Cảm nghĩ về bài: “Lẩn thẩn mấy bản nhạc Tây…”

LTS: Thầy Vương Quốc Tấn, dạy Lý-Hóa ở Cường Để Quy Nhơn vào những năm 1960-1970. Thầy được nhiều thế hệ học sinh kính mến và ngưỡng mộ ở tài năng sư phạm và kiến thức âm nhạc uyên bác. Nay đã vui thú điền viên nhưng thầy thường quan tâm tới các hoạt động văn nghệ của học trò. Nay thầy có bài viết về Âm nhạc, lần đầu tiên gởi lên cuongde.org, Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

1. Về bản Concierto de Aranjuez: Số concerto viết cho guitar không nhiều, và bản Cd’A (Concierto de Aranjuez) là hay và dễ nghe nên rất được phổ biến. Vậy mà nghệ sĩ guitar Việt Nam không thấy ai trình diễn, có lẽ do tốn kém vì phải kéo theo một giàn nhạc giao hưởng, là không kinh tế!

Cảm nhận của KXH về mỗi đoạn nhạc là phù hợp với nhiều người, nhưng khi đọc được chi tiết về nỗi vô vọng do mất con, thì mới rõ tại sao đoạn 2 buồn đến thế và dài đến thế. Thông thường, đoạn 2 ngắn hơn. Thí dụ hai bản Concerto kinh điển cho violin:
1.Cung Ré trưởng, Op.61 của Beethoven, thời lượng phân bố cho mỗi đoạn là 21-9-9 phút;
2.Cung Mi thứ, Op. 64 của Mendelssohn là 11-7-6 phút,

Vậy mà bản Cd’A của J.Rodringo là 6-10-6 phút. Đoạn 2 quả thật là buồn và kéo dài. Vì bè đệm hay quá, lấn lướt tiếng guitar do đó người nghe thường không kiên nhẫn để nghe hết đoạn, thường nhảy qua nghe đoạn 3. Có một điều lý thú là trong đọan 2, ở phút thứ 8, ta nghe một khúc cadenza, vậy là không theo khuôn mẫu của một bản concerto, lẽ ra cadenza phải ở trong đoạn 1 (Bản Concerto số 1, viết cho piano của Tchaikovsky cũng có đặc điểm là bè đệm hay quá làm chìm đi tiếng Piano). Người nghe phải biết quên đi phần đệm, chỉ “chiết ra” phần guitar để nghe, mới thấm thía cái tinh tế của bản nhạc.

Beethoven nói: “ Âm nhạc diễn tả được những điều mà lời nói không diễn tả được”. Thế nhưng nghe một bản nhạc cổ điển mà biết được tác giả muốn nói gì thì quá khó. Mỗi người tưởng tượng mỗi khác, ngay cả những nhạc sĩ, nhạc trưởng có trình độ rất cao. Tuy vậy, nếu hiểu được hoàn cảnh của tác giả trong lúc sáng tác bản nhạc thì sẽ dễ dàng định hướng sự cảm nhận của mình. KXH đã có công sưu tầm và tổng kết đầy đủ hình ảnh, âm thanh và lời giải thích của bản Cd’A, chắc chắn sẽ giúp người nghe nâng trình độ thưởng thức lên một tầm cao hơn.

2. Về bài Johnny Guitar: Bài hát là một bài nhạc phim. Khi nghe danh ca người Ý Giuni Russo hát, rồi nghe Sĩ Phú hát thì thấy Sĩ Phú hát “èo” quá, do chất giọng “lè nhè”, ẻo lã. Còn giọng hát của Russo thì quá hay, giọng trong veo, sang trọng, nhất là khi cô ấy hát không lời kiểu opera thì quá tuyệt. Còn cái chuyện giống nhau giữa bài Johnny Guitar với bài Xóm đêm của Phạm Đình Chương thì cũng khó nói, bởi lẽ Phạm Đình Chương là nhạc sĩ tầm cỡ, lại là người của một thời được giáo dục tốt, có lòng tự trọng cao, lẽ nào ông lại “đạo nhạc” như một số nhạc sĩ thời nay?

Hai bản nhạc có nhiều điểm giống nhau, nhưng chỉ có 4 nốt đầu là giống nhất. Tư tưởng lớn giống nhau cũng là chuyện thường tình. Ta thấy trong bản Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi có câu “Đoàn quân Việt Nam đi…” giống y như bài Quốc Ca của Văn Cao, điều đó không có nghĩa là Nguyễn Đinh Thi “cắp” của Văn cao. Bản Xóm đêm tuy theo điệu Bolero nhưng hát không “sến” (Tôi dùng chữ này không có ý chê bai nhạc sĩ sáng tác và ca sĩ hát. Chỉ nêu ra như là một cách phân loại bản nhạc). Nếu tôi không lầm thì ngoài Chế Linh ra, các “trùm” hát sến như Giang Tử, Duy Khánh, Mạnh Quỳnh, Ngọc Sơn, Trường Vũ…không thấy hát bài này. Trùm “sến’ Chế Linh có hát nhưng nghe không sến lắm. Rất nhiều ca sĩ hát bài Xóm đêm mà không sến. Phải chăng bài này có đặc điểm gì đó cao hơn những bản bolero* thông thường ?

3. Về bài Ave Maria: Rất nhiều bản in ghi tác phẩm này của “Bach – Gounod” mặc dù hai ông này sinh cách nhau một thế kỷ. Điều không chối cải được là bài ca có phần đệm y hệt bản Prelude số 1 của Bach. Chẳng có gì phải bận tâm. Mới đây trong làng tân nhạc VN, người ta cũng bắt chước điều đó. Bằng Kiều hát bài Xin còn gọi tên nhau, phần đệm mở đầu và phần kết thúc lấy nguyên xi câu mở đầu của bản Concerto cung Mi thứ, Op. 64, viết cho Violin của Mendelssohn, Nguyên Khang hát bài Diễm Xưa có phần đệm suốt bài là bản Moonlight Sonata của Beethoven. Có một điều lạ, nghe nói bài Ave Maria của F.Schubert thì cho phép hát trong nhà thờ còn bài Ave Maria của Bach–Gounod không được hát. Vì sao ?

4. Về bài Tout l’Amour: Chắc chắn đây là bản viết cho piano của Beethoven. Các tác giả sau này chỉ soạn lời và bỏ bớt một số nốt nhạc để hát cho “giựt”, bỏ luôn đoạn giữa có lẽ do đoạn này nhanh quá khó hát. Thật tài tình, trong bản For Elise giai điệu đoạn giữa rất nhanh mà khi vào lại giai điệu chính của đoạn đầu thì vào rất nhẹ nhàng, tự nhiên, êm như ru, làm người nghe không biết. Tôi còn nhớ, vào khoảng 1962, khi Dalida đang nổi tiếng, nhà xuất bản Tinh Hoa có in bản nhạc Tout l’Amour, bên dưới tựa đề có ghi Lettre à Elise trong ngoặc đơn, tác giả là tên người nước ngoài nào đó, nhịp điệu thì ghi Calypso. Rõ ràng tác giả chỉ đặt lời và biến chế để hát theo điệu Calypso (nhanh và giựt). Trong bài viết của KXH có minh họa Jack Kim đàn hai cây đàn điện, mỗi tay chỉ chạy trên một cần đàn, trông “ngộ” ghê !

6. Về bài Romance: Không còn lời khen thêm nào nữa đối với Romance. Đúng là những nốt nhạc của “Thiên sứ ban tặng cho loài người”. Giai điệu đẹp đến nỗi một người mới học đàn, chỉ cần đàn “trơn tru” thì đã nghe “mùi” lắm rồi Theo nhận xét riêng của tôi, rất nhiều cao thủ đàn bài Romance, nếu đàn đúng bài chuẩn, thì giữa họ, không thấy khác nhau là mấy, và cái “ngọt” của giai điệu cũng không khác người mới học đàn là bao nhiêu. Bởi lẽ đó nên các cao thủ mới thêm những biến tấu để phô diễn trình độ điêu luyện của mình. Stepan Rak là một điễn hình. Nghe và xem cách trình diễn của ông Rak chúng ta thán phục kỹ thuật của ông, tức nhiên trong đó phải thán phục cách viết lại giai điệu chính và phần đệm. KXH có đồng ý với tôi điều này không: Ông Stepan Rak đàn với kỹ thuật quá cao lại làm mất chất “ngọt ngào” của Romance?.

Về nguồn gốc của bài Romance, KXH đã trình bày quá kỹ. Tôi đã từng nghe người ta đồn rằng Romance là bài dân ca của Tây Ban Nha. Nay lại biết thêm là dân ca của Nga nữa thì thật là thú vị.

Rất nhiều người chơi bản Romance. Nhưng đối với cây đại thụ guitar A.Segovia, ông không chơi bài Cd’A và hình như, ông cũng không chơi bài Romance. Không rõ tại sao ?

KXH đã cung cấp cho những người yêu âm nhạc một tài liệu phong phú với nhiều nhận xét tinh tế. Đó là một món quà quí giá cho những người yêu nhạc nói chung và những người yêu nhạc trong nhóm Hs.Cường Để nói riêng.

7. Lời kết :
Người ta thường nói: Nhân loại muốn có một bản nhạc bất hủ thì phải có 3 người: nhạc sĩ sáng tác, nghệ sĩ trình tấu (đàn chẳng hạn) và người nghe. Nếu không có người đàn thì nhạc sĩ không viết. Nếu không có người nghe thì nghệ sĩ cũng không đàn. Người nghe hoan hô bản nhạc, sẽ động viên nhạc sĩ viết tiếp…Cái vòng khép kín này gồm 3 nhân tố không thể thiếu đi một.

Với tài năng thiên phú, nhạc sĩ đem hết tâm huyết viết bài nhạc. Với năng khiếu bẩm sinh cộng với quá trình khổ luyện từ bé, nghệ sĩ sẽ trình tấu đạt tới đỉnh cao, đưa những giai điệu tuyệt vời đến người nghe. Và người nghe thì chỉ có thưởng thức. Vậy người nghe là người hạnh phúc nhất. Thời buổi này, người nghe vừa được nghe, vừa được xem biểu diễn, vừa được đọc tài liệu nghiên cứu thì hạnh phúc nhân 3 ! Cám ơn Internet và cám ơn KXH.

Với bài sưu tầm và cảm nhận âm nhạc: “Lẩn thẩn mấy bản nhạc Tây…” của KXH, tôi chẳng còn ý kiến gì góp thêm, chỉ tặng tác giả bốn chữ: Trên Cả Tuyệt Vời.

Vương Quốc Tấn
(Mùa Giáng Sinh, 2009)

 

Nguồn: http://cuongde.org

 

* Maurice Ravel ( 1875 – 1937) nhạc sỹ Pháp, đã có bản Bolero với một giai điệu ngắn, lặp đi lặp lại nhiều lần, rất nổi tiếng.

Bolero với dàn nhạc Andre Rieu


Vũ điệu Bolero, do Maurice Béjart (1927-2007) biên đạo múa

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây