Lẩn thẩn mấy bản nhạc Tây … tần ngần nghĩ tới lòng Ta ! (p.2)

CONCIERTO de ARANJUEZ

 

Kính tặng thầy VƯƠNG QUỐC TẤN
về những kỷ niệm đẹp với Thầy & Âm nhạc ở Quy Nhơn

5. Lòng vòng thêm lần nữa …

 
 

Hôm mua về cuộn băng Romantic Guitar, Paul Brett đàn cùng giàn nhạc. Lúc đầu định đổi lấy cuộn khác, bởi vì cách chơi thiên về Rock n’Roll, không quen với cái tai “cổ điển” của tôi. Nhưng rồi nghe đi nghe lại đôi ba lần thấy cũng được, cũng hay. Một phần vì hòa theo tiếng đàn guitar của ông có mấy tay kéo violon nghe mượt lắm. Nên tôi giữ lại cho tới giờ.

 

 
 
 

Nhưng cũng không hẳn như thế, vì trong băng nhạc này có một bài tôi không thích, dù đã nghe đi nghe lại nhiều lần, đó là bài CONCERTO DEARANJUEZ (tôi ghi nguyên văn như bản in trên bìa băng kẹp Thái. Mặt B, bài số 7).

Bìa băng nhạc: Romantic Guitar – Paul Brett

Thật ra bài này tôi đã nghe đâu đó rồi, nhưng không thể nhớ ra. Chắc vậy, nên tai tôi “bảo rằng” phải đàn theo kiểu khác kia, bớt cowboy một chút thì mới ổn. Hơn nữa nó là một concerto kia mà! Nhạc bác học ai lại đàn kỳ vậy. Một concerto, thường có 3 đoạn riêng biệt về tiết tấu & giai điệu. Đằng này Brett đàn dồn dập một mạch không nghỉ. Tôi nghĩ ông đã “phàm phu tục tử” quá (ít lâu sau mới biết trong băng này Brett chỉ chơi mỗi đoạn giữa thôi: giai điệu bản nhạc tấu chậm trên nền hòa thanh nhanh, khá lạ tai). Sau này nghe được nhiều dòng nhạc tương phản nhau và nhiều bản biến tấu màu mè (dựa trên giai điệu một tác phẩm có trước, nhưng rất hiệu quả về âm thanh), tôi mới bớt đi cái gay gắt tự thuở ban đầu ấy.

Hiểu biết âm nhạc của tôi hồi đó lơ mơ và chắp vá lắm. Mà muốn thoát khỏi cảnh lơ mơ, chắp vá này cũng không biết phải làm sao. Bây giờ sự thể đã khác, tắc chỗ nào là cứ lên mạng tìm. Tôi chẳng biết Paul Brett là người ở đâu, Tây hay Mỹ, nữ hay nam. Cứ gán đại là một quý ông cho chắc, xác xuất trúng hẳn nhiều, vì mấy khi đàn bà, con gái chơi guitar chuyên nghiệp đâu (may cho cái sự đoán mò của tôi không trật). Rồi CONCERTO DEARANJUEZ nghĩa là gì ? Mấy lần tra tìm ở hai bộ từ điển Anh lẫn Pháp, không thấy từ này. Thì ra người ta in nhầm, viết đúng phải là CONCERTO_DE_ARANJUEZ.

Trong lòng đôi khi dấy lên nỗi bực bội vì bất lực. Tôi có tập chơi guitar, nhưng tìm mãi cũng không thấy bản nhạc này.
Lại đành bỏ dỡ. Gác chuyện văn nghệ sang bên để lo việc cơm áo thường ngày.

 
 

Đến khi công nghệ ghi âm kỹ thuật số ra đời, tôi có được một CD của Nana Mouskouri, cách cô hát Concerto de Aranjuez thuần cổ điển, khác với cách chơi của Brett. Gần giống với hồi ức của tôi về bản nhạc này từ 10 năm trước. Rất ưng ý.

 
 

Tại sao tôi phải lẩn thẩn đeo đuổi mãi với một giai điệu xa lạ ? Chuyện hoàn toàn có thể giải thích được, nhưng dông dài lắm, lại phải cái tính cả thẹn, nên tôi chỉ có thể tóm tắt là: tính nết tôi nó vậy, tò mò tọc mạch thôi, chẳng có ý gì. Nhưng nếu ai có dịp nghe bản nhạc này thì chắc hẳn phải đồng ý với tôi rằng giai điệu nó thật đẹp. Cái đẹp chen lẫn đâu đó giữa phương Đông và phương Tây. Lại bí ẩn nữa. Bí ẩn nằm ở tiêu đề Aranjuez. Chắc phải là tên của một cô gái ? Một bản nhạc hay như thế, bằng cặp mắt tinh đời hẳn nhạc sĩ phải viết tặng cho một quý nương nào đó. Tên ông nhạc sĩ ấy là gì nhỉ ? Càng thêm bí ẩn ?

 
 

Có thể nói Cd’A (Concierto de Aranjuez) và tôi như có duyên nợ. Ban đầu như một cô gái bình thường có giọng hát hay, làm tôi để ý chút ít, rồi xa nhau. Đôi khi nhớ thì trông ngóng hồi lâu, rồi lại quên đi theo năm tháng. Đợi chờ, mong tin … Sau bao năm cất công tìm kiếm, để rồi vào một ngày nào đó thật đặc biệt trong đời, tôi đã gặp. Nhưng “nàng“ không có nội tâm đơn giản như tôi hằng nghĩ. “Cô gái” ấy bí ẩn hơn nhiều và yêu kiều không gì tả hết. Vậy làm sao để hiểu được Cd’A.

 

Không hiểu sao trong lúc khó khăn nhất, tôi chợt nhớ tới bài học của hai vị thầy kính mến là: cô Ngọc Diệp và thầy Hồ Sĩ Duy. Chuyện như thế này:

 
 

Năm lớp đệ lục, bài soạn giảng văn của chúng tôi luôn luôn được cô giáo vạch sẵn một cái sườn chung là: 1. Giải nghĩa từ ngữ khó, 2. Tiểu sử tác giả, 3. Bố cục, 4. Đại ý, 5. Hình thức – Nội dung. Từ mục Đại ý trở lên, tôi còn làm được đôi chút, chứ tới mục cuối cùng: Hình thức – Nội dung thì tắc tị. Một học sinh lớp đệ thất, đệ lục lúc đó như tôi không thể nào tưởng tượng ra (không chừng lại ngờ vực), một đoạn văn lại chứa hình thức, nội dung gì trong đó. Bài soạn về nhà tới hai mục này, tôi chỉ nguệch ngoạc hai ba dòng là chấm hết. Có khi quá bí, mượn vở một tên bạn đã học buổi trước chép đại phần này vào cho xong !. Nên trong vở soạn, thường chưa bao giờ tôi đạt tới 10/20 điểm. Buồn ý quá, có lần tôi (cậu bé 12 tuổi) bạo gan hỏi cô: “Thưa cô, sao soạn văn phải có Hình thức – Nội dung ?”. Giờ không còn nhớ lúc ấy cô giải thích ra sao (có lẽ cô cũng không hiểu thằng bé – ngây ngô này- định hỏi về cái gì. Một vấn đề quá là rõ ràng !), nhưng việc soạn giảng văn để được điểm cao thật khó với tôi.

 
 

Lên lớp 9 (sau này đã đổi cách gọi tên, cách đó một năm người ta gọi lớp 9 là lớp đệ Tứ), thầy Hồ Sĩ Duy dạy văn chúng tôi. Bài giảng văn bây giờ không còn đơn giản là một trích đoạn văn học, mà là một tác phẩm lớn như Đoạn trường Tân thanh của cụ Nguyễn Du. Chúng tôi phải thuyết trình về một khía cạnh nào đó của tác phẩm. Giờ đây bài soạn có thêm mấy mục rất là “to tát” như Hoàn cảnh ra đời tác phẩm, Thân thế và sự nghiệp tác giả. Tôi không hiểu sự có mặt của mục Hoàn cảnh ra đời tác phẩm thì có liên quan gì tới Đoạn trường Tân thanh. Đem hỏi thầy. Thầy bảo: “Em không thể hiểu đầy đủ một tác phẩm nếu em không biết nó ở vị trí nào, hoàn cảnh ra sao trong bối cảnh chung của đất nước”.
Bảo thì nghe vậy, nhưng lúc đó hiểu được chút ít điều thầy giảng giải (thật ra lúc đó tôi lại tiếp tục mù mờ với cụm từ: ‘bối cảnh chung của đất nước‘ !), với tôi chẳng dễ dàng.

 
 

Đến nay, khi thông tin quá thừa thải đến độ không xử lý nổi, tôi sực nhớ tới công việc mà thầy cô đã giảng năm xưa.
Bố cục, đại ý, thân thế sự nghiệp tác giả … bỗng tái hồi như chiếc cầu liền lạc mọi hòn đảo kiến thức rời rạc mà tôi đã nhặt được trên Internet.

 

Sau gần 20 năm để tâm và tìm kiếm không liên tục. Giờ tôi mới viết được một bài sơ khảo về Cd’A , coi như tiếp tục bài soạn văn mà anh học trò năm xưa, đã hiểu không tới bài giảng của thầy cô.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây