Hồ Trường An
Jo Marcel đến với tôi bằng bài hát “Mộng Dưới Hoa” cuả Phạm Đình Chương trên sân khấu trình diễn nào, vaò dịp nào thì tôi không còn nhớ nổi. Tiếng hát anh thật gợi cảm, thật mơn trớn, thật âu yếm như gửi trọn vẹn vào một thần tượng tình yêu nào đó của anh. Có những chổ anh dát giọng hát mỏng như the, mịn như nhung và sáng vời vợi như ánh trăng. Có lẽ chưa có ai hát bài này hay hơn anh.
Giọng Jo Marcel đẹp ở chổ không điệu đà. Nó đẹp ngay tự bản chất như chất tơ dùng để chế tạo ra lụa ra gấm, tự nó đã có chất mềm dẻo, mượt và đẹp mắt rồi. Chính nghệ thuật diễn tả của anh làm cho tiếng hát anh thêm màu sắc, thêm bướm hoa để đẹp trội hơn. Cũng vậy, nhờ hệ thống âm thanh tốt, nhờ xử dụng micro giỏi, nhờ giàn trải tình cảm khéo léo mà tiếng hát anh đậm đả và khởi sắc thêm.
Jo Marcel đến với ca trường nhạc giới gặp lúc nền tân nhạc bắt đầu xuống dốc. Bọn lái nhạc sáng tác chỉ nhắm vào thị hiếu thập kém của quần chúng mà không nhắm vào giá trị nghệ thuật. Còn ca sĩ thì chỉ lấy cái lảnh lót để che tiếng hát yếu kém về về phương diện kỹ thuật , đã vậy họ lại không biết ngân nga ở tiếng chót của câu hát. Vậy mà Jo Marcel vẫn có một cương vị riêng khi anh diễn tả chẳng những các nhạc phẫm có giá trị của Lê Trạch Lựu, Phạm Đình Chương, Phạm Duy, Thông Đạt, Trịnh Công Sơn, Ngô Thuỵ Miên..hay những nhạc phẩm mà giới sành điệu có thể chấp nhận như bài “Đường Xa Ướt Mưa” của Đức Huy chẳng hạn.
Về kỹ thuật, anh hát trội hơn Anh Khoa, và hơn thế nữa, cách diễn tả của anh tuy không mặn mà bằng cách diễn tả của Anh Khoa, nhưng có cái phong cách sang trọng và quý phái riêng.
Jo Marcel hát như mơn trớn sóng nhạc, như nâng niu âm thanh. Anh chỉ đưa vào giọng hát một chút điệu đà kín đáo ở lối phát âm theo kiểu phát âm người Mỹ. Ngoài ra, anh không dám trau chuốt từng tiếng bằng cách nhấn mạnh từng tiếng như Nhật Trường. Khi hát, anh cũng không nức nghẹn ở chổ này, láy qua láy lại ở chổ nọ, tét giọng nũng nịu với nữ khán thính giả ở chổ kia. Anh có tài dát mỏng giọng hát ở chổ ngang ngang, tức là ở chổ không cao không thấp. Nhưng khi lên cao, anh rống to để cho tiếng hát tròn trịa, phì mỹ, vang lồng lộng ngọt ngào. Dát mỏng ở chổ ngang cho dẻo và cho mịn đã khó. Lên cao mà vẫn giữ cho tiếng dầy cộm và không mất âm lượng, không làm cho âm sắc gay gắt rít róng lại còn khó hơn. Hai cái khó đó, Jo Marcel chẳng những vượt qua được mà còn vượt qua một cách thoải mái, lưu loát và ngọt lìm lịm.
Hồ Trường An
Nguồn: Chân Dung Những Tiếng Hát 1 và 2, nxb Tân Văn, Ðông Kinh, Nhật Bản, 2001