Lê Chiều Giang
28.9.2020
Những đổi thay khốc liệt sau cuộc chiến 75 đã đưa đẩy một nhóm bạn bè chúng tôi gần gũi, siêng năng gặp gỡ nhau hơn những ngày tháng trước đó.
Một ngày của mùa Hè 1978, đi với Nguyễn Đình Toàn đến nhà chúng tôi ở cư xá Thanh Đa là Trần Quang Lộc trạc tuổi hai mươi tám, ba mươi, với cây guitar trên tay.
Nghiêu Đề và tôi luôn vồn vã, thân thiện rất nhanh với bạn mới gặp, nhất là lại có thêm cây đàn. Ham vui như chúng tôi, sự thân thiện sau đó đã tăng lên gấp bội.
Trần Quang Lộc sáng tác chưa nhiều nhưng nhạc rất đặc biệt, anh hát nhạc mình với chất giọng bàng bạc của miền Trung. Tiếng hát mà Duy Trác thường nói: “Không ai hát nhạc Trần Quang Lộc hay bằng chính Trần Quang Lộc.”
“… Em ơi cho tôi ngủ đậu
Tôi không có nhà
Tôi đây không quen ngủ vội
Xin em thức với ơi a tình tôi…” (TQLộc)
Sau 75, Trần Quang Lộc lang thang từ một miền Trung xa xôi vô Sài Gòn sống lang bạt không cửa nhà, hộ khẩu… Nhạc đã như vẽ ra một đời sống rất thật của anh.
Thanh Đa, chúng tôi sống trên một chung cư lầu ba, nơi mà, mỗi sáng nhìn dòng sông với mặt trời soi rọi rất đẹp của bình minh, tôi vẫn cảm nhận ra chút dịu dàng, cho dù đời sống lúc nào cũng như một chảo lửa đốt cháy hết sự sống của cả một quê hương. Sông Thanh Đa có chiếc ghe của bà Mười đưa khách từ làng báo chí qua lại. Với chiếc ghe nhỏ xíu đó, chị Nguyễn Thị Thụy Vũ và Anh Nguyễn Đình Toàn đến chơi Thanh Đa thường hơn. Mỗi lần chị đứng bên kia sông réo gọi, anh Toàn đưa tay vẫy…
Chúng tôi luôn có với nhau những bữa cơm rất tội nghiệp, với một tô canh thôi, và tôi thường phải giải thích với chị Thụy Vũ: “Thấy chị qua em đã thêm nước vô cho nó nhiều.” Anh Toàn hỏi thêm trước khi cầm muỗng: “Thêm nước thì hiểu được, nhưng rồi Giang có nấu lại không?” Vậy đó thôi mà cười tung tóe.
Những đêm trăng, chúng tôi xuống hết chiếc ghe nhỏ với cây guitar của Trần Quang Lộc hát hò tới nửa đêm. Nhạc Nguyễn Đình Toàn được hát bởi Khoa, bạn của Trần Quang Lộc. Duy Trác không bao giờ hát… dưới ghe, nên anh Toàn, Khoa, Lộc và tôi thay nhau hát. Hát say mê dưới trăng sáng mơ màng trên sông, hiu hiu chút gió và tiếng khua nước của ghe chèo…
Có những đêm Thanh Đa cúp điện, sự tối tăm được lập lòe sáng bởi những đốm thuốc trên môi bằng hữu. Ngồi nghe Trần Quang Lộc hát trong những đêm không đèn đóm mà tâm ai cũng rực rỡ như lửa (Đào Trường Phúc cường điệu goi là “Đêm Lửa”).
Sau những ngày lang bạt khắp Sài Gòn, cuối cùng Trần Quang Lộc đã thuê được một căn nhà sàn. Nơi đây nhiều tuyệt tác của anh đã ra đời, một số cũng được phổ từ thơ của anh A. Khuê.
Khởi sắc hơn, anh được một fan hâm mộ, giúp anh có một quán cà phê trong con hẻm đường Phan Thanh Giản. Thế là bạn bè có một chỗ để uống cà phê và vui chơi. Nguyễn Trọng Khôi ôm đàn hát thường xuyên vì Trần Quang Lộc còn mắc bận buôn bán. Lâu lâu Khánh Trường cũng tới quậy; cho vui với bạn bè…
Nhưng sau vài tháng Trần Quang Lộc phải tuyên bố dẹp tiệm vì quán xá bị lỗ vốn nặng nề. Mất nơi tụ họp, bạn bè kéo hết ra Thanh Đa. Thời gian này Nghiêu Đề đang cùng Nguyễn Lâm và Hồ Hữu Thủ vẽ sơn mài cho một dealer bán tranh ra ngoại quốc. Cuộc sống đã có chút dư dả, tôi đã bỏ đi thói quen phải “thêm nước vô nồi canh” trong những bữa cơm cùng bè bạn.
Buổi tiệc “sang trọng” đầu tiên là Noel năm 1980. Anh Nghiêu Đề mua về một con ngỗng. Nhìn thấy nó bự quá chừng mà tôi sợ hãi và lúng túng. Thêm vào đó tôi nấu nướng chẳng ra làm sao, nên chị Thụy Vũ được cầu cứu tới giúp. Chị nấu nó suốt ba tiếng sửa soạn cho buổi trưa nhưng không ai ăn được vì chưa mềm. Tôi tiếp tục bếp núc thêm hai giờ nữa, bây giờ phải gọi là bữa tối. Vậy mà thiên hạ vẫn phải đói meo vi con ngỗng một trăm tuổi này không sao nhai nổi. Đến mười giờ thì nhóm bạn nữa tới, thôi cứ coi như tiệc nửa đêm, Noel mà! Và sau chín tiếng nấu đi nấu lại với mười tám người chúng tôi, Mr. Con Ngỗng trăm năm đã rất ngon miệng…
Trần Quang Lộc nằm trong nhóm bạn đến sau cùng. Có thêm anh, Noel đã được kéo dài cho tới sáng.
“… Lạy mẹ tàn phai
Mảnh trăng mẹ cài
Ru con kỳ diệu
Hồn mẹ chia hai…” (TQLộc)
Loay hoay mà giấy tờ ODP của gia đình cũng đã hoàn tất, chúng tôi sẽ rời Việt Nam trong sáu tháng tới. Đó là những ngày của 1984.
Chia tay sẽ rất buồn, lại còn biết trước tới sáu tháng. Nên trong những lúc quây quần cũng đã thấm đẫm nhiều vấn vương.
Nguyễn Đình Toàn cay đắng: “Nghiêu Đề và tôi ra đi đã mang theo luôn cái ‘sân khấu’ của bạn bè.
“… Còn bao giờ nữa tôi về
Vui trên sông trăng
Đêm hè, những khuya
Có ai về
Bến sông buồn
Nhắn hỏi dùm ta dòng sông vắng
Còn nhớ những người đã bỏ đi hay không
Trăng ơi,
Trăng đi rồi có về không
Cho hồn ta theo với…” NĐToàn (1984)
Năm 1998 tôi trở lại Sài Gòn. Chị Vũ với tôi và Trần Quang Lộc đi cà phê khắp mọi vỉa hè thành phố. Nhắc lại những kỷ niệm và sự mất tăm của nhiều gương mặt cũ. Nhớ nhất vẫn là Nghiêu Đề, người vừa mới bỏ cuộc chơi.
Tôi thua chị Thuỵ Vũ mười sáu tuổi, là một “bạn nhỏ xíu” của chị. Không hiểu sao tôi là người chị chọn để kể hết về những trầm luân lê thê, mãi vẫn chưa hết của đời chị.
Qua những lần tôi về thăm chị ở Lộc Ninh, hay chị lên gặp tôi ở Sài Gòn.
Lần cuối cùng tôi trở lại Việt Nam năm 2017. Trần Quang Lộc nhiệt tình ra đón tại ngã ba Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ngôi nhà anh chị ở bên một khu vườn nhiều cây xanh, đẹp và êm đềm. Chút điều không vui vì anh đang đau yếu.
Đây là lần duy nhất sau bốn mươi hai năm bè bạn, tôi và Trần Quang Lộc không ngồi bên một cây guitar. Lần đầu tiên anh đã không hát khi ngồi với tôi, và cũng sẽ chẳng còn bao giờ nữa…
Nhà anh chị đang ở cũng là một studio thu âm, nhỏ thôi, nhưng cũng vừa vặn để anh xoay xở giúp gia đình.
Chợt anh nghĩ ra một ý rất ngộ nghĩnh: Anh muốn thâu vài bài ngày xưa tôi hay hát với bạn bè. Serenade, Sombre Dimanche… Với ý kiến đó, chúng tôi ngồi để “thâu lại ký ức;” Khi hát, tôi mơ màng thấy lại dòng sông xưa, chiếc thuyền nhỏ vào những đêm trăng sáng.
Những đốm thuốc không lụi tàn trong đêm tối, và tiếng hát bạt ngàn của chúng tôi mới thuở nào đây đã mất hút, xa xăm, đã bay đi mất tan theo những mưa những gió của cuộc đời.
Đọc lại văn mình chắc không khó bằng nghe lại mình hát. Tôi đã chẳng bao giờ nghe CD Trần Quang Lộc đã thâu và đề tặng. Hôm qua nghe tin anh ra đi, tôi ngồi café ở một quán nhỏ. Nhìn xa tắp là ngọn núi có chút nắng chiều sắp tàn. Tôi đang ngồi nghe tôi hát. Kỷ niệm vật vờ, trôi nổi… Serenade. Chút nắng sắp tàn mà sao tôi thấy như tôi đang bị nung nấu cho tan chảy. Hãy tan thành nước lũ, trôi dạt về lại dòng sông xưa nơi chúng tôi đùa vui cùng những mùa trăng cũ…
Tôi nghe mình hát mà tưởng như ai đang nói những lời chia xa, những ngậm ngùi cách biệt:
“...Dù một ngày đời sẽ vỡ tan rồi
Người về cuối chân trời...” (Schubert, Phạm Duy)
CD anh tặng sau bốn năm mới trở thành kỷ vật. Buổi chiều cuối cùng chúng tôi ngồi cũng với một chút nắng, gió lao xao và tiếng violin vút cao của Sombre Dimanche.
Tôi biết mình vẫn cứ lẽo đẽo tìm theo những rêu phong của ngày tháng cũ. Mà cũng chẳng phải riêng mình tôi. Khi Nguyễn Đình Toàn báo tin về Trần Quang Lộc, thơ thẩn nhiều điều rồi anh lại nói với tôi một câu cũ kỹ, một thông điệp mà anh đã nhắc đi nhắc lại suốt ba mươi năm: “Tưởng tượng những ngày tháng nghiệt ngã đó, chúng ta không có một đám để rong chơi như thế, thì chắc là đã chết hết lâu rồi.”
Viết một chút về những đẹp ngời của bốn mươi hai năm dài. Hình ảnh hay nhất mà bạn bè khó quên về Trần Quang Lộc là dáng anh ngồi nghiêng, có chút gì đó rất cô liêu, ôm đàn hát ra những bất trắc, khốn khó và bi thảm của chính mình.
Lê Chiều Giang
Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/ban-doc-viet/nguoi-ve-khuat-chan-troi/