Tôi được xem Thanh Lan hát trong cuộc lễ tại trường Bộ Binh Thủ Đức. Chương trình văn nghệ chỉ vỏn vẹn có 3 cô học trò của Nguyễn Đức là: Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Hạnh và Thanh Lan. Hai cô Phương mặc áo dài bằng mousseline trắng, quần sa teng tuyết nhung trắng trông đẹp hơn Thanh Lan trong chiếc áo dài trắng in những chùm rong biếc. Lẽ dể hiểu là hai cô Phương có một thân hình nồng nàn, nẩy nở thật sung mãn những đường cong nét lượn. Còn Thanh Lan đã không có những cái lợi khí của mỹ nhân trên thân vóc, lại còn mặc áo màu lu câm, điểm trang son phấn vụng về, mái tóc cô cắt mành tương trước trán và xỏa dài tới vai đóng khung một khuôn mặt nhẫn nhục và cam phận.
Vốn là một giọng có đôi chút căn bản kỹ thuật, cho nên Thanh Lan dù hát những bản xoàng xỉnh hoặc những bản kém giá trị nghệ thuật mà vẫn tạo một chút gì ý nhị. Bài “Gặp Nhau” của Hoàng Thi Thơ trước đó có Thái Thanh, Tuyết Mai, Thúy Nga, Lệ Thanh hát rồi, thế mà Thanh Lan vẫn tạo một phần riêng biệt ở phần diễn tả, ở phần luyến láy. Nhờ cô mà bản “Trăm Nhớ Ngàn Thương” của Lam Phương trở nên nổi tiếng và bán chạy như tôm tươi. “Trăng Thanh Bình” của Lam Phương vốn là bài hát cũ, từ đầu thập niên 60 đã bị rơi vào quên lãng, nhưng khi cô moi ra hát lại vẫn làm say mê khán thính giả. Thanh Lan lúc đó như một tinh đẩu đang sáng rực rỡ.
Thanh Lan trở thành ca sĩ là do sự khuyến khích của bà mẹ. Lúc đầu bà mẹ của Thanh Lan dắt cô đến nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi để cho cô thọ giáo, nhưng họ Nghiêm lại giới thiệu cô cho nhạc sĩ Nguyễn Đức. Trong lò Nguyễn Đức, Thanh Lan chịu thua chịu thiệt với lớp Bích Vân, Ngọc Vân, Phước Vân, Hoàng Oanh. Sau đó cô lu mờ trước lớp Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Hạnh, Phương Hồng Quế…Thuở đó, cô không là cái gì cả với nhan sắc lu mờ, làn da xanh xao, đôi mắt cận thị, giọng hát mềm mại khó so bì với cái giọng lảnh lót của các cô bạn đồng môn.
Thanh Lan có giọng hát trong trẻo, lưu loát và ngọt ngào. Làn hơi cô không mạnh nhưng khá phong phú. Cách hát của cô khác hẵn các nữ ca sĩ cựu môn sinh lò Nguyễn Đức. Đó là lối hát chân truyền qua lối dàn trải làn hơi đâu vào đó, qua lối ngân nga tự nhiên và dễ dàng. Chính cô là kẻ tiền phong trong việc “tầm tân sư học đạo”. Cho nên Phương Hồng Hạnh nối gót theo cô, tìm được ông tân sư Hoàng Thi Thơ để luyện giọng, nhờ đó mà cô ta hát có chiều hướng đi lên hàng ngũ Mai Hương, Tuyết Anh ở đài phát thanh Sài Gòn. Đó là những giọng mỏng và lu mờ bạc nhược, nhưng nhờ kỹ thuật thâm hậu mà hát hay, xứng đáng là một ca sĩ thuần túy và có căn bản nghệ thuật. Riêng Thanh Lan có giọng phong phú hơn giọng Phương Hồng Hạnh, lại chọn những bài bản có giá trị nên giọng hát càng thêm nét cao sang. Nhưng về sau, vì muốn có nhiều khán thính giả nên cô hát thêm loại nhạc phổ thông dành cho quần chúng tạp nhạp. Tuy nhiên vốn thông minh, cô tùy lúc tùy trường hợp mà hát. Ở những môi trường gồm người bình dân đông đảo, cô hát những bản mà Hoàng Oanh, Thanh Tuyền, Hương Lan thường hát. Còn ở chốn có nhiều kẻ sành điệu, cô hát những bài mà Thái Thanh, Mai Hương, Quỳnh Giao, Khánh Ly và Lệ Thu thích hát. Tiếng hát cô giống tiếng hát của Hà Thanh ở chổ ngọt và gợi cảm, chớ không phải là thứ ngọt mà không đặc sắc, đồng dáng với những giọng ngọt khác của Tâm Đan, Mai Ly, Băng Tâm, Bạch Quyên ở các phòng trà. Tuy nhiên giọng cô là giọng gợi nên hình dáng thiếu nữ mơn mởn vẻ son ngó đào tơ, còn giọng Hà Thanh là giọng gợi nên hình ảnh thiếu phụ yêu kiều tình tứ.
Hồ Trường An
Nguồn: Chân Dung Những Tiếng Hát 1 và 2, nxb Tân Văn, Ðông Kinh, Nhật Bản, 2001
RE: THANH LAN : Tiếng hát ngọt lịm mật ong
Ngày xưa trên báo Tuổi Ngọc (1970) nhà văn Đào Trường Phúc (không chính xác lắm) đặt bcho chị Thanh Lan biệt danh ” Con bướm vàng mùa thu”