Đời vẫn như sông chảy

Năm 1799, Napoléon làm đảo chánh và tự phong cho mình chức Đệ Nhất Tổng Tài. Năm năm sau đó, cùng với những chiến thắng quân sự trên toàn cõi châu Âu, Napoléon lên ngôi Hoàng Đế.

Trong khoảng thời gian 5 năm ngắn ngủi ấy đã xảy ra những biến cố lịch sử trọng đại: Napoléon đưa quân đánh Phổ, Tilsitt, Austerlitz, Jena, Wagram. Cả đạo quân hùng mạnh của nước Phổ và đồng minh đều thảm bại trong trận Jena. Quân Nga thảm bại trong trận Austerlitz. Trận Wagram đánh dấu thời điểm mà quân đội của đế quốc Áo-Hung sẽ tiêu vong, Áo-Hung sẽ không là một cường quốc quân sự ở Âu Châu nữa.

Cuối tháng Năm, 1809, nhạc sĩ nước Áo, ông Haydn, chết ở Vienne dưới họng súng của hoàng đế Napoléon trong dịp này. Lúc ấy nhạc sĩ ở trong nhà, bốn quả trái phá rớt ngay bên cạnh, gia nhân hoảng sợ, ông vẫn bình tĩnh tuyên bố: “Việc gì phải sợ? Các anh nên biết rằng Haydn còn có mặt ở đây thì súng đạn cũng phải kính sợ”. Nhưng ông chưa kịp chứng minh cho lời nói thì súng đạn của Napoléon đã ra tay trước và chứng minh ngược lại !

Tuần sau đó đám tang của Haydn được cử hành trọng thể ở thành Vienne.

Bấy giờ nhà văn Stendhal làm ủy viên quân sự trong đạo quân viễn chinh Pháp, ông có đến dự đám tang Haydn. Stendhal ghi lại trong sổ tay: “Tại sao những người Pháp nổi danh trên văn đàn hầu như đều bảo nhau sống vào những năm 1660 như La Fontaine, Corneille, Molière, Racine, Bossuet? Tại sao những họa sĩ lớn đều sống vào những năm 1510. Tại sao từ sau thời kỳ trăm hoa đua nở ấy, tạo hóa hầu như trở lại hà tiện nhân tài? Không biết âm nhạc có chung số phận ấy không? “

Stendhal là một người sành nhạc cũng như Nietzsch, Gide, Hesse v.v.. sinh sau ông vậy. Trong số các trước tác của Stendhal, ngoài “Le Rouge et Le Noir”, “La Chartreuse de Parme”, etc. còn hai cuốn tiểu sử của Mozart và Rossini. Stendhal đi lại và quen biết hầu hết các nhạc sĩ đã sống và làm việc ở Vienne và Paris vào thời ấy.

Với đôi tai và trái tim nhạy cảm với âm nhạc, Stendhal đã trầm ngâm trước cái chết của Haydn, một nhạc sĩ lớn của thời kỳ Cổ Điển (Classicism), người đã khai sinh ra thể loại Tứ Tấu Đàn Dây (String Quatet) và Giao Hưởng (Symphony).

Tuy nhiên, mặc cho Stendhal ưu tư về số phân của âm nhạc, ngay chính trong thời binh biến của Napoléon, và ngay vào lúc Stendhal đang trầm ngâm như thế, Beethoven vẫn không ngừng cho ra đời những kiệt tác để đời nhân loại: 5 năm trước đó là Symphony số 3 – “Eroica”, Op. 55 với lời đề tặng Napoléon, người hùng đã dẹp bỏ đế chế Pháp và giải phóng Âu Châu. Cũng chính tay Beethoven đã xé đi cái trang đầu với lời đề tặng ấy khi nghe Napoléon xưng Đế.

Cũng trong năm này, Beethoven viết tác phẩm tứ tấu cho đàn dây (String Quartet) Opus 74, và cầm khúc cho dương cầm (Piano Sonata) số 26, Opus 81a, cả hai đều ở giọng Mi giáng trưởng (Eb). Ở trang đầu trong lần xuất bản đầu tiên của cầm khúc Op. 81a, Beethoven có lời đề tặng “On the departure of his Imperial Highness, for the Archduke Rudolph in admiration”. Điều này nhắc ta chuyện hoàng thân Rudolph đã buộc phải di tản khỏi kinh thành Vienne để tránh đạn pháo của Hoàng Đế Napoleon !

Ba tháng trước đó, ngày Ba tháng Hai, nhạc sĩ người Đức Mendelssohn đã cất tiếng khóc chào đời ở Hamburg. Chỉ hơn sáu tháng nữa thôi, vào năm 1810, Chopin và Schumann sẽ ra đời. Năm sau nữa 1811 Franz Liszt ra đời ở Raiding, Hung Gia Lợi. Sau đó nữa là Wagner, Bruchner cũng sắp ra đời. Còn văn hào Goethe thì đang thời kỳ sáng tác mạnh. Thi sĩ Byron đang viết những bài thơ cuối cùng. Shelley và Keats đều đã dự thảo các tác phẩm của họ. Balzac, Victor Hugo, Berlioz còn đang đi học. Chẳng bao lâu nữa, thế giới sẽ nghe tiếng họ.

Napoléon đang khởi sự vẽ lại bản đồ Âu Châu, làm xáo trộn và thay đổi đường phân chia biên giới của cả thế giới cùng với tham vọng của ông ta. Đạo quân viễn chinh của Napoléon đã đến tận Ai Cập, kéo ngang qua những Kim Tự Tháp đánh thức các Pharaon nằm yên nghỉ cả ngàn năm trước. Napoleon cũng đem đạo quân của ông đến tận Mạc Tư Khoa, để rồi sa lầy ở miền đất băng giá vô tận của Nga La Tư như đã được Léon Tolstoi miêu tả lại rất kỹ trong bộ sách Chiến Tranh và Hoà Bình.

Đúng 12 năm sau, ngày 5 tháng 5 năm 1921 Napoléon chết cô đơn ở đảo St Hélène trong cảnh lưu đày.

Cho dù thế, đời sống của nhân loại vẫn tiếp tục như sông chảy.

Tạo hoá đã không trở nên hà tiện nhân tài nhân tài như Stendhal đã lo âu. Ngoài Mendelssohn, Schumann, Chopin, Liszt là những người sinh đã sinh ra vài tháng trước hay sau cái giây phút mà Stendhal đã ưu tư cho số phận của các thiên tài, đời sống của nhân loại vẫn tiếp tục chẳng hề gián đoạn, miên tục như một dòng sông. Chảy mãi. Cho đến hôm nay, nhân loại vẫn tiếp tục có những Klee, Miró, Picasso trong hội họa. Schoenberg, Berg, Webern, Stravinsky trong âm nhạc. Và biết bao thiên tài trong các lãnh vực khác nữa.

Năm ngoái. Một buổi sáng đứng trên đỉnh Bà Nà, ở độ cao hơn một ngàn bốn trăm thước nhìn xuống toàn cảnh Đà Nẵng trải dài đến tận chân các dãy núi, và toàn cảnh đồng bằng Quảng Nam, từ những cánh đồng của Hòa Vang nối với các cách đồng của Cồn Dầu, Cẩm Lệ trải dài tới tận biển, tôi chợt nhận ra quê hương mình đẹp biết bao. Nhìn xa hơn, về hướng Bắc tôi còn thấy được cả những phá ở Quảng Trị, vùng đất cát nghèo chỉ toàn cát và cát. Hướng Nam là phá Quảng Ngãi, nơi bắt đầu của vùng sông Trà núi Ấn, quê hương của thi sĩ tài hoa bạc mệnh Bích Khê. Và phóng tầm mắt xa hơn về hướng Tây là chập chùng những cao độ của những rặng núi thuộc nguồn sông Côn ở Bình Định, nơi có vị thiên tài quân sự Quang Trung lẫy lừng hơn Nã Phá Luân -quả tôi đã có chút thiên vị mà nghĩ thế. Napoléon có các chiến thắng lẫy lừng như Austerlitz, khởi đầu cho một loạt những chiến thắng vang dội cả châu Âu đưa ông ta lên ngôi hoàng đế. Nhưng rồi Napoléon thảm bại ở trận Waterloo và chết trong tù đày tủi nhục ở St Hélène. Quang Trung chưa hề thua trận nào cho đến lúc ông nhắm mắt ở độ tuổi 40.

Và rồi tôi nghĩ đến những ưu tư của Stendhal. Rõ ràng là tạo hóa không hề keo kiệt hay bủn xỉn nhân tài. Nhưng dường như tạo hóa lại không ban phát đều tay các thiên tài cho nhân loại. Nhiều ở chỗ này mà lại ít ở chỗ kia ?

Dù sao thì đời sống của nhân loại vẫn tiếp tục. Như sông chảy.

Mai Xuân Vỹ

  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây