Giải Dương Cầm Chopin lần thứ 16

Năm nay là một năm đặc biệt ở Ba Lan -quê hương Chopin- bởi có hai biến cố lớn: vào tháng Ba người ta tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Chopin, và đầu tháng 10 này là giải Chopin được tổ chức cứ mỗi năm năm – Chopin mất ngày 17 tháng 10. Và lần tranh giải lần thứ 16 rơi vào dịp kỷ niệm 161 năm ngày giỗ của người nhạc sĩ được mệnh danh là Thi Sĩ Của Đàn Dương Cầm này.

Nếu là giải túc cầu thế giới, hẳn là sẽ có hàng chục -hay hàng trăm- ngàn người điên đảo vì cá độ, thậm chí có người tự tử -như đã xảy ra ở VN (!). Giải Chopin lần nầy -cũng như 15 lần trước đây- diễn ra lặng lẽ ở Warsaw, thủ đô Ba Lan, nơi mà người ta đã đem trái tim của người nhạc sĩ chết xa xứ về. Trái tim của Chopin vẫn lặng lẽ nằm ở đây, trong nhà thờ Holy Cross. Và biết đâu trái tim ấy vẫn đập theo nhịp tiếng dương cầm của hàng trăm danh cầm lũ lượt kéo về đây vào năm 2010 này ?

Giải nhất năm nay là Yulianna Avdeeva (Nga) , 2 giải nhì đồng hạng là Lukas Geniusas (Lithuana) và Ingolf Wunder (Áo), Evgeni Bozhanov (Bulgary) giải ba.

Điều đáng lưu ý là kỳ thi lần thứ 15 (2005) không có giải nhì, lý do là thí sinh đoạt giải ba -hai anh em ruột Dong Hyek Lim và Dong Min Lim đồng hạng 3, người Nam Hàn- quá cách biệt so với thí sinh được giải nhất Rafal Blechacz người Ba Lan. Và trong 2 lần tranh giải thứ 12 (1990) và 13 (1995), ban giám khảo không trao giải nhất, với lý do là các thí sinh không ai đạt được tiêu chuẩn như các thí sinh đã từng đoạt giải nhất trong các kỳ thi trước.

Trong những giải Chopin gần đây, người ta nhận thấy một số lớn các thí sinh đến từ các nước Á Châu. Và ở giải Chopin lần thứ 16 này cũng vậy. Những ai theo dõi từ những ngày đầu tháng 10, lúc các pianists vừa vào vòng 1 cho đến giờ chắc sẽ nhận ra một điều là ở 3 vòng đầu, các pianists đến từ Á Châu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, v.v… chiếm một số lượng khá lớn. Thế nhưng vào dần những vòng trong, các thí sinh Á Châu có triển vọng như Airi Katada hay Dong Fei-Fei đều bị loại. Katada bị loại ở vòng 3, Fei-Fei ở vòng chung kết. Điều này có nghĩa là lần thứ nhất kể từ 30 năm nay -từ năm Đặng Thái Sơn đoạt giải nhất- không có một thí sinh Nam Hàn hay Nhật Bản nào lọt vào vòng 3 (Katada), và không có một thí sinh Á Châu nào lọt vào chung kết (Dong Fei-Fei).

Dong Fei-Fei bị loại có lẽ vì cô ta chơi chương Finale của Sonata in B minor không đạt. Thế nhưng chắc chắn là có rất nhiều người thắc mắc không hiểu vì sao Katada lại bị loại ở vòng 3 ?

Đây có lẽ cũng là một điều đặc biệt xảy ra cho lần tranh giải này, bởi trong các giải trước, vào chung kết (Final) có mặt rất nhiều các pianists đến từ Nhật Bản và Nam Hàn, và đặc biệt là những năm gần đây, khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa với chính sách kinh tế thị trường, đã có rất nhiều thí sinh đến từ Trung Quốc.

Nếu như Fei-Fei bị loại vì đã hỏng ở chương cuối của Sonata No 3 in B minor, thì Yulianna Ardeeva đoạt giải nhất có lẽ vì cô ta chơi rất hay chương cuối của Sonata No 2 in Bb minor, chương nhạc mà Liszt đã mô tả là “gió gờn gợn qua những nấm mồ”.

Trong giải Chopin lần thứ 10, Đặng Thái Sơn là người Á Châu đầu tiên đoạt giải nhất. Đúng 20 năm sau, người Á Châu thứ nhì đoạt giải nhất là Lý Vân Địch (Li Yundi) đến từ CHND Trung Quốc.

Vào vòng chung kết, khán thính giả trực tiếp hay gián tiếp qua Internet đã phải nghe bản Concerto giọng Mi thứ 8 lần, mỗi lần trên dưới 30 phút. Bởi luật thi là phải chơi một trong những Concertos của Chopin với dàn nhạc ở vòng chung kết. Tiếc thay Chopin chỉ viết có 2 bản Concertos, và trong 10 thí sinh ở vòng chung kết, 8 chọn bản Concerto số 1 !

Thành phần của ban giám khảo năm nay -cũng như những năm qua- có những người đã từng là thí sinh của các giải trước: Bella Davidovich, Fou Ts’ong, Martha Agerich, Đặng Thái Sơn. Trong giải Chopin lần thứ 10 -là năm Đặng Thái Sơn đoạt giải- Martha Agerich trong thành phần của ban giám khảo đã từ chức để phản đối việc Ivo Pogorelich bị loại.

Một điều lý thú nữa là pianist Kevin Kenner trong thành phần ban giám khảo năm nay chính là người từng dự thi giải Chopin 2 lần: năm 1980 cùng với Đặng Thái Sơn. Hỏng! Và năm 1990, giải nhì. Năm mà ban giám khảo quyết định không trao giải nhất.

Dĩ nhiên, đã là “giải” thì phải có nhất nhì, có bất đồng trong nội bộ của ban giám khảo, và cả từ giới phê bình hoặc khán thính giả nữa. Thế nhưng, dù có tán đồng hay bất đồng, chắc chắn không ai phủ nhận được là công việc của  ban giám khảo là một công việc cực kỳ gian nan.

Và cuối cùng, có một điều vĩnh cửu không ai phủ nhận, đó là âm nhạc của Chopin. Người thi sĩ của đàn dương cầm này đã mất ở Paris và được chôn trong nghĩa trang Père Lachaise, nằm chung với những Molière, Alphonse Daudet, Marcel Proust. Có cả thi sĩ Alfred de Musset, cũng là một người tình của Geoge Sand trước Chopin. Mộ của nhạc sĩ không bao giờ thiếu người thăm viếng. Những người mến mộ nhạc sĩ vẫn tiếp tục đến từ khắp nơi trên thế giới và đặt hoa trên mộ ông, mộ Chopin vẫn có hoa trong mùa đông từ những người đến từ khắp các thiên nhai hải giác này. Thế nhưng, trái tim của Chopin không nằm dưới mộ sâu ấy, trái tim ông yên nghỉ trong một cột đá ở nhà thờ Holy Cross, cách không xa căn nhà của ông ở với gia trình trước khi ông rời Ba Lan sang Paris rồi mất ở đó.


Mồ của Chopin
ở nghĩa trang Père Lachaise

Nhà thờ Holy Cross ở Warsaw

Nhạc của ông, trái lại, không nhất thiết nằm ở hai nơi nầy. Nó nằm trong trái tim của mọi người ở khắp mọi quốc gia trên thế giới.

Từ đã hai trăm năm nay.

Mai Xuân Vỹ
21.10.2010
 
LTS. Hình trong bài là từ wiki.
Các bạn có thể vô Diễn Đàn để coi thêm chi tiết vê giải này (xin bấm vô đây)
  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây