Cung Tích Biền
19.2.2024
Phần lớn các nhà sáng tác, không chỉ đường cho độc giả phải đọc, nghe, nhìn, tác phẩm của mình như thế nào. Hiếm khi tỏ lộ vì sao tôi viết tác phẩm này, do hoàn cảnh nào tôi làm bài thơ nọ. Viết như thế là hướng về cái gì, nghĩa ra sao, giải thích ngay cả những điều nên ẩn đi. Sợ độc giả không hiểu cái mình viết, nên ra công giải thích những điều mình viết, là một chuyện thừa, nếu không nói là mình xem thường độc giả. Có chăng đó là việc làm nơi các nhà phê bình, nghiên cứu. Hoặc khi được phỏng vấn, vặn hỏi, phải trả lời.
Phạm Duy khác, ông tận tâm giải thích mỗi thể loại sáng tác của mình. Rất nhiều. Hãy đọc một ít, do chính lời ông viết:
“Thiền ca thì khác. Nó không gợi cảm, không gợi nhớ. Nó không còn làm cho người nghe vui buồn, thương hận. Nó chủ yếu làm cho cái tâm chuyên chú vào một cảnh giới hay một sự kiện nào đó. Nó nhắm vào việc đưa con người từ cõi phiền não cũ kỹ tới những cảnh sắc tươi sáng, mới mẻ. Những cái thường tình như vui khổ, giầu nghèo, mê ngộ, thiện ác được siêu việt hết, đều trở thành vô thường. Thiền ca giúp người nghe biểu dương sự sống, làm chủ ý muốn của mình. Nó nhất định không khuyến khích người nghe đi vào cõi quên. Thiền trong là thiền mở mắt.
Tôi muốn chú thích từng bài trong loạt Hát Trên Đường Về này như sau :
Bài số 1, Thinh Không, Nội dung: mở ra 10 khúc thiền ca. Nhạc tính: Nhạc bình minh, như lúc khởi đầu của cõi sinh. Là khoảng không vắng lặng rồi thành khoảng có, với những dòng âm thanh đan vào nhau. Nhạc tưng bừng nhưng không ồn ào. Tiếng hát rất lẻ loi không nhạc đệm sẽ được những đoạn đối âm rộn rã đi theo. Cuối cùng, sau ầm ỳ sấm sét là tiếng côn trùng. Phật tính: chân không, diệu hữu chung cùng.
Bài số 2, Võng, Tôi chú trọng tới con số 2 là vì nhịp võng là nhịp hai, không thể là nhịp ba hay nhịp năm được. Nội dung: Đời tung ta đi, từ hai thái cực trắng đen, xấu tốt. Ta đong đưa theo đời nhưng ta vẫn nằm im. Ta vẫn là đời. Ta vẫn là ta… Nhạc tính: Nhạc buổi trưa. Nồng ấm. Đong đưa nhưng cũng có gật gù. Sinh động mà bất động. Phật tính: pháp thân biến hiện – chu pháp biến giới = cùng khắp vũ trụ.
Bài số 3, Thế Thôi, Con số 3 vì ba hình dáng của cuộc đời là cái đẹp, tình ái, nước mắt đều nhắc lại ba lần. Nhạc tính: Nhạc xế trưa, nắng quái. Khẳng định, như kiềng ba chân. Nét nhạc chỉ dùng ba âm: tonique, quinte & quarte, ba nốt chính của một cung âm. Phật tính: bản lai như thị = xưa nay như vậy.
Bài số 4, Không Tên, Con số 4 là bốn phương, bốn bể. Nội dung: không tên là vô danh, không háo danh, khước từ danh vọng. Nhạc tính: Nhạc nửa đêm. Hương thơm âm thầm toả ra với giai điệu ngọt ngào và với âm sắc có nhiều vang vọng. Rồi nghe thấy bước đi của hương, bước đi của suối trong các đoạn solo đầu và giữa. Hết bài bằng đoạn CODA, diễn tả làn dư hương. Phật tính: chu viên thanh tịnh vô nhiễm = phật tính ẩn tàng trong mỗi chúng sinh – vọng tâm huyễn hoá – trí tuệ như hải.
Bài số 5, Xuân, Con số 5: ngũ uẩn, năm tháng. Nội dung: tương tự giác, thời phần giác chưa phải là viên giác. Nhạc tính: Nhạc ban ngày, mở đầu là những nét roi, nhát chém của cuộc đời. Rồi là những lời vãn ca. Kết thúc là sự giác ngộ và sự yêu nhau của cõi sinh. Phật tính: ngũ uẩn.
Bài số 6, Chiều, Con số 6 là sáu thức ở trên đời: đi, về, lên, xuống, vào, ra. Nội dung: có mà không có. Nhạc tính: Nhạc chiều, nhạc đi tìm. Tìm trong sa mạc với nhạc điệu có vẻ Ả Rập. Phật ý: chân lý hiển nhiên không cần nắm bắt.
Bài số 7, Người Tình, Con số 7: Bẩy mươi tuổi. Nội dung: tình trọn vẹn. Nhạc tính: Nhạc ban đêm, mời mọc. Phật tính: tình vô ngã mới là đại ngã.
Bài số 8, Răn. Con số 8: tám điều răn. Nội dung: Sống đầy đặn. Nhạc tính: Nhạc cười, nụ cười an nhiên (không phải là cười sằng sặc). Phật tính: vô chấp – hành xả = làm và bỏ.
Bài số 9, Thiên Đường Địa Ngục, Con số 9: cửu trùng. Nội dung: Đường lên Thiên đường hay xuống điạ ngục đều khó đi, vất vả cho nên giáo đầu của bài này rất dài. Hình ảnh cô gái lõa thể đứng bên Thượng Đế không nhảm đâu! Thượng Đế sinh ta ra, ta rất ư trần truồng. Trở về với Trời Đất, ta nên cởi bỏ hết để trở về với trinh nguyên. Ai cũng có tội (tội gốc) cho nên đốt tội đi, tội sẽ làm rực sáng cõi âm ty. Nhạc tính: Nhạc có kịch tính (theatrical). Mở đầu là nhạc đám, không biết đó là đám sống hay đám chết… Phật tính: phiền não tức bồ đề.
Bài số 10, Nhân Quả, Con số 10: con số tròn đầy. Nhạc tính: Nhạc điệu cho thấy một ngôi Chùa Lớn, xây trong lòng người. Nhạc tròn trĩnh, nhịp ba là đúng nhất. Như một berceuse, bài hát ru, ru đời, ru người, ru mình. Phật tính: nhân quả. Chưa tròn nhân quả có hai nghĩa: răn đe (warning) hay chấp nhận (thiền).”
Vẫn lý giải từ Phạm Duy:
“Trường Ca Hàn Mặc Tử
“Trường ca Hàn Mặc Tử được bố cục với ba phần mang tựa đề như sau: Tình quê, Trăng sao, Ave Maria. Mỗi phần gồm có ba phân khúc nhạc được hình thành là phổ từ một bài thơ Hàn Mặc Tử, hoặc phổ từ tập hợp một số trích đoạn thơ, có khi lại chỉ là phổ nhạc một trích đoạn trong một bài thơ thôi.
Phần Tình Quê. Tình Quê có nhạc mở đầu bằng những âm thanh ngân nga trong nhịp điệu êm ả nhưng rất lãng mạn. Chất nhạc đã được kỹ thuật hòa âm làm bật lên tính cách đặc trưng của nhạc chiều – sérénade – quen thuộc trong nhạc cổ điển Tây phương.
Đây Thôn Vĩ Giạ. Nhạc mở đầu gợi tả một không gian u tịch, vắng lặng như những buổi hoàng hôn nơi đồng quê những thuở thanh bình: tiếng côn trùng kêu vẳng, hoàng hôn uốn lượn xa vắng như tiếng phi lao rì rào trong gió, như tiếng gió thì thầm lúc chiều tà. Không gian âm nhạc thật không còn gì trữ tình hơn.
Đà Lạt Trăng Mờ. Phần nhạc dạo tạo ngay cảm tưởng về một sự thiêng liêng huyền nhiệm của không gian qua cảm nhận của nhà thơ. Nhạc đề của phân khúc là nỗi đắm say trong tiếng gọi ảo huyền của cái Đẹp mà nhà thơ đã cảm thán rằng phút thiêng liêng đã khởi đầu. Đã thoáng hiện những băn khoăn, khắc khoải khi tiếng nhạc vút lên niềm u uẩn vang ngân rồi hiện rõ giọng rền như tiếng chuông gọi hồn vừa u uất rền rĩ như nỗi đơn côi của người nghệ sĩ.
Phần Trăng sao. Trăng Sao Rớt Rụng là đoạn tán thán về sự mầu nhiệm của ánh trăng. Tính cách của âm nhạc là tính cách thánh ca, nhưng đối tượng của lời tán thán không là hình tượng siêu nhiên mà chỉ là ánh trăng. Nhà thơ bị trăng mê hoặc và tắm đẫm hồn mình trong ánh trăng.
Hồn là ai mở đầu bằng tiếng sáo Mèo rền ma quái để rồi sẽ đeo đẳng mãi suốt phân khúc. Người nghệ sĩ vừa thoát hồn để dẫn hồn mình đi suốt một đêm qua những biến điệu đầy kịch tính: Lúc thì cười như điên sặc sụa cả mùi trăng, lúc thì cùng ngả nghiêng lăn lộn giữa muôn hình, lúc thì dìm nhau xuống một vũng trăng êm, lúc thì lặng yên trong thổn thức, lúc thì bay lên cho tới một hành tinh.
Trút linh hồn có thể xem như một thoái trào của đợt sóng hình tượng âm nhạc trong phần II. Ba biến điệu nối tiếp nhau nặng nề như cảnh tha ma mộ địa lẫn khuất tiếng sáo Mèo nghẹn ngào như tiếng cú đêm khuya. Hình tượng âm nhạc cũng dàn trải như khoảng trống mênh mông của không gian tịch lặng. Nhạc đi êm nhẹ mà sao vương vấn nỗi thê lương. Lời thì thầm của nhà thơ là lời bộc bạch về tâm tình ông dành cho cuộc đời thân mến.
Phần Ave Maria. Lạy Bà là đấng tinh truyền thánh vẹn, Nhạc bắt đầu bằng đoạn hợp xướng nghiêm trang, thánh thiện. Toát ra toàn thể phân khúc là vẻ đẹp thuần khiết của hình tượng người nữ trong nghệ thuật muôn đời. Nhà thơ cũng như người nhạc sĩ đều rung động nồng nàn trước vẻ Đẹp nguyên mẫu đó. Trong thế giới nguyên vẹn tinh tuyền chỉ còn sự yêu thương, sự yên nghỉ. Không còn những dằn xóc của những hệ lụy của cuộc đời dưới thế.
Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Gabriel là lời cảm thán về hình tượng thiên thần bằng một biến điệu khác: Kỹ thuật nội tỉnh như trong kinh cầu nguyện. Tiếng hát an nhiên của Thái Hiền và Thái Thảo toát ra vẻ thanh thoát cần thiết của hình tượng âm nhạc. Tiếng hát vẳng nhẹ như lời thì thầm của người con khi ngỏ lời yêu thương với Mẹ, như người nghệ sĩ ngây ngất trước vẻ đẹp mong manh như gió, như sương huyền diệu, bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu.
Phượng Trì, Phượng Trì láy trở lại hành âm của phân khúc một để viên mãn một chu trình. Bốn câu thơ đã ngân vang âm hưởng của lời tán tụng vẻ Đẹp thánh thiện của nàng thơ. Nghệ thuật diễn xướng ở phân khúc này đã không ngừng lại ở nghệ thuật đồng ca cổ điển mà đã kết hợp với nghệ thuật diễn xướng dân ca: hát đuổi, hát đối. Hình tượng âm nhạc toát ra tính cách trữ tình, rất người mà vẫn trong suốt như vẻ đẹp thiên thần”
– Nhạc Phẩm Cuối Đời
Để trả lời một câu hỏi của cụ Nguyễn Du:
Ba trăm năm lẻ mơ màng
Ai trong thiên hạ khóc chàng Tố Như ?
Tôi xin thưa:
Hai trăm năm lẻ qua rồi
Có tôi vinh dự hát lời Nguyễn Du…
Hôm nay, tôi có một hạnh phúc lớn là được gặp các bạn yêu nhạc ở đây để chúng ta cùng nhau “khấp Tố Như “… Xuất thân là một người hát rong, vào lúc khởi đầu của một nền nhạc mới thường gọi là âm nhạc cải cách hay tân nhạc, tôi đã soạn ra những ca khúc lấy căn bản từ những điệu dân ca cổ truyền. Sau hơn nửa thế kỷ làm việc, tôi sung sướng được mọi người công nhận là một ca nhân đã viết ra và hát lên nhiều bài hát phản ảnh đất nước Việt Nam, con người Việt Nam và tâm tình Việt Nam, đồng thời là một nghệ sĩ lúc nào cũng muốn bảo tồn và phát huy nhạc điệu dân tộc.
Bây giờ là vào lúc cuối của đời tôi! Đã là người suốt đời xưng tụng dân ca Việt Nam, tôi muốn kết thúc sự nghiệp của mình bằng một tác phẩm vô cùng Việt Nam qua một số bài hát với đề tài là Truyện Kiều.
Xin nói ngay: tôi không có đủ tài sức để phổ nhạc trên 3,000 câu thơ tuyệt vời của thi hào Nguyễn Du đâu! Tôi chỉ xin được đưa ra bốn bức Minh Họa Truyện Kiều. Minh họa ở đây — xin dịch là illustration — có nghĩa là hiển dương, là làm tăng thêm vẻ đẹp sẵn có của thi phẩm, là làm cho thơ có thêm mầu sắc, có thêm tầm vóc…
Một ví dụ nhỏ là trong thơ, cụ Nguyễn Du chỉ có 6 chữ (hay 8 chữ) để tả cảnh hay tả tình như: Cỏ non xanh ngát chân trời hay Buồn trông cửa bể chiều hôm… thì bây giờ trong nhạc, tôi và con tôi là Duy Cường phải dùng giai điệu và hoà điệu để mô tả cái cánh đồng cỏ non của ngày Xuân ấy… hay tả nỗi buồn của Nàng Kiều trước lầu Ngưng Bích…
Minh Họa Truyện Kiều của chúng tôi gồm có:
Prologue (Giáo Đầu) giới thiệu không gian, thời gian và nhân vật…
Phần Một: Kiều gặp Đạm Tiên, tức là gặp số phận mình, số phận của những người tài hoa bạc số…
Phần Hai: Kiều gặp Kim Trọng, nghĩa là gặp tình yêu, nhưng là tình yêu không trọn vẹn…
Phần Ba: Kiều gặp cảnh gia biến, phải bán mình chuộc tội cho cha, rồi gặp toàn người xấu, là Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Hoạn Thư v.v…
Phần Bốn: Kiều gặp người cứu tinh là Từ Hải… nhưng Từ Hải sẽ vì nàng mà phải chết đứng, cho nên…
Epilogue (Kết): Kiều gieo mình xuống sông Tiền Đường… Trong Đoạn Trường Tân Thanh, cụ Nguyễn Du cho Giác Duyên thuê ngư phủ kéo sẵn lưới để vớt sống Nàng Kiều, nhưng trong nhạc phẩm Minh Họa Kiều này, tôi có ý đặt câu hỏi: Ai là người sẽ cứu sống Nàng đây?
Về phần nhạc thuật, trong công việc đưa nhạc Việt Nam từ hình thức đơn điệu (monophonic) lên hình thức đa điệu (polyphonic) mà chúng tôi thử thách trong mười năm qua, bây giờ việc này mới tạm được coi như khá ổn thỏa. Đó là nhờ ở công phu của con tôi là Duy Cường trong hai năm qua, đã về Việt Nam để lấy mẫu (sampling) hầu hết các âm thanh của nhạc cụ dân tộc rồi áp dụng vào nhạc phẩm Minh Họa Kiều này… Duy Cường còn thu thanh vài giọng ngâm rất cổ để cho vào tác phẩm cùng với những âm sắc của nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn nguyệt, đàn bầu và trống phách… hoà vào âm thanh của các nhạc cụ Tây Phương. Làm công việc giao hưởng giữa lối ngâm xưa và lối hát bây giờ, giữa nhạc cụ cổ truyền và nhạc cụ tân thời, nhất là với khả năng phi thường của computer chúng tôi mời người nghe đi ngược dĩ vãng 200 năm rồi đi tới tương lai cũng 200 năm đang tới…
Minh Họa Truyện Kiều đã được tôi soạn xong hai phần rưỡi, nghĩa là từ đoạn Rằng Năm Gia Tĩnh Triều Minh cho tới đoạn Buồn Trông Cửa Bể Chiều Hôm.
Tôi mong rằng tôi có thể hoàn tất công trình cuối cùng của đời mình trong những ngày cuối đời, sau khi được về sống tại quê hương đất nước, sống giữa tình đồng bào càng ngày càng trở nên nhiều thiết tha và say đắm.
Phạm Duy
2007
***
Qua hồi ký cùng một số bài viết của Pham Duy, chúng ta thấy ông luôn, và tận tình giải thích, về kinh nghiệm, chủ đích, kỹ thuật trong đời sáng tác của mình. Điều này tạo một cái lợi, với người thưởng ngoạn, là dễ dàng tiếp giao với thế giới lời ca tiếng nhạc của tác giả.
Nhưng theo tôi, nói chung về mọi lĩnh vực sáng tác, sự tự thân giải thích nội dung tác phẩm chính mình, là một khoanh vùng, giới hạn độ tiếp giao của độc giả với tác phẩm, tạo ra một bờ đê ngăn cách sự nới rộng, bay bổng, biến thể lung linh, hoạt họa những ý sâu, nguồn nghĩ mới, trong từng người thưởng ngoạn.
Cuộc sáng tạo, nguồn sáng lập, khi đắm mình cùng cõi riêng hay bay bổng thoát ngoài, khi trực diện từng chi tiết tế vi đời tục, hay lúc thất lạc trong hư cấu, tác giả ấy có khi không hiểu hết những gì mình viết ra, không nghĩ tường tận và thực lòng đó là điều mình đinh ninh ký gởi trong sáng tác. Hà cớ? Nhà sáng tác phải ngồi suy ngẫm tả hữu thượng hạ, cẩn thận kiểu uốn lưỡi bảy lần mới nói ra, ắt sản phẩm ấy không phải là thi ca, văn chương, âm nhạc, hội họa. Nó là cái, “Thép đã tôi thế đấy” Những sáng tác phẩm ấy là công thức, khô cứng, là nghiên cứu, nghị luận.
Mỗi sáng tác phẩm phải là một hòa mình. Là một bảng lãng đến với những tâm hồn mở rộng, Những sáng tác phẩm có giá trị, thường không là những “chỉ đạo”. Sáng tác phẩm đúng nghĩa, nó là một ngơ ngác hiển hiện. Là đứa con hoang của thần linh.
Nhà sáng tác, là không thường trực đi cùng tư duy, ý thức, những gì đời thường có sẵn. Hành trình sáng tác có khi bị sai khiến vội vã từ trực giác, khi bị đưa đẩy trôi dạt trở về với khói sương tiềm thức, khi trở lại với cái thế giới đã biến mất từ lâu trong cõi vô thức. Thể thái này hóa giải cái khó khăn trong hư cấu, thúc đẩy những biến thể của hiện thực tục lụy đến chỗ trừu tượng, siêu hình, minh triết.
Một nghĩa nào đó, mỗi sáng tác phẩm, thi ca, văn chương, hội họa là một “Gói kín”, một “Ẩn mình”, thậm chí một “Chỉ điểm.” Những khám mới, những chiều/nếp nghiệm đoán khác nhau thế nào là do/từ/nơi mỗi người thưởng ngoạn. Tuy nhiên, Phạm Duy ông khá tinh tế, bảo rằng những gì ông giải bày chỉ là “chú thích”. Đã là chú thích, thì nó trở nên cần thiết, trong một giới hạn chữ nghĩa.
Cung Tích Biền
Nguồn: https://damau.org/99064/pham-duy-tu-giai-chuong-8