Trần Minh Phi
3.2011

Lê ThươngLê Thương là một trong những cánh chim đầu đàn của tân nhạc (cùng thế hệ với Dương Thiệu Tước, Văn Chung, Lê Yên, Thẩm Oánh, Nguyễn Xuân Khoát, Dzoãn Mẫn...), ông từng là một thầy dòng nhưng rồi lại bỏ áo tu - chắc vì tâm hồn quá lãng mạn và đa tình. Tuy vậy, chất "thầy" vẫn còn thấm đượm trong ông nên dù có viết nhạc "hoa bướm"cỡ nào thì ông vẫn được tiếng là nghệ sĩ có cuộc sống rất chừng mực, giản dị và trí thức (sau khi bỏ áo tu ông làm nghề giáo). Lê Thương sừng sững như ngọn núi cao trong tân nhạc với bộ ba Hòn Vọng Phu (1,2 và 3) với câu chuyện thiếu phụ Nam Xương chờ chồng hoá đá. Bắt đầu bằng bài tình ca nhỏ Nàng Hà Tiên từ thập niên 40 đến Hòn Vọng Phu đồ sộ, nhạc của ông tựa hồ là những câu chuyện kể...

Kể chuyện tình sử

Hồi đó, Lê Thương ôm một mối tình câm, lãng mạn như bài thơ "Lòng ta ôm một mối tình/Tình trong giây phút thành tình thiên thu...". Nghe nói, người trong mộng của ông sau này trở thành phu nhân một nhạc sĩ cũng rất nổi tiếng khác: Nguyễn Thiện Tơ - người lưu danh hậu thế với "Giáo đường im bóng" (bài hát này được tác giả viết lúc mới 17 tuổi, hình như đó là một kỷ lục của Tân nhạc). Tình cảm này đã giúp Lê Thương viết bài "Nàng Hà Tiên". Ông mượn chuyện khác để nói chuyện lòng mình. Đây là bài hát nhiều người cho là dự báo cho Hòn Vọng Phu - kiệt tác của ông sau này.

Cũng mô-típ chuyện tiên và hư hư thực thực như Thiên Thai (Văn Cao) nhưng ở Lê Thương nghiêng về trần thuật (kể) hơn là trữ tình. Ông kể rằng người yêu người rồi đẻ ra tiên, tiên cũng vì yêu nên biến thành một bờ bến thơ mộng và hùng vĩ là địa danh Hà Tiên, một thắng cảnh du lịch: "Từ mộng thuyền quyên/Tới giấc mơ huyền/.../Từ rày Hà Tiên/Thành một bờ bến..." (Lời bài Nàng Hà Tiên). Lúc này, Lê Thương cho thấy sự nổi bật của ông là ở kỹ thuật cao tay, dám viết những câu nhạc rất dài nhưng khúc chiết, linh hoạt và bay bướm (nếu không có tài và không cao tay ấn sẽ làm câu nhạc dài dòng, rối rắm, khó cảm) cũng như là trí tưởng tượng phong phú, bay bổng.

Thập niên 40, ngoài những bản nhạc Tây rất thịnh hành trong thanh niên trí thức mới (thời đó bị lên án là những kẻ khai tử Nho học) thì một số bài hát Nhật cũng được phổ biến rất rộng rãi qua những ca khúc Nhật chuyển lời Việt như: "Hà nhật quân tái lai" của Văn Chung... (điều này cho thấy ý kiến nhạc Nhật chưa bao giờ ảnh hưởng đến Việt Nam là thiếu cơ sở, ngược lại, nó đã có từ lâu cùng với lúc nhạc Tây du nhập vào nước ta - tuy có ít hơn). Có lẽ vì yêu mến những giai điệu đẹp và man mác của các ca khúc Kohan No Yado, Mori No,Shina No Yoru... Lê Thương đã mượn âm giai Nhật để viết nên bài "Thu trên đảo Kinh Châu" rất được mến mộ thời bấy giờ. Tuy nhiên, đây là một sáng tác có chủ tâm của Lê Thương khi lấy bối cảnh và nội dung Nhật đưa vào bài hát này rồi dùng âm điệu xứ sở Mặt trời để thể hiện.

Giai đoạn này, Lê Thương cũng được biết đến với các bài hát "Bản đàn Xuân", "Một ngày xanh" là những tình ca buồn êm dịu nhưng tên tuổi ông chỉ thật sự chói ngời khi soạn ra bộ ba bài hát dài hơi và giá trị cao là Hòn Vọng Phu. Đây là sáng tác đánh dấu sự phát triển đến mức cao nhất những thủ pháp viết ca khúc và phát triển ngũ cung, cũng như bút pháp ca từ của "thương hiệu" Lê Thương: sử dụng ca từ như một câu chuyện kể, kể những câu chuyện tình mang dáng dấp sử thi.

Nhạc Lê Thương đáng bàn đến nhất là ba bản nhạc trong trường ca Hòn vọng phu với những âm điệu gần gũi âm giai ngũ cung của dân ca Việt Nam và ảnh hưởng của Chinh phụ ngâm khúc.

Hòn Vọng Phu 1 được ông viết tại Bến Tre, khoảng năm 1943. Mở đầu bài hát với tiếng trống trận thúc dục:

Lệnh vua hành quân trống kêu dồn
Quan với quân lên đường
Đoàn ngựa xe cuối cùng
Vừa đuổi theo lối sông
Phía cách quan xa trường
Quan với quân lên đường
Hàng cờ theo trống dồn
Ngoài sườn non cuối thôn
Phất phơ ngậm ngùi bay...

Người ở lại ngày ngày ôm con ngóng chồng trở về và cuối cùng mỏi mòn và hóa ra đá:

... Người biến thành tượng đá ôm con.

Khoảng năm 1946, ông sáng tác thêm Hòn Vọng Phu 2 tức Ai xuôi vạn lý. Người hóa đá vẫn chờ mong, giai điệu nhạc thật buồn:

Người vọng phu trong lúc gió mưa
Bế con đã hoài công để đứng chờ
Người chồng đi đã bao năm chưa thấy về
Đá mòn nhưng hồn chưa mòn giấc mơ...
...Mà chờ người đi mất từ ngàn xưa
Nàng đứng ôm con xem chàng về hay chưa?
Về hay chưa?
Có ai xuôi vạn lý, nhắn đôi câu giúp nàng
Lấy cây hương thật quý, thắp lên thương tiếc chàng...

Hòn Vọng Phu 3 tức Người chinh phu về viết xong năm 1947. Cuối cùng người chinh phu trở về, nhưng cuộc trở về đã quá muộn màng, ai oán:

...Nhớ cố hương lưu luyến tấc lòng mau dồn chân
Vết bước đi trên phiến đá mòn còn in dấu
Từ bóng cây ngôi mộ bên đường
Từ mái tranh bên đình trong làng
Nguồn sử xanh âm thầm vẫn sống
Bao mối thương vang động trong lòng.

Trường Ca Hòn Vọng Phu đã làm nổi bật tên tuổi của nhạc sĩ Lê Thương trong lịch sử âm nhạc Việt Nam...

Tính châm biếm và tâm hồn trẻ thơ

Là một nhạc sĩ/nhà giáo nên Lê Thương rất quan tâm đến thời thế, xã hội cũng như tuổi thiếu nhi -một đối tượng chính của giáo dục. Vì thế, trong sự nghiệp âm nhạc của ông còn hai mảng đề tài khác rất thành công là nhạc châm biếm chính trị - xã hội và nhạc thiếu nhi.

Như chuyên đề này đã đề cập, cuối thập niên 40, trong làng tân nhạc xuất hiện một xu hướng viết nhạc mới khá độc đáo, không tình ca mà cũng không hùng ca, đó là nhạc hài hước của Trần Văn Trạch (nghệ sĩ này là người đầu tiên của Việt Nam để tóc dài như phong trào hippy sẽ xuất hiện và tạo thành cơn sốt tận thập niên... 60 về sau). Ông lập nhóm ATV, viết mới dân ca thành những bài ca hài hước, phê phán, đả kích rất hóm hỉnh những vấn đề thời sự chính trị/xã hội. Trong danh mục của Trần Văn Trạch, luôn có mặt các bài hát theo phong cách này của Lê Thương.

Ông được xem như người tiên phong trong các sáng tác này với các bài: Hoà bình 48 (phê phán sự mỵ dân đội lốt hoà bình), Làng báo Sài thành (đả kích báo giới bồi bút, bất tài và ham tiền), Đốt hay không đốt (châm biếm máu Hoạn Thư)... Những bài hát này sử dụng ngôn ngữ rất bình dân và cách dùng phong ngữ rất giàu địa phương tính (tuy vậy, nó vẫn đảm bảo được tính nghệ thuật chứ không phải như những ca từ bây giờ của một số tác giả trẻ "học đòi" bình dân nhưng rất phản nghệ thuật).

Nhạc thiếu nhi của Lê Thương thì càng tuyệt hơn nữa. Nói không ngoa, ông cùng với Nguyễn Xuân Khoát là hai trong những bậc sư tổ của nhạc thiếu nhi Việt Nam (sau này sẽ ra đời nhiều cây bút bay lên từ nền tảng này: Phong Nhã, Hoàng Long - Hoàng Lân, Phạm Tuyên, Trương Quang Lục...). Ai mà không nhớ những đêm Trung Thu tuổi thơ với lung linh bài hát Thằng Cuội? Cũng là một kiểu kể chuyện duyên dáng gần với đồng dao, và giai điệu đẹp rất Việt đã mang đến cho tuổi thơ chúng ta bao thi vị về chú Cuội, Hằng Nga, cây đa... Rồi lớn lên một chút, chúng ta lại hát vang: "Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau..."(bài Học sinh hành khúc).

Một tâm hồn mẫn cảm, "hiệp sĩ" và trẻ thơ đã cùng với tài hoa Lê Thương tạo nên những tác phẩm trứ danh thấm đẫm tình quê hương mà vẫn mở lòng ra với bốn phương, chắc chắn là điều để những nhạc sĩ hậu thế khi tiếp cận và thâu thái âm nhạc đương đại thế giới phải ngẫm nghĩ khi đứng giữa ranh giới "học đòi và học hỏi - bắt chước và sáng tạo".

Trần Minh Phi

Nguồn: Gia Điệu Xanh
 
  
LTS. Xin giới thiệu ba bài Hòn Vọng Phu trong album Đêm Ngàn Khơi 3 - Hòn Vọng Phu:

- Hòn Vọng Phu 1: Đoàn Người ra Đi - Ban Hợp ca Ngàn Khơi


- Hòn Vọng Phu 2: Ai Xuôi Vạn Lý - Bích Liên và Ban Tứ ca Ngàn Khơi


- Hòn Vọng Phu 3: Người Chinh Phu Về - Tạ Chương và Ban Hợp ca Ngàn Khơi


Và  đây là ba bài Hòn Vọng Phu do Lê Văn Khoa điều khiển dàn nhạc giao hưởng Royal Melbourne Philharmonic và  Ban Hợp Xướng Việt Nam ở Melbourne Town Hall, 22.10.2005: