1. Lòng vòng …
Băng, đĩa nhạc ở miền Nam Việt Nam, sau 15 năm lặng lẽ thì vào đầu những năm 1990, lại âm thầm chộn rộn hẳn lên hiện tượng: hàng loạt ấn phẩm âm nhạc Âu-Mỹ ngoài luồng xuất hiện, “đựng” trong loại băng cassette, bọc nhựa 3 mặt, mà giới mua bán gọi là Băng kẹp Thái. Sự kiện băng kẹp Thái, sau này sẽ được giới nghiên cứu việc quảng bá kỹ nghệ âm nhạc đề cập kỹ lưỡng.
Với tôi, đó là một cơn mưa dầm, giải hạn cho giới mê nhạc ở Việt Nam. Thôi thì đủ mọi thể loại, nhạc có lời, nhạc không lời; từ phổ thông đại chúng tới các bài bản hàn lâm. Xuất xứ là Audio CD gốc, bay từ Mỹ qua mấy “lò” sang băng của Thái Lan để tới xứ Việt.
Chất lượng âm thanh tuy không đồng đều ở từng loại nhưng chấp nhận được.
Hình thức in ấn đơn giản. Bìa nhạc chỉ là một tờ giấy couché mỏng in offset vuông vức 10 phân. Danh mục bài nhạc nhiều lỗi chính tả; không ghi xuất xứ, nội dung bản nhạc, cũng như tác giả và người trình diễn. So với thời đĩa nhựa 45 vòng, 33 vòng ngày trước thì băng kẹp Thái có hình thức quá tệ.
Yêu cầu thương mại làm giảm đi nét sang trọng của của sản phẩm. Nhưng nó đã được người yêu nhạc Việt Nam hồi đó chấp nhận như một thứ nước giải khát bình dân cho khách đường xa.
Hồi đó mỗi tháng tôi chỉ có thể mua nỗi một, hai băng nhạc (giá tiền mỗi cái ước chừng một tô phở) là nghe suốt tuần từ cái máy cassette xách tay nhỏ. Vì vậy cuộn băng nghe 70 phút ở đầu tháng, sang cuối tháng trở nên “dài” hơn 70 phút1.
Tôi thường mua loại nhạc đàn guitar, có giai điệu dễ nghe, để có thể “nhâm nhi” hoài không chán.
Người khác nghe nhạc, thì quan tâm tới âm thanh, còn tôi lại lẩn thẩn “dòm ngó” tới tác giả và mấy chuyện lòng vòng loanh quanh bản nhạc.
Chẳng qua là trong mớ băng nhạc guitar, chừng hơn chục cái của tôi, có ba bài nhạc thật hay nhưng xung quanh nó có nhiều tình tiết thực hư làm tôi cứ băn khoăn mãi, đó là các bài: Johnny Guitar, Romance d’Amour và Concerto de Aranjuez.
Điểm chung ở ba bài này là rất phổ thông. Chúng có nhiều phiên bản với nhiều loại hình biểu diễn khác nhau. Đồng thời cả ba cũng có điểm giống nhau là xuất xứ không rõ ràng.
Vào những năm 1990, tìm cho ra ngọn ngành một nhạc phẩm là điều không tưởng.
Phải nhiều năm sau…
Năm 1997, với tôi thật đáng ghi nhớ, bởi hai việc:
Thứ nhất, băng kẹp Thái mất dần chỗ đứng, nhường chỗ cho CD chép lậu của Tàu. Âm nhạc ngoài luồng tiếp tục khởi sắc bởi chủng loại đa dạng hơn, giá cả rẻ hơn. Đặc biệt tiện dụng vì chuyển sang cách lưu trữ, ghi âm bằng kỹ thuật số.
Thứ hai, ở Quy Nhơn dân chúng bắt đầu được dùng Internet; tìm kiếm thông tin & gửi thư qua mạng.
Internet của mấy năm cuối thế kỷ 20, đường truyền quay số chậm quá. Thông tin trên mạng lúc đó cũng chưa nhiều.
Sang đầu thế kỷ 21, đã có kết nối ADSL, cùng sự lớn mạnh của cỗ máy tìm kiếm Google, tôi nghĩ với chút nỗ lực, mình có thể google để tìm điều mà năm 1990 tôi không thể.
Nhưng nó có vẻ như tôi đã làm chuyện dò kim đáy bể. Hiện tại, vào năm 2009, ở Việt Nam gõ mấy chữ như Johnny Guitar tại ô tìm kiếm Google trên computer để có một sự thật như ý muốn quả không dễ dàng. Trong vòng 0,10 giây, nó thông báo có 20.100.000 kết quả liên quan tới Johnny Guitar.
Từ một thời điểm không bao giờ có thể, cách đây 20 năm, đến nay có tới nhiều triệu điều có thể. Kinh khủng quá ! Nhưng quá nhiều thông tin lại không là chuyện đáng mừng, vì nó đã vượt ra ngoài khả năng xử lý thông thường của con người.
Sau khi mệt mỏi lần mò đọc từng mẩu tin, tôi mới nhận ra Google chứa “rác” cũng nhiều. Chẳng khác gì đãi vàng trong sa mạc ! Không lẽ bỏ cuộc !
Và để có những kết quả như mong đợi, tôi đã phải vất vả kết hợp nhiều phương tiện cũ mới khác nhau. Giờ đây mới đạt được đôi điều.
Chú thích:
1 Các bạn có biết tại sao không ?
cảm ơn
sau mấy chục năm mà nghe vẫn cuốn hút, cảm ơn chị Lệ Thu, chúc giọng ca của chị mãi mãi vẫn hay như thủa đầu
cảm ơn
rất hay vẫn hay sau 40 năm
Thuở ấy có em!
Nghe Hà Thanh, qua đĩa nhựa, thật nhiều cảm xúc dội về.
Cám ơn trang amnhac.fm
Trân trọng
Tran Giao