng ít ai biết được tương đối rõ ràng về những gì liên quan đến vợ con anh.
Thật sự, được biết gia đình Vũ Khanh đã lâm vào tình trạng đổ vỡ từ lâu. Vợ chồng anh coi như đã mỗi người mỗi ngả sau khi thành hôn vào năm 1977. Trong khi hai con gái của anh từng khiến cho Vũ Khanh phải rất bận tâm. Không ai ngờ rằng cuộc đời phía sau của một tên tuổi lớn với một cuộc sống đầy đủ về vật chất – nếu không nói là dư thừa như Vũ Khanh tự nhận – lại bị chao đảo như vậy. Chính anh đã nói là “có những giai đoạn tôi cảm thấy đời sống nó vô nghĩa lắm. Hoàn toàn vô nghĩa!“
Sau bao nhiêu năm khuấy động sinh hoạt ca nhạc bằng giọng hát truyền cảm và trầm ấm của mình. Cũng như sau một thời gian dài buông thả trong chốn tình trường, từ vài năm nay Vũ Khanh đã trở thành một con người khác. Một con người có một niềm tin tôn giáo tuyệt đối. Cùng một lúc anh luôn tin ở định mệnh, đối với anh là sự an bài của Thượng Đế khi cuộc đời đối với anh “luôn là những cơn sóng ngầm phủ lên mình bất cứ lúc nào. Nhưng sẵn sàng đối diện bởi không ai thoát được định mệnh.”
Vũ Khanh sinh trưởng trong một gia đình Công Giáo. Tuy không phải là một con chiên ngoan đạo, nhưng anh có một niềm tin hoàn toàn nơi Đấng Tối Cao. Sau nhiều năm tháng lơ là với niềm tin nơi tôn giáo của mình do sự chi phối của biết bao cám dỗ vật chất, những ngày gần đây niềm tin đó đã trở lại với anh một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trường hợp một “đứa con đi hoang trở về” áp dụng cho Vũ Khanh thật không sai.
Nguyên nhân đưa đến sự quay về của đứa con hoang Vũ Khanh bắt nguồn từ thời gian anh quen biết với một nữ luật sư đứng đầu một tổ hợp luật sư lớn ở Houston. Sau đó anh làm việc luôn cho tổ hợp này từ năm 2002. Nhờ làm những việc liên quan đến luật pháp, Vũ Khanh thường có dịp vào trong những nhà tù do công việc đòi hỏi, do đó đã tìm hiểu được rất nhiều trường hợp đặc biệt về đời sống con người. Nhất là những truờng hợp đổ vỡ về mặt gia đình, con cái như trường hợp của chính anh…
Anh cũng đã không khỏi ngạc nhiên khi thấy những thanh niên con nhà giầu có, lái những chiếc xe trị giá cả trăm ngàn mà vẫn đi ăn cướp. Hỏi ra thì được trả lời một câu ngắn gọn là quá “boring“. Từ đó suy ra, anh thấy sự sung sướng quá độ đã tạo ra trường hợp như vậy.
Khi tiếp xúc với các khách hàng của tổ hợp về luật pháp nơi anh làm việc, anh cũng nhận thấy có rất nhiều trường hợp bi thảm. Đến nỗi có nhiều người đã nghĩ đến việc hủy hoại cuộc sống của mình. Trong những trường hợp trên, anh chia sẻ với họ, an ủi họ và khuyến khích họ đến với niềm tin tôn giáo để có thể thấy cuộc đời có nhiều ý nghĩa hơn. Vũ Khanh áp dụng điều này cho chính mình để rồi cảm nhận được hiệu quả đáng kể do niềm tin tôn giáo mang lại sau những lần cầu nguyện nơi Thiên Chúa.
Do đó mấy năm trở lại đây anh đã lùi dần khỏi những sinh hoạt ca nhạc để chỉ nhận lời trình diễn tại những chương trình được anh đánh giá là có giá trị về âm nhạc như những buổi nhạc thính phòng. Thì giờ còn lại anh dồn tâm trí và nỗ lực vào việc thực hiện những CD Thánh Ca bằng tiếng hát của mình.
Giọng hát ru hồn người nghe đó, thay vì được dùng vào việc chuyên chở những nhạc phẩm tình cảm, bây giờ được dùng vào việc tôn vinh Thiên Chúa. Điển hình như qua CD Thánh Ca “Tạ Ơn Chúa” mà anh cho biết là rất thành công. Vào năm 2004, Vũ Khanh đã in ra 5000 CD, bỏ vào từng quyển Kinh Thánh để gửi về Việt Nam coi như làm một việc Tông Đồ trong mục đích phổ biến lời Chúa. Anh đặc biệt yêu thích nhạc phẩm đươc dùng làm tựa đề của CD này là “Tạ Ơn Chúa” của nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm, tác giả của ca khúc tình cảm nổi danh “Gọi Người Yêu Dấu”.
Vũ Đức Nghiêm đã sáng tác nhạc phẩm này trong thời gian bị tù cải tạo và đã sống được nhờ niềm tin tôn giáo. Riêng Vũ Khanh, trong một lần đến thăm một người sắp lìa đời. Thay vì cầu nguyện, anh đã mở bản nhạc này cho người đó nghe để rồi anh phải vội vã đi show ở Vancouver. Sau đo được vợ của người này cho biết chồng bà đã ra đi rất bình anh trong khi bài “Tạ Ơn Chúa” vẫn được phát đi phát lại. Anh cũng cho biết nhạc phẩm này cũng đã nói lên ý nghĩa về cuộc đời mình nên muốn phổ biến đến người nghe.
Hiện Vũ Khanh đang trong vòng hoàn tất thêm một CD về Thánh Ca và sẽ tiếp tục thực hiện nhiều CD tương tự, coi như đó là một sứ mạng. Càng đi sâu vào đời sống tôn giáo, Vũ Khanh càng khám phá điểm anh cho là “trong sinh hoạt hàng ngày của một con nguười bình thường, tôi thấy tôn giáo rất quan trọng cho đời sống, làm cho con người có ý nghĩa. Theo quan điểm của tôi, nếu không bám víu vào tôn giáo thì dễ thác loạn lắm“. Và như vậy đời sống dễ trở thành vô nghĩa như anh quan niệm.
Từ đó Vũ Khanh nhận ra đời sống tôn giáo sẽ giới hạn những thấp hèn của con người. Và khi tin tưởng tuyệt đối Thượng Đế có mặt rong đời sống, sẽ thấy một điều rõ ràng là “những bất an của cuộc đời mình không phải là tự nó có. Mà đây là sự thử thách của cuộc đời mình.”
Vũ Khanh đã đặt niềm tin tuyệt đối vào tôn giáo để tìm được trong đó sự an ủi cho đời sống của mình. Từ đó phóng tầm nhìn ra ngoài đời, anh cho rằng sự đổ vỡ của gia đình đến từ những nguyên nhân rất là phi lý. Anh đi đến kết luận, nếu đời sống con người trở thành một thứ “routine” thì sẽ bể nát ngay. Và nếu không có niềm tin tôn giáo, con người sẽ rất dễ chao đảo.
Với niềm tin này, mọi sự sợ hãi, kể cả sợ hãi về cái chết cũng sẽ không còn. Vũ Khanh đã ở trong tình trạng sợ hãi này khi đang có mặt trên một chuyến máy bay đúng vào thời gian đang xẩy ra biến cố 911, vào ngày 11 tháng 9 năm 2001. Anh không dấu diếm khi cho biết anh đã ở trong một tình trạng sợ hãi tột cùng và trở nên hèn nhát trước cái chết. Nguyên nhân chỉ vì sợ mất đi những phúc lợi của mình. Nhưng nếu có niềm tin tôn giáo thì trong trường hợp này chỉ là sự đón nhận cái chết một cách bình thản mà thôi.
Theo anh, càng sống càng thấy nhiều sự bất hạnh của cuộc đời. Riêng trong trường hợp mình, dù Vũ Khanh tự nhận có một đời sống vật chất đầy đủ, có thể nói là dư thừa. Nhưng khi nhìn vào cuộc sống xã hội, gia đình và con cái anh ảm thấy rất thất vọng. Suy ra nguồn gốc, anh thấy tất là đều đến từ sự sắp đặt của Thiên Chúa, ngay cả đến những bất hạnh của đời sống con người. Vũ Khanh đã từng gặp những bất hạnh, điển hình như không có được sự cảm thông với các con khi anh tỏ ra buông thả chúng. Nhưng sau khi thành tâm cầu nguyện về điều anh gọi là nan đề của cuộc sống của mình, thì như một phép lạ, các con anh đã quay trở về yêu thương anh. Và đó là điều hạnh phúc nhất của Vũ Khanh.
Từ 2 năm nay anh đã dâng hai người con gái của anh trong tay Chúa. Người con lớn của anh năm nay 23 tuổi, mới tốt nghiệp luật sư và hiện đang được anh lo mở cho một văn phòng về pháp lý ở Los Angeles. Người con thứ nhì năm nay 17 tuổi. Còn hình ảnh nào đẹp cảm động hơn hình ảnh 3 bố con Vũ Khanh nắm tay nhau cầu nguyện trong bữa cơm tối mỗi khi có dịp quây quần bên nhau. Đó là hình ảnh của niềm hạnh phúc vô biên anh có được sau khi quay về với niềm tin tôn giáo.
Vũ Công Khanh là tên thật của người nam ca sĩ nổi tiếng này. Anh sinh ở Hà Nội, nhưng đã cùng với gia đình di cư vào Sài Gòn khi còn rất nhỏ nên chưa bao giờ biết Hà Nội ra sao. Sau 31 năm sống ở hải ngoại, anh chưa bao giờ trở về thăm quê hương. Nhất là thăm Hà Nội, đối với anh là một giấc mơ. Nhưng anh cho biết sẽ về một khi “đất nước mình có một sự tốt đẹp“, như anh nói.
Thật ra Vũ Khanh là một trong vài nghệ sĩ đầu tiên nhận được lời mời trình diễn tại Việt Nam. Đáng lẽ anh đã về từ năm 1997 là năm anh đoạt giải Kim Khánh (tổ chức tại Houston) dành cho nam ca sĩ xuất sắc nhất sau khi đã hoàn tất mọi thủ tục giấy tờ. Nhưng sau khi nghe lời khuyên của Nam Lộc cho rằng sự về Việt Nam trình diễn sẽ phụ lòng yêu thương của khán giả hải ngoại dành cho anh. Sau một đêm suy nghĩ, Vũ Khanh đã hủy bỏ chuyến đi này.
Vũ Khanh sinh trưởng trong một gia đình có 11 người con mà anh là người con út. Thân phụ anh đã qua đời, hưởng thọ 98 tuổi. Khi còn ở Việt Nam, gia đình anh có một đại lý bán xe gắn máy Honda trên đường Thoại Ngọc Hầu, khu Ngã Ba Ông Tạ, Sài Gòn. Trường St Thomas là nơi đầu tiên Vũ Khanh theo học, sau đó anh qua học trường Nguyễn Bá Tòng cho đến hết lớp 12 thì được vào học trường Quốc Gia Âm Nhạc Và Kịch Nghệ.
Anh học khoá đầu tiên bên ngành thoại kịch với giấc mộng trở thành một kịch sĩ hoặc diễn viên điện ảnh. Bạn học cùng khoá với anh là Sơn Ca, nhưng nửa chừng cô qua học bên ngành âm nhạc Tây Phương với thầy dạy là Bùi Thiện. Còn Vũ Khanh vẫn tiếp tục theo ngành kịch nghệ và không ngờ rằng sau này mình lại trở thành một giọng ca nổi tiếng.
Vũ Khanh tốt nghiệp thủ khoa khoá 13 về ngành kịch nghệ vào đầu thập niên 70 và đã được chính tay cụ quốc vụ khanh Nguyễn Thế Truyền trao bằng. Dù tốt nghiệp về kịch là bộ môn anh rất yêu thích, nhưng Vũ Khanh chưa có cơ hội thực hành vì còn phải lo nợ áo cơm. Mãi đến năm 1996 anh mới có cơ hội diễn xuất một vai trò không quan trọng lắm trong vở kịch Yêu, trình diễn tại nam California.
Về lãnh vực ca hát, thời gian còn ở lại Việt Nam, Vũ Khanh chưa hề có hoạt động nào cho đến ba năm sau khi đặt chân tới Hoa Kỳ. Anh tự nhận là không giỏi về nhạc lý, nhưng biết mình có giọng tốt và có số may mắn nên đã quyết định đi vào thế giới ca nhạc. Hơn nữa, dù tự nhận biềt mình rất có năng khiếu về ca nhạc nhưng anh không có cơ hội nào để nhẩy vào lãnh vực này vì đối với anh cần phải có sự quen biết với những người hoạt động trong lãnh vực này.
Nhưng đối với song thân anh thì việc Vũ Khanh đi hát không hề được hưởng ứng nếu không muốn nói là anh luôn luôn gặp phải sự phản đối. Phải đợi đến khi chứng kiến sự thành công của Vũ Khanh trước hơn 5000 khán giả vào năm 1978 trong một chương trình nhạc hội tổ chức trong khuôn viên trường đại học San Diego, bố mẹ anh mới tỏ ra hãnh diện để chia sẻ sự thành công của người con trai út. Với nhạc phẩm Cô Hàng Nước, giọng hát của Vũ Khanh đã chinh phục toàn thể khán giả tham dự hôm đó. Cũng trên sân khấu, anh đã giới thiệu bố mẹ mình – ngồi ở hàng ghế đầu – với khán giả trong sự xúc động của song thân.
Tuy là con út trong gia đình, nhưng Vũ Khanh đã đóng góp một phần rất lớn trong việc chu toàn bổn phận đối với những người thân. Gia đình anh vì quá đông người nên đã phải vượt biên thành nhiều đợt. Anh và bố đi trong đợt đầu tiên. Sau đó anh đã đứng ra bảo lãnh cho tất cả 17 người khác lần lượt vượt biên và được đưa đến trại tỵ nạn sau đó.
Trước khi ra hải ngoại, Vũ Khanh từng nuôi mộng trở thành một bác sĩ nhưng do gánh nặng gia đình quá lớn nên anh đành bỏ giấc mộng này để lao đầu vào những công việc lao động khác trong thời gian ở San Diego, là nơi anh đặt chân tới lần đầu tiên tại Hoa Kỳ.
Có thời gian anh mở một cửa tiệm về “hard wares” với mục đích tạo công ăn việc làm cho những người thân được anh bảo lãnh. Cho đến khi mọi người có thể tự ra khai thác những cơ sở thương mại riêng.
Cũng chính tại thành phố San Diego, Vũ Khanh đã bắt đầu đi vào những sinh hoạt văn nghệ từ những năm 78, 79 trong thời gian anh theo học đại học ở đây. Anh thường cùng các anh em sinh viên họp bàn về việc tổ chức những buổi văn nghệ tại tư gia cũng như những sinh hoạt trong trường để dần dần thành lập nên một trong những hội Bảo Vệ Văn Hoá Việt Nam đầu tiên trên đất Mỹ. Từ đó, trong những dịp lễ như giỗ tổ Hùng Vương, Tết, vv… đã bắt đầu có những chương trình văn nghệ khởi sắc hơn trước do Vũ Khanh và các bạn thực hiện.
Vũ Khanh cho đến lúc đó vẫn chủ trương ca hát cho vui để quên nỗi buồn xa gia đình, quê hương. Và hình như nỗi buồn của một thanh niên lưu vong đã tích tụ thành làn hơi nơi anh tạo nên một sức lôi cuốn đến từ cái trầm buồn, cái u mặc của nó.
Trong một lần được nghe giọng hát của anh, nhạc sĩ Anh Bằng đã nhận thấy sự thích hợp với những nhạc phẩm của ông, do đó đã mời anh hát lần đầu tiên nhạc phẩm “Nỗi Lòng Người Đi” trong một băng nhạc chung với một số ca sĩ nổi tiếng. Ông muốn làm một thí nghiệm với giọng hát chưa ai biết đến tiếng tăm, ngoài một số đồng bào địa phương nơi anh cư ngụ. Nhưng với nhạc phẩm này Vũ Khanh đã được đón nhận một cách không ngờ.
Cũng chính nhạc phẩm “Nỗi Lòng Người Đi” khi được phát thanh trên đài VOA về Việt Nam thì gia đình anh mới biết anh đang lưu lạc ở Mỹ và sau đó mới bắt liên lạc trong thời gian anh cư ngụ tại San Diego. Đó là bước đầu đến với Vũ Khanh một cách rất may mắn, mặc dù chỉ qua một sự góp tiếng nhỏ nhoi.
Sau 4 năm theo học trường đại học San Diego, Vũ Khanh tốt nghiệp về ngành điện toán. Nhưng một thời gian sau anh chuyển qua ngành đầu tư kể từ khi dời lên Orange County vào đầu thập niên 80, sau khi nhận thấy đã xong trách nhiệm với bố mẹ, anh em. Còn anh, đó mới là lúc anh lo cho bản thân. Và cũng từ đó, Vũ Khanh chính thức bước vào son đường ca nhạc một cách chuyên nghiệp.
Khởi đầu Vũ Khanh được mời hát trong một… tiệm phở có tên là Trường Xuân trên đường Bolsa ở Little Saigon. Cùng thời kỳ này là sự xuất hiện của những Như Mai, Ngọc Lan, vv… là những ca sĩ hát tại những quán cà phê gần đó. Tại tiệm phở Trường Xuân, ngoài việc hát, Vũ Khanh còn vừa làm MC, vừa phải phụ xếp bàn ghế và lo luôn cả phần điều chỉnh âm thanh! Sau mỗi buổi anh nhận được số tiền thù lao là 35 “đô la”.
Giọng hát của Vũ Khanh tuy chỉ mới được biết đến một cách rất hạn chế, nhưng đã được giám đốc trung tâm Thanh Lan để ý mời thu băng. Với cuốn cassette đầu tiên mang tựa đề “Cây Đàn Bỏ Quên“, Vũ Khanh đã gặt hái ngay được một thành công lớn.
Người ta bắt đầu bàn tán về một tiếng hát lúc đó chưa đầy 30 tuổi nhưng đã rất truyền cảm và chững chạc trong những nhạc phẩm tiền chiến là Vũ Khanh. Người ta có thể nói, băng nhạc “Cây Đàn Bỏ Quên” là nấc thang đưa anh tới ngôi vị cao của nền ca nhạc Việt Nam hải ngoại. Trung tâm nhạc mà Vũ Khanh cộng tác sau đó là Người Đẹp Bình Duơng với nhiều ưu đãi chưa được dành cho tiếng hát nào trước đó. Kế tiếp, Vũ Khanh đến với trung tâm Đời của cố thi sĩ Nguyên Sa. Tuy nhiên cho đến lúc này Vũ Khanh cho biết anh còn trình bầy nhiều thể loại nhạc, chưa tập trung vào một đường đi nào riêng biệt.
Đang trong thời kỳ chưa có sự định hướng rõ rệt, định mệnh đã đưa đẩy anh đến với bà giám đốc trung tâm nhạc Diễm Xưa là Thái Xuân trong buổi ra mắt băng cassette thứ nhì do trung tâm Đời thực hiện. Anh về cộng tác ngay sau đó với trung tâm Diễm Xưa sau khi nhanh chóng thỏa thuận những điều kiện do bà giám đốc trung tâm này đưa ra.
Vũ Khanh không hề phủ nhận việc anh được bà Thái Xuân hướng dẫn đi vào con đường nghệ thuật với một thể loại nhạc thích hợp với giọng hát của anh, được đánh dấu bằng băng nhạc đầu tiên mang tựa đề “Gọi Người Yêu Dấu” với kết quả rất tốt đẹp và tạo cho anh một tên tuổi lớn.
Từ đó tên tuổi Vũ Khanh dính liền với trung tâm Diễm Xưa với bà giám đốc Thái Xuân, được anh gọi một cách thân mật là “bà Bầu của tôi” và cũng là người luôn đi sát bên anh. Trong một thời gian dài cộng tác với Diễm Xưa cùng với những gắn bó mật thiết với bà giám đốc Thái Xuân, trung tâm này đã thực hiện cho Vũ Khanh trên 40 albums để anh được coi là một trong vài ca sĩ có nhiều albums nhất.
Vũ Khanh nhấn mạnh thêm là trung tâm Diễm Xưa đã chia sẻ nhiều nhất với anh trong sự nghiệp ca hát , và “trong sự nghiệp, có tình cảm thì nó mới có sự năng động để làm việc“, như Vũ Khanh thú nhận. Trong thời gian cộng tác với Diễm Xưa, từ khoảng năm 84, Vũ Khanh đã sang tận trại tỵ nạn Thái Lan để trình diễn cho các đồng bào tại đây, và hôm đó anh đã ” vừa hát vừa khóc sưng húp cả mắt ” như lời anh tâm sự.
Cũng từ khi tạo dựng được tên tuổi, Vũ Khanh đã được rất nhiều vũ trường Orange County mời hợp tác, trong số có: Ritz, Majestic, Lido,vv… Và cũng như những ca sĩ nổi tiếng khác, anh đã được mời trình diễn tại rất nhiều thành phố có người Việt cư ngụ ở Âu Châu, Úc Châu, Hoa Kỳ và Canada, vv…
Đến năm 2001 là năm album cuối cùng của Vũ Khanh do trung tâm Diễm Xưa thực hiện được gửi đến người nghe, đánh dấu một khúc quanh khác trong cuộc đời của anh. Đó là CD “Hiến Chưong Yêu”, gồm những tình khúc của Nguyên Bích, một bác sĩ và là một nhạc sĩ sáng tác quen thuộc ở Houston.
Điều cần biết chính Vũ Khanh là người yêu cầu Diễm Xưa nên để anh rút ra khỏi trung tâm khi nạn làm CD giả và ăn cắp nhạc bắt đầu trở thành một tệ nạn lớn. Anh nhận thấy đó là một điều phi lý và lúc đó không còn thấy đủ sức lực để chạy theo việc phát hành băng và đĩa nhạc nữa. Chính Vũ Khanh đã đưa những việc làm phi pháp này ra tòa cách đây khoảng hơn hai năm. Việc làm của anh lúc đó dưới mắt mọi người là một trò hề, gây ra nhiều nguồn dư luận chê cười.
Đầu tiên mọi người đã cười anh về vấn đề kiện cáo liên quan đến tác quyền, xâm phạm quyền lợi của anh. Nhưng Vũ Khanh nhất quyết đi đến nơi và đã “đi đúng bác sĩ“, như lời anh nói khi kiện một trung tâm đã lấy hình của mình để in trên bìa CD của họ và tệ hại hơn là dùng hình ảnh của anh để lồng vào một cuốn phim X!
Nhưng cuối cùng “tên hề Vũ Khanh” đã thắng vụ kiện này, sau khi được tổ hợp luật sư Tammy Trần đứng ra khởi tố. Luật sư Tammy Trần cũng là người Vũ Khanh có liên quan đến vấn đề tình cảm.
Sau khi rời nam California anh về Houston sống và trở thành một phụ tá cho văn phòng luật sư của bà Tammy Trần. Nhận thấy thích hợp với ngành luật pháp nên anh đã bỏ thì giờ tìm hiểu và học hỏi thêm về ngành này.
Qua những lần tiếp xúc với thân chủ, Vũ Khanh đã có thêm rất nhiều kinh nghiệm về cuộc sống, về từng trường hợp khác biệt của các thân chủ của tổ hợp luật sư anh hợp tác. Anh cho biết mỗi ngày anh tiếp vào khoảng 4, 5 cặp vợ chồng tiến hành thủ tục ly dị, đến độ thoáng qua là anh biết ngay người nào sai, người nào phải. Từ đó, anh nghiệm ra để thấy hạnh phúc rất mong manh nếu không có được một niềm tin vững vàng.
Sau khi đặt trọng tâm vào những sinh hoạt trong lãnh vực tôn giáo từ 4 năm nay, anh đã thật sự tìm thấy hạnh phúc trong niềm tin của mình. Vũ Khanh bây giờ thực sự không còn cảm thấy hứng thú trong sinh hoạt ca nhạc. Hiện anh chỉ còn thích nhất hát trong những chương trình thính phòng vì “nó làm cho đời sống mình được thăng hoa” .
Cũng do đó từ khoảng gần 10 năm trở lại đây, anh được khán giả coi như là một trong vài ca sĩ trình bầy nhạc thính phòng đạt nhất. Hình ảnh và giọng hát của anh đã gắn liền với những nhạc phẩm tiêu biểu như Cô Hàng Nước, Áo Luạ Hà Đông, Đôi Mắt Người Sơn Tây, vv… cùng một số nhạc phẩm của Phạm Duy.
Ngược lại với những chương trình đại nhạc hội với hàng chục ca sĩ, Vũ Khanh cho biết thường khi ra sân khấu là phải hát ngay, nhiều khi không còn được chào khán giả vì thì giờ không cho phép. Cho nên “Đi hát như vậy tôi thấy xấu hổ quá!”, Vũ Khanh đã nói như thế. Một lý do khác là anh nhận thấy nên có sự chuẩn bị cho sự tiếp nối của lớp ca sĩ thuộc thế hệ sau. Và hơn nữa anh thấy rằng không còn sáng tác của những nhạc sĩ trong nước.
Riêng với những show tổ chức trong các sòng bài, Vũ Khanh nhất định từ chối vì cho đó là một sự đóng góp nhiều vào sự đổ vỡ của sinh hoạt gia đình.
Với chỗ đứng cao của Vũ Khanh trong sinh hoạt ca nhạc, người ta cho rằng đó là một sự vinh quang trong nghề nghiệp. Về danh từ “vinh quang” đó, về sự thành công lớn của một người nghệ sĩ có đúng với quan niệm của anh hay không? Vũ Khanh đã trả lời ngay là phải hơn như thế nữa, hơn nhũng gì anh đã có.
Anh tâm sự: “Hiện tôi là một ca sĩ ở hải ngoại. Tôi không biết ngày xưa ở Việt Nam cái sự vinh quang như thế nào. Nhưng tôi thấy cái vinh quang của một người nghệ sĩ ở bên này nó không thực“. Điều này được anh giải thích bằng một thí dụ là đã nhiều lần anh thấy cảnh nhiều ca sĩ tên tuổi, kể cả những người thuộc lớp đàn anh đàn chị sau một buổi trình diễn ngồi chờ đợi bầu show phát tiền thù lao.
Anh nói thẳng ra là hình ảnh đó khiến anh rất thối chí. Anh cũng nhớ về lần tham dự buổi phát giải Kim Khánh ở Houston vào năm 97 mà chán ngán, mặc dù lần đó anh được trao giải nam ca sĩ xuất sắc nhất.
Như anh kể, thoạt đầu tất cả nghệ sĩ đều được xe limousine sang trọng chở tới địa điểm tổ chức, kế đó được bước trên thảm đỏ cùng với phần xướng danh rất long trọng khi bước vào hội trường. Nhưng sau khi bế mạc không có cảnh nào chán chường hơn khi thấy anh chị em nghệ sĩ đón taxi ra về, không hề còn có cảnh kẻ đón, người đưa.
Anh cho biết rất buồn cười với những hình ảnh một ông bầu show phát phong bì cho nghệ sĩ sau chương trình và hình ảnh nghệ sĩ sau khi bước ra về thì thảm đỏ cũng mất và limo cũng biến luôn để phải đón taxi ra về!
Trước sự ồ ạt sang trình diễn ở hải ngoại của các nghệ sĩ trong nước, theo nhận xét của mình, Vũ Khanh thấy là không ít thì nhiều hoạt động của các nghệ sĩ hải ngoại cũng gặp phải những ảnh hưởng không thuận lợi. Mặt khác, dưới mắt nhìn của anh, sinh hoạt ca nhạc tại hải ngoại gần đây cũng chẳng có gì khởi sắc hơn trước.
Với một niềm tin vững vàng nơi tôn giáo, Vũ Khanh đang nuôi ý định thành lập một phòng thu âm để được chính tay mình thực hiện những CD về Thánh Ca, trong đó những sáng tác của Vũ Đức Nghiêm giữ một chỗ đứng quan trọng. Giữa Vũ Khanh và Vũ Đức Nghiêm thật sự có một cái duyên đặc biệt. Vũ Khanh bắt đầu được biết đến tên tuổi nhiều với CD “Gọi Người Yêu Dấu” là tựa đề một nhạc phẩm tình cảm tiêu biểu của Vũ Đức Nghiêm. Khi trở về với niềm tin tôn giáo, Vũ Khanh cũng đã khởi đầu với CD “Tạ Ơn Chúa” là tên đặt theo tựa đề một nhạc phẩm về Thánh Ca của Vũ Đức Nghiêm, là người cũng đã tìm được an ủi trong niềm tin tôn giáo như Vũ Khanh.
Với đất nước anh đang sống là Hoa Kỳ, Vũ Khanh cho rằng anh phải lên tiếng cám ơn về sự đã cưu mang anh để coi đó như đất nước của chính mình như anh nói: “Cám ơn đất nước này là đất nước của tôi. Cám ơn đất nước Hoa Kỳ đã cho tôi vinh quang ở trong giờ phút này vì nếu tôi ở Việt Nam, tôi không có. Và nếu có sống chết, tôi phải sống chết với đất nước Hoa Kỳ chứ! Đã cho gia đình, xã hội, đời sống tôi, gia đình tôi được những điều tốt đẹp“.
Những cảm xúc của Vũ Khanh dành cho nước Mỹ đã được thể hiện qua phần trình bầy nhạc phẩm “God Bless America” trong dịp anh đi cùng với phái đoàn đại diện cho người Việt hải ngoại đến thủ đô Hoa Thịnh Đốn điều trần trước Quốc Hội về việc đòi hỏi sự công bằng về mọi lãnh vực, đặc biệt là lãnh vực văn hoá nghệ thuật một khi Việt Nam được gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Quốc Tế. Nhiều người Mỹ đã đứng dậy nghiêm trang chào với những giọt lệ cảm động chảy dài trên má khi Vũ Khanh cất tiếng cầu xin Thượng Đế phù hộ cho đất nước anh đang sống.
Sau gần 30 năm đi hát, Vũ Khanh lúc nào cũng tỏ ra kỹ lưỡng về nghề nghiệp. Một đời dính liền với sân khấu đã được anh hết sức quan tâm, nhất là quan tâm đến những khán giả của mình. Điểm đặc biệt của giọng hát Vũ Khanh là có khả năng làm sống lại linh hồn của những nhạc phẩm được anh trình bầy, của bất cứ tác giả nào, không phải chỉ thích hợp với những sáng tác của riêng nhạc sĩ này, nhạc sĩ kia.
Đặc biệt là ở ch ỗ đó. Từ những nhạc phẩm tiền chiến đến những ca khúc của Phạm Duy, Vũ Thành An, Từ Công Phụng,vv… cho đến những nhạc sĩ mới như Mai Anh Việt, Vũ Tuấn Đức,vv… hoặc Đăng Khánh, Nguyên Bích, vv…
Tất cả đã được tiếng hát của anh diễn tả những gì người nhạc sĩ muốn gửi gấm. Với cách phát âm thật rõ ràng và sắc nét của anh, lời ca của những nhạc phẩm đó đã trở thành những lời tâm sự chính tác giả muốn gửi đến người nghe. Ngoài nghệ thuật hát, phong cách trình diễn của Vũ Khanh cộng với một giọng nói dịu dàng, trầm ấm pha chút tình tứ của anh đã như một sức hút,lôi cuốn khán giả đến gần với anh hơn để cùng hoà nhập với anh.
Với sự nổi tiếng và qua nhân dáng của Vũ Khanh, người ta thường có một cái nhìn sai lầm khi cho anh là một người kiểu cách và bề ngoài. Nhưng chỉ cần gặp anh trao đổi dăm ba câu truyện, thành kiến đó sẽ bị dẹp bỏ ngay để phải công nhận anh là một người khiêm nhượng, có một tính tình đôn hậu và thành thật.
Vũ Khanh sống nhiều về nội tâm, có một tấm lòng với những hoàn cảnh không được may mắn và thường chia xẻ với những người ở trong những tình cảnh đáng thương. Cũng chính vậy, anh đã tham gia vào nhiều công cuộc từ thiện. Với khán giả, anh luôn luôn cho là mình mắc nợ, món nợ tinh thần này đã khiến anh luôn luôn tôn trọng những người tìm đến tiếng hát của anh.
Và ở trong phạm vi tôn giáo, Vũ Khanh đã dồn tất cả niềm tin của mình vào Thiên Chúa sau khi những lời cầu nguyện của anh đã mang lại cho anh những hiệu quả không ngờ về phương diện con cái cũng như đời sống tinh thần của anh.
Để tạo cho mình một sức mạnh tinh thần, Vũ Khanh luôn sống theo câu châm ngôn “Do not pray for easy life, but pray to be a strong person“. Và bây giờ, Vũ Khanh thật sự là một con người hạnh phúc trong niềm tin tôn giáo…
Nguồn: TVTS 1067 & 1068
thu
Khong biet Vu Khanh con nho nhung ngay xua o VN, Khanh da tung co nhung chuoi ngay than ai em dem , nhung buoi di nghe nhac thinh phong, nhung ngay den nha tho Duc ba cau nguyen , con ngo nho ngoi an banh mi ..voi Kim Dung , sau tam anh cua KD con nhung dong chu dau yeu cua Khanh do …lam on cho KD dia chi email cua Vu KHanh di ..lam on nhu mot lan mong doi …ngay xua email cua Kim Dung la [email protected] thanks