Phạm Duy, Tục Ca, Những Ngả Đường Nghệ Thuật – chương 7

Cung Tích Biền
12.2.2024

Phạm Duy, Bửu Chỉ
Phạm Duy, tranh Bửu Chỉ

 

Không phải ca khúc nào của Phạm Duy cũng được phổ biến rộng rãi, bao người yêu thích như đã từng. Loại nhạc này phần đông người nghe không muốn nghe, ca sĩ không dám hát, đương nhiên không phải vì chính quyền nào đó đó cấm hát. Nhạc sĩ sáng tác, chỉ mỗi nhạc sĩ đó hát… nhạc của mình, mà thôi. Đó là Tục Ca, trong trường hợp Phạm Duy.

Trên diễn đàn chung, có tác giả biện hộ, cho rằng các bài tục ca của Phạm Duy giống như nhạc underground thời nay, lý do không chỉ vì sự chân thực quá trần tục, có phần hơi tục tĩu mà còn bởi tính nghệ thuật và thái độ và thông điệp mà tác giả muốn truyền tải qua tác phẩm. Cũng giống như các rapper underground thời nay, chỉ có tác giả mới truyền tải được hết chất của bài hát mình sáng tác.

Tục ca, Phạm Duy tung hê, cởi truồng thân thể, lột truồng chữ nghĩa, phạng tới đủ thứ ngữ từ cấm kỵ. Có thể nói, là rất khó nghe, lan sang chỗ “dơ dáy”. Trần truồng nữ. Không ví von “cái truồng” một cách hoa mỹ, lộng lẫy “Một tòa thiên nhiên” như Nguyễn Du mô tả Nàng Kiều.

Ở đây, là môi mắt. Vú ngực. Cu. Đít. Địt / làm tình. Nói thẳng tuột, cái chỗ “Bà mẹ đẻ ra ta”. Không mơ màng ẩn mật như Bùi Giáng, “Bây giờ em ở nơi đâu / cỏ trong mình mẩy em sầu ra sao”.

***

Phạm Duy trần trụi phơi bày, nói kỹ lưỡng việc dùng chiếc khăn đội đầu của chàng, thay vì dùng khấn vái tổ tiên, thay mặt chàng, ông tặng nàng lau. Lau bên bờ suối. Lau đủ kiểu. Lau mái tóc, mình mẩy, lau xuống dần. Tiên nga uốn mình trong không. Thiếu nữ rửa l… suối trong veo. Thần nước, tổ tiên thấy rõ cái của Nàng, ngất ngư khen ngợi, rộng lòng tha thứ.

Bùi Giáng cũng có tinh nghịch, thơ Gái Lội Qua Khe, hoặc trò nói lái, liên tồn, tồn liên. Nhưng đô còn nhẹ hơn Phạm Duy nhiều. Kiểu chơi bồ đà, chưa xài ma túy.

Phạm Duy bị dị ứng vì tục ca. Người tự cho là mình thanh tao rất mực, nghe tới đã rùng mình. Ghê ghê. Tủi thân cái ý nghĩa, vì cho là xâm phạm đến đạo đức, sự thuần khiết, trong lành vốn có trong tâm não, bụng dạ mỗi con người. Nhưng với một số ít người, không nghe e có chút thiệt thòi. Tục ca là món tráng miệng cuối buổi tiệc thưởng ngoạn nhạc Phạm Duy. Thiếu. Như là ngồi trong phòng kín thiếu một cửa sổ. Là ăn thịt chó thiếu chén mắm tôm. Nói chung, qua Tục Ca, ta mới hiểu, mới đi vào cái thế gian trần trụi, thô lỗ, trân tráo, dối trá, y bon cái thế giới, cái loài người, cái xã hội đang có hôm nay.

Với số người “thưởng ngoạn rộng lòng”, ưa cái hồn nhiên dân dã, tha thứ mùi cá mắm chỗ bãi chợ, nghe bọn đá cá lăn dưa chửi thề tục tĩu cũng chẳng sao, đời mà, thì họ rất chi bình thản, khi nghe tục ca. Đã trong cõi tục lụy, là hẳn thế, họ có thể cam lòng mở rộng, cứ nghe, có “chết ai đâu”. Có khi nâng tầm “giá trị tục ca”, là người nối hồn người bằng con đường ngắn nhất. Là phủ nhận những gì là giá trị, là son phấn, đương còn. Là tận tụy bóc trần những thói quen tự lừa dối, bây lâu đã trở thành một quán tính dưới danh nghĩa đạo lý, truyền thống.

***

Chưa nên tranh cãi thế nào là tục, là thanh. Tục ca phá hoại nát tan cái đạo lý làm người, hay có hàm chứa cái hài hước, u mặc, cái sâu cay trong việc giáo dục con người. Hãy xem tục ca của Phạm Duy nó rồng rắn ra sao.

Tục ca số 1:

Em như cục cứt trôi sông
Anh như con chó ngồi trông trên bờ…

Em đừng nói vậy em khờ
Ba em hồi đó cũng chờ như anh…

Anh như con đực chạy rông
Còn em như con mèo cái, chổng mông em gào…

Anh đừng nói chuyện tào lao
Má anh hồi trước… cũng ồn ào như em.

[chữ nghiêng là những câu nhân gian sẵn có, chữ đứng là của riêng Phạm Duy thêm vào]

Lời Tục Ca số 1, hát theo nhạc, Phạm Duy gọi là “Hát đối giữa trai và gái”.

– Ớ này anh ời ớ này anh ơi, Em như cục cứt trôi sông, Anh như con chó ngồi trông trên bờ
– Ớ này em ời ớ này em ơi, Em đừng nói vậy em khờ, Ba em hồi đó cũng chờ như anh
– Ớ này em ời ớ này em ơi, Anh như con đực chạy rông, Còn em như con mèo cái chổng mông em gào
– Ớ này anh ời ớ này anh ơi, Anh đừng nói chuyện tào lao. Má anh hồi đó cũng ồn ào như em.

Tục ca số 1 mới là món khai vị cho chín ca khúc tiếp theo. Tục tĩu nới rộng, tăng dần từ tục ca 1 đến tục ca 10.

***

Tôi rất muốn chép thẳng lời của 9 bài kia ra đây, nhưng tôn trọng đám đông, nên thôi. Nói theo Vũ Trọng Phụng, là, “Em chả”.

Tục Ca số 2 – Tình Hôi, nhại bài thơ Hai Sắc Hoa Ti Gôn của T. T. KH. [T.T. KH là một nhà thơ nữ thời Phong trào thơ Mới thập niên 40 thế kỷ trước, cùng thời với các nhà thơ Thâm Tâm, Nguyễn Bính…]

Người ấy thường hay vuốt tóc tôi.”

Phạm Duy thêm vào:

“ nhưng mà tôi thấy hơi hôi hôi.”

Chẳng là anh bô giai người yêu ấy bị hôi nách. Yêu người, xá chi mùi, điều ấy có thể. Ca dao dân gian vốn có câu ví cái tình chung:

Chim quyên quen nhốt trong lồng,
Cá thia quen chậu, vợ chồng quen hơi

Ác nhơn, cô gái trong Tình Hôi không văn vẻ như thế. Cô chia xẻ cái mùi qua “tự phản tỉnh”, chịu chơi, khá tưng tửng:

Vả chăng em vẫn thường hay nói:
L… mình đôi lúc cũng… hôi hôi…

***

Tục ca số 3 – Gái Lội Qua Khe [phổ thơ Bùi Giáng]

Thơ Bùi Giáng:

Ngập ngừng gái lội qua khe
Lội qua khe nước ướt khe tấm quần
Đăm chiêu nghĩ ngợi tần ngần:
Lội qua khe nước cởi quần trước tiên
Há rằng rất mực vô duyên
Ở truồng lội nước thuyền quyên ngượng ngùng
Tâm tư phím loạn tơ chùng
Phải chi có một thằng khùng chịu chơi
Song trùng hai đứa một nơi
Chung lưng đoàn kết một đôi ở truồng
Giai nhân đỡ bớt thẹn thuồng
Thuyền quyên đỡ bớt dơ tuồng lội khe

Bài thơ của Bùi Giáng khá thơ mộng tuy ẩn ý có chỗ hoang đàng. Gái phải ở dỗng lội qua khe vì sợ ướt quần, nhưng lại mong có anh truồng cùng lội.

Nội dung bài tục ca số 3 của Phạm Duy khác hẳn bài thơ Bùi Giáng, tuy ông bảo rằng lấy từ ý thơ Bùi Giáng. Ý thơ cũng không đúng. Cô gái Bùi Giáng còn chần chừ bờ sông đợi người. Sợ ướt quần, phải cởi quần, không chờ ai, lại chờ trai cùng truồng, cho đỡ bớt thẹn thùng. Tất các cảnh huống ấy đã chỉ là tác động để Phạm Duy đi bước hai. Ông cho gái nhảy sông tắm ùm. Tặng cho chiếc khăn để nàng lau mình mẩy. Tình nhỉ. Từ chiếc khăn vấn trên đầu, tượng trưng cho tổ tiên, đem cho cô gái mượn để lau mình sau khi bị ướt dầm vì lội qua suối, là do nhạc sĩ họ Phạm nghĩ ra, có đoạn kết như sau :

Tôi nghe tổ tiên dưới mồ thức dậy
Tổ tiên cũng nói rằng: gái cứ tự nhiên
Tùy nghi sử dụng
Lau bất cứ chỗ nào… cũng được.

Tục Ca số 3 – Lời Phạm Duy:

Gái lội qua khe nước tự rừng về. Chân gái có gót và năm ngón chân. Và một đầu gối và trên, trên nữa trắng tròn.

Gái lội qua khe nước tự rừng về. Đầu tôi có mắt nhìn với hai con tên là hai con mắt. Đầu tôi có tóc thờ phượng tổ tiên. Vấn khăn quanh tóc mỗi lần tôi khấn vái tổ tiên.

Gái lội qua khe nước tự rừng về. Tấm quần gái ướt gái ngồi bờ khe. Vắt quần khóm trúc vắt quần bụi tre. Tôi cho gái mượn cái khăn trên đầu. Gái lau cho khô lau chân lau gót Lau hai đầu gối lau bất cứ chỗ nào tùy ‎í

Gái lội qua khe nước tự rừng về. Tôi cho gái mượn cái khăn trên đầu. Tôi nhắm con mắt gái cứ tự nhiên. Tùy nghi sử dụng tự nhiên tùy nghi sử dụng

Gái lội qua khe nước tự rừng về. Tôi nghe tổ tiên dưới mồ thức dậy. Tổ tiên cũng nói rằng gái cứ tự nhiên Tùy nghi sử dụng lau bất cứ chỗ nào cũng được.

***

Tục Ca số 4 – Úm Ba La Ba Ta Cùng Khỏi.

Thân phụ của Phạm Duy là nhà văn Thọ An Phạm Duy Tốn. Ông cùng thời với học giả Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, có viết tác phẩm Truyện Tiếu Lâm An Nam, xuất bản vào đầu thế kỷ XX. Tục ca số 4 Phạm Duy lấy ý từ một truyện trong sách này.

Câu chuyện rất tục tĩu, không tiện kể ra đây. Ta chỉ khá ngạc nhiên cái cười của các nho sĩ ngày trước có khi cũng lạ đời. Nó không là cái tục vừa phải, tục mà thanh, ngụ ý dạy đời, lại rất nặng mùi.

Tục Ca số 5 – Bà Già, Khỉ Đột Giao Hoan – [phóng tác “Le Gorille” của Georges Rassens]. Kể tới nội dung tục ca số 4 đã oải lắm rồi. Số 5 tục không kém, lại dài dòng. Cho em xin.

***

Tục Ca số 6 – Mạo Hóa, gian nhân xài đồ giả, độn vú mông, tóc giả, răng giả…

Bài hát được bắt đầu:

Tôi có người yêu cái đít to như Thẩm Thúy Hằng
Cái đít nhìn qua đã khiến cho ta phải ngỡ ngàng
Vừa to vừa lớn như những mặt vua
Đẹp như mặt chúa cũng phải thua

[Thẩm Thúy Hằng là một kich sĩ, một minh tinh màn bạc thời Cộng Hòa 1954- 1975. Là một người đẹp thuộc hàng số một lúc bấy giờ. Về sau là vợ chính thức của tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, từng là Thống đốc ngân hàng, Phó Thủ tướng chính phủ, thời Cộng Hòa].

Tục Ca số 7 – Nhìn L…
Tục Ca số 8 – Em Đ…
Tục Ca số 9 – Chửi Đổng
Tục Ca số 10 – Cầm C…

Hãi quá.

Tục ca được Phạm Duy sáng tác vào những năm 1967-1968, sau loạt vỉa hè ca. Vỉa hè ca gồm những bài Sức Mấy Mà Buồn, Bỏ Đi Tám, Nghèo Mà Ham, Ô Kê Salem… Phạm Duy gọi vỉa hè ca là “Những bài ca xã hội”.

***

Tôi có người bạn, rất yêu Phạm Duy, khi nói về Tục ca, ông bảo: “Cho chúng nằm yên đó. An phận là những tư / tài liệu riêng, một thử nghiệm sáng tác riêng đời Phạm Duy.” Lạ, sáng tác xong, bỏ vào hòm lưu trữ!

Tôi cứ ngẩn ngơ, chừng cái đức hạnh làm người nó dạy rằng:

Cứ là nghe, có sao đâu. Tục hay thanh là do chúng ta thiếu bình đẳng đối với bọn từ ngữ, nói chung là tiếng ta nói, cái chữ ta đang viết. Lâu ngày, tạo ra một quán tính. Trên thân thể mỗi con người, cớ sao cứ môi mắt miệng mũi là đẹp. Nói tới đôi mắt là ca ngợi cửa sổ tâm hồn, mà cái chỗ Bà Mẹ cho ta chào đời lại là cái tục, chỗ dơ dáy! Đánh lừa nhau một cách tệ hại. Đứa con vô luân chẳng thấy ra cái nơi đẹp đẽ thanh cao nhất trong khai sáng đời mình.

Từ thói quen, tình nguyện giao nộp mình cho cái ranh giới, cái quan niệm thanh tục, nên nảy ra sự bất công, “kỳ thị” trong sử dụng ngôn ngữ. Cũng cái hành vi ấy, cái đối / hình tượng ấy khi dùng âm / từ Hán-Việt thì cho là thanh cao, khi dùng rặt từ thuần nôm, chính tiếng nói của ta, thì cho rằng tục.

Đối thoại giữa nhau, hễ dùng từ Hán-Việt, như dương vật, âm hộ, giao hoan, đại tiện, tiểu tiện, hạ tiện, thì cho là êm tai, văn vẻ, con người có giáo hóa. Nhưng cũng những “món” ấy, ta chuyển sang các từ thuần nôm, là cặc, lồn, đụ, ỉa, đái, địt, thì y rằng là thô lỗ, dơ dáy, vô lễ, hạ đẳng, thiếu giáo dục.

***

Nhân thơ nhạc tục, tối thượng tục của Pham Duy, thử bàn chơi. Lời bàn ngẫu nhĩ, lan rộng, nhưng chắc không thừa. Nới rộng những chuyện tục hằng có trong nhân gian, tôi không hàm ý biện hộ hay dung tục hóa mọi sự đời, để đồng hành cùng tác giả 10 bản tục ca. Điều này là không cần thiết. Bà con ta nghiêm túc rất mực, mà văng tục cũng đáng nể. Giữa những đám tiệc tùng, họp mặt tỏ ra nghiêm trang nhưng một ai lỡ kể một chuyện cười là cười vui, hưởng ứng ngay. Đã chuyện tục thì phải tục mặn [rất tục] nghe mới đã.

Các nhà khoa bảng Nho học xưa, tao nhã rất mực, thâm trầm chỗ trào phúng mang tính u-mặc, răn dạy đời, cũng không thoát khỏi cái tục. Có tục giảng thanh. Có tục ví von ẩn dụ như thơ Hồ Xuân Hương. Tục trong nói lái. Có cái tục mới có cái cười. Cười đời, cười người những thói hư, tật xấu. Trạng Quỳnh chẳng hạn. Những Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Phạm Duy Tốn… không ngoài.

Có người cho rằng cái cách nói chua cay, xỏ xiên điêu ngoa, gây cười, là biểu hiện cái tính nết của dân ta nhỏ nhoi, hẹp hoài, thiếu cái chí khí to lớn làm người! Điều đó tính sau.

Tú Xương thi hoài chẳng đỗ được cử nhân, văn bằng này mới được ra làm quan, tú tài về vườn làm ông thầy đồ. Tú Xương mô tả buổi mừng vui của các ông Cử thời nước ta bị các ông Tây cai trị:

Trên ghế bà Đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông Cử ngỏng đầu rồng.

***

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương càng thanh tao trong cái tục:

Quân tử có thương thì đóng cọc
Xin đừng măn mó nhựa ra tay

Vi vu về trái mít non. Phàm gọt tỉa một trái mít còn non, người ta phải đóng vào đó một cây cọc. Tay cầm cọc mà gọt vỏ mít, vì nó có rất nhiều nhựa ướt bao quanh, màu trắng đục.

***

Trong tục có hài. Chúng có chừng mực, là thái độ làm người, chống lại cái thế lực vua quan kiềm tỏa.

“Bộ binh bộ hộ bộ hình
Ba bộ đồng tình bóp vú con tôi.”

Chuyện tiếu lâm phần nhiều là chuyện tục. Vậy, ông bà ta có là hoang đàng, là xuống cấp?

Trong bài chòi, rao thai, lắm câu tục. Có con bài cu với hĩm. Bao là ca dao, tục ngữ. Cha khuyên con cách làm hòa với cô vợ yêu, sau một trận cãi vã tam bành:

“Con ơi chớ có khờ ngu
vợ chồng giận dỗi có con cu nó giải hòa.”

***

Trong dân gian bấy nay, có câu chuyên mang “tính lý tưởng” dưới đây. Kể, mua vui:

Một anh đàn ông với vợ, có cô chị vợ còn độc thân sống chung cùng. Vợ anh ngoài hai mươi, cô chị lớn hơn em gái chỉ hai tuổi. Một hôm anh thức giấc, vợ đi làm sớm, chợt thấy chị vợ ngủ một mình. Chị cũng vô ý không đóng cửa phòng, hớ hênh bày biện đủ món.

Nhìn. Anh thèm lắm. Nhưng là chị vợ, khó xử. Như các lãnh tụ đương nắm quyền cai trị, anh cố tầm cho ra một “triết thuyết”, một “chủ đạo tư tưởng” để cổ động nâng tầm, hợp lý hóa chuyện sai trái của mình. Rằng thì là, đúng y bon vậy, “Chị là chị vợ chị chi cu.”

Dùng khẩu hiệu ấy không những che đậy cái xằng bậy sai trái của mình, mà còn tỏ ra ban ơn cho nạn nhân. Thỏa mãn cái nhu cầu, “Em cũng đang cần một ít khẩu phần tem phiếu”. Em cũng cần “châm một điếu thuốc”, để, “khói huyền bay lên mây”

Vậy, nhiệm vụ cấp thiết phải thi hành: “Ta đú cho em thỏa cái đù
Ngôn từ dân ta giàu có thật, cu / đú / đù /

***

Một cụ tú tài Nho học, nghe đâu người Xứ Quảng, học thấu chữ thánh hiền, sĩ tử chỗ cửa Khổng sân Trình, có một bài Đường thi, tám câu năm vần, chữ nôm, vẫn thực lòng qua hai câu:

“Lúc trẻ chưa răng nhưng có cặc
Về già con cặc lại không răng.”

Tương truyền Thủ Thiệm, lại người Xứ Quảng, một tay hài hước qua cách nói lái rất tài tình. Một hôm có một đám cưới, người đi mừng đám, đã tới xin Thủ Thiệm mấy chữ. Vào những dịp lễ lạc, khách thành nhà mới, cưới hỏi, Tế Xuân, Thu, bà con thường tới các nhà Nho xin chữ, liễn, câu đối.

Mừng đôi tân hôn ư? Thiệm cho ba chữ “Miêu Bất Tọa”. Người bà con ngơ ngác, chả hiểu mô tê chi.

Hỏi. Thiệm giải thích: “Miêu Bất Tọa” là “mèo không ngồi”. Không ngồi, tức thị “Mèo đứng” chứ còn gì. Mừng đám cưới là ‘Mừng đéo”. Tuyệt cú mèo.

***

Lại nhớ, sau tháng Tư 1975, “anh em” văn nghệ Bắc Nam, có dịp “gặp” nhau. Hôm tại nhà Họa sĩ Bé Ký- Hồ Thành Đức, chúng tôi có bữa rượu. Có Bùi Giáng và Xuân Diệu.

Trong lúc hàn huyên, văn nghệ một anh ca tụng ngôn ngữ mới trong thơ văn. Bùi Giáng bèn hỏi, giọng Quảng Nam:

– Nó mới cái chỗ nồ?

Người ấy nhìn Xuân Diệu, nói:

– Thì đấy, Có cả tựa đề một bài thơ là Hôn Cái Nhìn. Tuyệt diệu không!

Bùi Giáng cười. Phán ngay:

– Hôn Cái Nhìn là Hin Cái Nhồn. Mới cái chi mô!

***

Đâu ngày xưa, ông bà ta mới hoang đàng vi vút, thi sĩ hôm nay chữ nghĩa mới đúng cái tân thời. Lúc em cần lẫn khi em đếch cần.

“Nửa đêm em ngẩn em ngơ
Anh ơi anh hãy dí thơ vào nhồn
Sáng ra em tỉnh [cái] thần hồn
Anh ơi em muốn dí nhồn vào thơ.

***

Nhưng tới Nguyễn Đức Sơn thì khác, cái tục trong thơ ông là xiết bao nồng nàn:

không biết trong mơ em còn mắc cở
một đêm vàng rúng động giấc thanh tân
dưới chăn chiếu thiên nhiên lồ lộ mở
em đái dầm ướt sẫm cả trần gian

(Một Đêm Vàng / trong tập Đêm Nguyệt Động]

anh sẽ đến bất ngờ ai biết trước
miệng khô rồi nẻo cực lạc xa xôi
ôi một đêm bụi cỏ dáng thu người
em chưa đái mà hồn anh đã ướt

[Vũng Nước Thánh / trong tập Đêm Nguyệt Động]

Vì tục ca mà tôi la cà nhố nhăng, lạc đường, mong quý vị thứ lỗi cho.

***

Phạm Duy đại lộ, nhiều luồng xe. Đi suốt, ta sẽ thấy cái ngược chiều, cái dị nghịch như một hoạt tính riêng, trong thần thái Phạm Duy.

Tục hay thanh. Kháng chiến ca hay hòa bình ca. Tình yêu thâm ẩn hay lõa lồ dung tục. Tục ca, Vỉa hè ca, Tâm ca, Thiền ca. Hương ca, Rong ca, cũng chỉ một Phạm Duy đa hình trăm dạng. Ngược chiều xuôi chiều của Phạm Duy chính là sông hai bờ. Thử ngạn / bên này / bờ mê. Bỉ ngạn / bờ kia / bến giác.

Thú vị khôn cùng. Cũng là Phạm Duy, bước qua một bước ta gặp những Hương ca, Thiền ca, Đạo ca. Từ cái bàn thịt chó chấm mắm tôm, ta gặp ngay Cõi Tịnh, Chốn Thiền môn.

Bóng đêm qua rồi, bóng đêm qua rồi
Tiếng chuông vang hồi, tiếng chuông vang hồi
Thấy trong nhân loại tiếng chuông vang hồi
Ngọt lành thơm mát, từng giọt chuông rơi.
Nụ hoa đang ngủ, giấc êm giữa nội
Giọt sương trên lá đón đưa ánh trời
Để cho con suối vươn vai trở mình
Chùa rêu lơ lửng giữa lưng núi mờ
Đại hồng, chuông lớn đã khua tiếng ròn
Nụ cười yên tĩnh ngát hương khói trầm
Lời kinh cao ngất A Di Đà Phật
Ngọt lành thơm mát, từng giọt chuông vang…

(Đạo Ca 8 – Giọt Chuông Cam Lồ)

Phạm Duy, Tiến trình nghệ thuật của ông, là ngang dọc trên dưới, là mù sương, là ánh sáng, của vạn dặm tồn lưu. Nguyên Sa đã viết:

“Hôm nay, có những người thích Rong Ca, có những người mê Bầy Chim Bỏ Xứ, có những người ngất ngây với Hoàng Cầm Ca, có những tín đồ của Thiền Ca. Có những người yêu Phạm Duy của new age, của nhạc giao hưởng, của mini opera và của thánh ca hơn Phạm Duy của Tình ca, Phạm Duy của dân ca, Phạm Duy của Kháng chiến ca, Phạm Duy của thơ phổ nhạc. Và ngược lại, có những người, với họ, chỉ có Phạm Duy của Tình ca mới là Phạm Duy. Chỉ có Phạm Duy Kháng Chiến Ca. Chỉ có Phạm Duy thơ phổ nhạc. Chỉ có Phạm Duy, chỉ có Phạm Duy… Nhưng đó, bạn thích Phạm Duy nào, tùy bạn. Cũng vậy thôi, Viên kim cương có một ngàn mặt. Khác biệt với tấm gương chỉ có một mặt. Cho nên phải chọn lựa, phải bàn cãi, phải bất đồng, phải suối ngàn đầu sông trăm nhánh, chảy về vĩnh viễn một đại dương.”

Tôi nghĩ, bằng vào một tác phong sáng tác đường trường, phong tỏa mọi lĩnh vực đời sống xã hội; bằng vào một đời sống thẳng ron, ưng cái chi mần cái đó; chân thật, sòng phẳng, không giả nhân giả nghĩa; Phạm Duy không sờ / và mó / tới cái tục mới là chuyện lạ.

Cung Tích Biền

Village Senior Garden Grove, 8-2023.

Nguồn: https://damau.org/99021/pham-duy-tuc-ca-nhung-nga-duong-nghe-thuat-chuong-7

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây