Những Kỷ Niệm Với Các Danh Ca Tuồng Bình Định

Sau 30 tháng 4 năm 1975 tôi chân ướt chân ráo về Nhà hát tuồng Nghĩa Bình, nay là nhà hát tuồng Đào Tấn với rất nhiều băn khoăn bỡ ngỡ. Phần vì tuổi trẻ xa nhà, phần vì công việc ở một đơn vị nghệ thuật lớn khác hẳn với sự học bốn năm mài đũng quần trên ghế nhà trường.Nhưng hình như cuộc đời tôi có nhiều may mắn. Các thầy cô ở trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam tại Hà Nội như NSND Đinh Quả, NSƯT Văn Bá Anh, NSƯT Dương Long Căn cũng trở về quê hương Bình Định tham gia công tác biểu diễn, giảng dạy với nhà hát nên tôi cũng rất yên tâm làm việc . Lúc này tôi mới được tiếp xúc nhiều với các nghệ sĩ nổi tiếng mà trước đây chỉ nghe danh chứ chưa được gặp như NSND Võ Sĩ Thừa, NSƯT Tư Cá, NSƯT Hoàng Chinh, NSƯT Long Trọng, NSƯT Ngọc Cầm.
   

Tôi cứ nhớ mãi lúc xuống bếp ăn tập thể, đang lóng nghóng chưa biết thế nào thì thấy một ông già người bé nhỏ nhưng mặt mũi rất quắc thước vẫy tôi lại, bảo ngồi xuống ăn cơm cùng với một nhóm diễn viên, rồi chú giới thiệu đây là nghệ sĩ Bẩy Bồng, là Đông Sa , Hoa Sen, Tài Lương, Thanh Sử…Vừa ăn cơm vừa trò chuyện khiến tôi cảm thấy vô cùng thoải mái, thân mật như đã quen biết mọi người từ lâu rồi. Tối hôm ấy chú Tư Cá gọi tôi đến đờn cho chú nghe và chú cao hứng hát luôn mấy câu hát của Địch Thanh ly Thợn. Giọng chú cao, sáng và rất vang nên căn phòng của chú rộn rã hẳn lên, mọi người trong đoàn kéo tới , cùng hát ,cùng trò chuyện tạo ra một không khí gia đình ấm cúng vui vẻ thân mật. Là một nghệ sĩ hát tuồng không đi tập kết nhưng chú hoà nhập rất nhanh trên sân khấu với các nghệ sĩ của đoàn tuông Liên khu V .Đến bây giờ, nhà hát tuồng Đào Tấn vừa phục hồi vở tuồng Viên Ngọc Quý của NSƯT Tư Cá, tôi lại nhớ tới những ngày cùng ăn cùng làm với chú, nghe chú kể về đất Tây Sơn quê hương của chú, nhớ mãi dáng người nhỏ thó nhưng sắm vai Quan Công, Nguyễn Huệ , Phó Rý vẫn uy nghi với đôi mắt rạng ngời. Thậm chí đứa con đầu lòng của tôi trên đất Quy Nhơn cũng được chú góp ý đặt tên, tình cảm chứa chan ,thấm đẫm trên bước đường nghệ thuật.
  

ThanhSu

Nghệ Sĩ Thanh Sử, con gái của NSƯT Tư Cá

NSƯT Hoàng Chinh là người có nhiều ảnh hưởng đến công việc nghiên cứu tuồng của tôi sau này. Vốn là người hát hay ,diễn giỏi được khán giả mến mộ phong tặng là Hoàng Chinh hát chữ đệ nhất danh ca Bình Định vì ông hát rất sâu, rất đúng từ lý phù hợp với nội tâm nhân vật nên các vai diễn của ông bao giờ cũng chiếm được cảm tình của người xem. Ngoài những vai diễn đầy ấn tượng trên sân khấu, ông thường chỉ bảo cho tôi hiểu biết thêm về nguồn gốc các vở diễn, các vai diễn được tiền nhân thể hiện trước đây và sự độc đáo của các làn điệu hát tuồng.Có những lúc tôi đạp xe cọc cạch từ Quy Nhơn tới nhà ông ở thôn Hoà Nghi, Xã Nhơn Hoà để hỏi ông về tuồng tích và đều được ông chỉ bảo cặn kẽ, tạo thành nguồn tư liệu quý giá để sau này tôi hoàn thành tập biên khảo Các Làn điệu hát tuồng( giải B giai thưởng Đào Tấn- Xuân Diệu năm 2000 của tỉnh Bình Định ).

Rồi NSND Võ Sĩ Thừa, người chú , người cha xa gia đình, vị lãnh đạo nhà hát đã ân cần chỉ bảo tôi rất nhiều điều trong cuộc sống và trong nghề nghiệp cho tôi trưởng thành đến hôm nay.Năm nào cũng thế ,cứ đến giờ phút giao thừa là tôi lại đến với ông ,được ông cho uống rượu và trao đổi những chuyện nghề bổ ích. Có năm tôi chịu tang mẹ, cữ không dám đến thì ông la” mày cứ tới, tao không kiêng cữ chuyện đó” làm tôi vô cùng xúc động.Từ khi NSND Võ Sĩ Thừa mất cho tới nay , giao thưà nào tôi cũng lặng lẽ uống một ly rượu để tưởng nhớ về ông với những kỷ niệm khó phai trong nghiệp tuồng, như khi ông lên sân khấu biểu diễn vai Trần Quang Diệu, một tay múa tít thanh đại đao khiến tất cả mọi người ngỡ nghàng, không biết là tay kia đang bị gãy ,phải bó bột dấu trong trang phục.

Không chỉ có NSND Võ Sĩ Thừa, NSƯT Hoàng Chinh, NSƯT Tư Cá mà còn rất nhiều các nghệ sĩ tuồng nổi tiếng như NSND Đình Bôi, NSƯT Văn Bá Anh, NSƯT Dương Long Căn, NSND Đinh Quả đã giúp đỡ, dìu dắt tôi trên bước đường nghệ thuật. Là một người con trên đất Bắc nhưng học tuồng và làm tuồng ở Bình Định với tôi giờ đây đã là lẽ sống. Đã hơn 30 năm qua tôi gắn bó với nghề, với nhà hát tuồng Đào Tấn ở Quy Nhơn nhưng không bao giờ tôi quên được những kỷ niệm mà các danh ca tuồng Bình Định ân cần đối xử, giúp tôi tăng thêm lòng yêu nghề ,vượt qua nhiều khó khăn của cuộc sống tiếp tục đi lên vì sự nghiệp của nghề tuồng yêu quý.

Nguyễn Gia Thiện
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây