Hoàng Oanh, tiếng hát và giọng ngâm thơ được nhiều mến chuộng

Thy Nga, phóng viên đài RFA
2008-08-17

Tiếp nối câu chuyện với nữ ca sĩ Hoàng Oanh, Thy Nga nói với chị là trong khi tìm tài liệu để viết về chị, Thy Nga đọc thấy những câu trao đổi giữa các “fan”, họ muốn biết thêm chi tiết mà ít thấy đăng tải về người nữ ca sĩ mà họ hâm mộ.

Không những giới trung niên (là những người yêu chuộng từ trước 1975) mà giới trẻ sau này cũng mến tiếng hát ngọt ngào của Hoàng Oanh. Thật thế, khi Hoàng Oanh xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, hay trên sân khấu, chị rất dễ chiếm cảm tình của khán thính giả.

Điểm đặc biệt nơi Hoàng Oanh là nụ cười chúm chím, vẫn như thuở nào. Và mỗi khi đưa tay ra diễn tả lời hát, dường như Hoàng Oanh vẫn ngượng ngập sao đó, dù rằng đi hát đã bao năm rồi. Hay là … phong cách của Hoàng Oanh là thế.


Điểm đặc biệt nữa: Hoàng Oanh là người miền Nam vậy mà phát âm đúng khi hát tiếng Bắc, lại ngâm thơ lối Bắc nữa.

Diễn ngâm “Ai lên xứ hoa đào”…

Thy Nga hỏi về chuyện này, Hoàng Oanh tập thế nào? trong khi có rất nhiều ca sĩ người miền Nam không thể nào hát cho ra tiếng Bắc được.

Hoàng Oanh: Thưa Chị, theo em nghĩ đó là tại vì khi đi học, chính tả là môn mà Hoàng Oanh được nhiều điểm lắm, cho nên Hoàng Oanh nghĩ là nó giúp cho Hoàng Oanh nhiều, khi mà Hoàng Oanh phát âm theo giọng Bắc. Em có cái khiếu, thí dụ như người Bắc đọc làm sao thì em phát âm giống như vậy.

Thy Nga: Để ngâm được như là thính giả nghe Hoàng Oanh ngâm, thì Hoàng Oanh phải học thêm của những người nào?

Hoàng Oanh: Em học bằng cách là em nghe. Lên đài thâu thanh, Hoàng Oanh nghe hằng tuần những bác, những chú, những cô như là cô Hồ Điệp, chú Hoàng Thư, chú Quách Đàm ngâm thơ trên đài. Em nghe hằng tuần, giống như hàm thụ vậy đó. Thành ra em có khái niệm nhiều lắm, cộng với cái năng khiếu mà em có, em có thể ngâm được. Hò thì em cũng nghe theo thôi.

“Đêm tàn bến ngự” …

Em có cái khiếu trời cho, cũng giống như là khi em hát nhạc Huế, thì cũng có những cái luyến láy của người Huế mà em theo được. Khi hát nhạc Huế, em có tâm hồn như là yêu Huế thơ Huế nhạc, cho nên em thích những lời hát của miền Trung.

“Ai ra xứ Huế”, “Nếu một mai anh biệt kinh kỳ” và “Về đâu mái tóc người thương” là các ca khúc mà Hoàng Oanh được thâu đầu tiên vào băng đĩa.

Dịu hiền, đứng đắn

Trang phục một cách chừng mực, nét mặt dịu dàng, miệng chúm chím nụ cười, là hình ảnh về Hoàng Oanh trong lòng khán giả.

Thy Nga còn nhớ hồi ở Saigon, trên truyền hình mà có Hoàng Oanh, là bố của Thy Nga say sưa xem hát, Cụ hâm mộ Hoàng Oanh nhất đó. Cụ bảo rằng trông Hoàng Oanh dịu hiền, đứng đắn, khác với những nữ ca sĩ kia. Cụ mất rồi chứ không thì bây giờ bị phỏng vấn đấy.

“Hè về” …

Quý vị trung niên, nhiều người khi nghe ca khúc “Hè về” của Canh Thân, là nhớ lại cảnh Hoàng Oanh trình diễn bài này trên truyền hình thời trước 1975. Đó là hình ảnh một cô nữ sinh hát một cách hồn nhiên giữa tàng lá trên cành cây.

Hoàng Oanh còn được yêu chuộng về các ca khúc về đời lính. Mời quý vị cùng nghe bài “24 giờ phép” của Trúc Phương …

Hoàng Oanh ra chào đời tại Mỹ Tho, tỉnh dừa của miền Nam trù phú. Thy Nga hỏi về chuyện ca hát bắt đầu như thế nào? ai là người chỉ dạy, hướng dẫn? Hoàng Oanh kể lại:

Hoàng Oanh học hát là do thân phụ của Hoàng Oanh. Ba của Hoàng Oanh đàn rất nhiều loại đàn, và đàn rất giỏi nhưng ông không nổi tiếng, ông đàn tài tử thôi. Ông thấy là Hoàng Oanh có giọng, thành ra lúc Hoàng Oanh 5 tuổi, Ba dợt cho Hoàng Oanh hát những bài hát của nhạc sĩ Lê Thương như bài “Tuổi thơ”. Đến năm Hoàng Oanh 8 tuổi thì Ba đổi về làm trong Liên trường Võ Khoa Thủ Đức trong ban Văn nghệ. Ông có dẫn Hoàng Oanh lên hát trong những kỳ liên hoan, là lần đầu tiên lên sân khấu khi 7, 8 tuổi, Hoàng Oanh còn nhớ.

Em gia nhập ban Thiếu Nhi Tuổi Xanh.

Song song, thì có ban Thiếu Nhi đài Quân Đội của Lê Đô phụ trách. Một thời gian sau thì ban Thiếu Nhi Tuổi Xanh tạm ngưng. Nối tiếp là ban Việt Nhi, em gia nhập luôn. Ban Việt Nhi do anh Nguyễn Đức là Trưởng Ban, thì anh Nguyễn Đức hướng dẫn em luôn.

Sắp sửa ra khỏi ban Việt Nhi thì trưởng ban các ban lớn tại đài phát thanh như Tiếng Tơ Đồng, ban Phạm Mạnh Cương, Tiếng Thùy Dương, Trường Sơn Duy Khánh, ban Nhật Trường họ mời em gia nhập. Em cũng gia nhập các ban ngâm thơ nữa.

Song song với chuyện ca hát, Hoàng Oanh không xao lãng học hành, và là một học sinh khá. Theo bậc Trung học tại trường Gia Long, đậu Tú Tài toàn phần hạng Bình Thứ. Kế tiếp, là Đại học Văn Khoa, tốt nghiệp Cử nhân Văn chương, là điều có thể coi là hiếm trong làng ca nhạc Việt Nam thời đó.

Người ta cũng không hề thấy Hoàng Oanh hát tại phòng trà, vũ trường, lý do vì sao? Hoàng Oanh thuật lại là hồi nhỏ, người Cậu chỉ cho hát trên đài phát thanh, đài truyền hình, và thỉnh thoảng cho phép hát tại đại nhạc hội mà thôi.

Sau này (năm 1972) thì Hoàng Oanh lập gia đình, và cũng không khi nào hát tại phòng trà, vũ trường.

Hoàng Oanh: Ông xã em là dược sĩ nhưng ông cũng đặt nhạc một số bài hát trong đó có bài “Một người đi” mà anh ấy đặt cho một người bạn thân tử vong tại chiến trường, Từ đó, bài ấy nổi tiếng.

Quý vị đang nghe Hoàng Oanh hát nhạc phẩm “Một người đi”. Tác giả Mai Châu là chồng Hoàng Oanh, dùng bút hiệu này khi viết nhạc, làm thơ …

Biến cố năm 75

Biến cố năm 75 xảy tới, gia đình nhỏ của Hoàng Oanh rời Saigon ngày 28 tháng Tư. Chị kể tiếp:

Tỵ nạn qua Hoa Kỳ năm 1975, em định cư ở New Jersey. Năm 76, 77, em có đi hát vài chỗ thôi. Từ 1980, ổn định rồi thì em đi hát khắp nơi, hát tại các đại nhạc hội ở tất cả những tiểu bang Mỹ. Hát bên Pháp, bên Úc, …

Những bài hát mà em thâu vào đĩa nhựa 45 vòng từ hồi còn ở Việt Nam thì Hoàng Oanh có sưu tập, lọc lại, làm thành một bộ 10 CD mang tên là Souvenir, thì em có phát hành.

Khi mà Thúy Nga có chương trình song ca thì em đề nghị mời anh Trung Chỉnh (vì hồi trước ở Việt Nam, Hoàng Oanh có hát với Trung Chỉnh vài bài thâu dĩa) giờ đây, hát lại với nhau thì được khán thính giả rất yêu mến.

“Ai lên xứ hoa đào” với Trung Chỉnh và Hoàng Oanh …

Đến năm 1990, công việc của ông xã Hoàng Oanh đổi qua California thì em dời qua California ở cho tới bây giờ.

Trong bài viết của Phạm Khanh tựa đề là “Hoàng Oanh, tiếng hát của giòng thơ nhạc giao duyên” có đoạn như sau:

Một cuộc đời nghệ sĩ không sóng gió, Hoàng Oanh đi hát, đi học, sống êm đềm trong hạnh phúc gia đình, trong tình bằng hữu, và trong cảm tình nồng hậu của thính giả …

Hoàng Oanh như một sứ giả của mối tình “thi nhạc giao duyên”,

như một hình ảnh đẹp của nghệ sĩ, một đóa hoa muôn màu chan chứa tình tự quê hương dân tộc.”

Thy Nga xin kết thúc chương trình về Hoàng Oanh. Hẹn tái ngộ quý thính giả vào kỳ tới.

Thy Anh

Nguồn: RFA

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây