Hồ Trường An
Khi Khánh Hà lao vào nghiệp cầm ca thì chị cô là danh ca Bích Chiêu đã ra ngoại quốc lập nghiệp, kể như một ngôi sao thoát ly ra khỏi vòm trời ca nhạc của quê hương Việt Nam. Nhưng bà chị Bích Chiêu dù đã ra đi mà danh tiếng đương sự còn để lại xứ sở, biến thành một dãy núi sừng sững đè nặng cô em Khánh Hà của đương sự, che mất con đường tiến thủ bày trước mắt Khánh Hà không ít. Cho nên Khánh Hà phải làm một cái gì độc đáo để khán thính giả không còn so sánh hơn kém giữa Bích Chiêu và cô, để khán thính giả không cho rằng cô đi theo dấu vết của Bích Chiêu để khỏi trở thành một bản sao tái ngắt lu câm của Bích Chiêu. Đa số những người con họ Lã trong đó có Khánh Hà đều có cá tính mạnh, có óc tự lập, tinh thần khám phá, thần trí sáng tạo. Do đó, sớm hay muộn mỗi người cũng tuần tự tạo cho mình một tên tuổi lẫy lừng.
Hồi mới tập tễnh ca hát, Khánh Hà bị ông anh Tuấn Ngọc của mình chê rằng cô hát không có hồn. Chê hát không có kỷ thuật thì không sao vì cô có thể luyện tập lâu ngày chầy tháng thì sẽ có một giọng hát tinh luyện về kỷ thuật. Đằng này, cô bị chê là hát không có hồn, cái đó mới nguy. Hát không có hồn thì chỉ là một thợ hát dù hát giỏi về kỷ thuật tới đâu đi nữa. Vậy mà cô không nản chí, vẫn cứ đeo đuổi sự nghiệp ca hát với bất cứ giá nào. Nhưng không hiểu cô tập luyện giọng cách nào mà đã thành công trong việc cắt xén từng mảnh tâm hồn, từng mảnh tim của mình để rải vào giọng hát của mình. Nghe cô hát, tôi có cảm tưởng mỗi tiếng hát, mỗi câu hát do cô diễn tả như thấm nhuần những giọt máu từ tim cô vắt ra. Cho nên đối với tôi, Khánh Hà là một giọng hát vừa đẹp vừa điêu luyện, là cái mẫu cái khuôn để các nữ ca sĩ đồng thời với cô lẫn các nữ ca sĩ thuộc lớp hậu sinh cô bắt chước hát theo. Tuy các cô bạn đồng nghiệp này có một tiếng hát nũng nịu dễ thương, nhưng cái âm sắc khàn khàn ấm áp từ trong tiếng hát trong trẻo và sắc vút “tưa” ra thật mịn màng óng ả thì không cô nào có thể bắt chước Khánh Hà được.
Khánh Hà chỉ có giọng bán kim thôi, nhưng khi lên cao cô gồng cổ ré lên, dù là giọng hơi mỏng nhưng thật dẻo thật ngọt như kẹo mạch nha. Khi chuyễn qua nhạc tình cảm Việt Nam, cô hát với một lối diễn tả riêng biệt không giống một ai trong khi đó những nữ ca sĩ khác hát giống cô thì khá đông. Hồi Thanh Lan còn mắc kẹt sau bên kia bức màn tre, kẻ sành điệu tưởng chừng chẳng có nữ ca sĩ trẻ trung nào ở hải ngoại có thể thay thế cô ta: biết hát theo lối chân truyền, biết chọn những bản có giá trị nghệ thuật căn bản để trình bày. Nhưng rồi nền ca nhạc ở hải ngoại đã có Thái Hiền và Hải Lý biết lột xác giọng hát vốn không có đặc sắc của mình để trở thành ca sĩ có tầm vóc. Và nhất là đã có Khánh Hà hát điêu luyện và độc đáo vượt cả Thanh Lan. Nếu ngày xưa Tuấn Ngọc chê Khánh Hà hát không có hồn, nhưng anh phải công nhận rằng Khánh Hà có làn hơi thiên phú dồi dào để trở thành một giọng hát ưu tú sau này. Nhờ làn hơi đó nên khi tâp luyện ngân nga, cô có một chuỗi ngân trác tuyệt, muốn kéo dài tới đâu cũng được.
Tiếng hát của Khánh Hà là tiếng hát man dại, tiếng vọng của những trái tim nhiệt tình và khát tình. Nó như ướt đẫm mật ngọt tình yêu, như rạo rực ngọn lửa ân tình chỉ chờ cơ hội bùng cháy thành họng hỏa diệm sơn. Nó lai láng, trào dâng, ngất ngây, lao theo một vận tốc đam mê khủng khiếp, lướt qua chông gai, qua sa mạc khô cháy, qua miền bão nổi lụt tràn….để đi lên tuyệt đỉnh của yêu đương.
Lúc nào Khánh Hà cũng hát bằng trái tim, bằng những rung cảm sâu sắc và nhất là bằng sự tự tin. Âm sắc trong tiếng hát của cô hãy còn trẻ trung và mềm dẽo. Cô thường tuyên bố chỉ sợ khán giả sẽ chán cô nếu cô xuất hiện thường xuyên trên sân khấu, trong băng hình hoặc hát xối xả trong băng nhạc và dĩa nhạc. Nếu cái ngày đó phải tới thì chắc hãy còn xa lắm.
Hồ Trường An
Nguồn: Chân Dung Những Tiếng Hát