Nhạc tình Vũ Thành An là một kết hợp của âm điệu nhẹ nhàng, lã lướt với lời hát như quyện vào tâm hồn người nghe . Những diễn tả đau thương, trách cứ, giận hờn theo từng cung bậc ập vào tâm khảm đến rã rời, đến ray rứt . Ai chẳng từng yêu, chẳng từng xót xa, lo âu ? Thế nên cuối thập niên 60, tới đầu thập niên 70, một chuỗi sáng tác của Vũ Thành An, với “Tình Khúc Thứ Nhất”, “Em Đến Thăm Anh Đêm Ba Mươi”, các bài “Không Tên” được quần chúng đón nhận nồng nàn và nghiễm nhiên trở thành những bản “Nhạc Tình Vũ Thành An”, một dấu ấn lãng mạn của thời Nhạc Vàng!
Đang lúc thăng hoa, đột ngột thời thế đổi thay . Cùng với số phận miền Nam, người Nhạc Sĩ chỉ viết Nhạc Tình bỗng dưng phải chịu một thời hoa niên trong tù đầy . Trong thời gian này Nhạc Sĩ VTA có sáng tác không? Khi qua được bến bờ tự Do, thì ông đã trả lời câu hỏi này qua nhiều bản nhạc Tình mới, và một loạt nhạc “Nhân Bản Ca”. Nhạc của VTA mang dáng dấp mới. “Bài không tên cuối cùng tiếp nối” là một chấp nhận. “Đời Đá Vàng” là một cái nhìn triết lý . “Tình Xưa Gái Huế” nghe nhẹ nhàng không phải là những ray rứt, trách cứ như ngày nào . Giới thưởng ngoạn đang trong thời kỳ hấp thụ dòng nhạc mới này của VTA, thì bỗng dưng Vũ Thành An tuyên bố ông không sáng tác Nhạc Tình nữa, mà chuyển hướng qua con đường sáng tác Nhạc Thánh Ca . Thật là một bất ngờ, đối với một số giới ái mộ, có thể là mốt thất vọng xen lẫn với những bàng hoàng tiếc nuối . Phải chăng sự đổi thay này xuất phát từ mười năm giam hãm tù đầy ? Chắc hẳn mười năm là một thời gian dài, với rất nhiều thời giờ để suy tư ! Thế nhưng thắc mắc hay chấp nhận sự đổi thay này, chúng ta hãy cùng nghe lời tâm sự của chính Nhạc Sĩ, qua buổi phỏng vấn mà ông đã ưu ái dành cho Hồn Quê.
Phỏng vấn Nhạc Sĩ Vũ Thành An là một hân hạnh, nhưng thú thật cũng khớp, vì không biết phải đặt những câu hỏi nào để thích hợp với một người đã tuyên bố gác kiếm qua một bên (gần như thế) . Nhưng khi đối mặt Nhạc Sĩ thì tôi thở phào nhẹ nhõm . Nhạc Sĩ ăn nói nhẹ nhàng, anh có vẻ trẻ hơn trong hình, mắt sáng, và miệng hình như khi nào cũng hơi cười mỉm .
Trần Viết Minh-Thanh (TVMT): Nhạc sĩ học nhạc từ lúc nào, với ai?
Vũ Thành An ( VTA): Tôi học nhạc từ hồi còn rất nhỏ. Một trong những thầy dạy tôi ở trung học là nhạc sĩ Chung Quân, tác giả bài Làng Tôi.
TVMT: Nhạc sĩ đã dùng nhạc cụ nào để xử dụng trong khi sáng tác? Qua thời gian có thay đổi cách sáng tác không? Tỉ dụ như xưa dùng guitar, bây giờ Thánh Ca thì dùng đàn dây, piano?
VTA: Tôi thường dùng guitar
TVMT: Sáng tác ca khúc đầu tiên năm 1959 bị thầy là Nhạc Sĩ Chung Quân chê. Ca khúc có được phổ biến không?
VTA: Đã lâu lắm rồi tôi không nhớ rõ là bài gì. Tôi muốn nhắc lại sự kiện này là để nói với các bạn trẻ là đừng nản chí với những lời chê khen, hãy cố gắng, thể nào cũng thành công.
TVMT: Theo lời Nhạc Sĩ, Nhạc Sĩ sáng tác bài “Không Tên Cuối Cùng”, năm 1965, nghĩa là lúc Nhạc Sĩ được 22 tuổi, khi bị chấn động tinh thần mạnh vì cuộc tình gẫy đổ. Vậy Nhạc Sĩ sáng tác bài “Không Tên Cuối Cùng Tiếp Nối năm nào ? Nhạc Sĩ có thể cho biết lý do tại sao Nhạc Sĩ lại sáng tác bài KTCCTN hay không ?
VTA: Tôi viết lời thứ hai cho Bài Không Tên Cuối Cùng cũng như Những Bài Không tên khác vào năm 1991. Những năm tháng bị giam cấm ( 1975-1985 ) tôi đã tiếc là đã viết những lời không nên viết, đặc biệt nhất là Bài Không Tên cuối cùng. ( Mưa bên chồng có làm em khóc, có làm em nhớ những khi mình mặn nồng ?) Chắc chắn là những lời này được hát đi hát lại nhiều lần ở khắp nơi đã ảnh hưởng tới người bạn cũ của tôi. Tôi nghĩ là sẽ không bao giờ có cơ hội nói lại những điều mình không nên nói ấy. Năm 1991 khi được ra Hải Ngoại tôi đã thực hiện ngay ý định của mình.
TVMT: Không Tên Cuối Cùng”, năm 1965, Cuối Cùng, là hết, có nghĩa là lúc đó N.S. không tính sáng tác bài “Không Tên” nào nữa ? Vậy sao N.S. lại cho ra các bài KhôngTên sau ?
VTA: Không Tên cuối cùng là kỷ niệm cuối cùng của một cuộc tình. Ngoài mối tình ấy tôi cũng có những mối liên hệ khác.
TVMT: Tại sao lại Không Tên, với lời nhạc phong phú chắc chắn N.S. VTA có tựa để đặt cho bản nhạc, mà lại đặt là Không Tên?
VTA: Tôi muốn tạo sự chú ý của thính giả.và cũng muốn dấu tên những người bạn liên quan đến những bài hát ấy.
TVMT: Được biết Nhạc Sĩ lập gia đình lần đầu tiên năm 1969, Nhạc sĩ có bài hát nào ca tụng tình yêu thăng hoa, vui vẻ vào thời điểm này không?
VTA: Tôi có làm bài Không Tên Số 5 cho người vợ đầu tiên.
TVMT: Những bản Tình Ca cuối cùng của Nhạc Sĩ VTA, (Bài Không Tên Cuối Cùng Tiếp Nối, Bài Không Tên Số 12, Bài Không Tên Số 50, Hồn Lạnh Nắng Phai, Tình Xưa Gái Huế) những bài này được sáng tác vào thời điểm nào?
VTA: Bài Không Tên đầu tiên được sáng tác trước 1975. Những bài sau đó được viết sau 1985
TVMT: Bài Không Tên số 12 – Hình như bản hát mang Niềm Hy Vọng, anh có thể cho biết thêm về bản nhạc được không?
“Cõi trên đã nhìn xuống ta mỉm cười …
Lồng lộng chiều tung mái tóc
Sâu thẳm hồn em đã khóc
Mong cầu rồi ra có ngày mãi xum vầy.
VTA: Bài này tôi sáng tác sau năm 1985, lúc ấy tôi đã gặp được người bạn cho tôi lại niềm vui sau bao nhiêu năm đau khổ.
TVMT: Thưa Nhac sĩ bài “Đời Đá vàng ” .. trong đó có nhắc đến ” tình yêu ” nhưng là một thứ tình yêu đã vượt qua khỏi tình lứa đôi nên theo nhạc sĩ nên xếp bài này như là một trong các bài trong Nhân bản ca hay không?
VTA: Bài Đời Đá Vàng là bài Không Tên 40. Những câu sau cùng được viết sau này ( 1994-2000) cho nên mang nhiều chất Tình Người hơn. Dù sao bài hát cũng đã được đăt tên rồi.
TVMT: Nhạc Sĩ có bao nhiêu bài Nhân Bản Ca hết thảy ? Làm trong tù, làm sao N.S. nhớ hết được?
VTA: Cho tới bây giờ tôi có tất cả khoảng 60 bài Nhân Bản. Rất tiếc tôi chưa có dịp phổ biến hết đến thính giả. Hiện tôi đã đưa những bài này lên net ở vuthanhan.com. Qủa thật có nhiều bản tôi đã làm và quên mất.
TVMT: Tại sao chia ra là Nhân Bản ca ? Tình Người, cứ gọi là Tình Ca, thì có thể bản nhạc được phổ biến hơn không ?
VTA: Nhân bản Ca để nói về Tình Yêu rộng và lớn hơn tình yêu đôi lứa. Tôi nghĩ một bài hát được phổ biến rộng rãi là do nội dung bài hát và lúc đầu phải quảng cáo thật mạnh.
TVMT: Trong thời gian cải tạo có bao giờ N.S. mất niềm hy vọng không ? Khi nào thì biết được gẫy đổ của gia đình, trong khi còn đang trong lao tù, cải tạo?
VTA: Không bao giờ tôi mất hẳn niềm hy vọng cho dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Mầm mống sự gẫy đổ của gia đình tôi đã có trước năm 1975.
TVMT: VTA đã sống thế nào khi ra khỏi tù?
VTA: Tôi đi kèm trẻ tại tư gia
TVMT: 1987 lập lại gia đình Gặp người bạn đời hiện tại trong trường hợp nào ?
VTA: Tôi gặp vợ tôi hiện nay khi tôi đi dạy học. Mấy người con của bà là học trò của tôi.
TVMT: Mấy năm sau N.S. VTA có nói sẽ không sáng tác nhạc tình ca nữa, tại sao thỉnh thoảng lại thấy 1 bản nhạc tình của anh VTA mới sáng tác, thí dụ bản “Hạt Sầu thơ Trường Đinh, N.S. VTA phổ nhạc thành bản tình ca tháng 10 năm 2001
VTA: Nôi dung bài Hạt Sầu không phải là tình ca đôi lứa. Có những bài tình ca đã và có thể sau này được phổ biến là những bài tôi đã sáng tác rất lâu. Chẳng hạn bài Đời Đá Vàng đã có từ năm 1974.
TVMT: Không sáng tác Tình Ca nữa, nhưng N.S. còn thưởng thức nhạc tình nữa không?
VTA: Có chứ, nếu là nhạc hay. Tôi chỉ không còn lụy vì tình trai gái nữa mà thôi.
TVMT: Nhạc Sĩ có cảm tưởng thế nào khi tình cờ nghe Nhạc Tình của mình còn được rất nhiều ca sĩ hát trên đài ?
VTA: Tôi vui vì những gì mình viết ra còn được nhắc đến.
TVMT: Dù N.S. đã cho “Tình Ca” lui vào quá khứ, nhưng nếu một người ái mộ N.S. đã lâu, có dịp đối diện với N.S. và trình bày với N.S. như sau:
“Trước sau tôi vẫn coi Vũ Thành An là N.S. đi rao giảng tình yêu và từ khi N.S. chuyển hướng, tôi coi như là N.S. VTA đã … ” không còn ” , xin lỗi đã khuấy động đến con đường N.S. đã chọn hiện nay ” thì nhạc sĩ sẽ nghĩ sao ?
VTA: Mọi sự biến đổi theo thời gian. Chúng ta ngày hôm nay không giống như chúng ta ngày hôm qua. Vũ Thành An của những Bài Không Tên chắc chắn đã thay đổi sau 40 năm trải qua nhiều biến động. Ngày xưa tôi chỉ biết yêu và đau khổ cho một người, nay tôi học để yêu và hy sinh cho Thiên Chúa và cho anh em .Tôi chắc chắn rằng mỗi lúc tôi một gần ngày trở về quê Trời. Tôi vẫn đang cầu xin cho mọi người và cho mình trong những ngày tháng còn lại.
TVMT: Minh-Thanh nhận thấy kỳ nhạc sĩ ra Thánh ca này, không một ca sĩ nào trình bày bản Nhạc Tình nào của Nhạc Sĩ, có phải họ tự động tránh trình bày vì sự có mặt của Nhạc Sĩ trong khán đài, hay Nhạc sĩ yêu cầu họ .
VTA: Buổi ra mắt Thánh Vịnh Đáp Ca không phải là một buổi trình diễn. Đây là buổi giới thiệu tácphẩm của tôi với các Ca Đoàn vì tôi biết họ rất cần loại nhạc này.
TVMT: Nếu có sự hiện diện của Vũ Thành An, mà có người nào hát Nhạc Tình của Nhạc Sĩ thì Nhạc Sĩ nghĩ sao ?
VTA: Đó là một điều tôi rất hân hạnh
Đây là phần câu hỏi về Thánh Ca
Một sáng Chủ Nhật trời mây bàng bạc, Tiểu SaiGòn chào đón Nhạc sĩ Vũ Thành Anh tại Trung Tâm Công Giáo, qua buổi ra mắt tập Thánh Ca đầu tiên của ông, tựa là : “Con Nâng Tâm Hồn Lên Tới Chúa'”. Tập Thánh Ca này lấy lời từ Thánh Vịnh ra, (Thiên Chúa Giáo), còn được gọi là Thi Thiên (thơ của Trời, theo Tin Lành). Nhạc Sĩ Vũ Thành An đã trình bày một vài bản Thánh Ca từ tập Thánh Ca này. Giọng của Nhạc Sĩ VTA rất tốt, khoẻ, khuôn mặt rạng rỡ, hạnh phúc . Nhạc Sĩ được sự đón tiếp nồng hậu của Hội trường gồm nhiều đoàn thể Thánh Ca trong vùng quận Cam.
TVMT: Về Thánh Ca, Nhạc Sĩ cho biết đã mất 8 năm để hoàn thành tập Thánh Ca đầu tiên này . Vây từ ngày đầu tiên đến đất Mỹ Nhạc Sĩ đã bắt đầu sáng tác Thánh Ca rồi hay Nhạc Sĩ đã sáng tác bên Việt Nam ?
VTA: Thực ra tôi đã soạn Thánh Vịnh số 1 ngay từ năm 1981 khi tôi bắt đầu có Đức Tin. Tôi muốn dùng khả năng Chúa cho để phục vụ Người. Rất tiếc là lúc đó tôi không có được bản dịch tốt nên tôi ngưng lại. Mãi tới năm 1994, tôi tham gia Ca Đoàn tại Portland nên có môi trường để soạn tiếp.
TVMT: Nhạc Sĩ sáng tác Thánh Ca thế nào, viết nhạc trước hay đọc Thánh Vịnh và cảm tác ra giòng nhạc đi đôi với những gì mình thâu nhận được từ Thánh Vịnh?
VTA: Tôi soạn Thanh Vịnh theo bản dịch của Giáo Hội. Ngoài những bài phóng tác ( được phát hành kỳ này ) tôi còn soạn những bài hầu như nguyên văn bản dịch. Tôi hy vọng rằng vài năm nữa tôi sẽ hoàn tất soạn Thánh Vịnh Đáp Ca theo đúng nguyên văn sách Phụng Vụ của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.
TVMT: Có hy vọng Thánh Ca đuoc hát cho cong đồng khác ngoài VN như ngoại quốc, vậy có chuyển lời như tiếng Mỹ Pháp ngoài tiếng VN?
Số lượng Nhạc Thánh Ca trong Nhà Thờ tiếng Việt có là số lượng lớn không ? Nhạc Sĩ có thấy sự khó khăn khi phổ Biến nhạc Thánh Ca do mình sáng tác, để thay những bản Thánh Ca đang được hát trong các buổi lễ trong các Nhà Thờ hiện nay chăng ?
VTA: Nhạc Việt vừa tình ca vừa thánh ca rất khó được phổ biến trong Cộng đồng người ngoại quốc.
Số lượng các bài Thánh Ca và Thánh Vịnh của Giáo HộiCông Giáo Việt Nam thật nhiều và thật phong phú. Tôi hy vọng có thể đóng góp một phần rất nhỏ bé trong việc tôn vinh Thiên Chúa bằng lời ca tiếng hát.
TVMT: Sáng tác Thánh Ca có dễ dàng hơn sáng tác Tình Ca không?
VTA: Tình ca được soạn theo cảm hứng. Thánh Vịnh, Thánh Ca cần phải soạn đúng theo Thần Học và Tín Lý.
TVMT: Còn biết bao nhiêu người yêu dòng Nhạc Tình của Vũ Thành An, thính giả có hy vọng gì được nghe một bản nhạc Tình mới của Vũ Thành An không ?
VTA: Còn rất nhiều bản Tình Ca của Vũ Thành An thính giả chưa nghe hát bao giờ. Những bài này được in trong Vũ Thành An Tình Khúc toàn tập.
TVMT: Kết Luận – Xin có đôi lời tả Vũ Thành An ngày hôm nay và Tương Lai
VTA: Vũ Thành An trước khi có Đức Tin là một người chưa thấy ý nghiã của cuộc sống. Aùnh sáng đã rọi soi cho Vũ Thành An con đường để đi trong những năm tháng còn lại. Chắc là VTA còn sống trên đờøi này chẳng được bao năm nữa, vì vậy trong từng ngày VTA cầu nguyện cho mọi người và cố gắng chuẩn bị hành trang tốt cho mình để trở về cuộc sống đời sau.
Trần Viết Minh Thanh thực hiện
Nguồn: Hồn Quê
bình luận
” Ngày xưa tôi chỉ biết yêu và đau khổ cho một người, nay tôi học để yêu và hy sinh cho Thiên Chúa và cho anh em .Tôi chắc chắn rằng mỗi lúc tôi một gần ngày trở về quê Trời. Tôi vẫn đang cầu xin cho mọi người và cho mình trong những ngày tháng còn lại.”,..
ý nghĩa cuộc đời là đây!