Phạm Duy Thời Lãng Mạn Kháng Chiến – chương 4

Cung Tích Biền
22.1.2024

Chỉ trong vòng chín năm cuộc kháng chiến chống Pháp, Phạm Duy có hai đoạn đời tự đối ngược nhau. Từ 1945 đến 1950, ông trong khu Việt Minh, dưới bóng cờ Đỏ sao Vàng chống Pháp. Năm 1951 ông về vùng Quốc Gia cờ Vàng ba sọc Đỏ, chống lại Việt Minh.

Vùng Quốc gia, tiền thân của Việt Nam Cộng Hòa sau này, bấy giờ đang là nơi có mặt binh lính Pháp, trong các đồn lũy, trên máy bay ném bom, các trận càn vào xóm làng dân cư Việt Nam.

Đời sống các ca khúc của Phạm Duy, vì vậy cũng có hai giai đoạn. Có với Mất. Sống và Chết.

Thời Phạm Duy sống cùng Việt Minh, tiền thân của chế độ Xã hội Chủ Nghĩa hiện nay, nhạc của ông được trọng dụng. Xem là vũ khí văn nghệ tác động lòng dân yêu nước, tinh thần anh dũng chống ngoại xâm.

Khi ông về với Quốc Gia, tức thì, nhạc của ông bị cấm tiệt. Nhanh chóng, cuộc phụ nhau, đổi trắng thay đen này chỉ cách trước sau vài ba tháng thôi.

Phạm Duy bị Việt Minh kết án phản quốc, theo giặc Pháp. Nhạc Phạm Duy bị bôi lọ là phản chiến, ủy mị, cá nhân chủ nghĩa, tư sản lãng mạn, có nguy hại cho công cuộc toàn dân chống ngoại xâm. Nghĩa là xóa trắng tất cả danh dự và danh nghiệp của Phạm Duy. Trong các vùng quê có cả một vở kịch tự biên tự diễn, “Đả Đảo Phạm Duy”.

Bản nhạc “bản lề”, tạo ra sự kết án, chính Phạm Duy cũng nói rõ, do đó ông từ biệt Việt Minh, là ca khúc Bên Cầu Biên Giới. Trước đó, trong ca khúc Ngọn Trào Quay Súng, chừng Phạm Duy đã rao trước Lời ra đi, giã từ Việt Minh của mình về sau, “Ngọn trào quay súng giết quân thực dân, anh em ơi tiến nhau về, về miền Quốc Gia Việt Nam.

Thời khởi chiến, cùng là hoàn cảnh như Phạm Duy, những người là tướng tá, nhân vật cao cấp, trong guồng máy Quốc Gia sau này, thời Bảo Đại [1948-1955], và Đệ Nhất Cộng Hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm [1955-1963], trước kia đều là những người đã từng theo Mặt Trận Việt Minh.

***

Sở dĩ có giai đoạn đầu, 1946 đến 1950, thời gian Phạm Duy còn ở với Việt Minh, trong bốn năm ấy quyền tự do nơi mỗi con người còn sống sót.

Mặt Trận Việt Minh chưa đủ mạnh để thực hiện cuộc toàn trị, và đảm đương sứ mệnh lớn lao là công cuộc cứu nước. Họ cần sự phối hợp, dù bất đắc dĩ, cầm chừng với nhiều lực lượng đảng phái chính trị đối lập, cần sức mạnh toàn dân. Do vậy đời sống của dân chúng tương đối thơ thới, còn một ít tự do. Những bản nhạc, những bài thơ sau này bị quy kết là ủy mị, cá nhân chủ nghĩa, thiếu tính chiến đấu, làm nản lòng dân chúng, thời kỳ này, trong vùng Việt Minh, hãy còn được hát vang.

Tôi gọi giai đoạn đầu này là Thời lãng mạn kháng chiến.

Trong bài viết Nhà Thơ Hữu Loan Nhân Một Lần Gặp Gỡ [1987], khi ông từ miền Bắc vào thăm Sài Gòn sau 1975, có một đoạn tôi nhắc tới một thời những nhạc tiến chiến, nhạc tình lãng mạn được tự do hát trong vùng Việt Minh, những năm đầu kháng chiến chống Pháp — cũng là thời Hữu Loan sáng tác bài thơ rất nổi tiếng Màu Tím Hoa Sim. Bài thơ này được phổ biến ngay, không bị quy kết, lên án như sau này, vụ Nhân Văn Giai phẩm, 1958.

Thời ấy, những năm đầu khởi chiến chống Pháp, [1946-1950] mọi thứ còn hoang mộng. Cả thảy một tình yêu nước nồng nàn, toàn dân một tình cảm ngây thơ trước những mưu đồ chính trị. Sinh hoạt xã hội, ý thức hệ đối kháng, chưa từng cay nghiệt như những tháng ngày nội chiến về sau. Thuở ấy, ảnh hưởng một nền văn hóa cũ hãy còn. Văn thơ, là Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo của Tự Lực Văn Đoàn, là Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính… âm nhạc với Thiên Thai, Suối Mơ, Giọt Mưa Thu, Trăng Mờ Bên Suối, Trương Chi…

Phong cách văn hoa lãng mạn của một lối sống trí thức tiểu tư sản, trước 1945, hãy còn in đậm trong xã hội. Những cụm từ ngày nay đã trở nên sáo mòn cũ rích, nhưng buổi ấy là những “thanh âm” gợi cảm, gây mê cho bao thanh niên nam nữ trên đường trường chinh, những Chiều Biên Khu, Trấn Thủ Lưu Đồn, Sương Biên Thùy, Chinh Phu, Chiến Bào, Sơn Khê…

Thấp thoáng dưới ánh trăng thôn dã, một ngày qua bom đạn từ lũ máy bay Pháp oanh tạc đều đặn, là những ca khúc trữ tình được chép tay chuyền cho nhau, như Cung Đàn Xưa, Suối Mơ, Thiên Thai [Văn Cao], Dư Âm [Nguyễn văn Tý], Nụ Cười Sơn Cước [Tô Hải]… Giọt Mưa Thu, Đêm Thu, Con Thuyền Không Bến [Đặng Thế Phong]…

Nhưng, thời lãng mạn này rất ngắn ngủi. Nó có lý do, hoàn cảnh, và điều kiện, để nó dù không muốn chết, cũng phải chết.

Tháng ngày nóng bức lan dần này có gốc rễ từ thời thế. 1949 Mao Trạch Đông Cộng Sản đã chiếm toàn bộ Trung Hoa Lục Địa. Tổng Thống Tưởng Giới Thạch, Quốc Dân Đảng, đã bỏ nước đến đào tị tại hải đảo Đài Loan.

Thế lực của những người Việt Minh trong nước mạnh dần lên, vì đã có chỗ dựa, từ phương Bắc. Hai đàn anh Liên Bang Sô-viết và Trung Hoa Lục Địa.

Rất nhanh chóng, ảnh hưởng trực tiếp vào nền chính trị, lẫn cai trị tại Việt Nam. Năm 1952, trong vùng Việt Minh, tại Liên khu V đã khởi động “Phong trào phát động quần chúng”, giảm tô tức, triệt để đấu tranh với địa chủ, tiền thân của chiến dịch đấu tố địa chủ tàn độc về sau này tại Miền Bắc [1956].

Năm 1952, tôi ở Liên khu Năm. Ban nhạc của chúng tôi có Lâm Đề, Lâm Quang Hy, hai anh này 1954 đi tập kết, sau 1975, một anh kỹ sư một anh tiến sĩ, quyền cao chức trọng; có Phan Tùng Lân [violon] Hàn Vỹ [guitar]. Ra Bắc, Hàn Vỹ có thời là một khoa trưởng Nhac Viện Hà Nội. Mỗi lần chào quốc kỳ Việt Nam đều phải thượng kỳ và hát quốc ca hai nước đàn anh là Liên Xô và Trung Quốc trước, bài quốc ca Việt Nam hát sau cùng.

Tôi, kẻ viết bài này, thuở ấy, trong ban nhạc một đoàn văn công đàn hát những bài này. Nay đã 70 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ nằm lòng đoạn khởi đầu bài quốc ca Trung Hoa buổi ấy.

Qua câu nhạc dẫn, là đến lời:

Vùng lên, không cam tâm làm ngựa trâu ngu dân / đem hòa xương máu xây cho nền Trường thành…” [Lời Việt, năm 1952].

Quốc ca của Trung Hoa từ năm 1949 đến nay lời ca rất nhiều lần thay đổi. Thậm chí nó một thời bị xóa tên, và thay là bài Đông Phương Hồng. Lời trên đây là lời bài Nghĩa Dũng Quân Tiến Hành Khúc, được gọi tựa đề là Xì – Lây [Khởi lai].

Chỉ là do trí nhớ tôi ghi lại nơi đây. Hiện nay không tìm thấy bất cứ đâu lời ca Việt này. Không biết tác giả Việt Nam nào dịch lời rất hay so với nguyên bản chữ Hán, lúc bấy giờ.

Bản chữ Hán là
起來(ㄑㄧˇ ㄌㄞˊ)! 不願(ㄅㄨ´ ㄩㄢ`)做(ㄗㄨㄛ`)奴隸(ㄋㄨ´ ㄌㄧ`)的(˙ㄉㄜ)人們(ㄖㄣ´ ˙ㄇㄣ)!
把(ㄅㄚˇ)我們(ㄨㄛˇ ˙ㄇㄣ)的(˙ㄉㄜ)血肉(ㄒㄩㄝ` ㄖㄡ`), 築成(ㄓㄨˋ ㄔㄥ´)我們(ㄨㄛˇ ˙ㄇㄣ)新的(ㄒㄧㄣ ˙ㄉㄜ)長城(ㄔㄤ´ ㄔㄥ´)!

Âm Hán Việt:

Khởi lai! Bất nguyện tố nô lệ đích nhân môn!
Bả ngã môn đích huyết nhục, trúc thành ngã môn tân đích Trường Thành!

Dịch nghĩa:

Đứng lên! Những người không muốn làm nô lệ!
Với máu thịt chúng ta, hãy cùng nhau xây dựng Trường Thành mới!

***

Nói tường tận vậy, để chúng ta hiểu thêm cuộc đi ngược chiều thái độ chính trị của Phạm Duy.

Ở lại với hàng ngũ Việt Minh chống Pháp? Hay trở về với Quốc Gia, có quân đội Pháp, để chống lại Việt Minh? Một bên chống ngoại xâm để dành nền tự chủ cho nước nhà. Một bên chống độc tài để giành mọi quyền tự do cho mỗi con người. Cuộc đoạn tuyệt này là rất cam go, đau lòng, đòi hỏi một quyết định quan trọng bậc nhất đời người.

Chống ngoại xâm hay chống độc tài? Cái từ “Yêu Nước” bị khủng hoảng. Hiện tình có hai cách yêu nước. Hai bên giới tuyến. Cách nào /bên nào cũng phải tốn máu xương.

***

Cuộc chiến đã đến hồi khốc liệt. Mỗi bên một lãnh thổ, tạo Việt Nam ra hình da beo, trong cái thế cài răng lược.

Quân đội Pháp chiếm các thành phố, các thị trấn đông đúc, Sài Gòn, Hải Phòng, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng… và một số các vùng thôn dân quanh các đô thị. Tuy chiến tranh ác liệt, nhưng đời sống dân chúng nơi đây thơ thới, có xe cộ, điện nước, bệnh viện trường học, đầy đủ phương tiện, được hưởng tương đối nhiều quyền tự do.

Việt Minh chiếm phần lớn các vùng thôn quê, rừng núi. Dân chúng rất nghèo khó, thiếu thốn mọi phương diện, từ trang giấy trắng tới chiếc máy đánh chữ, thiếu thuốc men, ánh điện. Thực tế, là vì Pháp bao vây. Vì lý do an ninh, thường dân vùng Việt Minh không được sang vùng Pháp chiếm. Hàng hóa từ vùng Pháp chiếm nếu có trong vùng Việt Minh, đều được xem là hàng cấm, hàng buôn lậu.

Trong cái thế cài răng lược, chen giáp nhau, nên có khi bên này bên kia chỉ cách nhau một dòng sông. Bờ này phố thị gọi mình là vùng Tự Do, vùng Quốc Gia. Bên Việt Minh gọi vùng của mình là vùng Kháng Chiến tự do, vùng Quốc Gia là vùng Tạm Chiếm, vùng Địch Đóng.

Tâm sự của nhà thơ, anh bộ đội Yên Thao:

Tôi đứng bên này sông
Bên kia vùng địch đóng
Làng tôi đấy xạm đen màu tiết đọng
Tre cau buồn tóc rũ ướt mưa sương
Màu trắng vôi lớp lớp mấy khung tường
Nếp đình xưa người hỡi đau gì không?

Tôi là anh lính chiến
Rời quê hương từ độ máu khơi dòng
Buông tay gầu vui lại thuở bình Mông
Ghì tay súng nhớ ơi ngày chiến thắng
Chân chưa vẹt trên nẻo đường vạn dặm
Áo nào phai không sót chút màu xưa

Ðêm hôm nay tôi trở về lành lạnh
Sông sâu buồn lấp lánh ánh sao thưa
Tôi có người vợ trẻ đẹp như thơ
Tuổi chớm đôi mươi cưới buổi dâng cờ
Má trắng mịn thơm thơm mùa lúa chín

[…]

Tôi còn người mẹ
Tóc đã ngả màu bông
Tuổi già non thế kỷ
Lưng gầy uốn nặng kiếp long đong
Nắng mưa từ buổi tang chồng
Tơ tằm rút mãi cho lòng héo hon

[…]

Ðêm nay trời lành lạnh
Sông sâu mừng lấp lánh ánh sao thưa
Ống quần nâu đã vá mụn giang hồ
Chắc tay súng tôi mơ về Nguyễn Huệ
Làng tôi kia bên trại thù quạnh quẽ
Trông im lìm như một nắm mồ ma
Có còn không! Em hỡi mẹ tôi già?
Những người thân yêu khóc buổi tôi xa

Tôi là anh lính chiến
Theo quân về giải phóng quê hương
Mái đầu xanh bụi viễn phương
Bước chân đất đạp xiêu đồn lũy địch

Này, anh đồng chí!
Người bạn pháo binh
Ðã đến giờ chưa nhỉ?
Mà tôi nghe như trại giặc tan tành

Anh rót cho khéo nhé!
Không lại nhầm nhà tôi
Nhà tôi ở cuối thôn Đoài
Có giàn thiên lý
Có người tôi thương.

Như thế, tôi với anh, ta với kẻ thù, Vàng với Đỏ gần nhau lắm. Hai bên bờ một con sông. Một bờ mép chiến hào. Lịch sử oái ăm. Tình thế này kéo dài về sau, và về sau mãi. Tết Mậu Thân 1968, Sài Gòn, Chợ Lớn, Huế, Đà Nẵng, anh em thân yêu của ta cách nhau một bờ tường. Đục một cái lỗ. Thấy kẻ thù. Gần nhau quá. Không thể bóp cò súng. Ta xáp lá cà nhau với nhau qua lưỡi lê.

Như thế, Phạm Duy Ra đi! Hay Trở về! Chỉ một bước chân ngắn ngủi, chỉ là bên này với bờ kia một cây cầu, nhưng thăm thẳm cái độ dài sâu cay tư tưởng. Tới nay, cái thăm thẳm tanh nồng ấy vẫn rộng xa như biển, giữa Ngươi-Quê-Hương và Người-Hải-Ngoại!

Ngừng đây soi bóng bên giòng nước lũ
Cầu cao nghiêng dốc bên giòng sông sâu
Sầu vương theo sóng xuôi về cuối trời
Một vùng đau thương chốn làng cũ quê xưa

Người đi chưa hết hương sầu lữ thứ
Hồn theo cánh gió quên tình xa xưa
Tuổi xanh như lá thu rụng cuối mùa
Mộng về đêm đêm khát vừng trán ngây thơ

Em đến bên tôi một chiều khi nắng phai rồi
Nắng (ư) ngừng bên chiếc cầu biên giới
Xa xa thoáng đàn trầm vô tư
Đâu đây dáng huyền đền duyên mơ

Bên cầu biên giới
Tôi lặng nghe dòng đời từ từ trôi
Sông nước xa xôi,
Mây núi khắp nơi
Không tỏ một đôi lời …

Ôi giấc mơ qua
Mộng đời phiêu lãng giang hồ
Sống trong lòng người đẹp Tô Châu
Hay là chết bên bờ sông Danube
Những đêm sáng sao

Nhưng đường quá xa vời
Hương trời vẫn mê mài
Lòng tôi sao vẫn còn biên giới!
Lòng tôi sao vẫn ngừng nơi đây
Ôi dòng tóc êm đềm!
Ôi bể mắt đắm chìm!
Đời phong sương cũ, chỉ là thương nhớ
Mộng bền năm xưa
Chỉ là mơ qua!!!

Phạm Duy đã gởi lời chào quá khứ, năm năm chăn gối với chiến khu.

Cung Tích Biền

Nguồn: https://damau.org/98802/pham-duy-thoi-lang-man-khang-chien-chuong-4

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây