Dòng nhạc hòa tấu Raymond Lefèvre: có còn mãi với thời gian?

Trong bài viết ngắn này, người viết hy vọng nếu bạn đọc đã nghe qua nhạc hòa tấu của Raymond Lefèvre (viết tắt: RL) thì sẽ cùng nhớ lại một nhạc sư hòa âm lỗi lạc, nếu chưa nghe qua thì xin mời tìm hiểu và nghe thử vài chục nhạc phẩm xuất sắc nhất của ông.

Tiểu sử

Theo sách “Les Arrangeurs de la Chanson Française » của ông Serge Elhaik, xuất bản năm 2018, thì nhạc sư Raymond Lefèvre sinh ngày 20 tháng 11 năm 1929, gần một thế kỷ trước. Sanh trưởng trong một gia đình tuy không phải trung lưu nhưng rất hâm mộ nhạc. Cha ông biết chơi clarinet, dương cầm và cello. RL theo học sáo và piano từ thủa bé, ông đoạt giải nhất cả hai loại nhạc khí này ở địa phương ông (Calais) cũng như giải nhất về lý thuyết nhạc. Nhận thấy Calais không đủ phương tiện để học lên, ông xin cha mẹ lên Paris học năm 1946, khi chỉ mới 16 tuổi. Ông thi đậu trường “Conservatoire National Supérieur de Music” ở Paris sau đó.

Biết cha mẹ không đủ tiền để nuôi mình ăn học, tháng thứ hai ông bắt đầu đi xin chơi dương cầm cho các ban nhạc khiêu vũ và hòa tấu ở Paris. Ông dần dần thích chơi loại nhạc phổ thông và nhạc Jazz, đến năm 1949 trở thành dương cầm thủ và người viết hòa âm cho ban nhạc Hubert Rostaings, rồi vài năm sau trở thành dương cầm thủ cho ban nhạc Bernard Hilda, khi đó điều khiển ban nhạc phòng trà nổi tiếng nhất Paris. Ông cũng theo Bernard Hilda chơi nhạc khắp nước Ý, Tây Ban Nha, Monte Carlo, và cả Hoa Kỳ.

Khoảng giữa thập niên 1950 là khi RL gặp gỡ Franck Pourcel, một nhạc sư có ban nhạc đại hòa tấu đã thành danh và ghi âm đĩa hát với hãng Pathé–Marconi, ông được Franck nhờ viết hòa tấu giúp cho một số bản nhạc cũng như chơi dương cầm cho ban nhạc. Thông qua Franck, RL được giới thiệu với Paul Mauriat, khởi đầu cho một tình bạn khắng khít giữa ba người.

Năm 1956 cũng là lúc RL quyết định thành lập ban nhạc riêng của mình với danh xưng «Raymond Lefèvre et son grand orchestre». Ông cũng ký giao kèo làm nhạc trưởng cho hãng Barclay, chịu trách nhiệm viết hòa tấu cho những ca sĩ mới, mà người đầu tiên không ai khác hơn là danh ca khả ái Dalida, với nhiều nhạc phẩm nổi tiếng như  « Bambino », « Love in Portofino », « O Sole Mio », « La Chanson d’Orphée », v.v. Ngoài ra, ông còn là nhạc trưởng kiêm người soạn hòa tấu cho các chương trình TV những năm cuối thập niên 1950 cho tới đầu những năm 1970 như «Musicorama », « Palmarès des Chansons », « Cadet Rousselle ». Chưa hết, ông còn là người viết nhạc phim cho bộ 6 quyển « Les Gendarmes de Saint-Tropez », với vai diễn chính là tài tử hề Louis de Funès, và một số phim sau đó.

Chỉ tới năm 1972, khi đã nổi tiếng khắp thế giới và nhất là ở Nhật bản với bài « La Reine de Saba », được họ mời lưu diễn khắp nước Nhật trong nhiều năm liền, ông mới hãm sức làm việc kinh hồn của ông, rồi tập trung vào việc soạn nhạc cho ban nhạc đại hòa tấu mang tên ông. Thập niên 1970 và 1980 tiếp tục chứng kiến những thành tựu về hòa âm phối khí với những đĩa nhạc của ông về nhạc Pháp, Mỹ, Anh, Ý Đại Lợi, làm mới nhạc cổ điển với những đĩa nhạc như « Soul Symphonies 1, 2, 3 & 4 », « Back to Bach », v.v. Những bản hòa tấu hay nhất của ông đã là bạn đồng hành của không ít giới nghe nhạc, từ giữa thập niên 1950 cho đến ngày hôm nay và còn mãi trong tương lai …

Hình 1 – Những đĩa nhạc chính thức của Raymond Lefèvre – Nguồn : trang https://www.grandorchestras.com/lefevre

Sang thập kỷ 90, ông viết ít hẳn đi, rồi bắt đầu soạn chung vài CD với con trai thứ là Jean-Michel Lefèvre. Đầu thập niên 2000, ông để con ông tiếp tục lưu diễn vài lần ở Nhật. Ông tạ thế ngày 27 tháng 8 năm 2008, thọ 78 tuổi.

Vừa rồi là tiểu sử rút ngắn của ông Raymond Lefèvre, mà rất ít người ngoại quốc như chúng ta biết tới. Chỉ sau khi tác giả Serge Elhaik cho ra đời quyển sách “Les Arrangeurs de la Chanson Française » dày 2158 trang với trên hai trăm cuộc phỏng vấn ( !), người thưởng ngoạn âm nhạc quốc tế mới có dịp biết đến tiểu sử cùng quá trình sáng tác của các « đại gia » hòa âm của dòng nhạc Pháp như Franck Pourcel, RL, Caravelli, Vladimir Cosma, Gérard Gambus, Christian Gaubert và Jean Musy (làm hòa tấu cho nhạc Francis Lai), André Popp, v.v.

Ngược dòng lịch sử qua những bản hòa tấu của Raymond Lefèvre

Khi đi ngược lại để tìm hiểu những bản nhạc thời 1960 đến đầu thập niên 1990, người nghe tìm lại được những viên ngọc của một thời hoàng kim của nhạc phổ thông, với một phong cách hòa tấu rất sang cả của RL. Không chỉ tìm thấy những bản nhạc Anh Mỹ như của ban The Beatles, chúng ta còn được nghe những bản nhạc Pháp, Ý, và những bản nhạc cổ điển được trẻ trung hóa với guitar điện, bass và trống. Tiêu biểu là những bài Anh và Mỹ như “Strangers in the Night”, “A Whiter Shade of Pale”, “The World We Know”, “Raindrops Keep Fallin’ on my Head”, “Bridge Over Troubled Water”, “We Shall Dance”, “Let Me Try Again”, v.v. Chúng ta cũng thấy RL rất ưu ái đến dòng nhạc Pháp, gửi tới thính giả nhiều bài thật xuất sắc như : « La Boheme », « Un Homme et une Femme », « Love me, Please Love me », « Ame Caline (Soul Coaxing) », « La Reine de Saba », « 13 Jours en France », « Que Je t’aime », « La Musica », « Viens Viens », « Rien Qu’une Larme », và còn nhiều, nhiều nữa …

Sau khi RL không còn làm CD nào mới nữa, hãng Victor có làm một bộ năm đĩa theo chủ đề, đáng kể nhất là ba đĩa về nhạc Ý, Pháp (thể loại « classic chanson »), và nhạc Cổ điển được trẻ trung hóa (xem Hình 2).

– Nhạc Chanson Pháp: họ có một CD tuyển với tựa đề « Hymne a L’amour », với những « chansons » bất hủ như « Les Feuilles Mortes », « La Boheme », « La Mer », « La Vie En Rose », « L’important C’est La Rose », v.v.

– Nhạc Ý : một CD tuyển với tựa đề « Da Troppo Tempo” với bài trên và những bài cùng thời khác như « Io Che Non Vivo », « Un Grand Amore E Niente Piu », « Parole-Parole », v.v.

– Nhạc Cổ Điển phổ thông hóa với đĩa « Raymond Lefèvre Pop Classical » : « Le Canon de Pachebel », « Aria de Bach », « Concerto Pour Une Voix », v.v.

Phong cách hòa âm của Raymond Lefèvre

Nếu có thể so sánh một cách toàn thể giữa hai lối hòa âm của Paul Mauriat (PM) và RL, thì nhạc hòa tấu của PM có một vẻ chính xác như toán học, giống như nhạc của J.S. Bach, còn của Raymond Lefèvre thì có thể ví như một trường phái kiến trúc nào đó, nó làm chúng ta « an cư, lạc nghiệp » trong kiến trúc đó, từ ngày này qua ngày khác. Nhạc của Raymond không có dáng vẻ thông minh nổi trội, « genius » như W.A. Mozart, mà tôi thấy nhạc của ông có sắc thái như L.V. Beethoven, tinh tế, đi sâu vào nội tâm hơn nhạc của hai tổ sư trên (Bach và Mozart).

Sau khi nghe nhiều những youtube và mp3 rải rác của những bài mà tôi không có dĩa, cộng với những bài của 10 CDs mà tôi mua được gần 30 năm trước trong lần đầu tiên thăm Paris, có trên dưới 40 bài mà tôi rất ưng ý, là đặc trưng nhất cho dòng nhạc như sau :

Hình 2 – Hình bìa một số CD tuyển do Nhật sản xuất – Nguồn : tài liệu riêng.

– Nhạc Pháp đương đại: Après Toi, Sans Toi Je Suis Seul, Je T’aime – Moi Non Plus, Chez Laurette, Il Neige Sur Yesterday, Eux, La Reine De Saba, Emmanuelle, Goodbye Marylou, Belle Ile En Mer, La Maison Est En Ruine, Concerto Pour Une Voix, 13 Jours En France, Viens Viens, Un Jour Un Enfant, Que Je T’aime, Deux Amis Pour Un Amour, Mourir D’aimer, Une simple mélodie.

– Nhạc Ý : Io Che Non Vivo, Da Troppo Tempo, Un Grand Amore E Niente Piu, Paroles-Paroles, Storie Di Tutti I Giorni, Donna Con Te, Le Colline Sono In Fiore, Qui Saura.

– Nhạc Âu Mỹ: Let Me Try Again, Yesterday Once More, Little Girl, Save Your Kisses For Me, A Whiter Shade Of Pale, We Shall Dance, Hotel California.

– Nhạc Cổ Điển phổ thông hóa: Adagio De La Sonate Pathetique De Beethoven, Adagio Du Concerto En Do Mineur De Marcello, Aria De Bach, Le Canon De Pachelbel.

Những bài vừa rồi theo thiển nghĩ là xuất sắc nhất, dĩ nhiên còn có nhiều bài khác về nhạc Pháp “chansons” cũng hay nhưng tôi không thích giai điệu bằng các bài trên,

Đặc điểm chung của những bài hòa âm này là chúng đều có ít nhất hai hay ba giai điệu: giai điệu chính của bài, và một hay nhiều giai điệu phụ, xen kẽ giai điệu chính để làm tôn nó lên, hay tạo một dung hòa làm cho bài nhạc rất thăng bằng, người nghe cảm thấy thoải mái, dễ chịu, không có cảm giác bất an. Các giai điệu phụ này có lớp lang, cấu trúc hẳn hoi, không tùy hứng. Ông Raymond có cách điền đầy những chỗ nghỉ giữa các câu nhạc rất khoa học, không khi nào tôi thấy bài nhạc lỏng lẻo, lúc nào cũng có khi thì cái này, khi cái kia, phụ họa lẫn nhau. Tôi để bạn tự khám phá cách RL hòa tấu các bài trên, vì con chữ không thể chuyển tải được những đắc ý, sảng khoái khi nghe nhạc RL.

Dòng nhạc Raymond Lefèvre: có còn mãi với thời gian?

Theo nhận xét riêng tôi, người Nhật đã mua đứt được bản quyền phát hành toàn bộ các LP và CD mà RL làm. Họ từ từ khai thác, trước tiên cho dân của họ, với những đĩa nhạc tuyển « compilations », « the best of », « deluxe », mà tên bài hát phải là tiếng Nhật trước, rồi mới là tên bài nhạc gốc, như Hình 3 sau đây. Khi mua những đĩa sản xuất ở Nhật như tôi vừa kể trên, nếu muốn thấy tên bài hiện lên trên iPhone, tôi phải thay vào những chữ Nhật bằng tên bài gốc, rất mất thì giờ.

Hình 3 – Nội dung của những CD đều viết chữ Nhật trước – Nguồn : tài liệu riêng.

Lúc sinh tiền, khi được Serge Elhaik hỏi là có khi nào ban nhạc đại hòa tấu của ông Raymond trình diễn tại các hí viện lớn không, thì Raymond trả lời là “Chưa bao giờ!” Ông nói thêm rằng Paul Mauriat cũng cùng chung số phận, là nhạc của hai ông và các “đại gia” khác như Franck Pourcel, Caravelli chỉ được thính giả quốc tế ưa chuộng, còn dân nước Pháp thì thờ ơ! Thật đáng tiếc!

Sau khi đã thấy một người sành nhạc người Pháp – ông Stéphane Lerouge – rất có ảnh hưởng trong việc thu gom tài sản những bậc tài danh xưa để làm thành những Collections như Ennio Morricone 1 & 2, rồi Michel Legrand, rồi Francis Lai, tôi nhiều khi tự hỏi sao ông Stéphane không ra tay làm một collection của Raymond Lefèvre để bán cho người thích sưu tầm nhạc quốc tế? Tại sao lại để một kho tàng âm nhạc của một nhạc sư Pháp lọt vào tay người Nhật để rồi chính dân Pháp và quốc tế chịu thiệt thòi. Nhật đã ngưng sản xuất các đĩa Raymond Lefèvre từ hơn 15 năm nay, nếu có bán lại thì cũng chỉ trên thị trường của nước họ.

Đúng mười năm về trước (2014), khi tôi kết thúc bài viết thứ ba về nhạc hòa tấu Paul Mauriat, tôi vẫn tiếc mình nghe nhạc hòa tấu Raymond Lefèvre cũng nhiều như nhạc PM, mà chẳng viết được tới một bài cho ông. Năm nay, nhân dịp nghỉ lễ hàng năm, tôi “hạ quyết tâm” viết xuống một bài về RL, cùng tâm tình về nỗi khổ tâm không sưu tầm được những đĩa theo thứ tự như hình 1 đầu bài. Bài viết cũng tương đối vừa đủ, xin hẹn gặp bạn trong kỳ tản mạn về âm nhạc tới.

Thân ái chào bạn,

Học Trò

12/25/2024

 

Tài liệu tham khảo

  1. Les Arrangeurs de la Chanson Française » – Serge Elhaik. Textuel xuất bản 2018
  2. Trang mạng chủ đề Raymond Lefèvre: https://www.grandorchestras.com/lefevre
  3. Trang Raymond Lefèvre Discography của Victor Entertainment (bằng tiếng Nhật). Các CD chỉ được phát hành 1 lần, đa số là năm 2009, và chỉ bán ở Nhật, nay đã tuyệt bản. Nếu có bán CD cũ trên Ebay thì trung bình khoảng 90 USD một đĩa.
    https://www.jvcmusic.co.jp/-/Discographylist/A002476.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây