Cung Tích Biền
5.2.2024
Ngoài nghìn [1.000] ca khúc, sáng tác đủ thể loại, Phạm Duy có làm chơi hai “nghề tay trái”. Đặt lời Việt cho những nhạc phẩm không lời xuất khởi từ nước ngoài, và phổ thơ cho rất nhiều nhà thơ, phổ cả ca dao, [Nụ Tầm Xuân, Đố Ai… ] Riêng việc chuyển ngữ sang lời Việt, đặt lời Việt cho những nhạc bán cổ điển Tây phương, có hơn 250 bài!
Phổ nhạc từ thơ trên dưới… 300 bài!
Bắt đầu 1942 phổ Cô Hái Mơ, thơ Nguyễn Bính, đến lúc phổ thơ Bên Kia Sông Đuống, thơ Hoàng Cầm 2010 là gần bảy mươi năm. Một đường trường kỳ vĩ, muôn màu. Phạm Duy qua đời 2013.
Chỗ nào cũng là “đất dụng võ”, là dịp để ông thể hiện tài năng và nghệ thuật sử dụng tiếng Việt, vốn rất ư giàu có. Phạm Duy có cái tầm mặc khải được những điều bất khả thể, trong cái thế giới tâm linh, và siêu nhiên. Ông đi cùng nguồn ngữ, bên này thử ngạn sang bờ kia bỉ ngạn, mê và giác; từ sơ nguyên đầu nguồn ra cửa bể con sông tư tưởng, bình dị tới hàn lâm. Là phù thủy ném vải hạt gạo ra cánh bướm, hô biến cá chép hóa rồng.
***
Phạm Duy đi nhiều, sống nhiều và đọc rất nhiều. Uyên bác về văn chương, thi ca. Ra công tìm tòi, lục lạo, nhặt ra những bài thơ, đôi khi, rất tầm / bình thường, tưởng đời đã từ lâu bỏ quên, để phổ nhạc.
Những bài thơ tưởng âm thầm ngủ yên, những lòng đời âm u trong góc khuất, gặp Phạm Duy, chúng được phủ ánh sáng, hiện hữu long lanh. Bầy thơ khiêm tốn ấy đã trở thành tiếng ca, đến và ở lâu trong lòng người.
Chuyện Tình Buồn [Phạm Văn Bình], Tưởng Như Còn Người Yêu [Lê Thị Ý] Còn Chút Gì Để Nhớ [Vũ Hữu Định], Ta Yêu Em Lầm Lỡ [Đào Văn Trương], Đừng Nhìn Em Nữa Anh Ơi, Kiếp Nào Có Yêu Nhau [Minh Đức Hoài Trinh] Tôi Đang Mơ Giấc Mộng Dài, Đường Chiều Lá Rụng [Lệ Lan] Con Quỳ Lạy Chúa Trên Trời [Nhất Tuấn] Vết Sầu [Nguyên Sa], Hai Năm Tình Lận Đận, Em Hiền Như Ma Soeur, Thà Như Giọt Mưa [Nguyễn Tất Nhiên] Kỷ Vật Cho Em [Linh Phương] Tâm Sự Gởi Về Đâu [Lê Minh Ngọc] Mùa Xuân Yêu Em [Đỗ Quý Toàn] Mùa Thu Paris, Tiễn Em [Cung Trầm Tưởng] Quán Bên Đường [Trang Thế Hy] Tình Cầm, Bên Kia Sông Đuống [Hoàng Cầm]…
Đặc biệt với Phạm Thiên Thư, Phạm Duy phổ rất nhiều thơ, cả thơ Thiền, thơ Đạo. Ngày Xưa Hoàng Thị, Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng là nổi tiếng nhất. Phạm Duy Minh Họa Kiều của Nguyễn Du. Phổ thơ của những thi sĩ từng nổi danh thời Phong trào thơ Mới, Ngậm Ngùi (Huy Cận), Tiếng Sáo Thiên Thai [Thế Lữ], Tiếng Thu, Còn Chi Nữa [Lưu Trọng Lư]. Mộ Khúc, Nguyệt Cầm [Xuân Diệu] Hàn Mặc Tử [10 bài], Bích Khê [10 bài], [Hoàng Cầm]
***
Kỹ thuật phổ của Phạm Duy là lược bỏ những từ thừa, làm cô đọng, thêm chữ mới cho sáng nghĩa, có khi thay đổi cả bố cục bài thơ. Ông có chỗ tự tin khi sáng tác. Đó là cái tư chất quý hiếm của người sáng tạo. Không chỉ đem một bài thơ ra phổ nhạc, Phạm Duy dùng bài thơ này, để làm ra một bài thơ nọ, theo nhạc ngữ của mình. Đây là một tương phùng, hội ngộ chỗ bồng lai nghệ thuật.
Những lời thêm, những ý mở của ông, rất ý nghĩa và đẹp đẽ; nồng nàn, tha thiết. Đôi khi rất “thơ” hơn chính ngôn ngữ có trong bài thơ nguyên tác. Ông mang hia đội mũ, thêm đôi cánh, đường bay rộng cho chữ nghĩa. Đẩy tầng cách cảm thụ nơi người thưởng ngoạn đi rất xa. Nối dài tuổi thọ bài thơ. Biến nó trở thành những danh tác nhưng lại rất gần gũi, phổ biến rộng khắp từ tầng lớp nghe nhạc khó tính tới đám bình dân xuề xòa.
Cái cách nơi người thưởng ngoạn, khi tiếp cận ngôn ngữ nhạc của Phạm Duy giống như cách đọc truyện Kiều của Nguyễn Du, trong dân gian. Người có học, thưởng lãm ở tầm cao, đọc Kiều thấy chỗ hàn lâm, bát ngát minh triết, hiểu ra số mệnh tương đố, kiếp bạc mệnh hồng trần của Nàng Kiều. Bà mẹ quê ru con, không hiểu nhiều nhưng thấy lục bát ấy đầm ấm như ca dao, hiểu mơ màng. Thẩm độ người này, chẳng khác người kia.
***
Từ rất sớm, 1942, xem như đầu đời sáng tác, Phạm Duy phổ Cô Hái Mơ, thơ Nguyễn Binh. Lúc này sở năng biến hóa ngôn ngữ của ông chưa hiển lộ. Mười năm sau, 1952, khi một bài thơ lục bát khá tầm thường của Huyền Chi, cô gái 20 tuổi, bán vải chợ Bến Thành, đã thoát thai ra ca khúc Thuyền Viễn Xứ, chúng ta mới thật sự nhận ra chỗ biến hóa tài tình của ông.
Hãy xem một so sánh tiêu biểu, từ lời thơ sang lời nhạc, giữa hai tác giả:
Thơ Huyền Chi:
Ra khơi sương khói một chiều
Thùy dương rũ bến tiêu điều ven sông
Lơ thơ rớt nhẹ men lòng
Mây trời pha ráng lụa hồng giăng ngang
Có thuyền viễn xứ Đà Giang
Lời nhạc Phạm Duy:
Chiều nay sương khói lên khơi
Thùy dương rũ bến tơi bời
Làn mây hồng xa ráng trời
Bến Ðà Giang, thuyền qua xứ người
Thơ Huyền Chi:
Một lần dạt bến qua ngàn lau thưa
Hò ơi! Câu hát ngàn xưa
Ngân lên trong một chiều mưa xứ người
Đường về cố lý xa xôi
Nhịp sầu lỡ bước, tiếng đời hoang mang
Lời nhạc Phạm Duy:
Thuyền ơi viễn xứ xa xôi
Một lần qua, giạt bến lau thưa
Hò ơi giọng hát thiên thu
Suối nguồn xa vắng, chiều mưa ngân về
Nhìn về đường cố lý, cố lý xa xôi
Ðời nhịp sầu lỡ bước, bước hoang mang rồi
Thơ Huyền Chi:
Sau mùa mưa gió phũ phàng
Bến sông quay lại, hướng làng nẻo xa
Lệ nhoà như nước sông Đà
Mái đầu sương tuyết lòng già mong con
Lời nhạc Phạm Duy:
Quay lại hướng làng
Ðà Giang lệ ướt nồng
Mẹ già ngồi im bóng
Mái tóc sương, mong con bạc lòng
Thơ Huyền Chi:
Chiều nay trời nhẹ xuống hồn
Bao nhiêu sương khói chập chờn lên khơi
Hai bờ sông cách biệt rồi
Tần Yên đã nổi bốn trời đao binh
Ngàn câu hát buổi quân hành
Dặm trường vó ngựa đăng trình nẻo xưa
Biết bao thương nhớ cho vừa
Gửi về phương ấy mịt mờ quê hương
Chiều nay trên bến muôn phương
Có thuyền viễn xứ lên đường… lại đi…
Lời nhạc Phạm Duy:
Chiều nay gửi tới quê xưa
Biết là bao thương nhớ cho vừa
Trời cao chìm rơi xuống đời
Biết là bao sầu trên xứ người
Mịt mù sương khói lên hương
Lũ thùy dương rũ bóng ven sông
Chiều nay trên bến muôn phương
Có thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường…
Nói thêm, khi đối chiếu, ta không chỉ đọc hai văn bản, sẽ khó nhận ra chỗ tài tình. Phải nghe cả ca khúc, nền nhạc mới giảng rõ ngôn ngữ bài thơ đã hóa thân trong ca khúc. Chữ nghĩa ấy mới đích thị là nghệ thuật, là tiếng tơ lòng.
***
Phạm Duy chuyển bài thơ Còn Chi Nữa của Lưu Trọng Lư, một trong những nhà thơ hàng đầu của phong trào thơ mới, thành ca khúc Hoa Rụng Ven Sông, dưới đây:
Thơ Lưu Trong Lư:
Giờ đây hoa hoang dại
Bên sông rụng tơi bời
Đã qua rồi cơn mộng,
Đừng vỗ nữa, tình ơi!
Lòng anh đã rời rụng
Trên sông ngày tàn rơi.
Tình anh đà xế bóng,
Còn chi nữa, em ơi?
Lời nhạc Phạm Duy:
Giờ đâу trên sông hoa rụng tơi bời!
Giờ đâу em ơi cơn mộng tan rồi!
Lòng anh tan hoang thôi vỗ tình ơi
Ɲgàу như theo sông bóng xế tàn rơi..
Thơ Lưu Trong Lư:
Còn đâu ánh trăng vàng
Mơ trên làn tóc rối?
Chân nâng trên đường sỏi,
Sương lá đổ rộn ràng.
Trăng nội vẫn mơ màng
Trên những vòng tóc rối?
Đêm ấy xuân vừa sang
Em vừa hai mươi tuổi
Lời nhạc Phạm Duy:
Ϲòn đâu em ơi! Ϲòn đâu ánh trăng vàng
Ϲòn đâu ánh trăng vàng, mơ trên làn tóc rối?
Ϲòn đâu em ơi! Ϲòn đâu bước chân người
Ϲòn đâu bước chân người, mơ trên đường chiều rơi?
Ϲòn đâu đêm sang lá đổ rộn ràng!
Ϲòn đâu sương tan trăng nội mơ màng?
Ϲòn đâu em ngoan, tóc rối ngổn ngang
Tuổi em đôi mươi, xuân mới vừa sang…
Thơ Lưu Trong Lư:
Còn đâu những giờ nhung lụa:
Mộng trùm trên bông
Tình ấp trong gối
Rượu tân hôn không uống cũng say nồng?
Còn đâu mùi cỏ lạ
Ướp trong mớ tóc mây?
Một chút tình thơ ngây
Không còn trên đôi má.
Lời nhạc Phạm Duy:
Ϲòn đâu em ơi! Ϲòn đâu giờ nhung lụa?
Mộng trùm trên bông, tình nồng trong gối…
Ϲòn đâu em ơi! Ϲòn đâu mùi cỏ dại?
Ϲhút tình thơ ngâу, Không còn trên đôi má.
***
Phạm Duy phổ Tiếng Sáo Thiên Thai, thơ Thế Lữ, Nhà thơ tiên phong của phong trào thơ mới:
Thơ Thế Lữ:
Ánh xuân lướt cỏ xuân tươi,
Bên rừng thổi sáo một hai Kim Đồng.
Tiếng đưa hiu hắt bên lòng,
Buồn ơi! Xa vắng, mênh mông là buồn…
Lời nhạc Phạm Duy:
Xuân tươi
Êm êm ánh xuân nồng
Nâng niu sáo bên rừng
Dăm ba chú Kim Ðồng
Hò xang xê tiếng sáo
Nhẹ nhàng lướt cỏ nắng
Nhạc lòng đưa hiu hắt
Và buồn xa, buồn vắng
Mênh mông là buồn…
Thơ Thế Lữ:
Tiên Nga tóc xoã bên nguồn.
Hàng tùng rủ rỉ trên cồn đìu hiu;
Mây hồng ngừng lại sau đèo,
Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi.
Lời Phạm Duy:
Tiên Nga
Buông lơi tóc bên nguồn
Hiu hiu lũ cây tùng
Ru ru tiếng trên cồn
Hò ơi, làn mây ơi
Ngập ngừng sau đèo vắng
Nhìn mình cây nhuộm nắng
Và chiều như chìm lắng
Bóng chiều chưa đi…
Thơ Thế Lữ:
Trời cao, xanh ngắt. – Ô kìa
Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai.
Lời Phạm Duy:
Trời cao xanh ngắt,
xanh ngắt Ô ô ô kià
Hai con hạc trắng
Bay về nơi nao?
Trời cao xanh ngắt, ô ô ô kià
Ô ô ô kià
Hai con hạc trắng
Bay về, về Bồng Lai
Thơ Thế Lữ:
Theo chim, tiếng sáo lên khơi,
Lại theo giòng suối bên người Tiên Nga.
Khi cao, vút tận mây mờ,
Khi gần, vắt vẻo bên bờ cây xanh,
Lời Phạm Duy:
Ðôi chim ơi
Lên khơi sáo theo vời
Hay theo đến bên người
Tiên Nga tắm sau đồi
Tình tang ôi tiếng sáo
Khi cao cao mờ vút
Cùng làn mây lờ lửng
Rồi về bên bờ suối
Cây xanh mờ mờ…
Thơ Thế Lữ:
Êm như lọt tiếng tơ tình,
Đẹp như Ngọc Nữ uốn mình trong không.
Thiên Thai thoảng gió mơ mòng,
Ngọc Chân buồn tưởng tiếng lòng xa bay…
Lời Phạm Duy:
Êm êm, ôi tiếng sáo tơ tình
Xinh như bóng xiêm đình
Trên không uốn thân mình
Ðường lên lên Thiên Thai
Lọt vài cung nhạc gió
Thoảng về mơ mòng quá
Nàng Ngọc Chân tưỏng nhớ
Tiếng lòng bay xa…
Lời thơ của hai nhà thơ Lưu Trong Lư và Thế Lữ, qua Phạm Duy đã trở nên hoa gấm, độ biểu cảm là bàng bạc, mênh mang.
***
Bài thơ Ngậm Ngùi là một tuyệt phẩm của riêng Huy Cận, viết vào năm 1942, lúc ông 19 tuổi, nhưng nhiều thập kỷ qua chỉ được biết hạn hẹp trong giới yêu thơ. Nhiều chục năm sau, Phạm Duy phổ nhạc, Ngậm Ngùi bước ra ánh sáng. Dưới ánh đèn màu sân khấu, qua tiếng hát ngọc ngà của Lệ Thu, Huy Cận mới thực sự đến với đại chúng, trong sự trân trọng đón chờ.
Nắng chia nửa bãi chiều rồi…
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá sầu.
Sợi buồn con nhện giăng mau,
Em ơi! hãy ngủ anh hầu quạt đây.
Lòng anh mở với quạt này,
Trăm con chim mộng về bay đầu giường.
Ngủ đi em, mộng bình thường,
Ru em sẵn tiếng thuỳ dương mấy bờ.
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ,
Hồn em đã chín mấy mùa buồn đau
Tay anh em hãy tựa đầu,
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi.
Phạm Duy rất quý tài năng và hiểu giá trị từng câu chữ, xác hồn của bài thơ, khi phổ nhạc, vì thế, Phạm Duy không phá vỡ những ngữ ngôn vốn có của Huy Cận.
***
Với những nhà thơ khác, ngay Phạm Thiên Thư, được Phạm Duy đưa lên đài danh vọng, Phạm Duy đã “gia công gọt tỉa” rất nhiều. Lời ca khúc đã trở nên cô đọng, lôi cuốn, tạo một làn sóng người nghe đông đảo, say mê hiếm thấy.
Thơ Phạm Thiên Thư:
Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Chim non giấu mỏ
Dưới cội hoa vàng
Bước em thênh thang
Áo tà nguyệt bạch
Ôm nghiêng cặp sách
Vai nhỏ tóc dài
Anh đi theo hoài
Gót giầy thầm lặng
Đường chiều úa nắng
Mưa nhẹ bâng khuâng
Em tan trường về
Cuối đường mây đỏ
Anh tìm theo Ngọ
Dáng lau lách buồn
Tay nụ hoa thuôn
Vương bờ tóc suối
Tìm lời mở nói
Lòng sao ngập ngừng
Lòng sao rưng rưng
Như trời mây ngợp
Hôm sau vào lớp
Nhìn em ngại ngần
Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Trao vội chùm hoa
Ép vào cuối vở
Thương ơi vạn thuở
Biết nói chi nguôi
Em mỉm môi cười
Anh mang nỗi nhớ
Hè sang phượng nở
Rồi chẳng gặp nhau
Ôi mối tình đầu
Như đi trên cát
Bước nhẹ mà sâu
Mà cũng nhòa mau
Tưởng đã phai màu
Đường chiều hoa cỏ
Mười năm rồi Ngọ
Tình cờ qua đây
Cây xưa vẫn gầy
Phơi nghiêng ráng đỏ
Áo em ngày nọ
Phai nhạt mấy màu?
Chân tìm theo nhau
Còn là vang vọng
Đời như biển động
Xoá dấu ngày qua
Tay ngắt chùm hoa
Mà thương mà nhớ
Phố ơi muôn thuở
Giữ vết chân tình
Tìm xưa quẩn quanh
Ai mang bụi đỏ
Dáng em nho nhỏ
Trong cõi xa vời
Tình ơi tình ơi!
Lời nhạc Phạm Duy:
Em tan trường về đường mưa nho nhỏ
Ôm nghiêng tập vở tóc dài tà áo vờn bay
Em đi dịu dàng bờ vai em nhỏ
Chim non lề đường nằm im giấu mỏ
Anh theo Ngọ về gót giày lặng lẽ đường quê
Em tan trường về anh theo Ngọ về
Chân anh nặng nề lòng anh nức nở
Mai vào lớp học anh còn ngẩn ngơ ngẩn ngơ
Em tan trường về mưa bay mờ mờ
Anh trao vội vàng chùm hoa mới nở, ép vào cuối vở
Muôn thuở còn thương còn thương
Em tan trường về anh theo Ngọ về
Môi em mỉm cười mang mang sầu đời tình ơi
Bao nhiêu là ngày theo nhau đường dài
Trưa trưa chiều chiều thu đông chẳng nhiều
Xuân qua rồi thì chia tay phượng nở sang hè
Rồi ngày qua đi qua đi qua đi
Như phai nhạt mờ đường xanh nho nhỏ
Như phai nhạt mờ đường xanh nho nhỏ
Hôm nay tình cờ đi lại đường xưa đường xưa
Cây xưa còn gầy nằm phơi dáng đỏ
Áo em ngày nọ phai nhạt mấy màu
Âm vang thuở nào bước nhỏ tìm nhau tìm nhau
Xưa tan trường về anh theo Ngọ về
Nay trên đường này đời như sóng nổi
Xoá bỏ vết người chân người tìm nhau tìm nhau
Ôi con đường về ôi con đường về
Bông hoa còn đẹp lòng sao thấm mệt
Ngắt vội hoa này nhớ người thuở xưa thuở xưa
Xưa tan trường về anh theo theo Ngọ về
Xưa tan trường về anh theo Ngọ về
Đôi chân mịt mù theo nhau bụi đỏ đường mơ
Xưa theo Ngọ về mái tóc ngọ dài
Hôm nay đường này cây cao hàng gầy
Đi quanh tìm hoài ai mang bụi đỏ đi rồi
Ai mang bụi đỏ đi rồi
***
Với Minh Đức Hoài Trinh, Phạm Duy đi khá xa trong cái “quyền” phổ nhạc. Ông chỉ lấy ý của bài thơ, phá bỏ bố cục, để hình thành một ca khúc hoàn toàn mới, chỉ mang tên trùng với bài thơ, Đừng Bỏ Em Một Mình.
Thơ Minh Đức Hoài Trinh:
Đừng bỏ em một mình
Khi trăng về lạnh lẽo
Khi chuông chùa u minh
Chậm rãi tiếng cầu kinh
Đừng bỏ em một mình
Khi mưa chiều rào rạt
Lũ chim buồn xơ xác
Tìm nhau gục vào mình
Đừng bỏ em một mình
Trời đất đang làm kinh
Rừng xa quằn quại gió
Thu buốt vết hồ tinh
Đừng bỏ em một mình
Đừng bắt em làm thinh
Cho em gào nức nở
Hòa đại dương mông mênh
Lời Phạm Duy:
Đừng bỏ em một mình
Đừng bỏ em một mình
Trời lạnh quá trời lạnh quá sao đành bỏ em một mình
Đừng bỏ em một mình
Đừng bỏ em một mình
Chiều lộng gió chiều lộng gió sao anh đành bỏ em
Lời nào đó lời nào đó
Tiếng ân tình hay tiếng cầu kinh
Nhạc nào đó nhạc nào đó
Nhạc gọi người hay nhạc gọi hồn
Đừng lặng thinh đừng lặng thinh
Với tiếng chày tiếng búa nện đinh
Đừng toả hương đừng toả hương
Khói hương vàng che khuất người thương
Thơ Minh Đức Hoài Trinh:
Đừng bỏ em một mình
Biển đêm vời vợi quá
Bước chân đời nghiêng ngả
Vũ trụ vàng thênh thênh
Đừng bỏ em một mình
Môi vệ thần không linh
Tiếng thời gian rền rĩ
Đường nghĩa trang gập ghềnh
Lời nhạc Phạm Duy:
Đừng bỏ em một mình
Đừng bỏ em một mình
Đường về nghĩa trang mông mênh đừng bỏ em
Đừng bỏ em một mình
Đừng bỏ em một mình
Đường về nghĩa trang lênh đênh đừng bỏ em
Thơ Minh Đức Hoài Trinh:
Đừng bỏ em một mình
Bắt em nghe tiếng búa
Tiếng búa nện vào đinh
Hoà trong tiếng u minh
Đừng bỏ em một mình
Bóng thuyền ma lênh đênh
Vòng hoa tang héo úa
Yêu quái vẫn vô tình
Đừng bỏ em một mình
Cho côn trùng rúc rỉa
Cỏ dại phủ mộ trinh
Cho bão tố bấp bênh
Đừng bỏ em một mình
Mấy ngàn năm sau nữa
Ai mái tóc còn xinh
Đừng bỏ em một mình
Lời Phạm Duy:
Đừng bỏ em một mình
Đừng bỏ em một mình
Cùng một lũ cùng một lũ côn trùng rỉa rúc thân hình
Đừng bỏ em một mình
Đừng bỏ em một mình
Một mồ trinh chênh vênh chờ cỏ xanh
Đừng bỏ em một mình
Đừng bỏ em một mình
Đường về nghĩa trang mông mênh đừng bỏ em
Đừng bỏ em một mình
Đừng bỏ em một mình
Đường về nghĩa trang lênh đênh đừng bỏ em
Đừng bỏ em một mình
Đừng bỏ em một mình
Vài ngàn đời sau nữa
Vài ngàn đời sau nữa
Vài ngàn đời sau nữa
Ai mái tóc còn xanh
***
Vẫn Minh Đức Hoài Trinh, với, Đừng Nhìn Nhau Nữa. Phạm Duy đặt tựa mới là Kiếp Nào Có Yêu Nhau.
Lời hát từ nhạc:
Đừng nhìn em nữa anh ơi!
Hoa xanh đã phai rồi, hương trinh đã tan rồi
Đừng nhìn em! Đừng nhìn em nữa anh ơi!
Đôi mi đã buông xuôi, môi nhăn đã quên cười.
Hẳn người thôi đã quên ta!
Trăng Thu gầy đôi bờ, chim bay xứ xa mờ.
Gặp người chăng? Gặp người chăng, nhắn cho ta
Hoa xanh đã bơ vơ, đêm sâu gối ơ thờ.
Kiếp nào có yêu nhau, thì xin tìm đến mai sau
Hoa xanh khi chưa nở, tình xanh khi chưa lo sợ
Bao giờ có yêu nhau, thì xin gạt hết thương đau
Anh đâu anh đâu rồi? Anh đâu anh đâu rồi?
Đừng nhìn nhau nữa anh ơi!
Xa nhau đã xa rồi, quên nhau đã quên rồi
Còn nhìn chi! Còn nhìn chi nữa anh ơi!
Nước mắt đã buông xuôi, theo tiếng hát qua đời.
Đừng nhìn nhau nữa… anh ơi!
Bài thơ được phổ nhạc của Minh Đức Hoài Trinh:
Anh đừng nhìn em nữa
Hoa xanh đã phai rồi
Còn nhìn em chi nữa
Xót lòng nhau mà thôi
Người đã quên ta rồi
Quên ta rồi hẳn chứ ?
Trăng mùa thu gẫy đôi
Chim nào bay về xứ ?
Chim ơi có gặp người
Nhắn dùm ta vẫn nhớ
Hoa đời phai sắc tươi
Đêm gối sầu nức nở
Kiếp nào có yêu nhau
Nhớ tìm khi chưa nở
Hoa xanh tận nghìn sau
Tình xanh không lo sợ.
Lệ nhòa trên gối trắng
Anh đâu, anh đâu rồi !
Rượu yêu nồng cay đắng
Sao cạn mình em thôi !
Nhà Phê bình Đặng Tiến, có một nhận xét về thủ thuật phổ nhạc, và đôi ý kiến của Phạm Duy về lãnh vực này:
“Trên 300 bài nhạc phổ thơ thì còn khoảng 100 bài phổ biến một số bài được truyền tụng, trở thành kinh điển trong lịch sử âm nhạc, khiến nhiều người dọ hỏi “bí quyết” phổ nhạc. Có lúc làm Phạm Duy bực mình, vì “làm nhạc chớ có phải nấu phở đâu”. Nhưng có lúc nhạc sĩ vui tính trả lời, như khi đưa ra ví dụ bài Kiếp Nào Có Yêu Nhau, phổ nhạc thơ Minh Đức Hoài Trinh (1958) và thổ lộ “bí quyết”.
“Bạn bè yêu nhạc thường hỏi tôi về cái gọi là ‘bí quyết phổ nhạc’. Âu là tôi xin phép nữ sĩ Hoài Trinh cho tôi được in ra sau đây nguyên bản của bài thơ để bạn so sánh [in trên].
“Chắc bạn đọc cũng thấy bài thơ phổ nhạc được tôi thêm câu, thêm chữ. Phổ nhạc là chấp cánh cho thơ bay cao. Bài thơ ngắn ngủi, cô đọng này, vì có thêm chữ nên không còn tiết vần đều đều, bằng phẳng nữa. Bây giờ nó quay cuồng theo nét nhạc, câu nhạc. Giai điệu của câu ‘đừng nhìn em nữa anh ơi’ chuyển rất đột ngột, đi từ nốt trầm lên nốt cao nhất với hai ‘nhẩy bực’ quãng 5 để diễn tả sự tột độ của tình cảm.
Cái syncope sau câu ‘đừng nhìn em’ làm cho mọi người thấy được sự nghẹn ngào của bài thơ và bài hát.
“Nói thêm cho rõ: ca khúc gồm 154 chữ, dài gấp rưỡi bản gốc. Bản gốc là thơ năm chữ theo luật thi, nhịp lẻ; ca từ nhịp chẵn 6-10 theo sườn lục bát vần lưng kết hợp với vần chân; hai câu ngũ ngôn trở thành bán cú (hémistiche) cho câu 10 từ với vần giữa câu. Như vậy, chỉ về âm luật thôi, bài hát đã khác bài thơ. Những câu, những từ, những âm (đừng… đã) luyến láy tạo ý nghĩa mới cho lời thơ – chưa kể nhạc thuật phong phú, tha thiết mang chất bi kịch.”
***
Qua thơ phổ nhạc, Phạm Duy luôn gây ra những say mê một thời trong quần chúng. Có thể nói đó là những đợt bùng nổ, trong thói quen thưởng ngoạn. Rất bất ngờ. Luôn là cái mới.
Một thời của đầu thập niên 1960, hầu hết thanh niên, sinh viên, giới chức, sĩ quan… phải thức giấc với bài thơ lục bát, Tiễn Em của Cung Trầm Tưởng do Phạm Duy phổ nhạc. Đây cũng là thời gian người ta mê thơ Nguyên Sa, mê nhạc Trúc Phương qua tiếng hát liêu trai của ca sĩ Thanh Thúy.
Nhà thơ Hoàng Trúc Ly cảm người, mê giọng hát, đã có thơ tặng Nàng:
Từ em tiếng hát lên trời
Tay chao dòng ngọc, tay vời âm thanh
Sợi buồn chẻ xuống lòng anh
Nghe trong da thịt tan tành xưa sau.
**
Nguyễn Tất Nhiên là một tài năng xuất hiện rất sớm so với tuổi đời. Thơ của Nhiên là thơ học trò. Qua Nhạc Phạm Duy, với “Em Hiền Như Ma Soeur”, “Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ”, “Thà Như Giọt Mưa”, “Hai Năm Tình Lận Đận” Nguyễn Tất Nhiên bỗng trở thành “Ông lớn” trong nền thi ca Xứ Việt.
Ngày Xưa Hoàng Thị, và, Lên Non Tìm Động Hoa Vàng quả là thuốc gây mê. Ngất ngây quần chúng. Làm như Phạm Duy là thần bùa thầy ngãi. Và Phạm Thiên Thư bỗng trở thành ông Thần thi ca.
Lại một thời, đi đâu cũng nghe, lấy làm hạnh phúc được nghe, thơ Vũ Hữu Định sáng tác năm 1970, qua giọng hát kỳ vĩ của ca sĩ Thái Thanh:
Phố núi cao phố núi đầy sương
phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
anh khách lạ đi lên đi xuống
may mà có em đời còn dễ thương
Phố núi cao phố núi trời gần
phố xá không xa nên phố tình thân
đi dăm phút đã về chốn cũ
một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng
Em Pleiku má đỏ môi hồng
ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
nên mắt em ướt và tóc em ướt
da em mềm như mây chiều trong
Xin cảm ơn thành phố có em
xin cảm ơn một mái tóc mềm
mai xa lắc bên đồi biên giới
còn một chút gì để nhớ để quên
Thời Cộng Hòa đã rất nhiều nơi, quán cà phê, hội trường sinh viên, hộp đêm, đã cùng nhau chia sẻ, chứa chan cái nồng nàn, trìu mến của thi ca, âm nhạc.
***
Đến Kỷ Vật Cho Em [thơ Linh Phương] thật đáng kinh ngạc. Sau một thời gian rất ngắn bản nhạc được phổ biến, đã hàng triệu người hát/nghe. Đã kích động tận đỉnh những tâm cảm vốn bị tàn phá bởi cuộc nội chiến Bắc-Nam tương tàn. Lời buồn giết chết niềm vui hy hữu còn rơi sót trong lòng những chiến binh Miền Nam. Đã lời ra tiếng vào, “Phạm Duy đã gây ra chiến bại cho… Miền Nam.”
Kỷ vật cho em
Thơ Linh Phương:
Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời mai mốt anh về
Không bằng chiến trận Pleime
Hay Đức Cơ – Đồng Xoài – Bình Giả
Anh trở về hàng cây nghiêng ngả
Anh trở về hòm gỗ cài hoa
Anh trở về bằng chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng
Lời nhạc Phạm Duy:
Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về có thể bằng chiến thắng Pleime
Hay Đức Cơ – Đồng Xoài – Bình Giả
Anh trở về, anh trở về hàng cây nghiêng ngã
Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa
Anh trở về trên chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng
Linh Phương:
Mai trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh
Mai trở về bờ tóc em xanh
Vội vã chít khăn sô vĩnh biệt
Mai anh về em sầu thê thiết
Kỷ vật đây viên đạn mầu đồng
Cho em làm kỷ niệm sang sông
Đời con gái một lần dang dở
Phạm Duy:
Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh
Anh trở về bờ tóc em xanh
Chít khăn sô lên đầu vội vã…em ơi…
Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về đây kỷ vật viên đạn đồng đen
Em sang sông cho làm kỷ niệm
Linh Phương:
Mai anh về trên đôi nạng gỗ
Bại tướng về làm gã cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa xuân
Bên người yêu tật nguyền chai đá
Phạm Duy:
Anh trở về, anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa xuân
Bên người yêu tật nguyền chai đá
Linh Phương:
Thì thôi hãy nhìn nhau xa lạ
Em nhìn anh – ánh mắt chưa quen
Anh nhìn em – anh sẽ cố quên
Tình nghĩa cũ một lần trăn trối
Phạm Duy:
Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về nhìn nhau xa lạ
Anh trở về dang dở đời em
Ta nhìn nhau ánh mắt không quen
Cố quên đi một lần trăng trối… em ơi…
Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Phạm Duy, ông đi về tận những thế kỷ sau, bằng nhiều ngã đường. Ngã nào cũng nắng tươi suối trong, nghìn hoa và tình nồng. Để kết thúc chương sách này, tôi thấy cần trích một đoạn trong bài viết của nhà phê bình Đặng Tiến về Thơ phổ nhạc của Phạm Duy:
“Ca khúc là một thể loại nghệ thuật phù du. Âm nhạc là nghệ thuật của thời gian, nhưng nhạc giao hưởng trường sinh hơn. Có lẽ ca khúc là thời gian trong ngày tháng – thậm chí, giờ phút gắn liền vời cuộc sống cụ thể trong đời người, trong xã hội, vào một thời điểm nhất định. Và nó gắn liền với đại chúng.
Nhìn lại quá trình bảy mươi năm Phạm Duy phổ nhạc vào thơ là nhìn lại những mảnh vụn của cuộc sống, tự thuở hiu hắt lá mơ rơi, cho đến cô hàng xén cười như mùa thu tỏa nắng, những người góa phụ ngày mai đi nhận xác chồng. Những mảnh vỡ của lịch sử.
Đóng góp của Phạm Duy là đưa bài thơ đến người nghe và giữ bài thơ trong ký ức tập thể – một trang rời trong cuốn văn học sử vô danh. Điều đáng trân trọng trong một xã hội bấp bênh, nơi con người thường nhớ những điều nhỏ nhặt và rời rạc. Hoặc nhớ những điều mình muốn nhớ.
Không có cách gì chúng ta nghe lại toàn bộ khoảng 300 bài thơ Phạm Duy đã phổ nhạc – trong đó có những bài không phải là hay, tác giả đã phóng tác, vì lý do này nọ, quan trọng nhất là thời sự những năm đầu thập niên 1970 tại Miền Nam. Hay những năm ở Mỹ. Nhưng dù sao, nó cũng làm tang chứng cho một thời đại, một tâm lý văn hóa đã quá vãng.
Nghệ sĩ là một nhân chứng. Trong nghĩa này, nhạc phẩm Phạm Duy là phản ánh của một giai đoạn lịch sử nhiễu nhương, một tâm thức giao động.
Riêng về công trình phổ nhạc thơ, thì Phạm Duy đã có những đóng góp lớn lao. Là đã đưa nhiều bài thơ hay về nghệ thuật, hoặc có giá trị nhân chứng, đến với quần chúng đông đảo. Và, mặt khác, đã ghi lại nhiều nét trong quá trình phát triển nền thi ca Việt Nam già nửa thế kỷ. Nhạc Phạm Duy là một mảng ký ức văn học
Nhạc phổ Thơ của Phạm Duy là âm vang của thời đại qua thi ca.
Cũng là âm vang của thi ca qua thời đại.”
Cung Tích Biền
Nguồn: https://damau.org/98910/pham-duy-nguoi-hoa-kiep-tho-chuong-6