Có đôi điều giống nhau giữa hai thi sĩ Hàn Mặc Tử và Vũ Hữu Định

lay Hàn sinh ở Quảng Bình nhưng lại chọn và chết ở quê hương Bình Định Qui Nhơn. Vũ sinh ở Huế rồi chọn và chết ở Quảng Nam Đà Nẵng.
    
Tên của Hàn và Vũ đều là tên …giả. Hay bút hiệu. Hàn là Nguyễn Trọng Trí, Vũ là Lê Quang Trung. Lúc chưa nổi tiếng Hàn lấy bút hiệu Phong Trần. Lúc mới làm thơ Vũ lấy bút hiệu Hàn Phong Lệ. Điều giống nhau nhất là cả hai đều là người tạo địa danh. Không phải “địa danh” trên sân bóng Tiểu Chủng Viện, mà là địa danh bất tử.

Ít ai biết tới cái thôn nhỏ Vĩ Dạ nằm bên bờ sông Hương cho tới khi đọc bài thơ Về Thôn Vĩ Dạ của Hàn.


Trong thời chiến tranh, Pleiku là một thành phố gần như chỉ có lính và vợ con của lính ở. Người ta biết đến nó là nơi trấn đóng của BCH Quân Đoàn II. Pleiku là thành phố của chiến tranh, chẳng ai thèm đến đó trừ lính, cho đến khi bài thơ Còn Chút Gì Để Nhớ của Vũ được phổ nhạc và hát lên ở mọi ngóc ngách của cả nước VN. (Có lẽ hơi quá. Chỉ là nửa nước ! ) Bài hát được phổ tuyệt diệu: giữ được toàn bộ nhạc tính, cấu trúc và vận tiết của bài thơ. Nhịp thơ đi: phố núi cao / phố núi đầy sương, thì nhạc cũng giữ được cái rythm đó của thơ. Bài nhạc còn phả thêm vào bài thơ chút hương gió núi với hai dấu luyến bán cung của âm giai Bahnar, Jahrai hay Rhadhé gì đó ở hai chữ “mềm” và “chiều” trong câu cuối “nên em mềm như mây chiều trong“. Sau bài thơ của Vũ Hữu Định, Pleiku trở thành Phố-Núi thơ mộng trong tâm tưởng của mọi người.
 

Còn chú gì để nhớ, Thái Thanh ca   

Có những nơi, chốn nằm mãi trong tâm tưởng là bởi vì đâu. Phải chăng là những nơi những chốn ấy có linh hồn ? Một thành phố. Một con sông. Dù có đẹp đến đâu nếu chưa đi vào thi ca văn học hẳn là chưa có linh hồn ?

Thực ra phố Pleiku không đẹp. Thành phố đỏ quạch vì bụi cuốn theo những chiếc camion lớn và đường phố đầy bóng áo mầu ô liu của lính. Phố xá nhếch nhác, thị trấn đìu hiu và cảnh quan không bắt mắt vì chẳng có sông suối thác ghềnh như Đà lạt.

Đó là phố. Chẳng có gì đáng nhớ. Nhưng một khi Pleiku đã được hát lên “Phố núi cao phố núi đầy sương” là nó sống mãi trong lòng mọi người.

Về Đà Nẵng là nhớ Vũ Hữu Định. Qua sông, ngang An Hải là nhớ nhà thơ nghèo quá chén té xuống lầu chết lãng xẹt lúc mới 40. Lý Bạch mê rượu. Vũ Hữu Định cũng mê rượu. Lý Bạch uống rượu rồi nhảy xuống sông ôm trăng mà chết. Vũ Hữu Định uống rượu rồi chết chẳng cần trăng lồng bóng sông Hàn, chết bên sông.

Chiều dựng mùa mưa bên vách núi
Chiều neo sương khói buổi ta về
Mẹ và đàn em không có mộ
Thăm ai? Thăm ai? Ta về quê . .
.
(Chẳng Hay – Vũ Hữu Định)

Mai Xuân Vỹ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây