Phạm Duy, Một Cái Nhìn Chung Về Phạm Duy – Chương 1

Cung Tích Biền
8.1.2024

 

Nhạc sĩ Phạm Duy, tên khai sinh Phạm Duy Cẩn, chào đời vào năm 1921, tại Phố Hàng Cót, Hà Nội. Bấy giờ Hà Nội thuộc Xứ Bắc Kỳ, một trong năm xứ của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp [Việt, Miên, Lào – còn gọi là Đông Pháp]. Riêng nước Việt để dễ cai trị, người Pháp chia làm ba xứ – Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Mỗi xứ có ranh giới riêng, thể chế cai trị và guồng máy hành chính rất khác biệt nhau.

Thời Pháp thuộc, Nước An Nam là tên được gọi thay cho Việt Nam. Người Việt Nam thay vì Vietnamien, được gọi là Annamite [An-nam-mít-tờ]. Đây là một chủ ý miệt thị, là dân nô lệ, bị trị. Ám ảnh này đã lan ra một căn bệnh thở than với những cụm từ “Dân Mít nhược tiểu. Bọn Mít da vàng”… Hà cớ? Trong lịch sử nước ta, có non nghìn năm là đất bị trị của giặc Tàu. An Nam Đô Hộ Phủ (chữ Hán: 安南都護府) là tên gọi nước ta thời Bắc thuộc lần 3, từ năm 679 đến năm 866, dưới bộ máy cai trị của nhà Đường. Thực dân Pháp dùng tên An Nam Đô Hộ Phủ, không ngoài cái cách bọn đế quốc sài lang đi chiếm nước người, xem thường dân bị trị.

Phạm Duy, qua đời năm 2013, tại Sài Gòn, vào thời Việt Nam thống nhất cả hai miền Nam – Bắc, nằm hoàn toàn dưới sự toàn trị của Chính quyền miền Bắc, từ tháng Tư 1975. Sự “Hợp một” này có được phải sau hai mươi năm chiến chinh máu lửa, anh em cùng một nhà thanh toán nhau, một bên bị diệt, mới có một bên được thắng.

Phạm Duy được an táng tại gần Sài Gòn. Theo chỗ tôi biết, tâm nguyện của ông, “Quê nhà”, nơi chôn nhau cắt rốn, chính là chốn Kinh Bắc, nơi đó ông sẽ trở lại với nghìn thu, chứ không phải nơi Công viên Nghĩa trang Bình Dương. Điều bí ẩn này chờ một ngày giải mã.

Dài dòng vậy, để tỏ tường cái tình huống, tình cảnh, buổi sơ nguyên tiếng khóc chào đời, cho tới hơi thở cuối cùng một đời Nhạc sĩ, trong xay xát, giữa nghiền nát, ra đi, trở lại, của tình thế chính trị, tư tưởng, binh lửa, qua bao nhiêu tang thương dâu bể của sử lịch.

***

Phạm Duy, là “Một bản tường trình lịch sử” qua âm nhạc.

Một điều thấy rõ. Những chương bản nghịch dị trong cuộc đời Phạm Duy là do sự chọn lựa rõ trắng đen chính nơi ông, một người suốt hành trình đời mình, luôn đồng hành với sự sòng phẳng, tự do chính mình. Không giả nhân giả nghĩa. Cũng từ đây, sức sống trong các nhạc phẩm của ông là một khởi phát chân thực từ đáy lòng, qua cái tâm hồn tinh hoa giàu lòng yêu nước yêu người, là một trời nồng nhiệt lôi cuốn người ngưỡng ngoạn luôn theo cùng.

Cuộc đời Phạm Duy là một cuộc trường kỳ dấn mình, tràng giang “dây nhợ”, trải theo một lịch sử khá đặc biệt của nươc nhà. Chinh chiến lâu dài, nhiều đổi thay thể chế chính trị, những xáo trộn xã hội khốc liệt. Ông là một thiên tài âm nhạc. Dấu ấn và tầm ảnh hưởng của ông, đối với quần chúng, xã hội, là rất đặc biệt so với những, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, những nghệ sĩ sáng tác khác, cùng thời.

Những tài liệu viết về ông rất nhiều. Ca ngợi ông rất nhiều. Có người viết cả một quyển sách nhiều trăm trang, chỉ nói về Phạm Duy. Người với những bài dài dặt như một công cụ chính trị đánh phá Phạm Duy cũng không ít. [*]

Ca ngợi, tới tột cùng. Đánh phá, là triệt để.

Nhiều người cùng thành phần Quốc gia với ông, phủi trụi, xóa trắng tất cả thành tựu lớn lao của ông, chỉ để trưng ra một câu chửi bới nặng nề. Lại người yêu mến ông, quý trọng tài năng ông, đã bỏ qua, quên hết “những râu ria mép rìa đời thường nơi ông”, để nhất mực, với lòng thanh thản, con tim nồng nàn, tôn vinh ông. Số người này, có hằng triệu.

Phạm Duy, người thường trực đứng dưới nắng mưa thời thế. Là, một người trọn một đời, như một kịch bản hấp dẫn, khá nhiều bí ẩn và huyền ảo, những chương hồi này nghịch ngược, phản trái với chương hồi kia, trong chính một kịch bản, Phạm Duy.

***

Về gia thế, Phạm Duy sinh trưởng trong một gia đình được gọi là một gia tộc lớn. Nơi đó, những tinh hoa cô đọng, bàng bạc tri thức, sự thông thái là suối nguồn, đủ lập dựng một tài năng lớn Phạm Duy về sau.

Thân phụ ông là Phạm Duy Tốn [1883 – 1924) được xem là một nhà văn xã hội tiên phong của nền văn học đầu thế kỷ 20. Văn chương Phạm Duy Tốn được coi là những dấu ấn đầu tiên mang ảnh hưởng Tây phương trong văn học Việt Nam.

Phạm Duy Tốn là một trong những người đồng thời với Học giả Trần Trọng Kim thủ tướng Chính phủ; các bậc khoa bảng, các quan lại đầu triều, các nhà văn như Ngô Tất Tố, Nguyễn Văn Tố, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh… Từ năm 1920 đến 1923, Phạm Duy Tốn là nghị viên Viện Dân biểu Bắc Kỳ.

Những tác phẩm văn học chính của Phạm Duy Tốn: Bực Mình (1914), Sống Chết Mặc Bay (1918), Con Người Sở Khanh (1919), Nước Đời Lắm Nỗi (1919). Tiếu Lâm Quảng Ký (3 tập)

Người anh cả của Phạm Duy là Phạm Duy Khiêm, (1908-1974) là một nhà giáo, nhà văn. Du học Pháp, văn bằng Agrégation de grammaire [Thạc sĩ Ngữ Pháp] năm 1935. 1958 Phạm Duy Khiêm được tặng thưởng Tiến sĩ Danh dự từ Đại học Toulouse, Pháp quốc. 1954 Phạm Duy Khiêm là Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Pháp [1955-1957] thời Tổng thống Ngô Đình Diệm

Phạm Duy Khiêm nhà văn, viết văn bằng tiếng Pháp. Trong đó có Légendes des terres sereines, Nam et Sylvie, De Hanoi à Lacourtine được một ít giải thưởng văn chương của nước Pháp.

Phạm Duy là người con trai út. Ông còn một người anh, em Phạm Duy Khiêm, là Phạm Duy Nhượng. Phạm Duy Nhượng là một nhạc sĩ, tác giả Tà Áo Văn Quân. Ông này chết sớm.

***

Phạm Duy, ông không sống mỗi mình, riêng cho âm nhạc. Ông là một Mối tình chung, chan hòa cùng một Việt Nam chiến chinh, chia cắt, bao trầm luân lên vực xuống đèo của đổi thay.

Phạm Duy nhạc sĩ, còn là một nhà văn – chính mình viết hồi ký nhiều tập, rất có giá trị. Là, một nhà nghiên cứu âm nhạc, qua những bài nghị luận sắc sảo về dân ca, nhạc truyền thống, nhạc tây phương. Là, một thi sĩ hàng đầu với ngôn ngữ thơ trong lời nhạc. Hàng trăm bản nhạc của ông có lời, là mỗi bài thơ. Mà là thơ hay, ngôn ngữ đẹp.
Nhà thơ danh tiếng Trần Dạ Từ đã có cái nhìn: “Nhạc sĩ Phạm Duy là một trong những nhà thơ vĩ đại nhất của nền văn học nghệ thuật Việt Nam thời hiện đại”.

***

Ra đời từ 1921 Phạm Duy không là kẻ “bất phùng thời”. Mà, “gặp thời”. Nhưng “gặp thời” này rơi vào một kẻ khác, không là Phạm Duy, hẳn chúng ta không có hàng nghìn bản nhạc, trong đó hàng trăm là những danh tác. “Gặp thời” này là một quà tặng thời thế dành riêng cho Phạm Duy. Phạm Duy thật lòng, làm quà tặng, tặng lại cho đời.

Vì sao gọi là gặp / phùng thời?

Người họ Phạm trưởng thành đúng lúc những chuyển xoay thời thế, những bản lề tác động, mang tầm trọng đại của lịch sử, trên đất Việt.

– Năm 1930, khi Nguyễn Thái Học cùng 12 nghĩa sĩ, đảng viên Quốc Dân Đảng chống Pháp lên đoạn đầu đài, Phạm Duy đã 10 tuổi, tính theo lịch trăng.

– Một cao trào văn học Quốc ngữ đã tới hồi phát triển rực rỡ, nhằm vào tuổi biết suy nghĩ và thụ nhận của Phạm Duy. 1933, khởi phóng Phong trào thơ Mới, với những Nhà thơ cự phách tiên phong, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Thâm Tâm, Chế Lan Viên… chấm dứt hệ Đường thi, thơ bát cú [tám câu năm vần] thông thường dùng chữ Hán, hoặc Nôm.

Song hành, 1932, bên đường văn chương, có Tự Lực Văn Đoàn, với Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng… Những nhà văn đáng kính này còn là những nhà cách mạng, với những luận đề chính trị xã hội, khởi xướng những chương trình cải cách cho cuộc tiến hóa dân trí dân sinh, mong thoát khỏi tối tăm một thời bị trị.

Hương hoa tư tưởng từ Hổ Nhớ Rừng [thơ Thế Lữ] đến các tiểu thuyết Đoạn Tuyệt [Nhất Linh] Hồn Bướm Mơ Tiên [Khái Hưng], chưa kể hàng loạt những báo chí bừng sáng từ Nam chí Bắc mang tầm cao giá trị. Hẳn, Phạm Duy không thể không chịu tầm ảnh hưởng lớn lao, khi tuổi gần như trưởng thành.

– Dù là học dở dang, nhưng Phạm Duy từng bước vào cửa Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương – École Supérieure des Beaux-Arts de l’Indochine. Trường có từ năm 1925, đã đào tạo những họa sĩ lừng danh, hàng đầu của nền Hội họa nước nhà, như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Nguyễn Tư Nghiêm… Phạm Duy bỏ học tại trường này, như Văn Cao, Thế Lữ, Nhất Linh, đã từng.

– Tuổi thành niên của Phạm Duy, cũng là thời hai phong trào vận động cách mạng không bạo lực vũ trang, hãy còn lưu ảnh hưởng rất sâu đậm trong xã hội bấy giờ. Đó là Phong trào Đông Du do Sào Nam Phan Bội Châu chủ xướng, đưa sinh viên sang nước Nhật du học để mở đường. Phong trào Duy Tân của Phan Châu Trinh, nhiệt liệt hô hào chấn hưng dân trí, dân sinh, dân khí, theo đường Tây hóa. Những phong trào yêu nước, mở nước, mở đường vào với văn minh nhân loại, hãy còn tầm vận động sâu rộng trong quần chúng. Phạm Duy đứng trong gió mùa không thể không từng nghe thấy gió.

– Khi Phạm Duy bắt đầu vào đường âm nhạc, nền tân nhạc của nước ta vẫn là “Những ngày đầu, những bước chập chững vào đời”. Non mười năm trước mà thôi, kể từ Phạm Duy sáng tác bản nhạc đầu tiên, 1942, đã có những nhạc sĩ tiên phong mở đường, với Nguyễn Văn Tuyên, Văn Chung, Lê Yên, Doãn Mẫn, Lê Thương, Nguyễn Văn Thương. Nhiều ca khúc, được xem là những bản “lời ta nhạc tây”, đầu tiên của những nhạc sĩ kể trên đã xuất hiện từ những năm 1935, 1936…

– 1945, những biến chuyển lịch sử trọng đại trên thế giới có cuộc Đệ Nhị Thế Chiến. Ở trong nước là – Pháp đi Nhật đến. Cách Mạng Mùa Thu 19 tháng Tám, Tuyên Ngôn Độc Lập, tháng Chín. Chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật sụp đổ. Vua thứ 13, nhà Vua cuối cùng của Nhà Nguyễn, Bảo Đại [Vĩnh Thụy] từ triều đình Huế tuyên bố thoái vị, trao ấn tín kiếm báu cho Mặt trận Việt Minh. Lúc này Phạm Duy 24 tuổi. Tuổi của mỗi thanh niên có quyết định hành động, và chịu trách nhiệm cho chính mình.

– Tháng 10-1945 Pháp đã quay lại Sài Gòn. Tháng 12 – 1946, quân Pháp đổ bộ lên Hải Phòng, tiến chiếm Hà Nội. Chiến tranh Việt Pháp chính thức mở màn. Ba mươi năm tiếp sau, ngưng chiến, hòa bình chia cắt hai miền. Nội chiến Bắc-Nam. Tàn cuộc chơi binh lửa, 1975, Phạm Duy đã là 54 tuổi, sau khi tận tình vào cuộc, tuổi của “tri thiên mệnh”.

***

Rõ ràng, suốt tuổi trưởng thành của Phạm Duy, lịch sử đã bày biện ra một cuộc thế đầy đủ súng gươm để tranh giành, chém giết nhau, để ai đó nhân thời thế, thừa cơ mà làm anh hùng.

Cũng chính nhân thế ấy, thừa mứa những hỉ nộ ái ố, hân hoan trong mùi vị thương đau, cũng là để ai đó trở thành bậc thiên tài trong các lĩnh vực nghệ thuật, văn chương, thi ca, âm nhạc.

Cuộc thế đã mời gọi. Cửa đời rộng mở. Phạm Duy đã có mặt.

Hiện thực đã hiện thể những tơ mành, tế vi, để quần tụ, vầy ra cuộc / nguồn đại thể. Vui đến muốn điên, buồn mong được chết. Xã hội, một đài hương. Xã hội con người cũng là một bãi rác thải tanh hôi. Lịch sử, Ta có thể dâng lòng thành, tình yêu, cả máu xương này. Lịch sử cũng là nơi dễ dàng cho những bàn chân bùn lội qua. Những bàn tay máu thao túng. Của Mùi động vật rộng tỏa.

Cửa mở rộng lắm. Con đường là thênh thang. Phạm Duy bước vào. Một bước có thể nhảy từ sơ nguyên lộn về ngay Hôm nay.

Phạm Duy là ai? Là cổ máy chế biến vĩ đại. Phân loại cái bãi đời. Thu gom hương đời. Xay xát, những phế liệu, những rác thải có thể tái chế, hay cần thiết phải hủy đi. Phạm Duy, là công cụ, làm sạch lạch nguồn. Khơi trong dòng chảy. Là lửa đốt chiều hôm. Cụm lá khô, những cành mọn. Là tách móc mép rìa sự việc đến tận trọng tâm đại thể. Là đoàn tụ sum vầy ánh đèn đêm, đến tâm sự bầy chim xa xứ.

Phạm Duy, cổ máy chọn / chiết lọc từ cái nhân thế hồ đồ, cái lịch sử trập trùng những buồn vui trắc ẩn, để cho ra lời ca tiếng hát, tặng cho đời.

Lịch sử nước tôi. Phạm Duy, người may mắn, được thần linh ban phúc, được trời đất chiết lọc sự thông thái, tinh hoa từ triệu người, để ban phát cho một riêng Ông.

Nghìn thu sương bóng. Vài thế kỷ may có một đôi người.

Cung Tích Biền

[*] Hai cuốn sách sớm viết về Phạm Duy, một của Tạ Tỵ: Phạm Duy Còn đó Nỗi Buồn (1971), một của Nguyễn Trọng Văn: Phạm Duy đã Chết Như thế nào? (1971)

Nguồn: https://damau.org/98745/mot-cai-nhin-chung-ve-pham-duy-chuong-1

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây