Lê Dung: Người đàn bà vẫn hát…

Việt Tú
21/10/2007

Lê Dung yêu để chết, để đốt cháy mọi thứ như chính những gì chất chứa trong giọng hát của cô. Giọng hát ấy sẽ còn mãi bởi nó chạm đến tận cùng cảm xúc, nơi mà con người bất lực không thể diễn đạt được.

“Ôi! Ta đã yêu ta đã yêu. Ta đã yêu… “

Khi nói về âm nhạc người ta thường chỉ nói về những gương mặt đang hiện hữu và sự sống còn của họ với thị trường nhạc mà ít ai nhắc tới những gương mặt đã là “tượng đài” trong lòng công chúng nghe nhạc. Có lẽ nhịp sống đôi khi cuốn đi quá nhanh, người mới đến càng nhiều và trong cơn sóng đó, người không còn hiện hữu nữa dần bị “quên đi”.


Nhắc đến Lê Dung, người ta nhắc tới một con chim sơn ca đầu đàn của thanh nhạc Việt Nam. Những gì cô có được cho đến nay vẫn là cái đích chưa ai vượt qua. Một giọng hát duy nhất, thành công cả trên hai lĩnh vực nhạc nhẹ và nhạc thính phòng cổ điển. Được công nhận ở đẳng cấp quốc tế.


Lê Dung (bên trái) và nhạc sĩ Lê Khắc Thanh Hoài.

Lê Dung, người đã có công khai phá cho khán giả một dòng nhạc rất kén người nghe, nhạc thính phòng cổ điển. Trên cái thiểu số người hâm mộ ấy, Lê Dung đã đến để đem đến cái nhìn khác cho dòng nhạc này. Và đồng thời cô cũng tạo nên một ảnh hưởng sâu sắc tới các thế hệ ca sĩ đi sau.

Trước khi giọng hát Lê Dung xuất hiện thì có rất nhiều người ngại nghe nhạc thính phòng. Bởi giai điệu nhạc thì xa lạ, các ca sĩ thì quá chú tâm về kỹ thuật, làm cho người nghe có cảm giác như bị đẩy ra xa khỏi không gian đó và kết quả là… không thể thấm được.

Nhưng Lê Dung thì khác. Có lẽ cũng như bao ca sĩ thính phòng khác, cô đã phải dày công luyện tập, giọng hát của cô rất điêu luyện, rất kỹ thuật đến độ hoàn hảo nhưng điều đáng nói là, khi hát, Lê Dung đã truyền được sự rung cảm mãnh liệt, sự say mê, xúc động của tâm hồn đến người nghe.

Mọi căng cứng của kỹ thuật dường như đã không còn trọng một giọng hát đầy cảm xúc. Khi cô cất tiếng hát thì tâm hồn cô đã là chất hòa tan vô giá. Bởi ở cô có sự nhạy cảm, sự hiểu biết, vừa nắm vững kỹ thuật, vừa truyền cảm điêu luyện với một làn hơi tuyệt vời mà trời phú cho… thật tuyệt vời! Khó để có được một giọng hát như thế lặp lại trên cuộc đời này.

Khi nghe Lê Dung hát, dù nhạc nhẹ hay nhạc thính phòng, chúng ta sẽ thấy được sự khác biệt với khi nghe các ca sĩ khác hát, bởi hòa trong đó là chiều sâu tâm hồn của cô cũng như chiều sâu của một chất giọng trữ tình tuyệt vời.

Mỗi ca từ, mỗi nốt nhạc khi giọng hát ấy cất lên là những chất chứa tâm hồn khiến người nghe không thể bỏ qua bất cứ một ca từ hay ngay cả một nốt nhạc đệm nào.

Không bó hẹp, giọng hát Lê Dung mang đến cho người nghe một biên độ cảm xúc mở rộng đến vô tận.

Khiến người nghe có cảm giác khi thì như phiêu lơ lửng trên những tầng mây ở những nốt nhạc cao vút, khi thì như chênh vênh, như lặn sâu xuống đáy vực ở những nốt giáng, nốt trầm; khi thì dồn dập như thác cuốn ở những biến tấu; khi thì như trống rỗng, hư vô ở những dấu lặng.

Nhưng để có được những gì đem đến công chúng qua giọng hát đó, Lê Dung cũng đã phải nếm trải qua rất nhiều những thăng trầm cuộc đời.

“Lê Dung hát không có cảm xúc!” Đó là câu nói của Phú Quang khi lần đầu cô hát cho ban nhạc của ông vào thời sinh viên. Nhưng cũng chính từ lần gặp gỡ đó mà số phận của giọng hát Lê Dung đã gắn chặt với nhạc Phú Quang, ngoài dòng nhạc thính phòng mà cô theo đuổi.

Ngày ấy Lê Dung còn quá trẻ, chưa biết “yêu” và “đau khổ” vì yêu nên khi hát những bản tình ca cô chưa truyền tải hết cảm xúc của bài hát muốn nói, cũng vì vậy Phú Quang chối bỏ cô. Nhưng sau những năm đi học tu nghiệp thanh nhạc ở Liên Xô về, và đặc biệt là chịu nhiều đổ vỡ trong tình cảm. Cô đã thực sự là “Người đàn bà hát”.

Khi cô đã yêu, … và nếm trải những đắng cay của tình yêu cũng là khi giọng hát của cô trở nên quý giá. Cô mang hết sự đắm đuối của mình vào những tác phẩm cô hát. Khiến chúng trở nên khắc khoải da diết đến cồn cào, gai người.


Lê Dung (bên phải) và nhạc sĩ Lê Khắc Thanh Hoài.

“…Nhưng chết được lại là hạnh phúc!”

Ai đã yêu, đã khát khao cho tình yêu thì khi nghe Lê Dung hát sẽ nếm trải được những giằng xé mãnh liệt trong giọng hát ấy. Người ta hay nói đến kỹ thuật, nhưng ở Lê Dung giọng hát đã quyện được kỹ thuật đỉnh cao vào cảm xúc khiến những khuôn thước cứng nhắc kia tan biến đi cho cảm xúc tràn ngập tâm hồn người nghe.

“Vẫn biết ta giờ không trẻ nữa. Sao thương ai ở mãi cung Hằng. Lời nguyện cũ trên đầu như nguyệt quế. Đâu chịu nhòa khi tới giữa mùa trăng. Tôi đã yêu đã yêu như chết là hạnh phúc.

Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em. Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc. Còn điều chi em mải miết đi tìm. … Ngay cả nếu âm thầm em hóa đá. Bầu trời lặng yên cũng đã vỡ rơi. Mênh mông quá khoảng trống này ai lấp. Khi thanh âm cũng bất lực như lời…”

“Khúc mùa thu”, khúc hát cho chính số phận của cô, nghe và thấm nó để thấy Lê Dung, người đàn bà mãnh liệt nhưng cũng rất yếu đuối trong tình yêu. Để tiếng hát ấy len lỏi vào từng ngõ ngách trong tâm hồn để rồi nó mang đến cho ta một chiếc cầu nối giúp ta khám phá thêm một thế giới khác cho tâm hồn mình.

Lê Dung đắm đuối, và đắm đuối hơn ai hết. Khi yêu là yêu cho đến tận cùng, cho đến phút cuối. Sau giọng hát ấy chất chứa một tâm hồn đầy đa cảm.

Bởi như bà nói: Người nghệ sĩ hát hay thật sự phải có tâm hồn. Nếu không, chỉ hát ra một âm thanh vô hồn thì người ta chỉ gọi là con hát.

Trong suốt những năm dài đứng trên sân khấu, chưa bao giờ tiếng hát Lê Dung bị chai sạm đi. Nó vẫn vậy, như ngày nào và ngày càng đa cảm bởi sự trải nghiệm ngày càng lớn của người hát.

Công chúng đón nhận giọng hát Lê Dung sau bằng ấy năm, nhưng cứ mỗi đêm khi giọng hát đó cất lên thì lại là bao đêm trên gương mặt của biết bao người đã lăn dài những giọt nước mắt.

Họ như tìm thấy số phận của chính mình trong tiếng hát ấy, những nỗi cô đơn giằng xé,… đã được truyền tới họ để tâm hồn họ chạy theo những biến ảo cảm xúc mà cuộc đời thăng trầm của mình đã trải qua.

Lê Dung mang trong mình một tình yêu, như có người nói: Yêu để chết! Chính vì thế cô sống và hát như để đốt cháy mọi thứ. Mỗi câu hát ấy nó như vận vào số phận cô.

Cả cuộc đời cô luôn đi tìm mải miết một điều gì đó hư vô và để rồi cuối cùng “Em ra biển lớn, biển đã cạn. Em vào rừng sâu, rừng chỉ còn lá rụng. Em về với anh để nghe lời giã biệt… Rồi mai em chết, còn gì trên đời?”.

Tiếng hát ấy sẽ còn mãi! Bởi nó chạm đến tận cùng cảm xúc, nơi mà con người bất lực không thể diễn đạt được.

Những Cảm Nhận về Lê Dung
  
– Nhạc sĩ Lê Khắc Thanh Hoài:

Sau gần 30 năm chờ đợi một giọng hát như mình mong muốn, tôi đã gặp được Lê Dung, hy vọng tràn trề, niềm vui sướng tột cùng khi tiếng hát và tiếng đàn quện vào không gian.

Nhưng bất hạnh thay niềm vui đó thật là mong manh. Nhưng cũng là may mắn khi đã có được 10 tình khúc để lại đời… Lê Dung lìa khỏi cõi đời này để lại muôn vàn tiếc nuối…
  

– Nhạc sĩ Phú Quang:

NSND Lê Dung là ca sĩ có học nhất của Việt Nam trong quan niệm của tôi và những học vấn mà chị có đã được truyền vào trong giọng hát để chị trở thành một ca sĩ có học và hát hay. Chị dồng thời cũng còn là một ca sĩ có xúc cảm âm nhạc rất tốt. Với những bài hát của tôi thì chị đạt được hai điều: Một là hát rất kỹ thuật, hai là đầy cảm xúc.
  

– Ca sĩ Ngọc Anh:

Khi hát Khúc mùa thu, Ngọn nến, Romance 01… nỗi nhớ thương hai cô giáo đã nâng bước tôi trên suốt quãng đường dài theo học Nhạc viện Hà Nội, trong đó có cố nhạc sĩ nhân dân Lê Dung với sự ra đi quá sớm luôn khiến tôi thấy lòng trĩu nặng
  

-Ca sĩ Mỹ Linh:

Ở Việt Nam có NSND Lê Dung là xứng đáng với danh hiệu Diva thôi. Cô là một người hát rút ruột rút gan và gây một ảnh hưởng lớn cho các thế hệ ca sĩ sau này.

Việt Tú

Nguồn: Netlife

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây