Cô Gái Đồ Long
28.6.2012

Có một trường hợp khá đặc biệt trong giới văn nghệ Sài Gòn, là chuyện của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. Nhớ khi ông mất, lướt qua vài trang điện tử đưa tin, thì ngoài những ca khúc rất phổ biến như Bông hồng cài áo, Tóc mây, Thuyền hoa, Áo lụa vàng, Thương quá Việt Nam, Nắng Lên Xón Nghèo, Hoa vẫn nở trên đường quê hương…thì tuyệt nhiên không hề thấy nhắc tới một ca khúc khá đình đám của ông là “Trăng tàn trên hè phố”. Cũng phải thôi, bài này không được phép lưu hành. Có lần ngồi uống trà tán dóc trong Sở VH -TT, khi tui nhắc tới ca khúc này thì một anh phản bác ngay: “Nhạc vàng, nhạc nói về lính Cộng Hòa sao cho phép lưu hành được!”. Tui gân cổ cãi: “Phạm Thế Mỹ là người sáng tác rất nhiều ca khúc về Đảng về Bác Hồ; trong đó có cả một ca khúc tựa đề giống như hô khẩu hiệu là Nhớ ơn Bác, nhớ ơn Đảng...Nếu tính ra là...nhân thân ổng cũng ok mà! ”. “Thì chuyện nào ra chuyện đó…”. Lần đó tui còn bị chửi là mất quan điểm nữa. Phạm Thế Mỹ sinh thời là cán bộ quản lý văn hóa, ông làm việc tại Phòng Văn hoá - Thông tin Quận 4 TP.HCM cho tới khi về hưu. Một lần ngồi ở sân Hội Âm nhạc kể chuyện này với Phạm Thư Sinh – con trai Phạm Thế Mỹ, đang làm bên VTV, anh cũng cười cười bảo: “Có lẽ vì ca khúc Trăng tàn trên hè phố mà ông già lận đận cả đời, từ sau 1975 tới khi hưu ổng chỉ là một nhân viên làng nhàng, chả bao giờ được cất nhắc…”

Nhạc vàng – nói cụ thể hơn là nhóm những bài hát có nội dung chính trị, không chỉ làm khó những người sáng tác ra nó; mà còn hệ lụy tới những người hát và cả những người làm kinh doanh băng đĩa khi nhiều thứ không rõ ràng xuất phát từ những nhà quản lý. Còn nhớ năm 2005, chỉ sau 3 ngày phát hành TT băng nhạc Lạc Hồng đã phải thu hồi lại 10,000 album “Tình ca 50” của Đàm Vĩnh Hưng vì mấy bác quản lý văn hóa lúc đó để lọt lưới bài Phố Đêm. Năm ngoái đây, Bến Thành A&V cũng để lọt lưới “Chuyện buồn ngày xuân” trong album của Vân Khánh - Tình Ca Lam Phương (Vol.2). Danh sách bị lọt đến nay khá dài nên thiệt tình là tui không nhớ nổi. Hầu hết mấy bài dạng này đều là “Nhạc vàng” có khúc điệu lê thê, rũ rượi; sử dụng ít bộ gõ với nhiều ca từ bi quan và yếm thế. Và, như cách nói của mấy bác Vixi là nó gắn liền với chế độ cờ vàng ba sọc; ca ngợi đời chiến binh. Hôm nay, lại nghe tiếp chuyện mấy anh an ninh văn hóa yêu cầu Phương Nam Phim thu hồi đĩa “Tàu đêm năm cũ” của Vi Thảo, vừa mới phát hành cách đây hơn tuần. Cũng khó trách ca sĩ, ai biểu mấy bài đó…hay làm chi! Hôm ra mắt album “Tàu đêm năm cũ” mọi người cũng hơi bất ngờ khi nghe bài “Chuyến tàu hoàng hôn” bị gạt khỏi danh sách xin phép hát nhưng bài “Tàu đêm năm cũ” lại được ok qua phà. Đĩa này do Bến Thành A&V xin giấy phép, còn PNF chỉ là đơn vị phát hành; nghe đồn là bữa nay đã bán hết sạch rồi, nên việc thu hồi đĩa là khó thể!

Nhiều người vẫn hay thắc mắc, không hiểu vì cái quái gì mà Cục Nghệ thuật Biểu diễn phớt lờ yêu cầu cho công khai danh sách những bài hát đã được cấp phép phổ biến để mọi người biết; tránh việc lọt lưới đồng thời giảm thiểu thủ tục rườm rà khi có nhiều bài phải xin phép hết lần này tới lần nọ. Hài nhất là có những bài ca sĩ này xin phép ghi âm được còn ca sĩ kia thì bị từ chối. Nghĩa là, nên lập một danh sách tác phẩm cấm lưu hành, và những bài còn lại mặc định được phép hát, ghi âm; nếu vi phạm sẽ xử phạt. Làm như vậy đơn giản, và điều quan trọng là phá bỏ đi thói quen “xin - cho”; mà đã xin – cho thì…ôi thôi, thường tiêu cực lắm…!!!

…………

Nghe Vi Thảo hát “Tàu đêm năm cũ



Đặng Trần Vi Thảo là gương mặt từng rất quen thuộc trong top 10 "Sao Mai điểm hẹn" đình đám khi tổ chức lần đầu vào 2004 - năm này có Nguyễn Hồng Nhung ồn ào vụ ảnh sex nè. Rời cuộc thi, Vi Thảo quyết định đi một hướng không giống ai: Hát nhạc tình xưa, khi các ca sĩ xuất phát từ cuộc thi với cô đều theo đuổi dòng nhạc trẻ. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi album “Yêu và mơ” (vol.1) ra mắt từ 2006 đến tận 2012 Vi Thảo mới thực hiện đĩa thứ 2 này...

Cô Gái Đồ Long

Nguồn:http://www.facebook.com/profile.php?id=1674099665
  
Chi chú của Amnhac.fm: Các bạn có thể nghe album Tàu Đêm Năm Cũ theo link này:
 

   
Bình luận

Đăng Nhập/Xuất