Yến Anh
1/2011
Đâu đâu trên đất Bắc, người ta cũng bắt gặp những giọng ca nhạc “sến” Tuấn Vũ, Giao Linh, Kim Anh, Thanh Tuyền, Hương Lan, Phi Nhung, Mạnh Quỳnh…
Khi Nhà hát Lớn Hà Nội, nơi được coi rất kén chọn nghệ sĩ, thánh đường của dòng nhạc sang, mở cửa đón ca sĩ Tuấn Vũ, rất đông khán giả Hà Nội đã đến để cổ vũ cho giọng ca thuộc dòng nhạc “sến” nổi danh một thời này. Đã lâu, dân “phe vé” trước cửa nhà hát mới có dịp làm ăn nhộn nhịp như vậy. Vé được “phe vé” đẩy giá lên đến 4 triệu đồng/cặp mà vẫn có người “khát” vé. Khán phòng live show Tuấn Vũ 10 năm ca hát hôm ấy không còn một chỗ trống.
Đâu đâu cũng nghe nhạc “sến”
Nhiều khán giả nói rằng live show Tuấn Vũ đã cho một bộ phận không nhỏ khán giả thủ đô thưởng thức những bài hát đã từng quen thuộc, gắn bó nhiều năm với họ qua băng đĩa. Không chỉ lớp khán giả trung niên mới “yêu” giọng hát Tuấn Vũ, nhiều nam thanh nữ tú cũng cố săn bằng được một cặp vé để nghe Tuấn Vũ hát Những đồi hoa sim, Lâu đài tình ái, Anh biết em đi chẳng trở về, Tiễn bước sang ngang, Xin thời gian qua mau…
Từ dự định chỉ tổ chức một đêm tại Nhà hát Lớn Hà Nội, bầu T. nhanh chóng chớp lấy cơ hội kinh doanh này bằng cách tổ chức thêm hàng loạt sô diễn sau đó, từ Tuấn Vũ 10 năm ca hát, Tuấn Vũ tạm biệt Việt Nam, đến Tuấn Vũ ngày trở về… Thậm chí, nhìn thấy khả năng kiếm tiền dễ dàng, ông bầu này còn ký độc quyền biểu diễn với Tuấn Vũ tại Việt Nam.
Sau Tuấn Vũ đến Hương Lan, Thanh Tuyền, Mạnh Quỳnh, Minh Tuyết thi nhau làm mưa làm gió ở các điểm diễn ca nhạc trên đất Bắc.
Với những giai điệu nhẹ nhàng, ca từ bình dân, dung dị, những ca khúc một thời được gắn mác “nhạc vàng” như đang trở về thời kỳ thịnh trị khi mọi ngóc ngách của khu dân cư, trong cửa hàng, trên ô tô, taxi đến phòng trà, sân khấu hội chợ hay sang trọng như Nhà hát Lớn, Cung Văn hóa Hữu nghị…, đâu đâu người ta cũng bắt gặp những giọng ca nhạc “sến” Tuấn Vũ, Giao Linh, Kim Anh, Thanh Tuyền, Hương Lan, Phi Nhung, Mạnh Quỳnh…
Sự xuất hiện của các giọng ca được gọi là “ướt át”, “ủy mị” một thời này đã thổi một luồng gió mới vào thị trường ca nhạc đang ít nhiều mang lại cảm giác nhàm chán cho khán giả. Lâu rồi, người ta mới thấy khán giả Hà Nội háo hức như vậy khi đi xem Tuấn Vũ, Minh Tuyết, Thanh Tuyền hát… đến nỗi nhiều ca sĩ nổi tiếng trong nước cũng phải chạnh lòng trước sự hâm mộ này. Rất nhiều khán giả tuổi ngoài 60 vẫn nhiệt tình lên sân khấu tặng hoa, nói lời hâm mộ với Tuấn Vũ. Nhiều “fan cuồng” lên sân khấu đòi ôm hôn, chụp ảnh cùng với ca sĩ trong live show Minh Tuyết.
“Nhạc vàng” thành vàng thật?
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng “nhạc vàng” có sức sống, có sự hấp dẫn riêng nên khi nghe mãi nhạc trẻ, nhạc đỏ, người ta sẽ có nhu cầu trước một món ăn lạ. Nhiều khán giả, đặc biệt là khán giả có tuổi, đã nghe Tuấn Vũ, Thanh Tuyền, Kim Anh… hát từ lâu qua băng đĩa, giờ họ thực sự muốn một lần nhìn thấy, một lần được nghe trực tiếp giọng ca quen thuộc bấy lâu đối với mình trên sân khấu. Đặc biệt, đối với khán giả các tỉnh, những giọng ca “ướt át” này cùng với dòng nhạc “sến” của họ càng có hấp lực mạnh mẽ.
Liệu “nhạc vàng” có tìm lại được thời kỳ vàng son hay chỉ là mốt? Câu trả lời có lẽ phải chờ thời gian. Tuy nhiên, không thể phủ nhận là dòng nhạc “sến” với những ca khúc mang giai điệu đẹp, ca từ gần gũi, khơi gợi xúc cảm rất dễ đi vào lòng người nghe. Ca sĩ Quang Dũng cũng cho biết có những bài bị cho là “sến” nhưng anh vẫn chọn hát lại như Thành phố mưa bay và vẫn được khán giả đón nhận. Quang Dũng cho rằng quan trọng là mình hát thế nào để lay động được cảm xúc khán giả vì nhiều bài hát dù bị cho là “sến” nhưng vẫn có chỗ đứng trong lòng khán giả suốt hàng chục năm qua.
Yến Anh
Nguồn: NLĐ
RE: Nhạc “sến” tràn ra Bắc
Mình vẫn nghĩ rằng nhạc “sến” là một loại nhạc tình cảm rất ngọt ngào, bình dị, và dễ hiểu nên dễ đi vào lòng người.
So với những loại nhạc khác, loại nhạc này có một lượng khán thính giả vô cùng đông đảo. Âm vực của loại nhạc lên xuống mềm mại, tỉ tê và lời nhạc bình dân như những lời tự sự tha thiết, không cầu kỳ, bóng bẩy nên đại đa số cảm thấy như nỗi lòng mình được ca sĩ tâm tình dùm, nồng nàn hơn, mặn mà hơn và ngọt như mật. Mình nghĩ thế!
Mình cũng hay suy nghĩ đến điều này và có những so sánh như thế này không biết có qúa khập khiểng không? Những khi mình nghe Country music của Mỹ, mình hay liên tưởng tới nhạc “sến” của mình, mặc dù điệu nhạc chẳng giống nhau nhưng cảm nhận của mình có giống nhau khi nhận ra là “âm nhạc đồng quê” của Mỹ cũng là một loại kể lể… Loại nhạc này cũng bị xem như nhạc sến nhưng nó phổ biến rộng rãi, rất nhiều khán thính giả. Hình như mình không lầm là năm nào nó cũng được bán nhiều đĩa nhất.
Vài ý nghĩ chia xẻ cùng các bạn, mong các bạn cùng bàn luận với nhau cho vui. KT
RE: Nhạc “sến” tràn ra Bắc
Theo bài này, dường như tác giả cho rằng “nhạc sến” là “nhạc vàng”, đọc thấy hơi bế tắc!
Theo BT tui hiểu thì “[i]nhạc sến[/i]” là nhạc sến (hay hay không hay là tùy lỗ tai), còn “[i]nhạc vàng[/i]” là nhạc tình cảm ở miền nam trước 4/75 mà sau 4/75 thì bị cấm. Và cho tới ngày này nhiều baì vẫn chưa được chính thức cho nghe lại.
Bạn Nguyễn Hoàng có bài về nhạc sến:
[url]http://amnhac.fm/index.php/blog/nguyen-hoang/3320-nhac-sen[/url]
RE: Nhạc “sến” tràn ra Bắc
Cảm ơn bạn Bế tắc. Mình đã đọc bài viết của bạn Hoàng. Vậy thì để phân biệt cũng đâu phải dễ dàng. Nó là một đường ranh mỏng manh như sợi tóc.
Theo như bạn Hoàng đặt vấn đề, thì mình có thể nào lý luận như thế này đượ không, có vẻ máy móc nhưng lý luận cho vui nghen:
[i]Nhạc sến là Bolero nhưng Bolero không phải là sến [/i] 😀
Mình không thích loại nhạc này nhưng thật tình mà nói có vài bài mình nghe cũng mũi lòng và rưng rưng, cũng có khi nghêu ngao suốt ngày đó chớ! Như bài “ngày xửa ngày xưa, đôi ta chung nón, đôi ta chung đường…..” Không biết loại này là loại nhạc gì?KT