Theo Hoàng Thi Thơ, đi tìm lại đường xưa lối cũ

Cao Vị Khanh
2/9/2024

Thử thêm một lần, nghe lại bài hát ĐƯỜNG XƯA LỐI CŨ của HOÀNG THI THƠ với cảm nghĩ của một kẻ chẳng biết nhạc lý là gì…

Là Rê Fa Lá Sí Sí La La Sí Fa Rê Là

Đường xưa lối cũ có bóng tre, bóng tre che thôn nghèo.
Đường xưa lối cũ có ánh trăng, ánh trăng soi đường đi.

Trong suốt những dặm hành của đoạn trường lưu lạc, người nghệ sĩ sáng tạo rong ruổi trời trăng mây nước đâu không biết nhưng rồi sẽ có lúc quay về một góc nhìn quen thuộc, quen thuộc tới nỗi đã có lúc không thấy ra được một nét gì đặc sắc, gợi tình… để phát hứng mà vẽ vời, viết lách hay bắt nhịp tình tang… Một góc phố người ta tới lui đến chán chê… Một xóm quê người ta đi về tới mê mệt. Một bến nước đã qua lại đến phát rầu… Một quê hương mà người đi xa gọi là cố quận.

Vậy đó… Sẽ có một lúc nào đó, bỗng dưng người ta không nhìn trần gian qua cặp mắt trần tục. Sẽ có lúc người ta nhìn lại bằng một tấm lòng. Khoảng thời khắc đó, thường ở giữa chừng một đoạn đường lữ thứ, khi bất ngờ bỗng thấy hụt hẫng, bỗng thấy trơ trọi ngay khi đang ở giữa chốn phồn hoa. Thời khắc đó, người ta làm thơ hoài tình, người ta viết nhạc hoài cảm…

Đường xưa lối cũ có bóng tre, bóng tre che thôn nghèo.
Đường xưa lối cũ có ánh trăng, ánh trăng soi đường đi.

Bài hát đó bắt đầu với hình ảnh bóng tre. Ối mấy cái bụi tre nhìn đâu cũng có. Và sau đó là ánh trăng. Ối ánh trăng như một thứ đèn đêm khi lấp ló khi lồ lộ, đông tây nam bắc gì cũng có, lạ gì đâu mà kể lể. Ngặt nỗi, lần này ông Hoàng gộp hai thứ đó lại cùng nơi cùng lúc nên mới sanh chuyện. Khi tre trăng hợp nhau cùng một chỗ, cùng một lúc bỗng dưng rồi làm xốn xang lòng mấy kẻ xa quê, nhất là thứ quê xa sao mà xa mù xa mịt. Hai hình ảnh quen thuộc với bất cứ một người Việt Nam nào sinh đẻ và lớn lên trên mảnh đất nghèo nàn và giàu tai ương đó. Nó gần gũi và quen thuộc đến độ gần như làm người ta quên bẵng sự hiện diện ngay cả khi lẩn quẩn kề bên. Người Việt Nam ai mà không có lần thấy qua những thân tre gầy guộc, cao vút với những chiếc lá xanh sẫm, thon thả… run lẩy bẩy mỗi lượt có cơn gió thổi qua, tạo ra thứ âm thanh mà người ta gọi là “xào xạc”. Hình ảnh những bụi tre già quắt queo, vặn vẹo uốn mình theo từng cơn gió lớn vẫn thường được biểu hiện cho sức sống tiềm tàng của một dân tộc vốn đã chịu quá nhiều tai ương khi nổi trôi theo suốt dòng bạc mệnh. Vậy mà vì quen mắt quá độ tới nỗi làm như người ta nhìn mà không thấy. Còn ánh trăng. Cái màu trăng huyễn hoặc của những đêm rằm rải xuống làng mạc im ngủ hay ngay cả những nẻo đường phố thị hẳn đã không ít lần giục hồn người bỏ quên thực tại mà xuôi về một cõi mộng mơ nào đó. Vậy đó mà vì là của không vốn nên lắm khi người ta xài thẳng tay mà chẳng chút dạ quan tâm. Nhất là cái đám đông lúc nhúc sống ở thành phố, với những ngọn đèn điện…

Vậy đó, rồi có lúc y như thầy tu đốn ngộ. Ờ bụi tre ! Ờ ánh trăng ! Những thực thể gần gũi biết bao nhiêu, quen thuộc biết bao nhiêu ở một nơi mình yêu dấu biết bao nhiêu vậy mà sao có lúc mình quên bẵng. Phải đợi tới lúc giựt mình thấy sao trống trải, nhìn ngó lại cái chỗ bỏ trống trong lòng rồi thấy lại… thấy lại như thấy lại một quê hương. Ông Hoàng Thi Thơ ổng nhắc đó. Cái bóng tre đó, cái bóng trăng đó là hình ảnh của một cố hương đã xa ngoài tầm với. Nhất là từ khi chia cách nhau vì hai thứ ý thức hệ nghịch chiều.

Theo Wikipedia, Hoàng Thi Thơ sinh quán ở Quảng Trị, trải qua một tuổi thiếu niên ở miền Trung rồi vừa tuổi thanh niên, vì thời cuộc, đã phải bỏ quê vô sống ở Sài Gòn cho tới khi sang Mỹ rồi mất ở xứ người. Kể ra không khác gì phần số của hằng triệu người Việt đã bỏ xứ ra đi, từ một ngày sau tháng tư đại nạn… Có khác chăng là ngay từ tuổi thanh niên, với một tâm hồn mẫn cảm, ông đã sống tâm trạng tha hương ngay trên một vùng đô thị trù phú miền Nam khi không còn thấy nơi chôn nhau cắt rún, vốn dĩ là một làng quê heo hút với khoảng cách hơn ngàn cây số.

Từ đó, ông sáng tác bản nhạc ĐƯỜNG XƯA LỐI CŨ để đến giờ này vẫn còn làm rung động đến xót xa những hồn lưu lạc…

Là nhạc sĩ, y như thi sĩ vốn thuộc hạng mơ mộng bậc nhất, vậy mà ông nắm bắt hồn người không thua gì mấy ông tâm lý gia. Vừa mới xúi người ta tìm về nơi chốn có đường xưa và lối cũ, ông đã dắt ngay tới chỗ mà hầu như ai cũng đã qua đó một lần. Quê ta thuở đó, ngoại trừ một ít chỗ nằm ngay trung tâm thành phố, còn lại dạt ra phía ngoại ô chút xíu là đã thấp thoáng mấy bụi tre già dẫu lắm khi xơ xác bụi đường. Còn nói gì tới những thôn ấp xa xôi, thôi thì rặt một màu tre xanh mướt. Mà hơn nữa, chẳng những thân thẳng đứng mà lả lả ngọn, tre còn là vật liệu chánh trong đời sống hằng ngày của người Việt ta, ngay từ hồi xưa hồi xửa… Từ đôi đũa ăn cơm đến tấm phên tre ngăn vách, từ cột kèo đến chiếc chõng đầu hiên, từ nhịp cầu lắt lẻo nối hai bờ con kinh xáng thổi đến biểu hiện cho niềm tin về một cuộc trùng phùng cho những đời đã quá đỗi bể dâu, như trong câu ca dao – chẻ tre bện sáo cho dầy/ngăn sông Mỹ Thuận có ngày gặp nhau. Kể hoài chắc cũng không hết. Thôi vậy.

Có điều, là người Việt, chắc không ai là không thấy mình liên hệ ít nhiều với những bụ̣̣̣i tre già đến thắc thỏm đó. Cũng như thứ ánh trăng thân thuộc đến nỗi có lần ai đó đã lên tiếng trách cô gái tát-nước-bên-đàng-sao lại múc-ánh-trăng- vàng-mà-đổ-đi. Thứ hình ảnh đẹp rất lặng lẽ đó được ông Hoàng Thi Thơ tế nhị nhắc lại đủ để kéo níu hồn người về nơi cố quận, ngay từ mấy nốt sol fa mở đầu. Tre với trăng. Chắc mẻm như hai với hai là bốn, tre với trăng hợp lại như gõ vào trái tim người nghe một tiếng chuông gọi dậy, làm bốc lên mớ hình xưa bóng cũ đã trùng lấp dưới mấy lớp bụ̣̣̣i thời gian. Ở đó, có cha mẹ già, có gia đình quyến thuộc, có cây da bến nước, có bụi tre lão, có góc phố Tàu với chiếc xe nước mía ngọt ngây, có con đường rợp bóng me mỗi bữa anh-theo-Ngọ-về, có ngôi trường làng xơ xác vẫn đủ sức in vào đầu óc trẻ thơ những vần i tờ cùng những lời giáo huấn rạch ròi đến khắc sâu vào tâm khảm…

Từ đó, cũng vẫn cùng những nốt nhạc nhưng có thăng giáng lên xuống chút đỉnh, bài hát chuyển sang phần cốt lõi. Nếu hình ảnh bụi tre, ánh trăng, con sông, tiếng tiêu được dùng để điểm xuyết cho cảnh quê thì những vật thể đó cũng chỉ là mối trung gian để đưa hồn người tới những nối kết vô hình… Vô hình mà chính là hồn tính của vật thể. Con đường xưa đó, ngõ lối cũ đó chỉ là con đường lối ngõ (dấu mốc) để nhắc nhở, để dắt đưa người đi trở về-bằng đôi chân hay bằng nỗi nhớ- tìm gặp lại những thân yêu. Cha mẹ, anh em, bà con chòm xóm…

Đường xưa lối cũ có em tôi tóc xanh bay mơ màng.
Đường chiều dịu nắng bóng em đi áo nâu in đường trăng.
Đường xưa lối cũ có mẹ tôi run run trong hôn hoàng.
Lòng già thương nhớ, nhớ đến tôi lom khom đi tìm con.

Nhạc êm như thủ thỉ mà hình ảnh đẹp và thật đến xao xuyến lòng người. Những lọn tóc bay mơ màng trên đường chiều dịu nắng cũng như màu áo nâu in đường trăng chẳng có gì là sắc sảo. Nhưng chính nét đẹp bình dị đó biểu hiện rõ ràng mối liên hệ ruột rà, giản dị mà keo sơn biết mấy giữa anh trai và em gái. Rồi tới hình ảnh cái dáng đi lom khom của bà mẹ già đi-tìm-con nữa là phải nói xoi thủng cả tâm can. Làm sao không rung động dẫu con tim người đi xa có lỡ làng chai đá. Có thứ tình nào mật ngọt hơn tình thương của người em gái dành cho anh trai của mình. Rồi còn tình thương nào biển rộng hơn tình thương của mẹ dành cho con. Thứ tình thương không đổi được bằng châu báu. Bốn câu nhạc và lời đơn giản mà thấm thía làm người nghe cũng mở lòng ra phơi phới để cùng chờ đón nỗi vui đoàn tụ. Bốn câu nhạc và lời phối ngẫu rất khít khao làm kẻ bàng quang cũng cảm theo được nỗi háo hức trước giờ sum hợp. Người nghe, nghe ra cả nhịp tim rộn ràng, nhịp thở rạo rực của nỗi hân hoan, cùng với nhịp chân thêm phần vội vã khi nghĩ rằng mỗi bước trở về là một bước đưa mình tới gần thêm một bước, thứ hạnh phúc thật nhất so với mọi thứ hạnh phúc giả tưởng mà cuộc đời này hay hứa hẹn.

Nhưng… Nhưng không !

Về tới nơi mà trước đây đã bỏ ra đi rồi mới biết. Mỗi bước trở về là một bước đi thụt lùi. Bởi vì khoảng cách giữa người đi xa và người ở lại đã từng lúc mỗi xa thêm. Vì người em gái mình thương yêu biết mấy đã rẽ ngoặt ra một hướng đời đổi khác. Và người mẹ, người đàn bà mình thương yêu nhất đời, người đã mang nặng đẻ đau, đã cho mình bú móm tới teo tóp bầu vú sữa, đã ầu ơ đến khuya lơ để dỗ cho mình giấc ngủ yên lành… Người mẹ đó đã ra đi bên kia cuộc đời. Mà nhất là không lời cuối cùng trước khi phân kỳ !!!

Thử tưởng đến…

Người mẹ mất mà chưa lần thấy lại mặt con!

Thử tưởng đến…

Đứa con mất mẹ mà chưa lần thấy lại mặt mẹ!

Y như một vở tuồng cải lương với đầy đủ kịch tính mà ai nấy đều biết trước hồi kết cuộc. Vậy mà vẫn ngồi xem cho tới hạ màn để rồi bật khóc theo sáu câu mùi mẫn.

Vâng, bài bản ĐƯỜNG XƯA LỐI CŨ có ý nghĩa cũ mèm như vậy. Nhưng chính thứ nghĩa tình không trọn đó vẫn mới sau mỗi cuộc biến thiên. Cũ người mới ta nên lắm khi nước mắt ngắn nước mắt dài. Mà nước mắt thì có bao giờ ráo cạn.

Thử tưởng lại những cảnh tình y như vậy đã xảy ra cho bao nhiêu kẻ lưu vong từ sau cơn trường hận, tháng 4/75.

Bỗng dưng rồi nghĩ đến phận mình. Trích HƯỜNG NHAN.

“Ngày má đau con không được lo thuốc thang. Ngày má mất con không lạy biệt. Mấn mũ con không đội, áo tang con xếp lại để qua bên, gậy tang con không về chống kịp để vừa đi thụt lùi vừa dang tay cản cho chậm lại phút giây má rời nhà lần chót. Nhưng mà thôi… dẫu níu chậm cách nào thì cũng không cầm lại được. Má đến với đời như một đóa phù dung mà mỗi cánh hoa chỉ là một hơi sương váng vất. Những hơi sương phả ra trên mặt đất buồn hiu này cho đau khổ có một chút long lanh, cho phiền muộn có một chút ngọt ngào và cho giọt lệ sau cùng… rồi ra cũng có chút niềm hạnh phúc.”

Thử tưởng lại. Những não nùng đã có thật trong suốt cuộc tang thương. Người con trai trong bản nhạc không biết đi xa vì lý do gì, chớ còn rất nhiều người trong chúng ta đã bỏ ra đi vì một lý do rất rõ ràng, lý tưởng tự do. Trong nỗi tủi nhục chung bỏ xứ, còn riêng nỗi tủi nhục của kẻ phải bỏ cha bỏ mẹ già đi tìm đường sống cho riêng mình. Thử nghĩ lại ngày đi rồi không có ngày về mà tuổi già thì không biết đợi bao giờ.

Khi tôi về, bồi hồi trong nắng.
Tưởng gặp người em hân hoan đứng đón anh về.
Nào ngờ người em sang ngang khi xuân chưa tàn.
Con đò nào đây đưa em tôi vào xa vắng.
Khi tôi về, nghẹn ngào trong nắng.
Tưởng gặp mẹ tôi rưng rưng đứng đón con về.
Nào ngờ mẹ tôi ra đi bên kia cuộc đời.
Không lời biệt ly cuối cùng trước khi phân kỳ.

Tại vậy mà, ai sao không biết, chớ còn với tôi bài hát ĐƯỜNG XƯA LỐI CŨ không có thời gian tính. Giờ này cũng khó mà biết được chính xác đã sáng tác vào giờ phút nào. Nghe nói đâu khoảng năm 1958-59 gì đó. Lúc đất nước mới bị chia hai. Lúc có hàng triệu người miền Bắc phải bỏ xứ chạy lấy thân.

Rồi sau đó, hàng triệu người từ miền Nam lại bỏ xứ chạy bán mạng như một bầy chim vỡ tổ. Đã có bao nhiêu cuộc sinh ly rồi thành ra tử biệt. Đã có bao nhiêu vành tang trắng quấn hờ trên đầu của những kẻ khóc cha khóc mẹ mà chẳng được lạy biệt lấy một lần. Đã có bao nhiêu nấm mộ không bao giờ lặn trong lòng những kẻ ly hương ngoài ý muốn.

Và sau hết để chấm dứt, ông Hoàng nói lên một sự thật muôn đời. Đường xưa còn đó, nắng vẫn lên, vẫn trăng treo ven đồi. Vâng, cảnh vật còn đó, ngày nắng đêm trăng vẫn y nguyên, núi non sông nước vẫn lặng lờ như đã tự bao giờ. Nhưng một khi tình đã mất thì nắng sớm hay trăng khuya rồi chỉ còn là những hiện tượng tự nhiên, vô tình như trời đất vốn dĩ vô tình. Quê hương dẫu có được gọi bằng những mỹ từ trang trọng như tổ quốc, như giang sơn… nhưng rồi ra chính những hình ảnh bình thường, riêng tư nhất sẽ là vết tích còn lại trong lòng kẻ đi xa. Quê hương chẳng những là niềm tin vào huyền thoại tiên rồng, không những chỉ là lòng tự hào về tinh thần bất khuất của một dân tộc đã trải qua suốt hai ngàn năm đô hộ của người phương Bắc, của chiến công hiển hách khi người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đuổi giặc Thanh trong mấy ngày đầu xuân Kỷ Dậu… Mà hơn hết, quê hương chắc chắn không phải là cuộc cải cách ruộng đất vào những năm 1953-56 ở miền Bắc, không phải là chuyện ép uổng sáng tạo đến tù đày thân xác trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm những năm 1955-58 cũng chỉ riêng ở miền Bắc, càng không phải là những trại tù khổ sai ngụy danh cải tạo, lần này trải rộng ở khắp cả ba miền Bắc, Trung, Nam, sau năm 1975… Quê hương có đẹp trường tồn trong lòng người trót mất quê hương chính là quê hương của sắt son truyền thống, của đá vàng nhân nghĩa, của thủy chung gốc ngọn, của trầm tích ruột rà… Quê hương còn đẹp mãi trong lòng người đi còn là quê hương của nồi bánh tét mẹ thức canh đêm ba mươi tết, của tô canh chua với ơ cá kho tộ, của chén cơm đôi đũa kính trên nhường dưới, của tiếng võng đưa kẽo kẹt đệm hờ cho câu dỗ ầu ơ, của bữa cúng giỗ có bầy con cháu sum vầy, của con đường có hai hàng cây sao cao vút ngày hai buổi cặp sách đến trường, của ánh trăng lấp ló trong con mắt thẹn thùng của lần đầu hò hẹn…

Một khi những thứ giá trị vô hình đó mất đi, quê hương dường như cũng biệt mù dẫu chân rồi có dẫm ngay trên… đường xưa lối cũ.

Mà hình bóng cũ thiếu trong tôi mỗi khi nghe chiều rơi.

Câu hát buồn như một tiếng thở dài. Tiếng thở dài… dài không muốn dứt. Chữ rơi cuối bài y như rơi hoài mà không chạm đáy. Ờ mà nỗi buồn mất mẹ, mất em… nỗi buồn mất quê hương có bến bờ đâu mà chạm đáy. Ba cái nốt nhạc cuối rồi như thả lỏng, buông lơi. Ai ngân nga tới đâu thì ngân nga cho thỏa lòng tiếc nuối. Mà có thỏa hay không là chuyện riêng của mỗi người. Người hát cũng như người nghe. Khỏi cần luật lệ.
Ảnh minh họa: Linh Trần

Như đã nói, dường như ông Hoàng Thi Thơ soạn bài hát từ năm 1958-59 gì đó. Tới giờ này đã tròm trèm sáu mươi lăm năm. Trời, sáu mươi lăm năm dài biết mấy. Ngày ông viết nhạc, ông đâu biết đã phổ nhạc giùm cho triệu triệu nỗi buồn. Và chúng ta, chúng ta cũng đâu biết được rồi có ngày không tìm lại được… quê hương. Mà thôi, biết để làm gì. Biết thêm chỉ để buồn thêm. Nhất là khi sáng tác, ông còn đâu đó trên quê hương, với chút niềm hy vọng. Biết đâu rồi có lúc im tiếng súng, đất nước yên bình, về xây lại mộ người đã khuất, tìm lại người thân dẫu có thất lạc vẫn là thất lạc trên cùng một quê hương. Còn chúng ta, đám lưu lạc tứ phương đã gần nửa thế kỷ vì trốn chạy một chế độ, có còn đâu những đường xưa lối cũ để tìm về. Người mất đã mất, kẻ tự đày biệt xứ đã là một lựa chọn tự thân thì ĐƯỜNG XƯA LỐI CŨ, ới ông HOÀNG THI THƠ ơi, coi như đã bít lối.

Đoạn đành !!!

Bài hát, giờ đây, đối với tôi đã không còn tuổi tác. Một thứ giá trị sống đời dù từ vài mươi năm trước, khi còn đang tuổi mới lớn đã có lần nghe rồi bỏ qua như đã bỏ qua không biết bao nhiêu thứ quanh mình suốt những năm tháng còn ở tại quê nhà. Để tới bây giờ rồi mới hiểu ra thâm thúy mấy chữ đường-xưa-lối- cũ. Hiểu thêm ra rồi cũng chỉ để biết… ngậm ngùi.

Rồi lại sực nhớ thêm, mới nứt mắt đã chảnh chẹ nghe Connie Francis hát Come back to Sorrento dẫu có hiểu ất giáp gì ba cái tiếng Ý nghe lạo xạo như bắp rang. Mà cũng làm bộ ra điều cảm xúc.

Còn bây giờ, đường về quê đã bít tới mấy lượt rào ngăn, có cách nào đâu mà theo HOÀNG THI THƠ tìm về ĐƯỜNG XƯA dẫu ông đã chỉ ra giùm nhiều hơn một lần… LỐI CŨ ! Bởi vậy làm sao mà không buồn đến đứt ruột cho đành…

Thôi vậy, còn chút chữ xin kính gởi theo ông -người nhạc sĩ tài hoa. Một thuở.

Cao Vị Khanh

Nguồn: https://diendantheky.net/cao-vi-khanh-theo-hoang-thi-tho-di-tim-lai-duong-xua-loi-cu/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây