Phạm Duy Đi Rồi, Âm Vang Còn Dội – chương 5

Cung Tích Biền
31.1.2024

Phạm Duy đã đi rồi. Nhạc ông bị cấm hát. Nhưng tài sản tinh thần, lời ca tiếng hát của ông còn lại. Chỗ riêng tư, năm ba bạn bè vẫn hát nhạc Phạm Duy. Tiếng lòng ấy chừng là những liều thuốc an thần trong thời lửa đạn khắc nghiệt, khó khăn kinh tế, lúc thương tật rải đều như nắng.

Mỗi đêm, ban nhạc diễn nơi đông đúc, thiếu nhạc Phạm Duy, thấy trống vắng, hao hụt, thể tài để quảng diễn bị thu hẹp. Không đủ nhạc cho đàn, như không đủ cơm cho bữa. Kháng chiến không chỉ nhạc hùng tráng, loại tiếng hát át tiếng bom.

Triệt tiêu những bản tình ca, môi lưỡi chúng tôi luôn uốn éo chuyển rung những khẩu hiệu, những huy động,“Đứng lên, đứng lên quân dân anh hùng Việt Nam!” [Tổng Phản Công, nhạc Phan Quang Định, 1953].

Thỉnh thoảng có một đôi bài ngợi ca quê hương nhưng vẫn rực lửa căm thù, như Bình Trị Thiên Khói Lửa của Nguyễn văn Thương [1950]; có chút lãng mạn, cũng chẳng toàn vẹn, như Quê Em Miền Trung Du của Nguyễn Đức Toàn [1951] “Quê em miền Trung du / đồng quê lúa xanh rờn / Giặc tràn lên đốt phá”

Từ trận mạc xa xôi, để ca tụng chiến thắng Cao Bắc Lạng [Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn] tại miền trung Trung Bộ chúng tôi tiếp tục đưa máu, đẩy hận thù vào lời ca, “Thắng giặc rồi mài thêm dao kiếm / chúng còn về, thì ta đánh / chúng giết vợ chặt tay con / anh căm hờn bền gan du kích” [Lời ca Chiến Thắng Cao Bắc Lạng]

Những lời ca trên là tôi viết theo trí nhớ, tôi đã hát từ những năm đầu thập kỷ 50, thế kỷ trước. Nay, khi tôi ngồi viết những dòng này về Phạm Duy, để kỷ niệm mười năm ông Bỏ Đời mà đi, tháng 1-2023, cũng đà non ba phần tư thế kỷ, đá mòn rêu nhạt.

Kháng chiến, đánh Tây thì nơi nào chẳng mài dao bên thân người máu đổ. Nhưng từ lắng sâu tâm hồn, tận đáy lòng thân thiện, bà con cần những lời êm đềm, những an ủi cho nhau, những niềm tin hòa binh nhân ái.

Rất may, bên núi đồi kháng chiến hãy còn Văn Cao, với Làng Tôi, Cung Đàn Xưa, Thiên Thai, Sông Lô, Ngày Mùa; Lê Thương với Hòn Vọng Phu; Phạm Đình Chương, là Tiếng Dân Chài; Tô Vũ, Tình Không Biên Giới, Đặng Thế Phong với Giọt Mưa Thu, Đêm Thu…. Yêu biết bao những nhạc sĩ đã cho tôi một Cõi Mở tâm hồn.

***

Máy bay Pháp oanh tạc, xe tăng địch đi càn, mọi hoạt động trong vùng kháng chiến như họp chợ, cày bừa, hội hè đều không thể diễn ra ban ngày. Tất cả chỉ là, từ chiều tàn hôm trước đến mờ sáng hôm sau.

Ra đi lúc Sao Hôm hiện ra ở chân trời đông. Đi với sao Trường Canh thâu đêm, nửa khuya rực rỡ đỉnh đầu. Và dần tàn đêm. Tất cả đã nhạt nhòa, đêm hấp hối. Lớp sương mờ trắng, phủ trên bờ giậu, hang tre trúc, báo hiệu một sớm mai sẽ trở lại. Bấy giờ chúng tôi, mới trở về với giấc ngủ.

Đi toàn là đi bộ. Khi, hàng trăm cây số vẫn đi bộ lần hồi. Đường cái quan bị đào bới ngang dọc, chặn đường tiến quân của giặc. Đường xe lửa tan hoang. Ga tàu nằm hoen rỉ. Những chắn ngang [tà-vẹt] đường tàu, dân chúng tha về, cắt đôi treo lơ lửng làm chuông/kẻng, lấy sắt rèn dao mác.

Chúng tôi hát khi cùng đi bộ. Hát khi ngồi nghỉ trong bóng cây rừng. Chiều trên đồi. Buổi trưa vắng bên bờ suối. Kháng chiến, đói ăn lại hát nhiều. Hát đâu đụng Phạm Duy đó. Những bài hát thầm, tự an ủi đời riêng, “nỗi lòng biết tỏ cùng ai”.

Bàng bạc là rừng núi, là thôn dã. Chiều lên đồi nương, là nhớ:

Chiều ơi! Lúc chiều về rợp bóng nương khoai
Trâu bò về rục mõ xa xôi, ơi chiều
Chiều ơi! Áo chàm về quảy lúa trên vai
In hình vào sườn núi chơi vơi, ới chiều
Chiều ơi! Lúc chiều về là lúc yên vui
Qua đường mòn ngửi lúa thơm ngơi, ới chiều
Chiều ới! Chiều ơi ! Chiều ơi!

Thu về đồng lúa nương chiều
Tay dân cầy ngừng giữa làn gió.
Lúa ngát thơm trên những cánh nương
Tiếng súng xa nghe lẫn oán thương
Đây nhà nông phá rừng gây luống

Mai về, để thóc trên ngàn
Ta nuôi người gìn giữ non nước
Lúc sức tôi chen với sức anh
Lấy máu tô cho thắm núi xanh
Đem mồ hôi tưới đồng lúa xanh.

Chiều ơi! Lúc chiều về mọc ánh trăng tơ
Cho ngày mùa bài hát nên thơ, ơi chiều
Chiều ơi! Mái nhà sàn thở khói âm u
Cô nàng về để suối tương tư, ới chiều
Chiều ơi! Biết chiều nào còn đứng trên nương
Phố phường nhiều chiều vắng quê hương, ới chiều
Chiều ới! Chiều ơi! Chiều ơi!

[Nương Chiều, Phạm Duy]

Những lời man mác, ý tình bàng bạc, ngôn ngữ rất mới, của thơ, tạo những biểu cảm sâu lắng như vậy mà cấm được ư! Chỉ vì một Phạm Duy không còn chung hang ngũ, mà đành tâm tận diệt những tác phẩm đáng lưu dời vậy sao!

Hoàng hôn, nhóm một bếp lửa dưới mái tranh nghèo, nấu một nồi khoai, cùng nhau chấm muối mà ăn. Sáng thức giấc. Nhìn làn sương mỏng phủ trên mái tranh, hàng trúc đầu vườn bạc đầu, lại tủi cái thân nghèo, đàn con nhỏ. Có ai than thở ru đưa cái kiếp nghèo, như Phạm Duy:

Nhớ nhớ thuở nào
Anh (lơ) cầy thuê
Em (lơ) dắt trâu
Đôi ta cùng (lơ) gặp nhau dưới cầu
Bóng mát (ý) dưới cầu.

Nhớ nhớ thuở nào
Anh (đây) làm công
Em (lơ) gánh rong
Miếng trầu cau (lơ) nên đôi vợ chồng
Đôi vợ (ừ) chồng.

Cuối cuối nẻo làng
Túp (lơ) lều hoang
Che (lơ) gió sương
Ơn hai mùa (là) lúa chín ngô vàng
Lúa chín ngô (ý) vàng.

Suốt suốt một đêm
Anh (lơ) cùng em
Dưới (lơ) bóng trăng
Tiếng chày tre (lơ) cối đất nhịp nhàng nhịp nhàng vui.

Hô! Nước từ ngàn trùng xa
Nước tràn về làng ta
Nước hờn cuộc tình quê
Hò lờ hò lơ

Ruộng màu (lờ) tan vở
Vườn nghèo (lờ) xơ xác
Cửa nhà (lờ) ngơ ngác
Đôi (lơ) trẻ thơ
Đi (lơ) về mô…

Hô! Khói lửa ngụt trời mê
Bốc về ngàn nẻo quê
Kéo cuộc tình nghèo đi
Hô là hò lơ

Giặc về (là) ta đánh
Giặc tràn (là) ruộng xanh
Tình nghèo (là) mỏng manh
Đừng chia rẽ đôi lứa mình …

[Tình Nghèo]

Anh đi bộ đội chiến trường, mẹ già nhớ anh, em gái thay anh công việc nặng nhọc, lại nhớ Phạm Duy:

Chiều về, chiều về trên cánh đồng xanh
Có nàng gánh lúa cho anh ra đi giết thù (u u ù)
Từ ngày chinh chiến mùa Thu
Từ ngày, từ ngày chinh chiến mùa Thu
Có chàng ra lính biên khu ai ơi tung hoành (ư ư ừ)
Chiều về trên cánh đồng xanh.
Chiều quê hằng nhớ người trai
Và em nhìn tháng ngày trôi
Nhớ người xa, xa vời
Người vì non nước xa xôi

[Nhớ Người Thương Binh]

Cuộc đời dù tràn đầy hạnh phúc cũng phải có một vài đôi thất tình. Buồn quá nhảy sông cũng là sự thường. Nhưng cái tuyệt tình trong Phạm Duy e là man mác thơ mộng, tuy buồn muốn chết:

Một người ngồi đây
bên kia sông im nghe nước chảy về đâu
Một người ngồi đây
trông hoa trôi theo nước chảy phương nào
Trời thì mưa rơi,
mưa rơi không thôi suối tuôn niềm đau
Người thì hẹn nhau
sang sông mong cho chóng tạnh mùa ngâu.

Cuộc đời làm cho
đôi bên yêu nhau cách một biển sâu
Hẹn hò tàn thu
sang xuân bên nhau biết thuở ban đầu
Dù tình không nguôi
đôi ta xin cho hứa vui về sau
Trời còn làm cho
mưa rơi mưa rơi cách biệt dài lâu.

Nước cuốn trôi mau, mắt vẫn hoen sầu
Đành để hồn theo nước trôi không màu
Số kiếp hay sao không cho bắc cầu
Thì xin sông nước hãy cho gần nhau.

Một người bèn ra ven sông
buông theo nước cuồn cuộn mau
Một người chìm sâu
trong khi mưa ngâu bỗng đổ ngang đầu
Cuộc tình thương đau
êm êm trôi theo nước xuôi về đâu
Hẹn hò gặp nhau
thiên thu cho mau chóng đời người sau.

[Hẹn Hò]

***

Từ Nam ra Trung, qua khỏi đèo Cù Mông, thấy biển xanh ngát đằng đông, thị trấn Sông Cầu êm đềm sóng vỗ; đi thêm, những bờ cát trắng, những liếp dừa Tam Quan; những đồng khô cỏ nắng Xứ Quảng, những hàng dương liễu xanh; và Huế, những Hồn xưa Bóng cũ; ôi dà! Có lời thơ, đoạn văn nào tả Miền Trung yêu thương yêu bằng đoạn nhạc này:

Về miền Trung,
Miền thùy dương bóng dừa ngàn thông
Thuyền ngược suôi suốt một dòng sông… dài
Ôi quê hương xứ dân gầy
Ôi bông lúa, con sông xưa, thành phố cũ

Về miền Trung,
Người về đây sống cùng người dân
Lửa chinh chiến cháy bừng thôn làng điêu tàn
Đêm hôm nao gió u buồn trên sông vắng
có tiếng hát xao xuyến ánh trăng vàng.

Hò hô hò! Hò hố hô!
Người đi trên đống tro tàn
Thương em, nhớ mẹ hương vàng về đâu
Chiều khô nước mắt rưng sầu
Tan thân thiếu phụ, nát đầu hài nhi

Hò hố! Hò hô!
Hà hớ hơ… Nhớ thương về chiến khu mờ
Biết bao người sống mong chờ
Hát rằng: Hà á ơi…
Nhớ về cố hương yêu dấu xa xưa!
*
Về miền Trung,
Còn chờ mong núi về đồng xanh
Một chiều nao đốt lửa rực đô thành
Tay trong tay dắt nhau về quê hương cũ
Không than van, không sầu nhớ.

Về miền Trung,
Người về đây hát bài thành công
Lửa ấm áp bếp nhà ai hồng, đêm trùng
Đêm hôm nao tiếng dân nồng vang thôn xóm
Có tiếng hát xao xuyến ánh trăng vàng

Hò hô hò! Hò hố hô!
Về đây với lúa, với nàng
Thay bao nỗi khổ tiếng đàn (tôi) mừng reo
Nguồn vui đã tới với dân nghèo
Con sông nước chẩy, tiếng chèo hò khoan!

Hò hố! Hò hô!
Hà hớ hơ… Tiếng ai vừa hát qua làng
Lúc em gặt lúa trên đồng
Hát rằng: Hà há hơ!
Tiếng cười, tiếng ca trên lúa trên sông

[Về Miền Trung]

Một đoạn nhạc, lời ru mỗi bài thơ.
Chất thơ cùng nhạc hòa cùng.
Đi trong tục lụy, vẫn nghe hồn thần tiên.
Ai nghe? Thì tùy!

***

Nhớ bà mẹ quê, em bé, và nắng vàng tươi, chỉ có Phạm Duy chàng họa sĩ vẽ tranh qua lời nhạc:

Vườn rau, vườn rau xanh ngắt một mầu
Có đàn, có đàn gà con nương náu
Mẹ quê, mẹ quê vất vả trăm chiều
Nuôi đàn, nuôi một đàn con chắt chiu

Bà bà mẹ quê!
Gà gáy trên đầu ngọn tre
Bà bà mẹ quê!
Chợ sớm đi chưa thấy về
Chờ nụ cười con, và đồng quà ngon.

Trời mưa, trời mưa ướt áo mẹ già
Mưa nhiều, mưa nhiều càng tươi bông lúa
Trời soi, trời soi bốc khói sân nhà
Nắng nhiều nắng nhiều thì phơi lúa ra

Bà bà mẹ quê! Đêm sớm không nề hà chi
Bà bà mẹ quê! Ngày tháng không ao ước gì
Nhỏ giọt mồ hôi, vì đời trẻ vui.

Miệng khô, miệng khô nhớ bát nước đầy
Nhớ bà, nhớ bà mẹ quê xưa ấy
Mùa đông, mùa đông manh chiếu thân gầy
Cháu bà, cháu bà ngủ ngon giấc say.

Bà bà mẹ quê!
Chân bước ra đời cõi xa
Bà bà mẹ quê!
Từ lúc quê hương xóa nhòa
Nhớ về miền quê, mà giọt lệ sa.

Hủy bỏ những lời hoa gấm! Cấm nhạc Phạm Duy? Trong một vườn hoa, chủ vườn chỉ yêu thích, chăm sóc và tôn vinh mỗi loài rặt hoa màu Đỏ, những màu sắc kia, vàng, xanh, tím, lục, dù ngát thơm, dù lộng lẫy chủ vườn cũng nhất tâm nhổ bỏ, tiêu diệt đi.

Một thời cô quạnh. Chúng tôi hát thầm. Nắng chiều trên đồi nương như vết thương loang rộng.

***

Việt Nam Cộng Hòa suốt hai mươi năm [1955-1975] có bài Quốc Ca chính thức là một tác phẩm của Lưu Hữu Phước, nguyên là ca khúc Tiếng Gọi Thanh Niên, được sáng tác từ trước Cách Mạng Tháng Tám, 1945.

Lúc Miền Nam hát bản quốc ca này, Lưu Hữu Phước đang là một cán bộ văn nghệ tầm cỡ trên Xứ Bắc.

Lưu Hữu phước không phải là một người bất tài. Ông là tác giả những ca khúc hùng mạnh, được phổ biến rộng rãi trong những tháng ngày nồng nàn tình yêu đất nước. Những tác phẩm ấy một thời cổ vũ đức hy sinh, lòng dũng cảm của toàn dân trong phong trào chống ngoại xâm.

Nhưng trong hoàn cảnh lịch sử, cuộc nội chiến máu lửa Bắc-Nam, chính quyền Miền Nam dùng bài này làm quốc ca là một sỉ nhục cho dân chúng Miền Nam.

Vì sao phải chọn bản nhạc này làm Quốc ca? Suốt 21 năm, rất nhiều ý kiến của dân chúng đòi hỏi phải thay đổi, nhưng suốt thời Đệ Nhất Cộng Hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm [1954 – 1963] tới mãi 1975, các chính quyền kế nhiệm vẫn không thay đổi.

Đây là một ám ảnh tâm lý, giữa một thời lịch sử bị quỷ ám.

Việt Nam Cộng Hòa hãy còn “thừa” vài bản nhạc đầy đủ ý nghĩa, xứng tầm là một Quốc Ca, trong đó có ca khúc Việt Nam Việt Nam của Phạm Duy.

Việt Nam Việt Nam nghe từ vào đời
Việt Nam hai câu nói trên vành nôi
Việt Nam nước tôi.

Việt Nam Việt Nam tên gọi là người
Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời
Việt Nam đây miền xinh tươi
Việt Nam đem vào sông núi
Tự do công bình bác ái muôn đời

Việt Nam không đòi xương máu
Việt Nam kêu gọi thương nhau
Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu
Việt Nam trên đường tương lai,
Lửa thiêng soi toàn thế giới
Việt Nam ta nguyện tranh đấu cho đời

Tình yêu đây là khí giới,
Tình thương đem về muôn nơi
Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người
Việt Nam! Việt Nam!
Việt Nam quê hương đất nước sáng ngời
Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn đời.

Cung Tích Biền

Nguồn: https://damau.org/98886/pham-duy-di-roi-am-vang-con-doi-chuong-5

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây